TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Diễn đàn Khuyến học & Giáo dục | Đôi điều suy nghĩ về yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Diễn đàn Khuyến học & Giáo dục 04.2024
Đôi điều suy nghĩ về yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo
10.2012

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã có nêu rõ định hướng đối với Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trước đòi hỏi của đất nước, là phải Đổi mới Căn bản và Toàn diện. Sắp tới, Đảng cũng sẽ bàn sâu hơn để có nghị quyết về vấn đề này tại Hội nghị TW 6. Hiện nay toàn ngành GD&ĐT và cộng đồng xã hội (XH) đang có những chuẩn bị tích cực để đón nhận và thực hiện các quyết sách mới của Đảng đối với nhiệm vụ hệ trọng này.

Qua nghiên cứu Văn kiện Đại hội Đảng và đọc một số bài viết của các nhà khoa học, nhà giáo và của nhiều bạn đọc quan tâm đến GD&ĐT về vấn đề này, tôi xin được tham gia một vài ý kiến như sau :

1- Thế nào là Đổi Mới (ĐM), vì sao phải ĐM GD&ĐT ?

    Hiểu nôm na thì ĐM một lĩnh vực hoạt động (xin gọi tắt là HĐ) trong đời sống kinh tế-xã hội (KT-XH) là thay đổi một số yếu tố, một số điều kiện, một số cấu trúc,...và nhất là thay đổi cách vận hành, ... của HĐ cho phù hợp với môi trường mới, để HĐ đó có chất lượng và hiệu quả tốt hơn lên.

  Đó là quá trình làm biến đổi trạng thái A1 của HĐ A thành trạng thái A2 của nó,  nếu chưa đạt sẽ tiếp tục thực hiện các biến đổi A2 thành A3, thành A4,...cho đến lúc đạt được những yêu cầu đã đề ra. Quá trình ĐM này vẫn bảo toàn cái bản chất của A, chứ không thể là quá trình biến đổi HĐ A thành HĐ B, tức là đã thay đổi hẳn bản chất rồi. Các trạng thái A1, A2, A3,...của HĐ đều tương đồng về nhiều mặt, cùng một chủng loại, cùng một chức năng KT-XH,... cùng mang một bản chất A, chỉ khác nhau ở trình độ phát triển, cái sau tiến bộ hơn cái trước. Còn nếu làm cho một HĐ mang bản chất A biến thành một HĐ mang bản chất B, khác hẳn, thì không thể gọi đó là ĐM (mà đó là sự phủ địmh A và tạo dựng B  hoàn toàn khác A). Và do đó cũng cần phải lưu ý thêm điều này : ĐM A không phải là phải thay đổi tất cả những gì đang hiện hữu ở nó, mà chỉ thay đổi ở những khâu nào, bộ phận nào, công đoạn nào,... có biểu hiện lạc hậu, không còn phù hợp với yêu cầu mới, còn những gì đúng và đang có hiệu quả thì vẫn duy trì và cần được bảo vệ. Dứt khoát rằng ĐM không đồng nghĩa với phủ định, và càng không phải là phủ định sạch trơn, phủ định ào ạt, ..thiếu cân nhắc, thiếu một thái độ thận trọng khoa học.

  Chẳng hạn như ở đây, chúng ta phải hiểu ĐM GD&ĐT là để có một nền GD tốt hơn trước, vẫn giữ được bản chất là một hoạt động đào luyện con người, với mục đích nhân văn cao cả, chứ không thể biến thành một dịch vụ đơn thuần cung cấp tri thức và kỹ năng lao động, mang bản chất là một hoạt động mua và bán, với mục tiêu lợi nhuận. Và cũng không được hiểu quá trình ĐM với GD&ĐT sắp tới là một sự rũ ra để làm lại tất cả, làm lại từ đầu. Không thể chấp nhận thái độ cực đoan duy ý chí là phải phủ định sạch trơn nền GD hiện nay để làm một nền GD mới hoàn toàn và khác hẳn, dù rằng thực trạng của nó đang có rất nhiều vấn đề phải xem xét để ĐM !

  Từ đó cũng dễ dàng nhận ra lý do phải ĐM là do GD&ĐT đã trở nên yếu kém, lạc hậu, ...không đáp ứng được đòi hỏi mới của KT-XH,..(*). Sự yếu kém, lạc hậu của GD&ĐT Việt Nam đã đến mức đáng báo động và đáng xấu hổ - so với nhu cầu XH, so với GD khu vực và thế giới, so với truyền thống tốt đẹp vốn có của GD nước nhà !... Và, Mục đích của ĐM là để có một nền GD tốt hơn trước. Xét từ bản chất, thì sự lạc hậu, yếu kém của GD&ĐT lâu nay sinh ra chính bởi nó (GD&ĐT) không được phát triển theo đúng quy luật của nó, nhất là trong bối cảnh mới đã khác trước. Lâu nay chúng ta làm GD&ĐT nhưng lại chưa biết và chưa hiểu đúng các quy luật của nó. Sự quản lý, điều hành GD&ĐT thường phạm vào sai lầm luẩn quẩn, duy ý chí, tức là vừa trái với quy luật của sự học, của sự phát triển GD&ĐT, vừa không sát với thực tiễn GD&ĐT của đất nước. Sai lầm đó thuộc loại sai lầm bản chất, sai từ gốc rễ  của vấn đề. Do đó để ĐM có hiệu quả GD&ĐT thì trước hết, phải chỉ rõ ra các quy luật của sự học cũng như của sự phát triển GD&ĐT. Những quy luật ấy phải được thể hiện rõ trong Triết lý của GD&ĐT. Thế mà triết lý của GD&ĐT Việt Nam lâu nay lại chưa được hiểu một cách rõ ràng, chưa được nêu ra một cách tường minh, lôgic và nhất quán!

   Cũng cần phải nói thêm điều này : Trong thực tiễn đời sống KT-XH, quá trình ĐM các HĐ vẫn luôn diễn ra thường xuyên, liên tục, hàng ngày hàng giờ, tạo thành một dòng chảy không ngưng nghỉ. Số đông các HĐ đều được ĐM theo hướng tích cực sẽ kéo theo sự phát triển tiến bộ của toàn bộ đời sống KT-XH. Nhưng bên cạnh đó bao giờ cũng vẫn còn những HĐ bị hướng theo xu hướng “phản ĐM” thì tất yếu sẽ trì trệ, và trở nên lạc hậu, suy thoái, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chung. Đương nhiên chủ thể quản lý và vận hành các HĐ – con người, phải chịu trách nhiệm về hiệu quả tốt hoặc xấu này của sự ĐM hoặc “phản ĐM” . Quá trình ĐM hàng loạt như trên đã trở thành một hiện tượng bình thường trong đời sống XH, trong tiến trình phát triển của đất nước, không phải lúc nào cũng phải đặt thành vấn đề là một sự kiện đặc biệt, hệ trọng, như chuyện ĐM GD&ĐT sắp tới mà chúng ta đang bàn. Lý do ở đây quả là không bình thường, thậm chí là đặc biệt : sự yếu kém của GD&ĐT đã đến mức báo động, trực tiếp cản trở đến sự phát triển chung, nhiều mặt của đất nước trong bối cảnh mới.

2- Thế nào là Căn bản ? Thế nào là Toàn diện ? Vì sao lại phải ĐM vừa căn bản, vừa toàn diện với GD&ĐT ?

  Thông thường thì ai cũng hiểu Căn bảnlà cốt yếu, qui định nên bản chất của sự vật, hiện tượng, còn Toàn diệnlà đầy đủ các mặt, không thiếu mặt nào (dựa theo Từ điển Tiếng Việt). Về mặt hình thức thì tính toàn diện bao hàm cả tính căn bản, nhưng về bản chất thì tính căn bản lại chi phối, quy định tính toàn diện đối với từng HĐ.

  Nói ĐM căn bản đối với GD&ĐT, phải chăng là phải ĐM các thành tố cốt yếu nhất, các hoạt động chủ yếu và đặc thù nhất, các thiết chế xã hội điển hình và phổ biến nhất, các điều kiện cốt tử nhất...của GD&ĐT. Bởi vì chính những cái đó luôn định hướng cho sự phát triển GD&ĐT, chúng tạo ra diện mạo riêng của GD&ĐT, chúng làm nên chất lượng GD&ĐT,...Phải chăng đó là Triết lý GD, rồi tiếp đó là Nội dung và Phương pháp GD, ...là hoạt động Dạy và Học, là cơ cấu hệ thống GD quốc dân, là GD nhà trường-GD gia đình-GD xã hội và Xã hội học tập, là công tác xây dựng đội ngũ, là công tác Quản lý trường học và Quản lý GD&ĐT nói chung, là môi trường KT-XH của GD&ĐT,... Trong những nhân tố căn bản đó thì phải xác định được cái nào là căn bản nhất, bao trùm lên tất cả ?

Còn ĐM toàn diện thì phải hiểu như thế nào để không lẫn lộn với ĐM căn bản, bởi vì ở đây chúng ta đang xem xét cùng một lúc cả hai yêu cầu ? Chả nhẽ ĐM toàn diện lại được hiểu là ĐM tiếp với những “phần còn lại” sau khi đã nhặt ra các “phần căn bản” vừa nói ở trên ? Hoặc là phải xem xét tiếp dưới các góc nhìn khácnữa của quá trình ĐM, để mới yên tâm là không sót mặt nào cả ? Chẳng hạn, có thể xét đến những biểu hiện của HĐ GD&ĐT, như là các mối quan hệ : quy mô và chất lượng, mũi nhọn và đại trà, giữa các mặt Đức-Trí- Thể- Mỹ,...trong chất lượng GD&ĐT, giữa các mục tiêu Dạy Chữ- Dạy Nghề- Dạy Người, giữa dân trí-nhân lực-nhân tài, giữa Nội lực và Ngoại lực, giữa các ngành/ bậc/ cấp học, giữa GD các vùng miền ?,...

  Và thêm nữa, phải hiểu tính Toàn diện như thế nào cho đúng trong mối quan hệ với tính Căn bản, để trong thực tiễn triển khai quá trình ĐM không bị sa vào xu hướng dàn trải, không biết đâu là trọng tâm, trọng điểm, không xác định được đâu là khâu then chốt, đột phá ! Do đó cũng cần phải lý giải cho rõ : giữa hai tính Căn bản và Toàn diện thì tính nào giữ vai trò chủ đạo của quá trình ĐM ?

     Quả đúng là hơi khó phân biệt rạch ròi nội hàm của từng yêu cầu Căn bản và Toàn diện, nhất là khi chúng ta lại xem xét đồng thời cả hai yêu cầu trên cùng một HĐ. Bởi vậy, theo chúng tôi thì chỉ nên thống nhất những “đối tượng” của sự ĐM mà nhìn vào đấy đều thấy đã bao hàm cả hai tính Căn bản và Toàn diện. Chẳng hạn, có người đã nêu ra những “đối tượng” sau đây của quá trình nghiên cứu ĐM : Mục tiêu của nền GD và mục tiêu các ngành/bậc/cấp học, Nội dung chương trình và Phương pháp dạy và học, Hệ thống trường lớp học và các môi trường GD, Đội ngũ thầy giáo và cán bộ quản lý GD, Quản lý nhà nước đối với GD&ĐT, Đánh giá chất lượng GD&ĐT, cơ chế tài chính của GD&ĐT,...Ở đây lại cũng có nhiều ý kiến hơi khác : đặc biệt nhấn mạnh và nêu ra trước tiên vấn đề được coi là cốt lõi nhất, coi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình ĐM sắp tới, là linh hồn của quá trình ĐM này, đó là  Triết lý của GD&ĐT Việt Nam.

   Còn vì sao lại phải ĐM vừa căn bản, vừa toàn diện đối với GD&ĐT thì chúng tôi chưa đọc được ý kiến nào phân tích cho rõ ràng và đầy đủ cả. Bên cạnh đó, vẫn có ý kiến cho rằng chỉ cần nêu ĐM căn bản là đủ rồi.

3-Định hướng ĐM đối với GD&ĐT ?

   Nghiên cứu Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI và đọc một số bài viết, thì phải chăng những liệt kê sau đây sẽ được coi là các định hướng ĐM với GD&ĐT sắp tới : 

   - Phát triển theo nhu cầu của KT-XH.

   - Nâng cao chất lượng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế, và phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước. Gắn kết chặt chẽ phát triển với nâng cao chất lượng.

   - Tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người được học tập suốt đời.

  Đọc kỹ hơn các văn bản đó thì hình như chúng ta còn phải hiểu thêm những lưu ý quan trọng sau đây nữa, xung quanh các định hướng ĐM.

       - Phải luôn xuất phát từ vị trí, vai trò của GD&ĐT là có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền Văn Hóa và Con Người Việt Nam. Phải tận dụng ưu thế của GD&ĐT đã luôn được coi là một quốc sách hàng đầu.

       - Phải tập trung hơn nữa cho nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phải thay đổi thật sự cơ bản cơ chế quản lý GD&ĐT (và cơ chế XH hóa GD&ĐT).

  Chúng tôi cho rằng việc xác định rõ các định hướng ĐM là rất quan trọng, vì nếu không thì quá trình ĐM sẽ không rõ mục tiêu, tất yếu sẽ dẫn đến tản mạn, chệch hướng và không thể mang lại hiệu quả là để có một nền GD tốt hơn. Thế nhưng các ý kiến bàn thảo về vấn đề này vẫn còn phân tán, chưa rõ ràng, chưa sâu sắc, chẳng hạn :

  - Sự thật thì đây là một hệ thống các yêu cầu có quan hệ hữu cơ chặt chẽ, nhưng chưa được làm rõ mối quan hệ đó. Chưa chỉ ra được định hướng nào là bao trùm nhất, là cơ bản nhất, giữ vị trí chủ đạo và xuyên suốt.

  - Còn lẫn lộn định hướng và giải pháp.

  - Chưa nêu rõ các yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, ....chỉ là những định hướng của chất lượng, hay là định hướng chung của toàn bộ cả quá trình ĐM (vì giữa các văn bản nêu không giống nhau !).

  - Chưa có sự lý giải thật đầy đủ, rành rẽ và khoa học với các định hướng ĐM nói trên. Vẫn có sự hiểu sai, nhầm lẫn và chồng chéo nội hàm các khái niệm.

4- Về Triết lý của GD&ĐT Việt Nam. 

  Qua các bài viết mà chúng tôi được đọc thì chúng tôi thấy chưa thực sự an tâm về mặt học thuật, trong những phần bàn về Triết lý GD, do đó hình như là chưa thể thuyết phục được số đông bạn đọc, nhất là với những nhà khoa học và nhà giáo đã qua trải nghiệm thực tiễn GD&ĐT. Chúng tôi cũng chưa được nghe hoặc đọc thấy ở đâu đó nói rõ là  trong Triết lý GD thì phải nêu lên những nội dung gì ? Theo cách hiểu nôm na của chúng ta thì đây chính là lý luận triết học làm cơ sở cho sự phát triển của hoạt động GD&ĐT. Cũng như triết lý của bất kỳ HĐ nào, triết lý của GD&ĐT thì phải phản ánh được bản chất của HĐ GD&ĐT, nghĩa là phải chỉ ra : mục đích KT-XH, các quy luật vận động, các quy chuẩn đạo đức và văn hóa của nó,...Triết lý của GD&ĐT luôn tồn tại khách quan, là tự thân, không ai có thể gán cho GD&ĐT một triết lý khác với bản chất của nó. Vấn đề là con người chúng ta đã biết đến triết lý đó chưa, đã hiểu nó đến đâu, và đã vận dụng nó như thế nào trong quá trình làm GD&ĐT ? Chính triết lý của GD&ĐT chi phối hoạt động thực tiễn của GD&ĐT, định hướng cho sự phát triển của GD&ĐT. Nếu thực tiễn GD&ĐT luôn bám sát triết lý thì sẽ phát triển đúng hướng và tiến bộ, còn nếu xa rời triết lý thì sẽ có hậu quả ngược lại. Thực trạng GD&ĐT hiện nay chứng tỏ rằng : hoặc là chúng ta đang làm sai triết lý, hoặc là chúng ta đang ngộ nhận một triết lý khác và đang làm theo đó ! Do vậy chúng ta rất cần phải xác đinh lại cho GD&ĐT Việt Nam một triết lý đầy đủ, đúng đắn và thật sự khách quan, khoa học trong bối cảnh mới của đất nước (phát triển KT thị trường, hội nhập quốc tế, bảo vệ chủ quyền).

  Có một nội dung quan trọng trong Triết lý của GD&ĐT mà chúng ta đang bàn, là phải chỉ ra được các quy luật phát triển của GD&ĐT. Theo thiển nghĩ của chúng tôi thì phải chăng quy luật đó phải là sự kết hợp chặt chẽ, hữu cơ giữa 3 loại quy luật sau đây : 

  - Trước hết, đó là quy luật của Sự Học của con người, bởi GD&ĐTchính  là Sự Học của toàn XH. Sự Học mà lâu nay chúng ta vẫn hiểu, đó là sự tìm tòi, tiếp thu và rèn luyện Tri thức khoa học, Kỹ năng vận dụng và Nhân cách. Quy luật quan trọng nhất của Sự Học là Sự Học phải được vận hành bằng nội lực tự học, tự GD ở mỗi người. Vậy nên đã từng có sự khẳng định : bản chất của Sự Học là Tự học.

  - Thứ hai là quy luật về quan hệ biện chứng của Thượng tầng kiến trúc và Hạ tầng cơ sở KT-XH. Bởi vì một trong các sứ mệnh quan trọng của GD&ĐT là xây dựng nền Văn hóa và Con Người Việt Nam (Con Người với tư cách là một thực thể XH, là tổng hòa của các mối quan hệ XH), nên GD&ĐT đương nhiên là một bộ phận quan yếu (bộ phận tư tưởng - văn hóa) trong Thượng tầng kiến trúc.

  - Thứ ba là quy luật của Thị trường (giá trị, cạnh tranh, cung-cầu, lợi nhuận,...). Bởi GD&ĐT cũng đang gánh một sứ mệnh rất quan trọng khác nũa là đào tạo ra nguồn nhân lực, một thành tố chủ yếu của lực lượng sản xuất mới, để phục vụ trực tiếp cho sự phát triển của KT-XH. Trong bối cảnh mới của đất nước là phát triển nền KT thị trường và hội nhập quốc tế thì GD&ĐT không chỉ còn đơn thuần là một hoạt động tư tưởng - văn hóa, hay là một phúc lợi XH, một dịch vụ công,...như chúng ta vẫn hiểu trước đây, mà nó đã và đang thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp của nền KT thị trường. GD&ĐT không chỉ cung cấp nguồn nhân lực, mà còn là nơi sản sinh ra tri thức khoa học và công nghệ. Những sản phẩm của GD&ĐT trong nền KT thị trường cũng đều được coi là hàng hóa, loại hàng hóa đặc biệt, đã luôn có mặt trên các thị trường (TT lao động, TT khoa học & công nghệ,...). Thế nên GD&ĐT đang trở thành một loại dịch vụ sinh lợi nhuận đặc biệt.

  Cái khó là kết hợp như thế nào để các quy luật ấy thể hiện trong Triết lý GD sẽ là một thể thống nhất, gắn kết với nhau, chứ không lỏng lẻo và có mâu thuẫn, thực sự khách quan, khoa học, đồng thời cũng vẫn mang đậm tính nhân văn. Chính các quy luật ấy sẽ được phát huy tác dụng tối đa để vận hành nền GD của chúng ta cả trước mắt và lâu dài, trực tiếp góp phần  ĐM nền GD&ĐT một cách căn bản và toàn diện.

  Chúng tôi rất mong được trao đổi những ý kiến trên với đông đảo bạn đọc !

Hồ Hương



(*) Sự lạc hậu và yếu kém của GD&ĐT Việt Nam thì có rất rất nhiều biểu hiện, và cũng rất căn bản và toàn diện, thực trạng này đang ở mức độ trầm trọng, rất khó được thực tiễn KT-XH chấp nhận và chịu đựng, chờ đợi lâu hơn được nữa !

Xin được nêu lại một cách cô đọng vài nét như sau :

1- Nhìn vào chất lượng và hiệu quả : Chất lượng thấp so với chuẩn đào tạo ở mọi ngành/bậc/cấp học, và nhất là so với nhu cầu của KT-XH.

- Với GD phổ thông thì chất lượng phân loại và tốt nghiệp hàng năm được công bố chỉ là con số ảo, cách xa, thậm chí rất xa, con số chất lượng đích thực qua những đánh giá nghiêm túc. Với cái nền phổ thông như vậy thì đương nhiên không thể có chất lượng ĐT nghề nghiệp và đại học tốt được, và do đó các sứ mệnh dân trí, nhân lực, nhân tài, xây dựng nền văn hóa và con người,...cũng đều thực sự đang ở ngoài tầm tay !

- Với chất lượng của GD đại học thì nhìn chung là không đáp ứng được yêu cầu của nguồn nhân lực cho sự phát triển KT-XH, thị trường lao động đều lắc đầu chê bai và không chấp nhận, đa số SV ra trường đều khó tìm được việc làm ngay và phù hợp, làm tăng thêm con số lao động thất nghiệp hàng năm (đặc biệt là với các hình thức ĐT tại chức, từ xa, liên kết, liên thông,...). Trình độ ĐT của đại học VN còn một khoảng cách xa so với khu vực, và chưa được thế giới công nhận một cách rộng rãi và chính thức.

- Với chất lượng của GD sau đại học thì cũng là một mảng tối, nhất là gần đây, khi nhu cầu của trình độ ĐT này tăng lên (trong đó có cả nhu cầu thật và nhu cầu giả, cho các trường đại học, các ngành KT,...và cho cả các quy hoạch cán bộ lãnh đạo và quản lý). Thực tế đang có xu hướng là coi trọng số lượng hơn chất lượng, là thương mại hóa, là không cần học thật,..., nhất là đối với ĐT trong nước. Chất lượng ĐT sau đại học vủa VN cũng còn một khoảng cách xa so với thế giới (như chính chúng ta đã tự coi TS trong nước chỉ ngang với PTS của nước ngoài đó sao !)  ...      ....

2- Nhìn vào các tác nhân liên quan đến sự phát triển GD&ĐT :

- Quy mô phát triển GD&ĐT chưa cân đối và phù hợp với các điều kiện nguồn lực (quá sức), đặc biệt với GD đại học và sau đại học (đội ngũ, cơ sở vật chất,..., nhất là về đội ngũ) được bung ra đến mức bừa và nhảm !

- Quản lý trường học và quản lý ngành nhìn chung còn rất yếu kém, thể hiện ra ở năng lực và phẩm chất của cán bộ quản lý, và ở cơ chế quản lý. Có một nguyên nhân sâu xa, gốc rễ là trong ngành chưa có được văn hóa quản lý chuẩn xác và trong sáng, bệnh thành tích và thói gian dối còn rất nặng nề, còn thiếu dân chủ và minh bạch !

3- Xem xét đến nguyên nhân : Nguyên nhân bao trùm và cốt lõi nhất là toàn bộ hoạt động GD&ĐT chưa quán triệt đúng Triết lý GD, nên GD&ĐT không được phát triển theo đúng quy luật. Biểu hiện tập trung của sai lệch cốt tử đó là ở chỗ : Mơ hồ về mục tiêu đào tạo (mục tiêu chung và mục tiêu từng ngành/bậc/cấp học), Quá coi nhẹ và coi thường Nội lực, nhất là nội lực tự học ở mỗi người học, Bị khuynh đảo bởi mục đích Lợi nhuận. Và nhìn khái quát trên bình diện tổng thể thì có thể nói Tư duy GD&ĐT Việt Nam vẫn như đang bị “cầm tù” trong cái “cái vòng kim cô” méo mó, bệnh hoạn của một thứ triết lý GD ứng thí, chỉ nhằm đến mục tiêu “dạy chữ”, coi trang bị tri thức là chủ yếu. Và với tư duy đó thì đương nhiên GD&ĐT Việt Nam chưa dám và chưa thể bứt phá lên để chuyển mạnh sang yêu cầu chủ đạo là Rèn luyện năng lực sáng tạo, tư duy độc lập, kỹ năng tự đào tạo cho người học, theo đúng đòi hỏi của thực tiễn !



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'


Thời gian mở trang: 0.256 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.