TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Khuyến hoc và Giáo dục | Mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú ở Lào Cai
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Năm 2024
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Khuyến hoc và Giáo dục 05.2024
Mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú ở Lào Cai
11.2008

Xem hình
Giờ học vi tính của học sinh Dân tộc nội trú Mường Khương (huyện Mường Khương, Lào Cai)
Mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú ở Lào Cai đang phát huy nhiều ưu điểm phù hợp với đặc điểm phát triển của các tỉnh miền núi, tuy nhiên, cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Không thể phủ nhận một điều, trường phổ thông dân tộc nội trú (các cấp) là loại hình giáo dục phù hợp với đặc điểm các tỉnh miền núi cao, vùng dân tộc thiểu số, trong đó có Lào Cai, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Tuy nhiên, loại hình giáo dục này đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết.


Không để học sinh "tay không" trở về làng, bản


Chúng tôi đến Trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh Lào Cai, một trường đang "ngấp nghé" tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia (cấp trung học phổ thông), nuôi dạy hơn 400 học sinh người Mông, Dao, Tày... Một khuôn viên trường học vào loại lý tưởng, với sân trường, phòng ốc thiết kế văn minh, cây xanh, cây cảnh đẹp như công viên, nhà ăn, nơi ở...


Nói chung, đối với học sinh dân tộc thiểu số khi đã được vào đây, thì đó là niềm tự hào của họ và của các ông bố bà mẹ một nắng hai sương trên nương, trên rẫy. Bởi không phải trường học thành phố, đô thị nào cũng được ưu tiên đầu tư, có cảnh quan bề thế như ngôi trường vùng cao nhiều khó khăn này.


Thế nhưng, nói đến loại hình trường phổ thông dân tộc nội trú, tâm lý dễ thấy nhất với bất cứ ai am tường giáo dục vùng dân tộc, vùng cao, là chất lượng giáo dục loại trường này (có lẽ chỉ trừ Trường vùng cao Việt Bắc), do nhiều nguyên nhân, còn khá yếu.


Trường phổ thông DTNT tỉnh Lào Cai, dù "đầu bảng" trong mạng lưới các trường DTNT của tỉnh, cũng không là ngoại lệ. Cứ nhìn vào nguồn tuyển sinh "đầu vào" thì rõ.


Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thế Dũng, nhiều năm, trường tuyển sinh theo hai hình thức: Xét tuyển (50%) và thi tuyển (50%). Nhưng ngay thi tuyển (theo cơ cấu vùng miền), thì tính bình quân cả ba môn thi, học sinh chỉ đạt 3,5 điểm(!), trong đó có một số học sinh tiếng phổ thông còn chưa thạo. "Ðầu vào" như thế thì sự vất vả của cả thầy và trò là dễ hiểu.


Cho nên giải pháp chất lượng, vừa là nỗi ưu tư, cũng vừa là điểm phải "ưu tiên" ngay từ khi học sinh chân ướt, chân ráo bước vào trường, nhưng đặc biệt khi học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp. Giải pháp đặc thù không thể khác ngay sau tuyển sinh là, trường tiến hành khảo sát lại chất lượng, phân loại đối tượng, rồi cho các em đăng ký nguyện vọng học theo tài liệu bám sát hoặc nâng cao (Trường chỉ có một ban duy nhất là Ban Cơ bản kết hợp với tài liệu tự chọn).


Dựa trên nguyện vọng, khả năng của học sinh, ngoài giảng dạy, giáo viên phải tiến hành phụ đạo (không thu tiền) theo kế hoạch phân công của nhà trường, nhằm củng cố kiến thức của các em đã bị hổng có "truyền thống" từ những lớp dưới. Ðó là một cuộc "trường chinh rượt đuổi" vất vả, nhưng không còn cách nào khác, thậm chí ngay cả khi kết thúc năm học, ngành GD và ÐT công bố môn thi.


Học sinh lại được chia ra làm bốn loại lớp: Một lớp là học sinh loại yếu; hai lớp học sinh loại trung bình và một lớp học sinh loại khá. Giáo viên có năng lực chuyên môn vững sẽ được phân công bồi dưỡng ôn thi theo từng loại đối tượng học sinh loại cho mục tiêu tốt nghiệp THPT và loại có khả năng thi ÐH, CÐ, TCCN.


Nhưng sự tìm kiếm lối đi lên của ngôi trường này, một góc sáng của hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú các cấp của tỉnh Lào Cai đã phản ánh tư duy "không cam chịu" hoàn cảnh của quản lý giáo dục tỉnh. Tạo nguồn đào tạo nhân lực góp phần cho sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương là mục tiêu của loại hình trường này.


Không quá ảo tưởng với chất lượng giáo dục các trường, khi mà chỉ có một số lượng học sinh nhất định có khả năng học tiếp lên ÐH, CÐ, số không nhỏ sau tốt nghiệp biết đi đâu, về đâu? Không để học sinh "tay không" trở về làng, bản, nỗi day dứt ấy, dần dà như tìm ra lối đi, trở thành định hướng hành động của các trường. Nó cũng xuất phát từ một thực tiễn nhu cầu của học sinh các trường rất cần có một nghề để sống, khẳng định vị thế và tìm kiếm hạnh phúc trong tương lai.


Chính vì thế, theo Giám đốc Sở GD và ÐT Lào Cai Trương Kim Minh, ba, bốn năm nay, ngành giáo dục Lào Cai kiên trì tìm sự liên kết giữa Sở GD và ÐT với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, triển khai dự án dạy nghề cho học sinh mà Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, dạy nghề làm cầu nối, để học sinh các trường DTNT, nếu không tiếp tục học lên ÐH, CÐ, có thể có một nghề để sống, làm việc sau tốt nghiệp.


Ngay nội dung các trường DTNT tổ chức tăng gia sản xuất, trồng trọt... không thuần túy là lao động để có rau ăn, mà còn mang "mục đích kép", trang bị cho học sinh kiến thức kỹ thuật trồng trọt, tạo điều kiện cho các em thực hành, từng bước trở thành những kỹ thuật viên trong tương lai, hoặc những "khuyến nông viên" không chuyên. Lào Cai là một trong tám tỉnh miền núi triển khai dự án đổi mới phương pháp dạy kỹ thuật cho học sinh các trường DTNT.


Học sinh Trường DTNT Lào Cai, ngoài giờ học văn hóa được đăng ký theo các nhóm học tại trung tâm về các loại hình kỹ thuật, góp phần định hướng các em chọn lựa nghề nghiệp. Ở một số huyện có các trung tâm dạy nghề thì các trường DTNT cấp huyện (cả cấp THCS, THPT) dựa vào các trung tâm dạy nghề này tổ chức dạy kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng... Học sinh các trường ngoài việc học trong trung tâm, còn được đi thực tế như thăm cánh đồng hoa hồng Việt - Mỹ (Sa Pa), vùng cây ăn quả Bắc Hà, học kỹ thuật trồng thuốc lá ở huyện Mường Khương.


Cũng ba năm nay, giáo dục Lào Cai đã làm được việc cung cấp các "sản phẩm" đầu ra cho tỉnh, cho huyện dựa trên kết quả đào tạo của hệ thống các trường DTNT. Riêng Trường phổ thông DTNT tỉnh hằng năm cung cấp danh sách học sinh nội trú cho các cơ quan tỉnh như Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, các Huyện ủy... thông báo rõ học sinh nào đi học theo chính sách đào tạo ÐH, CÐ, dự bị ÐH... để các cơ quan tham mưu tỉnh có kế hoạch sử dụng. Tỉnh còn có chính sách động viên, khuyến khích học sinh đào tạo làm công chức dự bị các huyện, các xã (học về quản lý hành chính, giáo dục quốc phòng, khuyến nông, khuyến lâm).

Quản lý gắn với điều kiện đặc thù

Cho dù còn có những bất cập, không thể phủ nhận một điều, trường phổ thông DTNT các cấp (huyện, tỉnh), các lớp nội trú dân nuôi (xã, cụm xã) là loại hình giáo dục phù hợp với đặc điểm thực tiễn các tỉnh vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, trong đó có Lào Cai, góp phần tạo nguồn đào tạo nhân lực gắn với mục tiêu kinh tế - xã hội địa phương.

Nhận thức được điều này, ngành giáo dục Lào Cai phát triển loại hình trường phổ thông DTNT ngày càng hoàn thiện và khá bài bản, theo các cấp độ từ thấp đến cao. Cách làm của Lào Cai là "phân tầng" loại hình trường, lớp nội trú gắn với địa bàn các cấp, từ cơ sở tới tỉnh, bên cạnh mạng lưới giáo dục trường mầm non, tiểu học, phổ thông bình thường ở các thị xã, thành phố.

Cụ thể, tầng một, có các hình thức bán trú, nội trú dân nuôi ở các cấp học, ngành học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Tầng hai (ở mức độ điểm), tại tám huyện Bảo Thắng, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Sa Pa, Văn Bàn, Bảo Yên và Xi Ma Cai, mỗi huyện đều có một trường THCS nội trú. Tầng ba, bao gồm mạng lưới các lớp DTNT dân nuôi (cấp trung học phổ thông) ở các huyện, các trường DTNT cấp THPT. Tầng bốn, trường phổ thông DTNT tỉnh, nơi đào tạo những "hạt giống" người dân tộc thiểu số ưu tú nhất.

Ðáng chú ý, ở các trường DTNT huyện, học sinh chỉ ăn, ở trong các trường này, nhưng lại học ở trường THPT bình thường, được hỗ trợ 50% học bổng, do tỉnh đầu tư, tạo nguồn đào tạo nhân lực dự trữ.

Nhưng trong tiến trình phát triển, vấn đề chất lượng giáo dục, việc đào tạo gắn với sử dụng của loại hình trường DTNT các cấp cũng đang đặt ra cho giáo dục Lào Cai những vấn đề cần tháo gỡ và giải quyết.

Ðó là công tác tuyển sinh. Việc nâng cao chất lượng "đầu vào" của các trường DTNT đang cần nhiều giải pháp có liên quan chặt chẽ với nhau. Mong ước của Lào Cai tăng dần tỷ lệ thi tuyển sinh theo cơ cấu vùng, miền (để chất lượng "đầu vào" tốt hơn), trước hết là trong công tác tuyển sinh ở Trường DTNT tỉnh (từ 50% xét tuyển - 50% thi tuyển, lên 40% xét tuyển - 60% thi tuyển, và trong tương lai gần là 30% xét tuyển - 70% thi tuyển), tăng dần chất lượng "đầu vào" của các trường DTNT các huyện (cấp THPT) là mong ước tốt đẹp và chính đáng.

Như vậy, bài toán đặt ra là chất lượng giáo dục "tạo nguồn" từ các trường phổ thông DTNT cấp THCS ở các huyện phải được nâng cao. Ðiều đó đòi hỏi về đội ngũ, cơ sở vật chất, phòng học, thực hành... các trường này phải được đầu tư, quan tâm hơn trước. Tuy nhiên, do ngành GD và ÐT bỏ thi tốt nghiệp THCS, như vậy, một điều kiện mấu chốt là công tác phổ cập THCS đúng độ tuổi phải có chất lượng thực chất. Liệu giáo dục Lào Cai có thực hiện được mục tiêu như thách thức này không?

Câu hỏi này không dễ đối với cả những vùng thuận lợi, chưa nói đến những tỉnh vùng cao đầy rẫy khó khăn như Lào Cai. Dù vậy, hiện nay trong cung cách đào tạo của Trường DTNT tỉnh Lào Cai đã bắt đầu có chủ trương sàng lọc. Học sinh nào không đáp ứng được yêu cầu của nhà trường, sẽ phải về lại huyện, học tại trường DTNT huyện (cấp THPT).

Và ngược lại, trong quá trình học tập, học sinh nào ở các trường huyện có sự rèn luyện tốt, sẽ được tuyển lên trường DTNT tỉnh. Ðây là một giải pháp đúng và cần thiết.

Việc nâng cao chất lượng giáo dục của loại hình trường DTNT không những cần đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng đội ngũ... như các trường phổ thông thường, mà còn đòi hỏi công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và xây dựng đời sống tập thể ở các trường này phải được đầu tư thỏa đáng. Nhưng đây cũng là thách thức đầu tiên và là một thách thức không nhỏ.

Trong điều kiện nội trú, giáo dục của nhà trường, của các thầy giáo, cô giáo thực chất thay thế cả vai trò giáo dục gia đình, vai trò người cha, người mẹ. Học sinh lại là người các dân tộc vùng cao khác nhau, với đặc điểm, tập quán văn hóa dân tộc rất khác nhau. Nhất là học sinh lứa tuổi 15, 16 đang phát triển, tâm lý đầy biến động, dễ xảy ra các tình huống cần sự tư vấn, giải tỏa, chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ của người lớn, của các thầy giáo, cô giáo.

Giám đốc Trương Kim Minh băn khoăn: Ðiều đó đòi hỏi sự am hiểu của giáo viên, cán bộ quản lý học sinh nội trú đã đành, mà còn đòi hỏi cả tư duy văn hóa của các ngành khi phối hợp hỗ trợ loại hình trường đặc biệt này, giúp học sinh biết cách gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình trong quá trình học tập, giao lưu. Ðiều đó còn đòi hỏi cả tư duy quản lý giáo dục phù hợp của người hiệu trưởng khi tạo dựng một môi trường và không gian văn hóa cho học sinh học tập, sinh hoạt tập thể... Ðiều đó không chỉ cần kinh phí đầu tư mà cần cả sự am hiểu tập quán, nếp sống các dân tộc.

Giám đốc Trương Kim Minh nêu một hiện tượng cụ thể, mỗi năm Lào Cai bỏ ra năm, sáu tỷ đồng xây nhà công vụ giáo viên, nhà bán trú, nội trú cho học sinh ở. Tuy chất lượng khá tốt, nhưng có phần khác biệt về văn hóa, nên chỉ ít lâu sau, các em tự làm những "lều vịt" dọc đường, dưới những bụi tre để ở. Những hiện tượng đó cũng đặt ra cho tư duy của người xây dựng, người quản lý giáo dục cơ sở làm sao tạo ra môi trường sống hòa nhập, thích ứng và thân thiện giữa học sinh các dân tộc khác nhau.

Một thách thức khác không nhỏ cho điều kiện sống của học sinh các trường DTNT là nước sinh hoạt. Ðây thật là vấn đề nan giải. Tỉnh Lào Cai có tới 300- 400 điểm lẻ giáo dục thiếu nước quanh năm. Có những nơi, mùa khô, một giáo viên chỉ được 20 lít nước/ngày; giáo viên nữ, một tuần mới được tắm giặt một lần, do ở quá xa nguồn nước. Nhiều nơi, học sinh trên đường đi học phải mang theo chai hứng nước dọc đường cho thầy giáo, cô giáo.

Thiếu nước sinh hoạt là nỗi khổ triền miên trong nhiều năm của giáo viên vùng cao, bên cạnh những hy sinh thầm lặng, những vất vả không tên của họ. Thực tiễn đó, cho thấy Nhà nước cần có một chương trình đầu tư về nước sạch mang tầm quốc gia giải quyết, tháo gỡ cho giáo dục Lào Cai nói riêng, giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số nói chung.

Cách đây không lâu, tại một hội nghị chủ đề về giáo dục dân tộc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD và ÐT Nguyễn Thiện Nhân đã nêu một loạt nội dung chung quanh việc nâng cao chất lượng giáo dục loại hình trường này mà ngành GD và ÐT sẽ phải tổ chức hội thảo, bàn bạc kỹ lưỡng tìm các giải pháp tháo gỡ. Ðó là vấn đề tuyển sinh; là công tác hiệu trưởng quản lý các trường phổ thông DTNT; là giáo dục và quản lý học sinh nội trú ...

Những ý kiến đó đã đem lại niềm phấn chấn cho các trường phổ thông DTNT. Nhưng để các giải pháp đó thành hiện thực cần có sự nỗ lực rất nhiều không chỉ của ngành giáo dục, mà của cả xã hội.

Kim Dung

(Theo nhandan.com.vn)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài


Thời gian mở trang: 0.213 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.