TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Gương sáng khuyến học & GD | Những chia sẻ từ những điển hình của phong trào thi đua khuyến học
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Năm 2024
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Gương sáng khuyến học & GD 05.2024
Những chia sẻ từ những điển hình của phong trào thi đua khuyến học
09.2009

Xem hình
Bà Tân Thị Ên cùng cháu ngoại tại Đại hội thi đua
Tại đại hội thi đua toàn quốc lần thứ II, những điển hình của trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài thật sự là những kinh nghiệm, những câu chuyện sinh động từ thực tiễn hoạt động đã được chia sẻ. Trong số hơn 400 tấm gương sáng ở Đại hội lần này, chúng tôi chỉ xin ghi lại một số tấm gương điển hình được vinh dự đọc trước Đại hội.

Ông Huỳnh Văn Tí, người đứng đầu cơ quan Đảng của tỉnh Bình Thuận là một trong các đồng chí lãnh đạo của tỉnh đi tiên phong trong công tác tổ chức và xây dựng Hội từ khi Hội Khuyến học tỉnh mới được thành lập. Ông khiêm tốn, không nói về mình nhưng toát lên sự quyết tâm của những người lãnh đạo rằng “muốn đưa phong trào khuyến học đi lên thì lãnh đạo các cấp uỷ Đảng cần phải xắn tay vào cuộc cùng Hội Khuyến học”.

Chia sẻ với đại hội về hoạt động khuyến học của mình, Linh mục Phê-rô Bùi Duy Tân ở giáo xứ Hải Hưng, Cần Thơ cho biết, Hải Hưng là một giáo xứ rất nghèo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, nhiều gia đình đông con, có tới 5,6 người con, trong khi số ruộng lại ít nên cuộc sống rất thiếu thốn. Đa số các em sau khi học xong trung học, hoặc bỏ học nửa chừng, lại tiếp tục công việc của cha mẹ, làm bạn với mảnh đất, cây lúa.

Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự đồng tình của bà con giáo dân trong giáo xứ, sự hỗ trợ nhiệt tình của các ân nhân xa gần, ban đầu, giáo xứ đã xây phòng học, mua sắm một số thiết bị, máy móc phục vụ cho việc giảng dạy, sau đó là cấp học bổng, nhiều em đã thi đậu vào các trường đại học trong đó có em vào học tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, nhiều em đã có nghề ổn định.

Đại đức Thích Thiện Đức, tỉnh An Giang cho rằng: “Muốn xây dựng một đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, trước hết phải xây dựng và đào tạo con người trí tuệ”. Từ suy nghĩ đó, trong những năm gần đây nhà chùa luôn quan tâm giúp đỡ cho những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi . Tại chùa thường xuyên nuôi gần 20 học sinh nghèo. Từ năm 2000 đến nay, nhà chùa đã ủng hộ, giúp đỡ trẻ em, giáo viên nghèo gần 2 tỷ đồng.

Ông Giàng A Lự, dân tộc Mông ở bản Láng Luông, xã Láng Luông, huyện Mộc Châu Sơn La
Ông Lự chia sẻ: “Ngày xưa tôi không biết chữ, mua bán toàn bị bắt nạt. Tôi quyết tâm đi học lấy cái chữ để không bị người khác bắt nạt. Tôi thấy mình có văn hoá thì làm việc gì cũng được nên đã vận động bà con trong bản đi học”. Bản thân Giàng A Lự đã hiến hơn 3.000m2 đất để xây trường mầm non trong xã. Ông có 6 người con và tất cả đều được đi học.

Ông Lý Quốc Đâu, dân tộc Nùng, thôn Kha Phoòng, xã Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn
Từ bộ đội trở về, tôi lấy vợ, sinh được 7 người con. Cuộc sống nơi tôi ở là xã nghèo nhất huyện, từ thôn Kha Phoòng tới xã Ngân Sơn 9 cây số, phải qua nhiều đèo, vượt nhiều suối mới đến được. Gia đình chúng tôi chủ yếu sống bằng ngô, khoai, sắn… nhiều năm mất mùa, vợ chồng tôi phải lên rừng kiếm củ mài cho các con ăn. Cái nghèo quanh quẩn không lối thoát và nhìn các con thơ ngày một lớn lên trong sự thiếu thốn mà lòng tôi lại thấy đau nhói.

Là người đã từng xông pha trận mạc nên tôi nhận ra rằng chỉ có kiến thức mới xoay chuyển được cuộc đời. Từ ý nghĩ đó, tôi mới xây dựng cho các con ý thức học tập, tôi và vợ quyết tâm sẵn sàng hi sinh mọi thứ để cho con được cắp sách đến trường như bạn bè.

Do trường ở xa, các cháu đến trường phải qua rừng, lội suối nên sáng nào chúng tôi phải dậy từ 3 giờ sáng, chuẩn bị cơm nắm và đốt đuốc để đưa các con đến trường rồi quay về làm việc. Do 7 người con cùng đi học sát nhau nên vợ chồng tôi làm quần quật cả ngày không đủ ăn. Tôi đã đi làm thuê, thậm chí lên cả bãi đào vàng mong sao kiếm được ít tiền cho con ăn học.

Có lúc 4 người con của tôi đều học Đại học, để có tiền gửi cho con, vợ chồng tôi mỗi ngày chỉ ngủ 3-4 tiếng, ăn cũng không dám ăn, sợ con đói nên ki cóp tất cả gửi cho chúng. Có lúc con gọi xin tiền, nhà không có tôi chạy ra tận ngoài xã để vay mượn anh em, bán từng cân thóc, con gà, con vịt để gửi cho con. Rất may, bây giờ có vốn vay của nhà nước đã giúp vợ chồng tôi vơi đi nỗi lo lắng.

Vất vả là vậy nhưng các con tôi rất ngoan và học giỏi, năm nào các cháu cũng có giấy khen. Tôi chỉ mong con ra trường có công việc ổn định là tôi mãn nguyện lắm rồi.

Ông Sùng A Giống, dân tộc Mông, xóm Pà Háng Lớn, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình

Ngày xưa, nhà tôi nghèo lắm, cơm chẳng đủ ăn, áo chẳng đủ mặc, suốt ngày theo cha mẹ làm nương nên không được đi học. Do chăm chỉ làm việc nên nhà tôi có rất nhiều lúa và trâu bò. Lớn lên, tôi lấy vợ và sinh được 2 đứa con.

Khi con đến tuổi đi học, tôi lo lắm vì xóm Pà Háng Lớn xa trung tâm xã nên không có trường lớp để học. Tôi không muốn các con tôi và trẻ con trong xóm mù chữ như tôi nên rủ thanh niên và những người trong xóm lên rừng chặt cây về dựng được 1 lớp học. Khi có lớp học, chúng tôi đã bàn nhau thuê cô giáo lên dạy cho các cháu.

Tôi cũng đăng ký đi học lớp xoá mù chữ để biết tính toán về làm ăn chứ không làm ruộng nữa. Vì có chữ nhiều thì làm cán bộ, chữ ít thì đi buôn, không có chữ thì làm ruộng.
Học được cái chữ, tôi làm ăn khá giả hơn thì mọi người trong xã “bắt chước” cùng rủ nhau đi học. Tôi cũng đã hướng dẫn tuyên truyền và giúp nhiều người học theo.

Thế là cả bản tôi đi học, ai cũng biết chữ, biết tính toán, cuộc sống đỡ nghèo hơn. Làm ăn có chút tiền tôi đã giúp xã sửa đường và trường học cho các cháu học, mong sao không cháu nào bỏ học. Các con tôi bây giờ đều lớn cả, cháu đầu đã vào Đại học, cháu thứ 2 vừa thi Đại học xong. Tôi đang rất hạnh phúc!

Đại đức Thích Quảng Tâm, trụ trì chùa Long Thạnh, thị trấn Thủ Thừa, tỉnh Long An

Hơn 10 năm qua, chùa Long Thạnh đã giúp đỡ, nuôi dưỡng gần 500 học sinh nghèo, cơ nhỡ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và tặng hàng trăm chiếc xe đạp cho trẻ em nghèo không có điều kiện theo học. Tại đây ngoài giờ học chính khoá ở trường các em được chia thành 7 tổ tự quản theo cách học sinh lớn có trách nhiệm kèm cặp, chăm sóc học sinh bé trong thời gian tự học, sinh hoạt. Với tổng diện tích 4.000m2, chùa chỉ dành khoảng trên 300m2 làm nơi chánh điện thờ cúng Phật, phần còn lại dùng làm nơi ăn, ở và phòng vi tính gồm 20 máy, phòng sinh hoạt kiêm thư viện, sân chơi và nơi hoạt động thể lực của các em học sinh.

Bên cạnh việc dạy kiến thức phổ thông, chùa còn tổ chức dạy cài đặt, sửa chửa máy vi tính cho các em có trình độ cấp 3 để khi các em không có điều kiện học tiếp cũng có một nghề căn bản để tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.

Đại đức Thích Quảng Tâm, tâm sự: “Vào mùa nước lũ năm 1984, một số trẻ em nghèo ở vùng sâu đến chùa xin ở trọ để đi học ở thị trấn Thủ Thừa. Các em đều có hoàn cảnh khác nhau, cháu mồ côi cha, mẹ, cháu bị bỏ rơi, hoàn cảnh rất éo le. Khi đó, khuôn viên chùa rất chật hẹp chỉ khoảng 300m2 tôi và các cháu đều ăn ngủ, sinh hoạt ngay nơi thờ Phật, sau đó một số Phật tử cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của chùa đã hiến hơn 3.000m2 đất để làm nơi ăn, ở, sinh hoạt cho các cháu. Hiện nay, đã có nhiều cháu học đại học. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi”.

Học, học nữa, học mãi cho trí tuệ con người hiểu biết, chín chắn hơn - Đó là câu mà thầy Thích Quảng Tâm thường xuyên dăn dạy các cháu học sinh và tuyên truyền cho Phật tử.

Bà Tân Thi Ên( 82 tuổi) ở Ấp 9, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau:

Mặc dù đã 82 tuổi nhưng bà Ên vẫn còn minh mẫn và rất tâm huyết với công tác khuyến học. Bà đã hiến tặng hơn 13.000m2 đất để địa phương xây trường.

Bà Ên tâm sự: “Địa phương tôi ở hồi trước nghèo lắm, không có trường lớp, các cháu phải đi học rất xa. Đã nghèo mà không được học thì tội lắm, mai sau không biết làm gì. Do vậy, tôi đã lấy đất cha mẹ để lại tặng cho chính quyền xây trường cho các cháu học”.
Được biết, bà hiến đất từ năm 1993, thời đó gia đình bà Ên rất nghèo. Ông bà chỉ làm ruộng nhưng có tới 8 người con. Để cho các con được ăn, học, ông bà đã nai lưng ra làm, thậm chí phải đi làm thuê, làm mướn để cho các con được học.

Hiện nay, bà Ên còn hơn 30.000m2 đất, có rất nhiều người nài nỉ đến mua nhưng bà không bán và bà để cho những người nghèo, không có đất nương nhờ. “Tuy nhà nhiều đất nhưng do cha mẹ để lại nên tôi quyết tâm không bán để làm việc thiện” - bà Ên cho hay.

Hiện nay 8 người con của bà đều đã thành đạt. Bà dành thời gian cuối đời của mình để giúp đỡ người nghèo./.

BBT



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài


Thời gian mở trang: 0.183 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.