TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Gương sáng khuyến học & GD | Quảng Nam: Hội Khuyến học thành phố Tam Kỳ 30 năm hình thành và phát triển với người Chủ tịch Hội tận tụy
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Mười 2024
T2T3T4T5T6T7CN
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30 31      
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Gương sáng khuyến học & GD 10.2024
Quảng Nam: Hội Khuyến học thành phố Tam Kỳ 30 năm hình thành và phát triển với người Chủ tịch Hội tận tụy
07.2022

Xem hình
Tam Kỳ là vùng đất có truyền thống hiếu học, đã sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước, làm rạng danh cho tổ quốc, quê hương, nơi hội tụ của nhiều vị khoa bảng, doanh nhân đã đi vào sử sách. Từ những năm đầu của thế kỷ thứ XVIII, niên hiệu Minh Mệnh thứ V, phủ học Tam Kỳ được thành lập đặt tại làng Chiên Đàn nhằm phát triển nền học vấn của dân tộc.

Đến đầu thế kỷ XX, Tam Kỳ đã có nhiều khoa bảng lỗi lạc nổi danh cả nước như tiến sĩ Trần Văn Dư, tiến sĩ Nguyễn Thích, phó bảng Nguyễn Dục, chí sĩ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…đã đem tài năng, kiến thức của mình giúp dân giúp nước.
 
Sau ngày quê hương được giải phóng, hai phần ba làng, xã ở Tam Kỳ bị chiến tranh tàn phá hoang tàn, trở thành vùng trắng, phải xây dựng lại từ đầu. Trong bộn bề nhiệm vụ, cấp bách, nặng nề và khó khăn chồng chất thì nhiệm vụ xây dựng lại các trường học, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục được Đảng bộ và nhân dân Tam Kỳ đặt lên hàng đầu. Nhưng cũng do hậu quả chiến tranh để lại quá nặng nề, tiềm lực kinh tế còn nghèo nàn, trường lớp còn tạm bợ, chưa được kiên cố, tình trạng con em các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bỏ học giữa chừng xuất hiện ngày càng nhiều…

Xuất phát từ thực tiễn hết sức bức xúc và cấp bách đó. Năm 1987, Thường trực Thị ủy Tam Kỳ đứng đầu là đồng chí Bí thư Thị ủy Vũ Ngọc Hoàng (sau này là Ủy viên TW Đảng,  và Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo TW) đã khởi xướng vận động một số người có tâm huyết với sự nghiệp Giáo dục để thành lập Ban Vận động Khuyến học. Ban Vận động Khuyến học ra đời trên 10 người do thầy giáo hưu trí Nguyễn Trân, nguyên hiệu trưởng trường Trung học Trần Cao Vân làm trưởng ban vận động, các đồng chí Thường vụ Thị ủy, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân được phân công tham gia từng mảng công việc khuyến học để hỗ trợ Ban Vận động. Mặc dầu còn non trẻ, lại chưa có tổ chức hội cấp trên hướng dẫn, nhưng sau khi ra đời, Ban Vận động Khuyến học đã tích cực hoạt động, vận động nhân dân cùng cán bộ chung tay đóng góp kinh phí, ngày công, cùng nhà trường tu sửa lại trường lớp phục vụ cho dạy và học, vận động con em bỏ học giữa chừng trở lại trường lớp, nhận đỡ đầu cho con em gia đình thương binh, liệt sĩ, hỗ trợ khó khăn cho con em gia đình nghèo. Sự ra đời của Ban Vận động Khuyến học Tam Kỳ đã trở thành lực lượng tiên phong, nòng cốt, đưa phong trào học tập của thị xã lúc bấy giờ dần phục hồi và đi lên mạnh mẽ.

Năm 1987, “Ban Vận động Khuyến học Tam Kỳ” ra đời trong bối cảnh lúc bấy giờ Trung ương và tỉnh chưa có tổ chức Hội khuyến học. Thực tiễn hoạt động hiệu quả của Ban Vận động Khuyến học thị xã Tam Kỳ vào những năm cuối của thập niên 80 đã trở thành là tiền đề quan trọng đóng góp vào sự ra đời của Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vào năm 1991. Đến tháng 6/1992 Hội Khuyến học thị xã Tam Kỳ chính thức trở thành viên của Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ.

Từ buổi đầu sơ khai chỉ với hơn 10 thành viên, đến nay Hội Khuyến học thành phố Tam Kỳ đã có trên 840 tổ chức thành viên phủ kín địa bàn từ cơ quan, trường học, doanh nghiệp đến thôn, khối phố, tổ dân phố, đến dòng họ, hội đồng hương...với trên 25.000 hội viên luôn nhiệt tình tâm huyết, tận tụy, sát cánh cùng nhà trường và các ngành có liên quan chăm lo cho sự  nghiệp giáo dục địa phương. 

35 năm ra đời, xây dựng và trưởng thành (tính từ ngày thành lập Ban Vận động), 30 năm (kể từ ngày là thành viên trong tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam), Hội Khuyến học thành phố Tam Kỳ không ngừng lớn mạnh và có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển giáo dục nói riêng và sự nghiệp chung của toàn thành phố Tam Kỳ. Trong suốt chặng đường ấy, phong trào khuyến học thành phố Tam Kỳ đã chắp cánh ước mơ cho hàng triệu học sinh nghèo viết tiếp tương lai, vững bước trên hành trang tươi sáng. Hằng năm có hàng ngàn học sinh, sinh viên, con em gia đình nghèo khó được cấp học bổng, hàng chục nghìn lượt học sinh giỏi được khen thưởng với kinh phí gần chục tỷ đồng. Chỉ tính riêng 05 năm trở lại đây, Hội đã huy động gần 30 tỷ đồng, cấp học bổng, hỗ trợ khó khăn cho trên 24.000 lượt học sinh, sinh viên với tổng số tiền trên 11 tỷ đồng, khen thưởng gần 120.000 lượt em với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng. Đáng mừng là những năm qua Hội Khuyến học thành phố đã duy trì được 05 chương trình học bổng dài hạn cho gần 1.000 em với mỗi suất từ 700.000 đồng đến 11.000.000 đồng giúp các em giảm bớt khó khăn về tài chính, yên tâm học tập.  Từ sự hỗ trợ, động viên kịp thời của các cấp hội khuyến học, nhiều thế hệ học sinh thành phố Tam Kỳ đã hiện thực hoá ước mơ chinh phục tri thức, gặp hái nhiều thành công lớn trong sự nghiệp và có nhiều đóng góp có ích cho xã hội. Bên cạnh các hoạt động khuyến học, công tác khuyến tài cũng được Hội đặc biệt chú trọng, Hằng năm, trong lễ tuyên dương khen thưởng ngành giáo dục do UBND thành phố tổ chức, Hội khuyến học thành phố đã khen thưởng cho các cán bộ, giáo viên có thành tích suất sắc trong công tác giảng dạy để kịp động viên, khích lệ tinh thần đến các thầy cô giáo.

Tháng 8/2014, thành phố Tam Kỳ được Tỉnh giao nhiệm vụ triển khai thí điểm các mô hình học tập suốt đời, xây dựng “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập, “đơn vị học tập” theo Quyết định số 89 và 281 của Thủ tướng Chính Phủ. Tuy gặp nhiều khó khăn ban đầu nhưng với sự quyết tâm của đội ngũ làm công tác khuyến học từ thành phố đến xã phường đã tích cực vào cuộc tham mưu cho cấp ủy, UBND ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch thực hiện và là lực lượng nòng cốt tổ chức triển khai thực hiện.  Sau hội nghị tổng kết thí điểm, không dừng lại chờ đợi bộ tiêu chí chính thức ban hành, lãnh đạo thành phố đã mạnh dạn tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức quán triệt Quyết định  89 và 281 của Thủ tướng Chính phủ, thành lập Ban chỉ đạo ở mỗi cấp và triển khai thực hiện với tinh thần nghiêm túc.

Nhờ vậy mà chỉ trong thời gian ngắn sau khi phát động, các phong trào xã hội học tập đã được lan toả mạnh lẽ trên phạm vi toàn thành phố, tạo được khí thế thi đua, tinh thần phấn khởi trong toàn dân với hơn 55% hộ gia đình đăng ký thực hiện “gia đình học tập”, 100% dòng họ hiếu học trước đây đăng ký chuyển sang “dòng họ học tập”, 100% thôn, khối phố đăng ký thực hiện “cộng đồng học tập”, 95% cơ quan, đơn vị, trường học đăng ký thực hiện “đơn vị học tập”. Nhờ tinh thần triển khai nghiêm túc, dân chủ, khách quan, vừa rút kinh nghiệm vừa thực hiện nên chất lượng các mô hình học tập ngày càng được nâng lên, đạt tiêu chí ngày càng cao.  Đến cuối năm 2020 - năm kết thúc giai đoạn của đề án thành phố Tam Kỳ có 27.456 gia đình đạt tiêu chí “gia đình học tập” đạt tỷ lệ 90%/tổng số hộ, vượt 20% kế hoạch thành phố đề ra, 82 dòng họ đạt tiêu chí “dòng họ học tập” chiếm 95,3% vượt 25% kế hoạch. 96,4% thôn, khối phố đạt tiêu chí “cộng đồng học tập” vượt 26,4%, 98,6% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chí “đơn vị học tập” vượt 8,6%. Đặc biệt từ năm 2018 đến nay có 100% xã phường được đánh giá xếp loại tốt, vượt khá xa so với mục tiêu của Chính phủ theo Quyết định 281 và Nghị quyết đại hội Hội Khuyến học thành phố nhiệm kỳ V đề ra

Những gia đình đạt danh hiệu “gia đình học tập” đều thể hiện vượt khó, chăm lo đầu tư kinh phí và phương tiện cho học tập, con em chăm ngoan, học giỏi, không vướng vào tệ nạn xã hội. Ông bà, cha mẹ luôn mẫu mực, chú trọng giáo dục, động viên chăm lo cho con cháu rèn đức luyện tài, phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập. Nhà nhà trong dòng họ thi đua học tập, nhiều người trưởng thành là tấm gương sáng để con cháu noi theo. Điển hình như gia đình thầy giáo Ca Viết Hoàng tại Phường Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ đã có một hành trình dài nuôi dạy các con thành tài. Trong những năm tháng khó khăn, nhờ sự động viên, hỗ trợ kịp thời của các cấp Hội khuyến học đã tiếp thêm động lực để thầy Hoàng và các con của mình chinh phục giấc mơ tri thức, trở thành những công dân có ích cho xã hội. 

Trong những năm qua, phong trào xây dựng dòng họ hiếu học, dòng họ học tập ở các địa phương trên địa bàn thành phố đã tạo sự lan toả sâu rộng và trở thành điểm sáng trong toàn tỉnh. Dưới sự chỉ đạo của các cấp Hội Khuyến học, các dòng họ hiếu học đã là chỗ dựa, là nguồn động viên, tiếp sức cho các phong trào khuyến học ở cơ sở và là nét đẹp đặc trưng ở các làng quê. Nhiều dòng họ biết tập họp, quy tụ con cháu với nhiều chủ đề, phương châm hết sức thuyết phục như “ đoàn kết một lòng, vấn tổ tìm tông, ơn nghĩa sinh thành, học hành tấn tới, sánh cùng trăm họ, quyết chí đồng  tâm, chấn hưng đất nước”. Bên cạnh đó,  thông qua vai trò làm cầu nối là Hội khuyến học mà xuyên suốt nhiều năm học qua, nhiều tộc họ đã có có nhiều nỗ lực trong việc vận động nguồn quỹ để khen thưởng động viên kịp thời cho con em vượt khó học giỏi. 

Cùng với công tác khuyến học, khuyến tài trong dòng họ, thời gian qua công tác xây dựng phong trào, cộng đồng học tập, đơn vị học tập cũng đạt nhiều kết quả nổi bật và ấn tượng, hiện hữu rõ ràng trên từng con số. Đó là 100% thôn, khối phố đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”, 100% đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”. Đáng ghi nhận là một số địa phương đã thành lập được quỹ khuyến học, khuyến tài nhằm động viên khuyến kích tinh thần học tập của các tầng lớp nhân dân. Tiêu biểu như Giải thưởng Khuyến học Lâm Cao Tuệ của xã Tam Thanh. Giải thưởng mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - liệt sĩ Lâm Cao Tuệ ra đời là khát vọng của Đảng bộ, nhân dân Tam Thanh trong việc thúc đẩy phong trào học tập, khuyến học, khuyến tài của xã phát triển, cũng chính là lời nhắn gửi của thế hệ cha anh đi trước đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau cố gắng học tập để xây dựng quê hương giàu đẹp. Hay ghi nhận tại phường Tân Thạnh, địa phương xác định “Mô hình xã hội học tập chính là chìa khoá để nhân dân thoát nghèo”, và lấy đó làm khẩu hiệu trong tuyên truyền, phát động phong trào khuyến học, khuyến tài đến mọi tầng lớp nhân dân. Con em trên địa bàn phường luôn được quan tâm, động viên kịp thời bằng các quỹ khen thưởng học tập. Đặc biệt, địa phương còn thành lập và duy trì Giải khuyến tài phường Tân Thạnh để kịp thời động viên khuyến khích các cá nhân có thành tích xuất sắc và có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi. Nhờ đó mà các mô hình xã hội học tập tại địa phương lan toả rất mạnh mẽ. 

Qua 5 năm thực hiện các Đề án xây dựng xã hội học tập của Chính phủ, kết quả đạt được rõ nét nhất của thành phố Tam Kỳ đó chính là con em trong độ tuổi đến trường luôn đạt tỷ lệ cao, không còn tình trạng bỏ học nữa chừng dần. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi hằng năm của các xã, phường ngày một tăng. Các hoạt động tệ nạn xã hội dần được dẹp bỏ. Trình độ dân trí ngày càng được nâng cao. Người người, nhà nhà trong dòng họ, đơn vị hăng hái thi đua học tập. Đời sống nhân dân ngày càng phát triển, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Môi trường sinh hoạt thôn, xóm, khối phố văn minh. Tình đoàn kết trong nhân dân ngày càng gắn kết, bền chặt. 

Một điểm sáng nổi bật trong hoạt động Khuyến học của thành phố Tam Kỳ là Giải thưởng Phan Châu Trinh. Thành lập năm 2001 đến nay, thành phố đã tổ chức 20 lần trao thưởng.     Qua 20 lần trao thưởng đã có hơn 1.000 tập thể và cá nhân được tôn vinh. Trong đó 06 tập thể và 09 cá nhân là những người sáng lập và có đóng góp lớn cho giải thưởng; 995 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong học tập giảng dạy, nghiên cứu, công tác, trong đó có 03 nhà giáo ưu tú, 03 giáo sư, phó giáo sư, 42 tiến sĩ, 111 thạc sĩ xuất sắc, 09 bác sĩ chuyên khoa I, II, 21 giáo viên giỏi,  81 học sinh, sinh viên đạt giải cấp quốc gia, quốc tế, 169 học sinh, giáo viên đạt giải nhất cấp tỉnh, 532 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi với tổng kinh phí khen thưởng trên 2 tỷ 220 triệu đồng. Giải thưởng Phan Châu Trinh đã trở thành truyền thống, mang bản sắc riêng của thành phố, tạo được giá trị tinh thần, tôn vinh việc học và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của sự nghiệp giáo dục - đào tạo và  phong trào thi đua học tập của tuổi trẻ thành phố Tam Kỳ trong suốt hàng chục năm qua. Đặc biệt, Hằng năm trước ngày tổ chức lễ trao Giải, Thường trực Hội Khuyến học thành phố Tam Kỳ cùng các em học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, cán bộ được nhận giải tổ chức viếng hương, đặt vòng hoa tại Nhà thờ cụ Phan Châu Trinh tại xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh để bày tỏ lòng tri ân đối với cụ - người luôn trọng vai trò của giáo dục trong sự canh tân đất nước. 
    
Điều đáng trân trọng là hằng năm bên cạnh nguồn kinh phí của thành phố và sự hỗ trợ của nhân dân thành phố còn có các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các cơ sở tôn giáo, các tổ chức phi chính phủ cũng luôn  dành sự quan tâm cho công tác khuyến học, hỗ trợ có giá trị cao và thường xuyên. Đáng ghi nhận hơn, trong 2 năm trở lại đây, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, song nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn dành một sự quan tâm đặc biệt cho công tác khuyến học của thành phố. Tiêu biểu như Công ty TNHH một thành viên Panko Tam Thăng mỗi năm hỗ trợ 280 triệu đồng, 13 doanh nghiệp Hàn Quốc tại khu công nghiệp Tam Thăng hỗ trợ mỗi năm 100 triệu đồng, Làng Hoa Sen quốc tế Hàn Quốc hỗ trợ mỗi năm 160 triệu đồng, cá nhân bác sĩ Brooks hỗ trợ mỗi năm hơn 90 triệu đồng, một số cơ quan, cá nhân như Công ty TNHH phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai, Ban quản  lý đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, ông Trương Gia Bình, ông Lê Văn Tiến thuộc Tập đoàn FPT đã tài trợ từ 100 triệu đến 500 triệu đồng,… Nhờ đó quỹ khuyến học thành phố ổn định, công tác khen thưởng, trao học bổng, trợ cấp khó khăn được thực hiện thường xuyên, tiếp thêm động lực cho hàng nghìn em học sinh hiện thực hóa ước mơ chinh phục tri thức của mình. 

35 năm ra đời xây dựng và trưởng thành, 30 năm kể từ ngày là thành viên trong tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam và tỉnh nhà, Hội Khuyến học thành phố Tam Kỳ không ngừng lớn mạnh và có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển giáo dục Tam Kỳ. Từ những ngôi trường cũ kỷ, phòng học xuống cấp, trang thiết bị nghèo nàn, điều kiện dạy học  hạn chế… Đến nay trên địa bàn thành phố tất các cấp trường đều có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, các hoạt động giáo dục-đào tạo ngày càng nâng cao; được kiểm định đạt chuẩn chất lượng giáo dục. Ngành Giáo dục – Đào tạo thành phố nhiều năm liền nhận được giấy khen, bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của các cấp; đặc biệt vừa qua được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu ngành giáo dục của tỉnh. 

Với những thành tích đóng góp đó, Nhiều năm liền, Hội Khuyến học thành phố Tam Kỳ luôn nhận được các danh hiệu thi đua cao quý; trong đó đáng chú ý nhất là đã nhận được: 02 cờ thi đua và 01 bằng khen đơn vị dẫn đầu cụm đồng bằng của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam vào các năm 2016, 2017, 2019; cờ thi đua xuất sắc của Hội Khuyến học Việt Nam vào các năm 2018, 2020 và nhiều bằng khen, giấy khen khác của các cấp; là đơn vị luôn ở tốp đầu của phong trào thi đua toàn tỉnh. Đặc biệt, năm 2017 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Hội Khuyến học thành phố trong giai đoạn 2012-2016. 

Để đạt được những kết quả nêu, trước hết phải kể đến “cái tâm”, “cái tầm” của các đồng chí lãnh đạo; là sự tâm huyết, nhiệt tình, đầy trách nhiệm của đội ngũ những người làm công tác khuyến học từ thành phố đến cơ sở trong suốt 30 năm qua. Đó là sự tâm huyết của các bậc tiền bối đã “khai sinh” ra Ban vận động khuyến học trong buổi đầu đầy gian khó, như đồng chí nguyên Bí thư Thị uỷ Vũ Ngọc Hoàng, thầy giáo Nguyễn Trân - Trưởng ban vận động thành lập Hội Khuyến học thị xã và nhiều đồng chí khác …. Đó là sự lãnh đạo đầy nhiệt huyết, trách nhiệm và xứng tầm của các đồng chí Chủ tịch Hội qua các nhiệm kỳ như:  bác Trần Văn Thiệp, Thầy Nguyễn Văn Tấn, Thầy Thái Nho, bác Dương Thanh Xuân, Thầy Nguyễn Văn Long; và các đồng chí Phó Chủ tịch Hội qua các nhiệm kỳ như: bác Trần Duy Tung, Thầy Đinh Quốc Việt, Thầy Bùi Tấn Nhã, … Đó còn là sự đồng hành đầy trân quý của các tổ chức, nhà tài trợ, mạnh thường quân và sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố... Tất cả đã cùng chung tay làm tròn “sứ mệnh” Khuyến học của thành phố Tam Kỳ trong hành trình 30 năm xây dựng và phát triển. Thế hệ làm công tác khuyến học hôm nay tri ân, tiếp nối kế thừa và quyết tâm chèo lái con thuyền khuyến học Tam Kỳ vươn xa hơn nữa. 

Để viết tiếp truyền thống hiếu học của một vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, nơi khởi xướng phong trào Duy Tân, trong giai đoạn tiếp theo, Thành phố Tam Kỳ đề ra nhiệm vụ trọng tâm là phấn đấu đến năm 2025 đạt các tiêu chí “Thành phố học tập” và trở thành thành viên của mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi các cấp hội cần phải nỗ lực nhiều hơn, tiếp tục động viên cán bộ, hội viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tâm huyết năng động và sáng tạo hơn nữa vì sự nghiệp trồng người để triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, đưa các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của thành phố đạt kết quả cao hơn, phấn đấu sớm đạt mục tiêu thành phố học tập góp phần vào sự phát triển của sự nghiệp Giáo dục và đào tạo của thành phố, xây dựng thành phố đạt tiêu chí đô thị loại 1 theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI đề ra. 

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Tam Kỳ lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020- 2025; với sự quan tâm của HĐND, UBND thành phố với sự nỗ lực của các ban ngành, đoàn thể, địa phương, nhất là sự chỉ đạo của Hội Khuyến học tỉnh, sự phối hợp của Hội Khuyến học và Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, tin tưởng rằng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố trong thời gian đến sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công, góp phần tích cực vào sự phát triển sự nghiệp giáo dục của thành phố, xứng tầm là một thành phố Tỉnh lỵ -một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội hàng đầu của tỉnh Quảng Nam./.


Người Chủ tịch Hội tận tụy, năng động và sáng tạo

Anh là Dương Thanh Xuân, năm nay 70 tuổi, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Tam Kỳ.

Anh sinh ra từ một làng quê nghèo tại xã Tam Ngọc, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Anh tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi. Năm 1969, khi đang là học sinh Trường Trần Cao Vân, Tam Kỳ; anh đã tham gia xây dựng cơ sở bí mật trong phong trào học sinh, giáo viên; cùng bạn bè trong tổ chức thu thập thông tin, nắm tình hình địch, khảo sát vẽ bản đồ thực địa bố phòng của địch để cung cấp cho cách mạng. Năm 1971, do cơ sở bị lộ, tránh sự lùng soát, bắt bớ của địch, tổ chức đưa anh đi thoát ly, trực tiếp tham gia đội công tác, với nhiệm vụ tham gia xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng địch, nắm bắt tình hình, khi cần dẫn đường cho bộ đội chủ lực tấn công tiêu diệt địch, đánh vào cơ quan đầu não của chúng. Đặc biệt, từ đêm 23/3 đến rạng sáng ngày 24/3/1975, anh tham gia dẫn đường cho một trong hai cánh quân chủ lực của quân giải phóng tiến vào giải phóng thị xã Tam Kỳ; để đến 10h30 ngày 24/3/1975 lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh của Tỉnh đường Quảng Tín (nay là trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam), đánh dấu thời khắc lịch sử, quê hương Tam Kỳ đã hoàn toàn giải phóng!


Ông Dương Thanh Xuân, sau ngày giải phóng thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (24/3/1975)

Sau ngày đất nước thống nhất, anh tham gia nhiều vị trí công tác, làm việc ở nhiều cơ quan khác nhau, được tổ chức tin tưởng phân công giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt từ phường, lên thị xã Tam Kỳ (nay là thành phố Tam Kỳ) và cuối cùng là huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Năm 2011, hết hai nhiệm kỳ Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Phú Ninh, từ chối lời đề nghị điều động lên tỉnh làm Phó Ban Đảng. Với mong muốn trao cơ hội cho lớp trẻ, anh tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hai năm. Về nghỉ hưu tại quê nhà, sau nhiều lần đề nghị của Lãnh đạo thành phố Tam Kỳ, anh nhận lời làm Chủ tịch Hội Khuyến học. Kể từ đó, tính đến nay đã là mười năm, tròn hai nhiệm kỳ Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố liên tiếp.

Mười năm làm khuyến học, với bao nỗi vất vả, khó khăn nhưng cũng có rất nhiều niềm vui. Lưu giữ trong trí nhớ của mọi người dấu ấn về người Chủ tịch Hội nhiệt huyết, năng nổ, cùng với nhiều kỷ niệm vui buồn nhưng đọng lại hơn hết là tình cảm thương yêu, trân trọng. Với lối tư duy nhạy bén, sáng tạo; cách tham mưu mạch lạc, khúc chiết; phương pháp hướng dẫn cụ thể, rõ ràng; lối sống giản dị, phong cách làm việc gần gũi, sâu sát cán bộ và phong trào; anh đã góp phần xây dựng tổ chức Hội Khuyến học vững mạnh từ thành phố đến cơ sở. Góp phần tạo ra một đội ngũ cán bộ khuyến học tâm huyết, nhiệt tình, làm việc có chuyên môn, từng bước tiến đến chuyên nghiệp. Với vai trò Chủ tịch Hội, anh đã không ngừng đổi mới nội dung, cách thức hoạt động cho phù hợp thực tế. Xác định mọi phong trào đều bắt nguồn từ tổ chức, anh tập trung tham mưu cấp uỷ và chính quyền địa phương tăng cường, chăm lo xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, phát triển rộng khắp trên địa bàn. Lựa chọn, bồi dưỡng những người có tâm huyết với công tác khuyến học; có khả năng tham mưu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cấp ủy, UBND giao. Từ thực tế phong trào, đội ngũ cán bộ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã, phường đã từng bước trưởng thành, xuất hiện nhiều tập thể tiêu biểu trong công tác khuyến học như xã Tam Thanh, các phường Tân Thạnh, Trường Xuân, Hoà Thuận, An Phú… Hướng dẫn cơ sở tập trung củng cố kiện toàn các chi hội khuyến học khối phố, ban khuyến học có đủ người, phát triển tổ chức Hội đến tổ đoàn kết. Đẩy mạnh hoạt động Chi hội khuyến học ở cơ sở tôn giáo, Ban khuyến học ở các tổ đoàn kết và thành lập mới Ban khuyến học các dòng họ. Đến nay, trên địa bàn thành phố Tam Kỳ đã có 20 Hội Khuyến học trực thuộc, 849 các chi hội, ban khuyến học, tổ khuyến học hoạt động trải rộng khắp địa bàn, cơ quan, dòng họ, trường học với 25.048 hội viên tăng so với đầu nhiệm kỳ 292 tổ chức hội, 5.241 hội viên.

Về đổi mới nội dung, cách thức hoạt động, anh tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; tích cực công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền; chủ động tổ chức các hoạt động phù hợp thực tế của từng địa phương, đơn vị. Trong đó chú trọng nhiệm vụ xây dựng XHHT đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị là nhiệm vụ trọng tâm. Dấu ấn nổi bật của người Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố trong 10 năm qua được thể hiện rõ nét qua các lần tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm (năm 2013), tổng kết 10 (năm 2017) Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị ; sơ kết 3 năm (năm 2018), tổng kết giai đoạn đến năm 2020 thực hiện Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ  từ xã, phường đến thành phố; tổng kết 15 năm giải thưởng Phan Châu Trinh (năm 2017). Qua đó nâng cao nhận thức, tăng cường sự quan tâm của các cấp và toàn xã hội đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của thành phố.

Anh thường xuyên quan tâm việc giúp đỡ học sinh con hộ nghèo, hộ cận nghèo, tiếp thêm nghị lực để các em vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên để học giỏi; kịp thời khen thưởng học sinh giỏi, đỗ đạt cao để khuyến khích, động viên kịp thời, thúc đẩy phong trào thi đua dạy và học trong nhà trường. Về huy động nguồn lực tài chính, anh tập trung phát huy các hình thức vận động quỹ, tăng số dư quỹ hội, chú ý tăng quỹ ở cấp thành phố, cấp phường. Chú trọng vận động trong các cơ quan, xí nghiệp đóng chân trên địa bàn; con em địa phương làm ăn xa, các nhà hảo tâm để tham gia cấp học bổng thường xuyên cho học sinh nghèo, sinh viên nghèo, vượt khó học giỏi. Tham mưu cấp ủy, chính quyền và chủ động liên kết phối hợp các ngành, đoàn thể chính trị, các lực lượng xã hội tổ chức thực hiện việc huy động nguồn lực. Nhờ bằng nhiều hình thức, nhiều cấp tham gia công tác vận động nên kết quả vận động Quỹ, chỉ tính trong năm năm (2016-2021) đã đạt gần 28 tỉ đồng, trong đó thành phố hơn 6 tỉ đồng; riêng nguồn ngân sách hỗ trợ cho giải thưởng Phan Châu Trinh 700 triệu đồng, tăng hơn hai lần so với nhiệm kỳ trước. Công tác khen thưởng khuyến khích phát triển tài năng đã được chú trọng, kịp thời tham mưu cho cấp ủy và UBND, luôn đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng, giá trị của các giải thưởng.

Đặc biệt, anh là người tham gia cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của thành phố Tam Kỳ, sáng lập ra giải thưởng Phan Châu Trinh - giải thưởng cao nhất về khuyến học của UBND thành phố. Qua 19 năm thực hiện, đã tổ chức trao thưởng cho 1.010 lượt người, với số tiền hơn 2,9 tỉ đồng . Giải thưởng không chỉ khuyến khích, động viên phong trào dạy và học mà còn phát huy giá trị văn hóa truyền thống hiếu học, góp phần bồi dưỡng hiền tài và đào tạo nguồn nhân lực cho quê hương, đất nước. Làm tốt công tác phối hợp, phát huy vai trò cán bộ, đảng viên, hội viên MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội làm nòng cốt trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng… để nhiều cá nhân, nhiều tổ chức cùng tham gia khuyến học.

Trên tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết với công việc, cùng với sự tự giác, nêu gương của chính bản thân mình; anh đã tạo ra động lực, thôi thúc đội ngũ cán bộ từ thành phố đến cơ sở không quản ngại khó khăn, tích cực nhiệt tình, tham gia tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ... Với đóng góp to lớn của anh cùng đội ngũ cán bộ, hội viên; Hội Khuyến học thành phố Tam Kỳ nhiều năm qua đã trở thành đơn vị xuất sắc dẫn đầu của tỉnh Quảng Nam; được UBND tỉnh Quảng Nam tặng hai Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen dẫn đầu thi đua khu vực các huyện đồng bằng vào các năm 2016, năm 2017 và năm 2019; được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng hai Cờ thi đua xuất sắc các năm 2018 và năm 2020; vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2008, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2016, đang lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Với 70 năm tuổi đời, có quá trình 55 năm tham gia hoạt động cách mạng, 47 năm tuổi Đảng, hơn 10 năm làm Chủ tịch Hội khuyến học thành phố; anh đã có những cống hiến xứng đáng cho nhân dân, cho đất nước; cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của địa phương. Câu chuyện về anh là nguồn động viên khích lệ, cho các thế hệ tiếp nối của những người làm khuyến học thành phố học tập và noi theo. Nguyện cùng nhau vượt qua bao khó khăn, vất vả, cùng phấn đấu thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, để Hội Khuyến học thành phố Tam Kỳ tiếp tục giữ vững là đơn vị xuất sắc dẫn đầu của tỉnh, cùng phấn đấu để thành phố Tam Kỳ sớm trở thành “Thành phố học tập” và đô thị loại I trong tương lai.

Sau Đại hội đại biểu Hội Khuyến học thành phố của nhiệm kỳ này, anh đã chuyển giao nhiệm vụ cho các thế hệ tiếp nối. Dù lãnh đạo thành phố đã động viên, cán bộ Hội các cấp cũng đề nghị anh tiếp tục tham gia thêm một nhiệm kỳ nữa nhưng anh vẫn quyết định nghỉ. Anh tâm sự, nay tuổi đã lớn, sức khỏe không còn tốt như trước…
 
Chia tay anh - người lãnh đạo cũ, người Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố có tâm, có tầm, làm việc tận tụy, năng động và sáng tạo!

Nguyễn Văn Long



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam ủng hộ đồng bào các địa phương bị ảnh hưởng bão số 3
Hỏi - Đáp về công tác Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Giáo sư Nguyễn Thị Doan: Học sinh "đắm mình" trong công nghệ, giáo viên phải đổi mới không ngừng để thích ứng
Chủ trương xây dựng và phát triển xã hội học tập ở Việt Nam
Nhà báo, Nhà văn Huỳnh Dũng Nhân: 70 tuổi tôi vẫn tự học, kể cả học từ học trò của mình
Đẩy mạnh các mô hình, không gian phục vụ học tập suốt đời
Long An: Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt nhiều kết quả nổi bật
Hội Khuyến học Phú Thọ cùng các đơn vị học tập tổ chức toạ đàm về giải pháp đẩy mạnh học tập suốt đời
Hội Khuyến học Việt Nam trao học bổng, vinh danh 463 người “Học không bao giờ cùng”
Giáo sư Nguyễn Thị Doan: Đội ngũ cán bộ khuyến học miệt mài, đam mê công việc vì sự học của nước nhà
GS.TS Nguyễn Thị Doan khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện công tác xây dựng xã hội học tập tại Hải Phòng
Hội Khuyến học các tỉnh thành Đồng bằng sông Hồng giao ban công tác khuyến học
Đoàn kiểm tra, khảo sát của Hội Khuyến học Việt Nam làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Cụm Khuyến học Đông Nam Bộ giao ban công tác 6 tháng đầu năm 2024
Đoàn khảo sát, kiểm tra của Hội Khuyến học Việt Nam làm việc tại Bình Thuận
Đoàn khảo sát đánh giá của Hội Khuyến học Việt Nam làm việc tại Tuyên Quang
Hưng Yên: Phấn đấu năm 2025 đạt 75% danh hiệu "Gia đình học tập"
Đoàn Kiểm tra Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam làm việc tại Kiên Giang
Đoàn Kiểm tra Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam làm việc tại Cần Thơ
Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam hoàn thành công tác kiểm tra tại Gia Lai, Kon Tum


Thời gian mở trang: 0.368 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.