TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Khuyến hoc và Giáo dục | Nhìn lại năm 2008:Giáo dục Việt Nam tiếp tục đổi mới và khẩn trương chuẩn bị cho tầm nhìn 2020
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Năm 2024
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Khuyến hoc và Giáo dục 05.2024
Nhìn lại năm 2008:Giáo dục Việt Nam tiếp tục đổi mới và khẩn trương chuẩn bị cho tầm nhìn 2020
01.2009

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đánh giá về tình hình giáo dục Việt Nam năm 2008 cũng như tầm nhìn phát triển 2010

Năm 2008, đất nước chúng ta đã vượt qua những thách thức to lớn do ảnh hưởng ngoài dự báo của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, của biến đổi thời tiết và thiên tai trên nhiều miền Tổ quốc, và đã đạt được những thành tựu trong ổn định và tiếp tục phát triển kinh tế, phát triển sự nghiệp văn hóa xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, tăng cường vị thế trên trường quốc tế, được nhân dân thừa nhận và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Hòa trong nỗ lực đó, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sự chỉ đạo và giám sát của Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ, năm 2008 ngành giáo dục đã tiếp tục đổi mới vì trách nhiệm xã hội và khẩn trương chuẩn bị cho tầm nhìn phát triển 2020.

Hơn 23 triệu học sinh, sinh viên cả nước cùng hơn một triệu thầy giáo, cô giáo bước vào năm thứ ba cuộc vận động "Hai không" theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm thiết lập lại môi trường sư phạm lành mạnh ở các trường học mà thiếu nó, việc dạy và học sẽ không thể hiệu quả, động lực học tốt của học sinh, dạy tốt của thầy cô giáo bị thui chột.

Qua hai năm học, cuộc vận động "Hai không" đã được sự đồng tình của xã hội, của gia đình học sinh, của các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh và sự hỗ trợ, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, sự chung tay của Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh...

Tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích đã từng bước được đẩy lùi đáng kể. Học sinh, gia đình và các thầy cô đã quan tâm quyết liệt hơn đến kết quả học tập thực chất của học sinh, ngay từ đầu năm học đã có kế hoạch bồi dưỡng học sinh yếu kém phù hợp với hoàn cảnh của từng trường, từng lớp. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi đại học hè 2008 đã diễn ra nghiêm túc, so với thời kỳ trước 2007, kỷ cương, trật tự ở các hội đồng thi đã khác hẳn. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông và bổ túc qua hai đợt thi năm 2008 là 86%, cao hơn năm học trước 6%. Việc thi cử diễn ra nghiêm túc, cũng là một thước đo cho chất lượng giáo dục cơ bản đã được nâng lên.

Khó khăn về đời sống là nguyên nhân lớn nhất cho việc bỏ học. Trong năm 2008, ngành đã tự triển khai hai giải pháp để góp phần khắc phục nguyên nhân này.

Lần đầu tiên, ngành giáo dục đã phát động trong cả nước việc học sinh góp sách giáo khoa đã dùng cho học sinh khóa sau sử dụng, Nhà Xuất bản Giáo dục mua lại sách cũ bán rẻ hoặc tặng lại học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng sách mới cho học sinh là con thương binh, liệt sĩ. Bằng cách này, 53 triệu cuốn sách cũ đã tới tay học sinh, và ngành giáo dục đã thực hiện được cam kết trước Thủ tướng Chính phủ: Từ năm học 2008 - 2009, không một học sinh nào thiếu sách khi đến trường. Thiếu quần áo ấm để đi học là nỗi đau của các thầy giáo, cô giáo đối với hàng vạn học sinh ở miền núi và các vùng khó khăn.

Bắt đầu từ năm học 2008 - 2009, ngành giáo dục sẽ tổ chức hằng năm từ tháng 6 đến tháng 9 Cuộc vận động quyên góp: tiền, sách vở, đồ dùng học tập và quần áo cho học sinh miền núi và vùng khó khăn để tiến tới đạt được mục tiêu: Tất cả học sinh Việt Nam đi học đều có đủ quần áo và sách vở, đồ dùng học tập. Cuộc vận động năm đầu tiên của ngành, mà Công đoàn Giáo dục Việt Nam là lực lượng nòng cốt, đã thu được kết quả đáng khích lệ: gần 13 tỷ đồng, hơn 80.000 cuốn sách giáo khoa và vở viết, hơn 13.000 đồ dùng học tập, hơn 80.000 chiếc quần áo đã được quyên góp, phần lớn số này đã được chuyển cho các em học sinh miền núi và huyện khó khăn.

Giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông là vấn đề lâu nay đã được ngành đặt ra, được xã hội quan tâm, song chưa tạo được sự chuyển biến cơ bản. Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho rằng, một nguyên nhân cơ bản của tình hình trên là việc giáo dục đạo đức cho học sinh chủ yếu diễn ra trong khuôn viên nhà trường và qua sách vở; chưa thật sự gắn với thực tế lịch sử, văn hóa của dân tộc, chưa gắn với cuộc sống thực hằng ngày của địa phương, đất nước.

Ngành giáo dục và đào tạo đã không huy động và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhân lực, cơ sở vật chất của ngành văn hóa và Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh cho việc giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh. Nhằm tạo một bước đột phá trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh ngày 19-8-2008 đã ký Chương trình phối hợp triển khai phong trào thi đua xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" giai đoạn 2008 - 2013.

Phong trào thi đua này có năm nội dung cơ bản là: 1 - Xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp và an toàn. 2 - Dạy và học hiệu quả. 3 - Rèn luyện kỹ năng sống. 4 - Tổ chức hoạt động vui chơi, văn nghệ, thể thao tích cực. 5 - Mỗi trường nhận tìm hiểu, tôn tạo và phát huy một di tích lịch sử, văn hóa. Thông qua phong trào này và chương trình phối hợp ba tổ chức có hệ thống từ trung ương đến xã, phường, cơ sở vật chất như các nhà văn hóa của ngành văn hóa và Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, các di tích lịch sử, văn hóa đã được công nhận, các nhà bảo tàng do ngành văn hóa quản lý, hệ thống nhà thi đấu thể thao, các chuyên gia văn hóa, lịch sử, thể thao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và lực lượng cán bộ, đoàn viên các cấp sẽ được huy động một cách có tổ chức, kế hoạch để giáo dục kỹ năng sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí cách mạng cho học sinh, đồng thời coi các em là một chủ thể của quá trình nuôi dưỡng và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân tộc để giáo dục lại xã hội và giới thiệu các tinh hoa đó của dân tộc đến bạn bè quốc tế.

Sau bốn tháng triển khai đã có 2.191 trường phổ thông đăng ký tham gia phong trào thi này và hơn 2.816 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng đã được các trường nhận chăm sóc và phát huy giá trị. Từ nay ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11 sẽ được ngành giáo dục và Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh coi là ngày về nguồn để tổ chức các hoạt động kỷ niệm có giáo dục một cách thiết thực.

Ngoài ba hoạt động lớn nói trên, cuộc vận động "Hai không", cuộc vận động quyên góp để "Mọi học sinh Việt Nam đều đủ sách vở, đồ dùng học tập và quần áo đi học", phong trào thi đua xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", trong năm 2008, ngành giáo dục và đào tạo còn triển khai nhiều hoạt động khác có quy mô toàn quốc và có tác động mạnh mẽ đến sự nghiệp đổi mới giáo dục, như: 1 - Tổ chức đánh giá thực hiện chương trình giáo dục và sách giáo khoa mới trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của 20.000 trường phổ thông. 2 - Cùng Ngân hàng chính sách xã hội cho 1,2 triệu học sinh học nghề, sinh viên các gia đình nghèo, cận nghèo vay hơn 8.000 tỷ đồng để học. 3 - Triển khai năm học "Ðẩy mạnh ứng dụng CNTT" với việc kết nối và sử dụng internet miễn phí cho tất cả các trường phổ thông, trung tâm giáo dục cộng đồng cả nước qua sự giúp đỡ của Viettel, xây dựng thư viện giáo trình đại học số trên trang web của Bộ với hơn 350 giáo trình và bảy triệu lượt người truy cập trong một năm, tổ chức 17 cuộc hội nghị, họp, giao ban toàn quốc qua mạng, tiết kiệm khoảng tám tỷ đồng so với họp bình thường, Bộ Giáo dục và Ðào tạo được xếp hạng nhất trong số các bộ ngành về chỉ số sẵn sàng về CNTT. 4 - Triển khai mạnh mẽ việc đào tạo theo nhu cầu xã hội ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học và các trường dạy nghề với việc tổ chức 12 hội thảo quốc gia, hội nghị vùng về đào tạo theo nhu cầu, qua đó gần 600 hợp đồng, thỏa thuận đào tạo giữa doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các cơ sở đào tạo đã được ký kết với 4.000 công nhân và 10.000 cử nhân, kỹ sư được đào tạo theo địa chỉ. 5 - Phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thi sáng tác ca khúc về ngành giáo dục với 800 bài hát của hơn 500 tác giả tham gia, xét công nhận các Nhà giáo Nhân dân và Nhà giáo Ưu tú với số lượng lớn nhất từ trước tới nay. 6 - Xét tuyển để gửi đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài 663 người (gấp bốn lần bình quân các năm trước). 7 - Ðề xuất xây dựng chương trình "Phổ cập mầm non năm tuổi" và đang hoàn thiện kế hoạch để triển khai từ 2009...

Bên cạnh việc triển khai các giải pháp lớn đổi mới giáo dục hiện nay, năm 2008, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã tập trung xây dựng và triển khai các giải pháp với tầm phát triển 2020. Nền tảng của các giải pháp có ý nghĩa chiến lược nâng hệ thống các quy luật khác nhau đang đồng thời chi phối hoạt động của ngành giáo dục. Ðể quản lý hệ thống giáo dục quốc dân có hiệu quả, để đổi mới giáo dục Việt Nam có hiệu quả thì phải chỉ ra rõ ràng hệ thống giáo dục quốc dân đang chịu sự chi phối của các quy luật gì, của các xu hướng vận động có tính quy luật gì thuộc khoa học xã hội, khoa học quản lý, khoa học kinh tế và khoa học giáo dục.

Chính hệ thống các quy luật này cùng các quan điểm, nghị quyết của Ðảng về giáo dục mới cho ta cách nhìn và phương pháp luận đúng đắn để đánh giá hiện trạng của hệ thống giáo dục hiện nay và đề xuất các mục tiêu, giải pháp chiến lược khả thi, hiệu quả cao để phát triển giáo dục tới 2020. Trên cơ sở đánh giá việc thực thi chiến lược giáo dục 2001 - 2010 trong giai đoạn đầu (2001 - 2006), đã báo cáo Hội đồng Quốc gia giáo dục do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, từ tháng 8-2007, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã triển khai xây dựng chiến lược giáo dục 2009 - 2020.

Phù hợp với quy trình xây dựng chiến lược ngành, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã thành lập 27 nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục và các nhà quản lý giáo dục trong và ngoài ngành, với sự tư vấn của một chuyên gia quản lý giáo dục nguyên là Bộ trưởng Giáo dục Chi-lê.

Trong quá trình soạn thảo, từ 4-2008 đến 11-2008, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã giới thiệu và nghe góp ý của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, các đồng chí nguyên là Bộ trưởng Giáo dục, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, các nhà khoa học của 64 Sở Giáo dục và Ðào tạo và 107 trường đại học, cao đẳng, TCCN.

Trong tháng 12-2008, Bộ đã giới thiệu dự thảo chiến lược (phiên bản thứ 13) cho lãnh đạo các cơ quan báo chí và các tổ chức chính trị xã hội (Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam, Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam...) để các cơ quan và đoàn thể góp ý cho ngành. Ngày 30-12-2008, Bộ đã giới thiệu Dự thảo chiến lược (phiên bản thứ 14) cho 63 Sở Giáo dục và Ðào tạo cả nước để các cơ sở tổ chức lấy ý kiến từ các trường. Cuối tháng 2-2009, Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ tổng kết việc góp ý kiến của tất cả các giới trong cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài hoàn chỉnh chiến lược dự thảo để sau đó báo cáo Chính phủ.

Năm 2008 đã khép lại, nhưng vẫn còn nhiều yếu kém của ngành giáo dục và đào tạo, mà trước hết là chất lượng và quy mô giáo dục, đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và mong muốn của nhân dân. Nhưng năm 2008 cũng là một năm tiếp tục đổi mới trong toàn ngành, những đổi mới được dồn sức, chấn chỉnh để sự đổi mới ngày một sâu hơn, rộng hơn.

Nhân dịp Xuân về, xin cảm ơn Ðảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước đã dành cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ và giám sát sâu sắc. Chúng tôi tin tưởng rằng, cùng cả nước vì cả nước, nền giáo dục Việt Nam trong thập kỷ 20 sẽ tiếp nối truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo vẻ vang và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

NGUYỄN THIỆN NHÂN
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài


Thời gian mở trang: 0.190 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.