Thanh Hóa: Đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài ở vùng miền núi-dân tộc
11.2008
Theo Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa, đến nay ở địa bàn các huyện miền núi đã có gần 300 chi hội khuyến học thôn, bản với 140.583 hội viên, chiếm gần 13% dân số miền núi, gần 30.000 gia đình đạt danh hiệu Gia đình hiếu học.
Các cấp hội khuyến học cơ sở thường xuyên được kiện toàn, củng cố, luôn cổ vũ, động viên, khuyến khích, hỗ trợ học sinh, sinh viên, giáo viên và các nhà trường.
Những kết quả bước đầu
Công tác vận động học sinh ra lớp học đúng độ tuổi và giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn luôn được quan tâm. Nhiều hội khuyến học cơ sở đã tổ chức đôn đốc, nhắc nhở việc tự học của học sinh thông qua tiếng trống, tiếng mõ, tiếng kẻng khuyến học vào đầu buổi tối, có tác dụng và hiệu quả. Đặc biệt, các cấp hội khuyến học đã góp phần đáng kể trong công tác xóa mù chữ, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn. Riêng năm học 2007-2008, các cấp hội khuyến học các huyện miền núi đã vận động được 2.241 học sinh bỏ học và có nguy cơ bỏ học trở lại lớp. Số học sinh được nhận học bổng và được khen thưởng ngày càng nhiều, đạt tỷ lệ cao so với mặt bằng chung của toàn tỉnh. Phong trào xây dựng xã hội học tập, xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng tại các địa phương cũng được các cấp hội khuyến học tích cực hưởng ứng. Nhìn chung, những kết quả đạt được của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở miền núi trong thời gian qua đã và đang có bước chuyển biến tích cực. Một số hội khuyến học của các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Như Thanh, Thạch Thành, Thường Xuân, Ngọc Lặc... đã vươn lên, vượt qua khó khăn, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh và hoạt động có hiệu quả. Điều đáng ghi nhận là, mặc dù còn nhiều khó khăn, song nhiều cán bộ hội khuyến học các cấp ở miền núi đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và lòng nhiệt tình. Bên cạnh đó, các hội khuyến học các địa phương đang phát triển mạnh phong trào thi đua xây dựng dòng họ, khu dân cư hiếu học. Nhiều dòng họ, khu dân cư đã xây dựng được quỹ khuyến học và góp phần tích cực vào việc trợ giúp con em gia đình nghèo để các em tiếp tục học tập tốt hơn...
Cần sự quan tâm chung sức
Địa bàn miền núi vùng cao là nơi có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Hiện nay cuộc sống của phần lớn bà con còn rất khó khăn. Do đó bên cạnh những địa phương làm tốt công tác khuyến học thì ở nhiều nơi việc huy động đóng góp xây dựng quỹ khuyến học cũng rất khó. Có nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm tới tổ chức và phong trào hội, thậm chí nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về công tác khuyến học còn chưa đúng mức. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến học chủ yếu là kiêm nhiệm, nên chưa đầu tư nhiều thời gian cho việc xây dựng phong trào và tổ chức hoạt động của hội; công tác thông tin, báo cáo của hội khuyến học cơ sở còn chậm, thiếu sự lãnh đạo của chính quyền địa phương. Công tác khuyến học chưa đáp ứng được yêu cầu đối với từng vùng dân tộc hay vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa... nên chưa thực sự khuyến khích việc học tập của con em các dân tộc...
Để phát triển phong trào khuyến học ở vùng miền núi tỉnh ta, rất cần có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương. Mặt khác, cần tiếp tục phát động mạnh mẽ phong trào gia đình, dòng họ, khu dân cư hiếu học; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến học có trách nhiệm cao. Hội khuyến học các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành để xây dựng chương trình hoạt động khuyến học đối với vùng miền núi - dân tộc. Chẳng hạn, đối với học sinh miền núi chỉ cần học tập đạt học lực khá cũng sẽ được hỗ trợ học bổng... ./.
(Theo Báo Thanh Hóa) |