TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Xây dựng xã hội học tập | Hội Khuyến học Việt Nam làm nòng cốt liên kết các lực lượng xây dựng xã hội học tập
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Xây dựng xã hội học tập 04.2024
Hội Khuyến học Việt Nam làm nòng cốt liên kết các lực lượng xây dựng xã hội học tập
10.2008

Ngày 27/10, Bộ Giáo dục-Đào tạo và Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập" và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng. PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã có bài phát biểu, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng Bạn đọc:

Kính thưa các quí vị Đại biểu!

Trước hết, cho phép tôi thay mặt TW Hội KHVN xin gửi đến các quý vị đại biểu lời chúc mừng sức khỏe, chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Hội KHVN được thành lập đến nay tròn 12 năm. Trong thời gian đầu, hoạt động của Hội chủ yếu tập trung vào việc xây dựng Quỹ Khuyến học để hỗ trợ học bổng cho những học sinh nghèo có điều kiện tiếp tục học tập ; đồng thời trao giải thưởng khuyến khích động viên những học sinh giỏi để các cháu phấn đấu, rèn luyện trở thành những người lao động giỏi, cán bộ tài năng góp phần xây dựng đất nước.

I. Bối cảnh ra đời Đề án

Từ năm 2000 trở đi, hoạt động của Hội KHVN theo định hướng “hướng tới xây dựng một XHHT”. Ngay từ ngày 20/11/2000, TW Hội KHVN Nam đã có tờ trình lên TW Đảng và Chính phủ Đề án “Xây dựng xã hội học tập ở Việt nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nhất là từ năm 2001 về sau, khi Đại hội IX của Đảng CSVN có Nghị quyết “Xây dựng cả nước trở thành một XHHT”, Ban Chấp hành TW Hội KHVN do đ/c Vũ Oanh làm Chủ tịch đã thông qua Đề án “Hội Khuyến học Việt Nam góp phần xây dựng XHHT từ cơ sở” vào tháng 3 năm 2002. Kể từ đó tổ chức của Hội đã phát triển rất mạnh mẽ và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.

Cho đến nay, tổ chức Hội đã phủ kín 100% cấp tỉnh/thành phố, quận/huyện, 98% cấp xã, phường, thị trấn. Thậm chí, Hội còn tổ chức các chi hội, tổ hội, ban khuyến học đến tận thôn, bản, phum, sóc, khu phố, tổ dân cư, các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, đơn vị kinh tế, xã hội, công an, quân đội. Hội thu hút hơn 6 triệu hội viên. Đội ngũ cán bộ Hội được mệnh danh đội ngũ “5T” : có Tâm, có Trí, có Tài năng, có Thời gian và Tự nguyện làm việc cho Hội.

II. Nội dung Đề án

Đề án “Hội Khuyến học Việt Nam góp phần xây dựng XHHT từ cơ sở” đã chỉ rõ ra 2 đối tượng trong xã hội cần được tác động bằng những hoạt động cụ thể :

1. Đối với đối tượng người học trong nhà trường các cấp (chiếm khoảng 1/3 dân số), Hội đề ra 10 nội dung hoạt động tập trung vào 3 lĩnh vực cụ thể như sau :

1.1. Đối với học sinh, cần tập trung chống việc bỏ học, giảm thiểu lưu ban, ngồi nhầm lớp, chống các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, hư hỏng đạo đức, vi phạm pháp luật. Tổ chức quản lý học sinh trong những ngày nghỉ hè, giúp đỡ học sinh nghèo được đi học, khuyến khích động viên những học sinh giỏi.

1.2. Đối với cơ sở vật chất nhà trường, Hội vận động nhân dân tặng chậu hoa, cây cảnh làm cho cảnh quan trường sạch đẹp ; trồng cây trong khuôn viên nhà trường ; chăm sóc cơ sở vật chất, thiết bị ; đặc biệt vận động cá nhân hoặc chính quyền địa phương cung cấp đất đủ tiêu chuẩn để đảm bảo việc xây dựng trường chuẩn quốc gia.

1.3. Đối với thầy cô giáo, Hội vận động các cô thầy giúp đỡ bồi dưỡng cho những học sinh yếu kém và học sinh học giỏi để phát huy tài năng. Hội giúp đỡ những thầy cô có khó khăn về vật chất, nhất là trong việc vận động xây nhà công vụ cho các thầy cô giáo ở xa.

Để có điều kiện thực hiện các việc như trên, các cấp Hội vận động xây dựng Quỹ Khuyến học bằng nhiều biện pháp sáng tạo.

2. Đối với đối tượng người ngoài nhà trường chiếm hơn 2/3 dân số (trên 60 triệu người), đây là đối tượng chủ yếu của Hội cần tác động để góp phần nâng cao trình độ học tập. Đối với đối tượng này, Hội đã đề ra 12 giải pháp tập trung vào một số nhóm hoạt động khuyến học khuyến tài như sau :

2.1. Phát động phong trào gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, hội đồng hương khuyến học, cụm dân cư khuyến học.

2.2. Tổ chức hoạt động khuyến học ở tất cả các tổ chức văn hóa, kinh tế xã hội như cơ quan, trường học, doanh nghiệp, nông trường, HTX, các đoàn thể xã hội, nhà thờ, nhà chùa…

2.3. Tổ chức khuyến học trong các đơn vị quân đội, bộ đội biên phòng.

2.4. Tổ chức hoạt động khuyến học trong các trại cải tạo hoàn lương, trại cải tạo ma túy, nhà tù.

2.5. Vận động các cá nhân, tổ chức mở các trường ngoài công lập từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT, THCN, cao đẳng, đại học ; các trung tâm dạy nghề, dạy ngoại ngữ và tin học để thu hút những người không có điều kiện đến trường chính quy có thể có cơ hội học tập.

2.6. Đặc biệt, Hội chủ động phối hợp với ngành giáo dục thành lập các TTHTCĐ để tạo điều kiện cho nhân dân học tập những gì họ cần.

3. Từ những hoạt động như trên, bước đầu Hội Khuyến học các cấp đã tạo ra rất nhiều mô hình khuyến học khuyến tài có hiệu quả. Dựa trên cơ sở đó, Hội KHVN cùng Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ Đề án “Xây dựng XHHT ở Việt Nam” và ngày 18/5/2005 Chính phủ đã có Quyết định 112/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng XHHT ở Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010”. Trong Đề án Chính phủ đã giao cho Hội KHVN phối hợp với Bộ GD&ĐT cùng các ngành liên quan tiến hành tổ chức thực hiện.

III. Kết quả thực hiện Đề án

Trong 3 năm qua, Hội KHVN đã chỉ đạo các cấp hội nghiên cứu xem xét quán triệt mục tiêu, nội dung Đề án và vạch ra kế hoạch cụ thể để thực hiện. Để chuẩn bị cho việc sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 112/2005/QĐ-TTg của Chính phủ, Bộ GD&ĐT và Hội KHVN đã phối hợp tổ chức khảo sát ở nhiều địa phương và tổ chức hội thảo ở 3 vùng miền, xác định rõ tính đặc thù trong việc thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT” ở các thành phố lớn, ở vùng đồng bằng và ở trung du miền núi, được tổ chức tại thành phố Đà nẵng, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Hà Giang.

Qua khảo sát thực tế và dựa vào báo cáo của 64 tỉnh/ thành phố trực thuộc TW, Hội Khuyến học Việt Nam nhận thấy rằng việc chia ra 2 đối tượng trong xã hội : người học trong hệ thống nhà trường chính quy do Bộ GD&ĐT chỉ đạo quản lí và người ở ngoài nhà trường chưa có điều kiện học tập để có những biện pháp tác động thích hợp, đẩy mạnh việc học tập nâng cao chất lượng, học tập thường xuyên suốt đời là cách phân chia đúng đắn.

Các biện pháp hoạt động khuyến học khuyến tài, xây dựng XHHT đã nêu trong Đề án “Hội Khuyến học Việt Nam góp phần xây dựng XHHT từ cơ sở” và đề án “Xây dựng XHHT ở Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010” do Chính phủ phê duyệt theo quyết định 112/2005/QĐ/TTg ngày 18/5/2005 là thích hợp.

Hội Khuyến học các cấp đã tạo ra rất nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả :

1. Từ các vùng miền khác nhau, các cấp Hội đã tập trung vào việc vận động hàng chục vạn học sinh bỏ học trở lại trường, đặc biệt ở những vùng khó khăn như miền núi hay vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phối hợp với nhà trường động viên cô thầy bồi dưỡng cho những học sinh yếu kém để hạn chế việc lưu ban, ngồi nhầm lớp, giảm thiểu việc dạy thêm học thêm tràn lan tiêu cực. Quỹ Khuyến học các cấp hội đã huy động hàng trăm tỷ đồng bằng những biện pháp hết sức sáng tạo : các đôi tân hôn sẵn sàng góp một vài mâm cỗ cưới ; người dân mua một vài vé xổ số khuyến học, mỗi ngày bỏ một vài nghìn vào lợn đất, vào ống tiết kiệm gia đình ; các nhà doanh nghiệp với lòng hảo tâm đã góp vài ba trăm triệu đồng, thậm chí đến hàng tỷ đồng cho Quỹ Khuyến học. Riêng Hội Khuyến học TP. Hồ Chí Minh đã huy động Quỹ đến hơn 90 tỷ đồng, TP. Đà Nẵng hơn 40 tỷ đồng… Số tiền thu được đã cấp học bổng cho hàng triệu học sinh nghèo được tiếp tục học tập ở trong nước và ngoài nước, trao giải thưởng động viên cho hàng triệu học sinh khá giỏi, xuất sắc, giúp họ thành đạt trở thành những người lao động có trí tuệ, cán bộ tài năng cho đất nước. Các cấp hội đã phối hợp với nhà trường và địa phương giám sát, vận động, bảo ban khuyên nhủ đầy tình nhân ái đối với những đối tượng nghiện ngập ma tuý, mắc tệ nạn xã hội, cứu vớt nhiều học sinh thoát khỏi con đường lầm lỗi. Ở một số làng quê, hằng đêm vang lên tiếng kẻng khuyến học của nhiều chi hội, tổ hội nhắc nhở các bậc cha mẹ nhắc con em học tập đã đem lại nhiều hiệu quả tốt đẹp cho học sinh và nhà trường. Đối với thời gian học sinh được nghỉ dài hạn như nghỉ Tết, nghỉ hè, các cấp hội đã phối hợp với nhà trường, với các đoàn thể ở địa phương tổ chức cho học sinh vui chơi giải trí có lợi ích, giúp nhau học tập, chuẩn bị cho năm học sau, nhất là các học yếu kém.

2. Các cấp hội đã vận động hội viên và nhân dân đóng góp tiền của, công sức góp phần tu sửa, bổ sung cơ sở vật chất cho nhà trường, sửa chữa các lớp bị hư hỏng, nhất là ở những vùng bị mưa lũ phá hoại, đảm bảo cho học sinh có chỗ học kịp thời. Hội đã vận động nhân dân, học sinh hỗ trợ quần áo, chăn màn, sách vở ủng hộ cho học sinh ở những vùng bị thiên tai, thể hiện tình nghĩa lá lành đùm lá rách. Cuối năm vận động học sinh lớp trên tặng bộ SGK cho học sinh lớp dưới, thể hiện tình bạn thắm thiết, đồng thời tiết kiệm được tiền của cho nhân dân. Hội đã tư vấn và hỗ trợ cho trường tiểu học bán trú tổ chức tủ sách giáo khoa để tại lớp giúp các em học sinh hằng ngày không phải mang những túi sách nặng trĩu đến trường, hạn chế việc cong vẹo cột sống. Sách giáo khoa được dùng lại nhiều năm, học sinh học và làm bài ngay tại lớp, về nhà chỉ làm những bài tập nhẹ nhàng. Vận động nhân dân và chính quyền địa phương hiến tặng hoặc cấp thêm cho nhiều trường hàng nghìn hecta đất để mở rộng khuôn viên, tham gia trồng hoa cây cảnh, cây bóng mát cho nhà trường, làm cho cảnh quan nhà trường xanh sạch đẹp. Ở những vùng khó khăn các cấp hội vận động làm nhà công vụ cho giáo viên và nhà bán trú cho học sinh dân tộc vùng xa xôi hẻo lánh.

3. Hội Khuyến học cơ sở và trường học đã gắn bó với nhau một cách chặt chẽ. Cô Hiệu trưởng trường THCS xã Thanh Cao Bùi Thị Kim Anh đã ví mối quan hệ giữa Hội Khuyến học với nhà trường giống như mặt trời và sự sống, sự sống cần ánh sáng mặt trời, nhà trường cần đến Hội Khuyến học, khuyến học sẽ trường tồn như mặt trời vì bao giờ sự học còn thì khuyến học sẽ còn, sẽ không thể thiếu ! Những hoạt động của Hội Khuyến học xã Thanh Cao đã góp phần làm cho trường THCS Thanh Cao từ một trường yếu kém nhất huyện trở thành trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên trong huyện. Một thành công nữa của Hội Khuyến học xã Thanh Cao là đã hỗ trợ phổ cập bậc học mẫu giáo. Đó là một công việc không dễ gì có thể thực hiện được ngay cả ở những thành phố lớn. Cũng như vậy, ở tỉnh Đồng nai, từ khi dấy lên phong trào hoạt động của Hội Khuyến học thì sự nghiệp Giáo dục của tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều thành tích tốt đẹp như giảm hẳn số học sinh lưu ban bỏ học, tăng tỉ lệ học sinh khá giỏi… Đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Đồng Nai Lê Văn Hoàng đã đánh giá cao vai trò của Hội Khuyến học tỉnh đối với sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.

4. Hội KHVN đã phát động phong trào gia đình hiếu học với 3 tiêu chí :

- Trẻ em phải đi học, học giỏi, đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật.
- Người lớn đều phải đăng kí học tập để nâng cao trình độ, thực hiện đầy đủ chính sách pháp luật của Nhà nước, không tham ô lãng phí.
- Mọi người trong gia đình phải quan tâm đến công tác khuyến học.

Mới nghe qua các tiêu chí trên có vẻ rất đơn giản nhưng lại có tác dụng to lớn đối với sự nghiệp khuyến học khuyến tài, xây dựng XHHT. Hiện nay đã có gần 4 triệu gia đình đăng ký phấn đấu trở thành gia đình hiếu học, trong đó đã có hơn 50% đạt các tiêu chí nêu trên. Hội đã tổ chức 2 Đại hội Gia đình hiếu học và Dòng họ khuyến học toàn quốc. Những báo cáo tham luận đầy xúc động đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá rất cao. Trong Đại hội Gia đình hiếu học lần thứ nhất, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói : “ Nếu tất cả các gia đình trong xã hội VN đều đạt được danh hiệu Gia đình hiếu học thì việc điều hành của Chính phủ sẽ nhẹ nhàng rất nhiều”.

Gia đình hiếu học là yếu tố hạt nhân của việc xây dựng XHHT, của việc thực hiện nguyên lý giáo dục : kết hợp giáo dục gia đình - nhà trường - xã hội.
Phát triển Dòng họ khuyến học cũng có tác dụng to lớn. Hơn 60.000 dòng họ đã phấn đấu để trở thành Dòng họ khuyến học. Giải thưởng khuyến học của dòng họ tuy không lớn nhưng có tác dụng động viên con cháu rất nhiều. Nhiều dòng họ đã khuyến khích, giám sát con em dòng họ mình phấn đấu học tập, tu dưỡng đạo đức, nhờ vậy mà mỗi năm số học sinh khá giỏi được tăng lên đáng kể.

5. Các cụm dân cư khuyến học là những đơn vị hoạt động rất có tác dụng vì họ đã nắm rõ hoàn cảnh từng hộ gia đình, từng học sinh, từng nhà doanh nghiệp, từng tổ chức trên địa bàn nên việc quản lý vận động phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng XHHT từ cơ sở đạt hiệu quả cao.

6. Các cấp hội đã vận động tất cả các cơ quan trường học, các tổ chức kinh tế xã hội, các nhà chùa, nhà thờ trên địa bàn địa phương đóng góp nhiều công sức cho hoạt động khuyến học khuyến tài. Nhiều cơ quan đã đỡ đầu cho con em của các cán bộ nhân viên có khó khăn, tổ chức cho cán bộ nhân viên học tập nghiệp vụ, nhất là học ngoại ngữ, vi tính. Nhiều nhà doanh nghiệp đã đóng góp hàng tỷ đồng cho sự nghiệp khuyến học khuyến tài. Nhiều nhà thờ, nhà chùa đã nuôi dạy, hỗ trợ hàng trăm trẻ em bất hạnh, cơ nhỡ, lang thang. Nhiều trại cải tạo hoàn lương, nhà tù đã tổ chức dạy nghề cho phạm nhân để tránh việc tái phạm lỗi lầm. Các đơn vị quân đội đã dạy văn hóa, dạy nghề cho quân nhân chuẩn bị xuất ngũ. Sau khi trở về lại quê hương, họ nhanh chóng trở thành những người lao động giỏi, những nhà doanh nghiệp tài năng tạo công ăn việc làm cho hàng chục người lao động cùng tham gia sản xuất làm ra nhiều của cải vật chất cho xã hội.

7. Hội còn vận động các tổ chức, các cán bộ về hưu mở trường ngoài công lập từ mầm non đến THPT, THCN, CĐ, ĐH. Đến nay đã có hơn 50% trường mầm non, 30% trường PTTH, 15% trường CĐ, ĐH là những trường ngoài công lập. Nhiều trường PTTH có số học sinh thi đỗ vào CĐ, ĐH đến 80 – 90%, thậm chí có năm có trường đỗ 100% vào đại học. Nhiều trường CĐ, ĐH xây dựng cơ sở vật chất đàng hoàng, khang trang. Nếu tính toán hiệu quả kinh tế xã hội thì hệ thống trường ngoài công lập từ mầm non đến đại học đã gánh đỡ cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

8. Đặc biệt trong thời gian qua, các cấp hội đã cùng ngành giáo dục vận động xây dựng được hơn 9000 TTHTCĐ. Đây là trường học của dân, do dân, vì dân. Có nhiều TTHTCĐ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được ngân sách địa phương đầu từ 3 - 4 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mỗi năm lại đuợc cung cấp hàng trăm triệu đồng cho hoạt động. Có TTHTCĐ chưa được đầu tư cơ sở vật chất thì tận dụng những cơ sở còn nhàn rỗi, kể cả hội trường UBND để dạy cho nhân dân. Tính đến nay có hàng chục triệu lượt người đến học tập tại TTHTCĐ về thời sự, chính sách, pháp luật ; chuyển giao kinh tế kỹ thuật, vật nuôi cây trồng ; sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ; học chữ, học nghề. Nhiều TTHTCĐ còn dạy tin học ngoại ngữ, dạy nghề xuất khẩu lao động… Qua việc học tập ở TTHTCĐ đã làm cho người dân hiểu rõ luật pháp, tránh được những khiếu kiện phi lý, đem lại ổn định cho xã hội, làm cho năng suất lao động tăng lên, ví dụ : nhiều hecta cây trồng trong nhiều năm chỉ thu hoạch được vài chục triệu đồng/ năm nhưng nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật học được ở TTHTCĐ đã làm tăng lên 5 – 6 chục triệu đồng. Nhiều người nhờ học tập ở TTHTCĐ, áp dụng kỹ thuật cho vật nuôi cây trồng đã trở thành tỷ phú … Có thể nói rằng, tổ chức TTHTCĐ là nhà trường của dân, nhà trường của những người lao động đang tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Nơi nào TTHTCĐ có sự quan tâm của Đảng, chính quyền thì nơi đó người dân tích cực hưởng ứng và hoạt động của Trung tâm rất sôi nổi.

9. Cơ quan TW Hội KHVN đã trực tiếp tổ chức hơn 60 Trung tâm, bảo trợ một số trường học để làm tư vấn giáo dục liên kết đào tạo, tạo thêm cơ sở vật chất phục vụ cho sự nghiệp GDĐT. TW Hội đã tổ chức nhiều hội thảo tư vấn, góp ý kiến cho những chủ trương chính sách của Nhà nước, của Bộ GD&ĐT có liên quan đến công tác giáo dục. Nhiều Trung tâm của Hội đã tư vấn cho hàng vạn học sinh đi du học nước ngoài. Có Trung tâm chỉ trong thời gian 5 năm đã liên kết với trường đại học nước ngoài đào tạo gần 1000 thạc sĩ lấy bằng quốc tế, nhiều người trong số họ đã tiếp tục học tập đỗ đạt bằng tiến sĩ hoặc trở thành Giám đốc, Tổng Giám đốc hay những doanh nhân thành đạt. Nhiều Trung tâm đã liên kết với các trường đại học, cao đẳng, THCN tận dụng cơ sở vật chất nhàn rỗi, khai thác nguồn chất xám của những người có trình độ, có tâm huyết để đào tạo hàng vạn học sinh, sinh viên và người lao động có nghề nghiệp cho xã hội. Nhà nước đã giao cho TW Hội KHVN đề tài nghiên cứu “Mô hình xây dựng xã hội học tập Việt Nam”.

10. Qua hoạt động khuyến học khuyến tài, xây dựng XHHT, Hội Khuyến học các cấp đã tạo ra hàng nghìn hàng vạn những gương sáng khuyến học khuyến tài, hàng nghìn hàng vạn những con người vì sự nghiệp khuyến học khuyến tài. Rất nhiều mô hình hoạt động cơ sở đơn giản mà mang lại lợi ích lớn. Ví dụ : Mô hình “5 không” của xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Tây trước đây :

- Không có học sinh lưu ban bỏ học.
- Không có người nghiện ma túy tệ nạn xã hội.
- Không có người lớn mù chữ, thanh niên mù nghề.
- Không có trẻ em đến tuổi đi học mẫu giáo ở nhà.
- Không có trẻ em không được chăm sóc.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân và nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển khi đến thăm phong trào khuyến học xã Thanh Cao đã khẳng định : “Khuyến học là người bạn đồng hành, kề vai sát cánh cùng sự nghiệp giáo dục đào tạo”.

Mô hình “5 có” của xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế :

- Có phong trào khuyến học đến tận gia đình.
- Có hoạt động khuyến học ở tất cả các tổ chức kinh tế xã hội, cơ quan trong xã.
- Có tất cả các trường học được tầng hóa và đạt chuẩn quốc gia.
- Có TTHTCĐ hoạt động tốt.
- Có Quỹ Khuyến học ngày càng lớn.
Với 5 mục tiêu nêu trên, toàn xã đã phấn đấu chỉ trong vài năm đã đạt được những mục tiêu đó.

Hội Khuyến học các cấp hoạt động theo phương châm “tất cả vì thế hệ trẻ, tất cả vì xã hội”, các hội viên của Hội chủ yếu lo quyền lợi cho mọi người là chính, bản thân mình phải hy sinh. Họ là những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” ngay cả khi chưa có sự quan tâm của những người có trách nhiệm với sự nghiệp quốc sách hàng đầu.

IV. Những bài học kinh nghiệm và tồn tại.

Năm năm thực hiện Đề án “Hội KHVN góp phần xây dựng XHHT” và 3 năm thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2005 – 2010” được phê duyệt theo quyết định 112/2005/QĐ-TTg của Chính Phủ là quãng thời gian không dài, nhưng cả xã hội đã đạt được những kết quả rất phấn khởi. Thực tế, hoạt động khuyến học khuyến tài, xây dựng XHHT vô cùng phong phú, không thể có lời lẽ, giấy bút nào kể hết được sự đóng góp của xã hội vào sự nghiệp này trong thời gian qua. Nếu ta tự hỏi vì sao chủ trương xây dựng xã hội học tập của Đảng, Nhà nước đã đạt được những kết quả như vậy ? Vì chủ trương này đã hợp với ý Đảng lòng dân. Cũng từ đó, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau đây :

1. Ở nơi nào có sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Đảng, chính quyền, HĐND, MTTQ, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể xã hội trên địa bàn thì công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng XHHT đạt nhiều kết quả.

2. Ở nơi nào biết tuyên truyền làm cho nhân dân hiểu rõ được lợi ích của công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng XHHT thì ở đó nhân dân rất đồng tình hưởng ứng và ủng hộ. Xây dựng được quan hệ gia đình – nhà trường - xã hội một cách mật thiết, tự giác học tập, thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

3. Sự kết hợp chặt chẽ giữa ngành GD& ĐT với Hội Khuyến học càng mật thiết bao nhiêu thì hiệu quả công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng XHHT càng tốt bấy nhiêu, chất lượng giáo dục được tăng. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã từng nói : “Hội Khuyến học là cánh tay nối dài của ngành giáo dục đến từng gia đình”.

4. Đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến học khuyến tài phải là người có tâm, có trí, có tài, có thời gian và tự nguyện (đội ngũ 5T). Đội ngũ này phải biết vận động quần chúng, hy sinh cá nhân, hết lòng phục vụ quyền lợi của thế hệ trẻ và cộng đồng.

5. Trong thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành những Chỉ thị 50, 11 ; Chính phủ ban hành Chỉ thị 29, 02, và Quyết định 112 ; Đảng và Chính quyền địa phương đã đưa ra rất nhiều Chỉ thị để thực hiện các Chỉ thị, Quyết định trên của Bộ Chính trị và Chính phủ. Có thể nói đó là những cây “gậy thần” thúc đẩy hoạt động khuyến học khuyến tài, xây dựng XHHT đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

6. Mặc dù công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng XHHT đã đạt những kết quả nêu trên, nhưng hoạt động khuyến học vẫn còn nhiều tồn tại, phong trào chưa được đồng đều, chưa vững chắc, chưa tương xứng với mong muốn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt ở những nơi khó khăn như miền núi, vùng sâu, vùng xa do điều kiện hoạt động không có, đội ngũ cán bộ yếu. Các TTHTCĐ tuy gần phủ kín các xã phường, thị trấn nhưng hiệu quả hoạt động còn thấp kém, chỉ 1/3 số Trung tâm hoạt động tương đối có kết quả, 1/3 là hoạt động trung bình, còn 1/3 vào loại yếu kém hay có thể nói là chưa có hoạt động đáng kể.

V. Những đề nghị

Để đưa phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng XHHT đúng với yêu cầu của Đảng, Nhà nước đặt ra như đã nêu trong Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 112, việc “Xây dựng XHHT là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”, “Hội Khuyến học có trách nhiệm làm nòng cốt liên kết các tổ chức để thực hiện”, dựa vào đó Hội KHVN xin kiến nghị với Đảng và Nhà nước mấy điều như sau :

1. Đề nghị với Đảng cần xem vấn đề xây dựng XHHT trong thời đại ngày nay là vấn đề hết sức quan trọng cũng không kém so với vấn đề giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Ban Chấp hành TW Đảng cần có phiên họp chuyên đề bàn về vấn đề này để toàn Đảng, toàn dân thực hiện. Thực chất, đây là một cuộc cải cách có tính cách mạng về GDĐT trong thời kì mới. Nhà nước cần có ngân sách hằng năm cho công tác xây dựng XHHT. Trước mắt, đề nghị Quốc hội cho phép dành 2 – 3 % ngân sách GDĐT cho khu vực giáo dục hơn 60 triệu người ở ngoài nhà trường.

2. Tại Hội nghị BCH TW Đảng cộng sản Việt nam lần thứ VII khóa IX đã có Nghị quyết phát động 3 cuộc vận động :

- Vận động toàn dân thi đua làm kinh tế giỏi ;
- Vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ;
- Vận động toàn dân tham gia xây dựng XHHT.

Hai cuộc vận động trên đã có các Ban chỉ đạo của Chính phủ nên đã chỉ đạo đạt nhiều kết quả. Riêng cuộc vận động toàn dân tham gia xây dựng XHHT chưa có Ban chỉ đạo, do vậy, Hội xin kiến nghị với Chính phủ cho lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “toàn dân tham gia xây dựng XHHT”, đồng thời chỉ đạo 2 năm còn lại việc thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2005 – 2010”, chuẩn bị Đề án “Xây dựng XHHT từ 2010 – 2020”.

3. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, UBND các cấp kiểm điểm trách nhiệm của mình đã được chính phủ phân công nêu trong quyết định 112/2005/QĐ-TTg. Bộ ngành nào chưa thực hiện nhiệm vụ phân công thì cần tiến hành ngay trong những tháng còn lại của năm 2008.

4. Đề nghị Bộ GD&ĐT cần có công văn hướng dẫn thực hiện quy chế 09 về TTHTCĐ, đặc biệt cần bổ sung cử biệt phái 1 giáo viên chuyên trách làm việc thường xuyên ở TTHTCĐ. Bộ Tài chính cần có công văn hướng dẫn cấp kinh phí cho hoạt động của TTHTCĐ một cách tương xứng với nhiệm vụ và phụ cấp cho cán bộ hoạt động khuyến học, giống như việc phụ cấp cho cán bộ Hội Người cao tuổi, Hội Chữ Thập đỏ.

5. Đề nghị Chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng XHHT theo nội dung đã nêu trong Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ về công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng XHHT. Thành lập các Ban chỉ đạo và chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn xây dựng chương trình thực hiện đơn vị XHHT.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị và chỉ thị 02 của Chính phủ đã nêu rõ “Xây dựng XHHT là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”, “Hội KHVN có trách nhiệm làm nòng cốt liên kết phối hợp các lực lượng để thực hiện”. Vừa qua, Chính phủ đã có quyết định lấy ngày 02/10 hằng năm làm ngày “Khuyến học Việt Nam”. Thực tiễn, hoạt động khuyến học khuyến tài, xây dựng XHHT trong thời gian qua ở tất cả các địa phương trong cả nước đã đem lại những kết quả to lớn. Tất cả những điều đó đã đem lại niềm vui và sự phấn khởi cho toàn dân, trong đó có các hội viên khuyến học. Hội KHVN, tất cả các cấp hội và từng hội viên của Hội hứa sẽ đem hết sức mình làm tròn nhiệm vụ đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Xin chân thành cảm ơn



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'


Thời gian mở trang: 0.355 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.