Đổi mới tư duy và tổ chức thực hiện cuộc vận động toàn dân xây dựng xã hội học tập
01.2010
Nguyễn Mạnh Cầm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam
Vận động toàn dân xây dựng cả nước trở thành một XHHT là cuộc vận động cách mạng to lớn, mới mẻ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; vừa có tính cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài để tạo thế và lực nội sinh, phát triển kinh tế - xã hội - giáo dục và hội nhập quốc tế trong suốt thời kỳ CNH, HĐH đất nước, phát triển kinh tế tri thức với con đường rút ngắn thời gian so với các nước đi trước, vừa có những bước tuần tự, vừa có những bước nhảy vọt.
Sự nghiệp CNH, HĐH trong những năm tới sẽ chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, lao động, đòi hỏi phải tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và giác ngộ XHCN, làm biến đổi sâu sắc hệ thống lực lượng sản xuất của đất nước. Toàn bộ những công việc đó đòi hỏi một nền giáo dục có những chuyển biến nhanh, mạnh và, gắn kết chặt chẽ với kinh tế, xã hội. Trước hết, phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào vốn vô hình mà chủ yếu là giáo dục. Từ đó sẽ làm tăng gấp bội những tri thức mới trong xã hội với tư cách là nguồn của cải mới, nội sinh của quốc gia.
Học hỏi là phương thức chủ yếu để tiếp thu và sáng tạo ra tri thức để làm chủ công nghệ mới và công nghệ cao, để nâng cao năng lực cạnh tranh và hợp tác của nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN trong xu thế toàn cầu hóa đang gia tăng. Điều đó chỉ có thể thực hiện được khi đào tạo liên tục, học hỏi suốt đời trở thành một đặc trưng trong lối sống của cán bộ, đảng viên và mọi người lao động, không phân biệt tuổi tác địa vị xã hội, nghề nghiệp và giới tính. Do đó, cần phải quan niệm hệ thống GD-ĐT rộng hơn hiện nay, trong đó hệ thống giáo dục ban đầu ở trong nhà trường (đối tượng chủ yếu là thế hệ trẻ từ mầm non đến đại học, sau đại học và một bộ phận người lớn tuổi, hiện có khoảng 24 triệu người, chiếm 1/3 dân số) song song với hệ thống giáo dục tiếp tục ở bên ngoài nhà trường (đối tượng chủ yếu là người lao động, người đang công tác, người thất học và người cao tuổi, chiếm tỷ trọng 2/3 dân số với hơn 60 triệu người).
Từ thực tế đó, Đại hội Đảng lần thứ IX đã định hướng đầu tư vào vốn con người là "đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một XHHT".
Đến Đại hội X, Đảng lại khẳng định rõ ràng, cụ thể hơn chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình XHHT”.
Nhằm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống, Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành TW Đảng lần thứ 7 (khoá IX) đã chủ trương phát động sâu rộng các phong trào thi đua, tập trung vào 3 cuộc vận động lớn: "Toàn dân thi đua làm kinh tế giỏi", "Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá", "Toàn dân xây dựng XHHT". Trong 3 cuộc vận động nêu trên, cuộc vận động toàn dân xây dựng XHHT là nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ của các phong trào làm kinh tế giỏi và xây dựng đời sống văn hoá.
Bản chất xây dựng cả nước trỏ thành một XHHT là xây dựng một nền giáo dục nhân dân; dân tộc - khoa học - đại chúng và hiện đại. Nhà nước và toàn dân làm giáo dục và khuyến học, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người ở mọi lứa tuổi mọi trình độ được học và tự học thường xuyên, suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc về văn hoá, khoa học công nghệ, nghề nghiệp, lối sống; học để biết, để làm việc, để chung sống, để phát triển cá nhân và cộng đồng, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát hiện bồi dưỡng nhân tài, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong sự nghiệp phát triển GD-ĐT, đẩy mạnh xã hội hoá, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để mọi người tham gia xây dựng phát triển GD-ĐT.
Ý tưởng, chủ trương cao đẹp đó chỉ trở thành hiện thực khi ta nắm vững thời cơ và biết cách tổ chức thực hiện sát thực tiễn, phù hợp giữa yêu cầu và điều kiện thực hiện trong từng giai đoạn. Chỉ thị số 11/CT-TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT" đã chỉ rõ: "Xây dựng XHHT là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân".
"Ban cán sự Đảng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các cấp khẩn trương chỉ đạo việc xây dựng ban hành các chủ trương, chính sách, kế hoạch triển khai thực hiện đề án xây dựng XH HT giai đoạn 2005 - 2010 của Chính phủ. "Củng cố, xây dựng Hội Khuyến học các cấp vững mạnh, làm nòng cốt liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lương xã hội tham gia hoạt động khuyến học,khuyến tài, xây dựng XHHT”. Chỉ thị số 02/2008/CT-TTg ngày 8/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ nhằm pháp chế hoá Chỉ thị số 11 -CT/TW của Bộ Chính trị, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. . . , UBND các cấp về đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước đã rõ ràng. Vấn đề mấu chốt nhất hiện nay là khâu tổ chức thực hiện...
Thời điểm thuận lợi nhất để phát động cuộc vận động toàn Đảng, toàn dân xây dựng XHHT là đầu năm 2010 , bởi lẽ :
1. Bộ GD-ĐT vừa sơ kết 3 năm (2005- 2008) thực hiện đề án xây dựng XHHT, phát triển Trung tâm HTCĐ, nay nâng lên thành cuộc vận động huy động nhiều lực lượng tham gia.
2. Hội Khuyến học Việt Nam cũng vừa tổng kết 7 năm (2002 - 2009) thực hiện đề án Hội Khuyến học góp phần xây dựng XHHT từ cơ sở; đã xây dựng được nhiều mô hình hoạt động khuyến học với các đối tượng ở trong và ngoài nhà trường, góp phần xây dựng XHHT ở cơ sở, với hơn 3,5 triệu gia đình hiếu học; 3,5 vạn dòng họ khuyến học là những tế bào của XHHT; hàng chục vạn cụm dân cư khuyến học ở bản, làng, tổ dân phố và hơn 9600 Trung tâm HTCĐ, phủ kín 95 % xã, phường có Trung tâm HTCĐ, được coi là công cụ thiết yếu để xây dựng XHHT từ cơ sở. Hội Khuyến học Việt Nam đã góp phần tạo dựng được những tiền đề quan trọng để tiến lên cuộc vận động toàn dân xây dựng XHHT trong thời kỳ mới.
3. Năm 2010 là năm đạt lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhà nước ta đề nghị UNESCO công nhận Văn Miếu Quốc Tử Giám là di sản văn hoá thế giới, sẽ là dịp tốt để nêu cao truyền thống hiếu học của dân tộc ta.
4. Năm 2010 cũng là năm các địa phương tiến hành Đại hội Đảng các cấp, sẽ bàn đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội - giáo dục từ 2010 - 2015 - 2020, trong đó có cuộc vận động toàn dân xây dựng XHHT.
Kinh nghiệm triển khai thực hiện 2 cuộc vận động toàn dân thi đua làm kinh tế giỏi, xây dựng đời sống văn hoá vừa qua cho thấy, ngay từ đầu phải tiến hành đồng bộ các giải pháp về tổ chức chỉ đạo, nguồn lực và chế độ chính sách.
Về tổ chức chỉ đạo: Cuộc vận động này đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý chỉ đạo của các cấp chính quyền và ngành GD-ĐT, sự tham gia tích cực của MTTQ và các đoàn thể xã hội, hình thành Mặt trận khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị và thành lập Ban chỉ đạo quốc gia cuộc vận động toàn dân xây dựng XHHT.
Về nguồn lực và chế độ chính sách: Giải quyết theo định hướng xã hội hoá, Nhà nước và nhân dân, Trung ương và địa phương cùng làm, đưa cuộc vận động toàn dân xây dựng XHHT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của TW và địa phương, đưa việc phát triển Trung tâm HTCĐ thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có kinh phí kèm theo.
Hằng năm Nhà nước dành ít nhất từ 5% ngân sách GD - ĐT để phát triển các hình thức giáo dục không chính quy, ngoài nhà trường; chú trọng cấp kinh phí cho Trung tâm HTCĐ và giáo dục từ xa, hỗ trợ kinh phí và có chế độ chính sách cho Hội Khuyến học các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ của Nhà nước giao cho.
Hội Khuyến học Việt Nam đã phát triển rộng khắp trên cả nước, với hơn 7 triệu hội viên, đã và đang thực hiện tốt sứ mạng lịch sử của Ban Chấp hành TW Đảng được ghi trên bức trướng tặng Đại hội lần thứ III Hội Khuyến học Việt Năm năm 2005: "Hội Khuyến học Việt Nam - Khuyến học, Khuyến tài - Xây dựng cả nước trở thành một XHHT".
BBT |