TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Kinh tế - Xã hội | Mở rộng hợp tác về văn hóa và giáo dục
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Năm 2024
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Kinh tế - Xã hội 05.2024
Mở rộng hợp tác về văn hóa và giáo dục
10.2009

Xem hình
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu. Ảnh: VOV
Ðoàn công tác do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng đoàn vừa có chuyến công tác tại CH Pháp, dự phiên họp Ðại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) lần thứ 35, gặp lãnh đạo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), làm việc với Bộ Giáo dục, Bộ Ðại học và Nghiên cứu Pháp và đại diện một số tập đoàn, trường đại học của Pháp

Ngay sau khi Ðoàn kết thúc chương trình làm việc, phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp đã phỏng vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về kết quả chuyến công tác.

Phóng viên (PV): Xin Phó Thủ tướng cho biết những nội dung Việt Nam đưa ra tại phiên họp Ðại hội đồng UNESCO lần này?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Ðây là lần thứ 35 nước ta tham dự phiên họp của Ðại hội đồng UNESCO và lần tham dự này có ba mục đích. Thứ nhất, nước ta phát biểu thông điệp của Việt Nam về hoạt động của UNESCO. Thứ hai, nước ta đề xuất những nội dung cần quan tâm, đặc biệt là sự phối hợp giữa Việt Nam và UNESCO. Thứ ba, chúng ta có những cuộc tiếp xúc với các cơ quan giáo dục và di sản của UNESCO để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên. Cuối cùng, chúng ta thể hiện sự trân trọng, đánh giá của nước ta đối với ông Tổng Giám đốc sắp mãn nhiệm Côi-chi-rô Mát-xư-ư-ra cũng như Ban thư ký, gặp gỡ và làm quen bà Tổng Giám đốc mới được bầu I-ri-na Bô-cô-va.

PV: Thưa Phó Thủ tướng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam tập trung vào những hoạt động nào trong khuôn khổ các chương trình hoạt động của UNESCO?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Vừa qua nước ta đã tham gia toàn diện nhiều lĩnh vực cả về vấn đề giáo dục, di sản văn hóa. Lần này nước ta đề cập nhiều vấn đề. Từ thực tiễn hơn 30 năm thực hiện công nghiệp hóa đất nước thì yêu cầu về giáo dục văn hóa, truyền thống dân tộc cho học sinh là vấn đề rất cấp bách và nước ta cũng giới thiệu từ năm 2008 bắt đầu triển khai trên toàn quốc cuộc vận động "Các trường học Việt Nam tham gia chăm sóc và phát huy các di sản".

Mục tiêu đến hết năm 2010, tất cả các di sản được công nhận cấp quốc gia, cấp tỉnh đều được trường học đỡ đầu, phát huy và kêu gọi tổ chức UNESCO phổ biến kinh nghiệm của các nước trong việc khai thác các tài nguyên văn hóa đã được công nhận, giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh.

Nước ta sẵn sàng nhận đăng cai một hội nghị quốc tế về đề tài "Di sản văn hóa: Vai trò của LHQ và hoạt động của nhà trường" tại Việt Nam vào năm 2011. Những đề xuất này của nước ta được dư luận rất hoan nghênh. Một nội dung nữa nước ta cũng đề cập là đề nghị cộng đồng quốc tế quan tâm, thúc đẩy việc xem xét, đánh giá và công nhận các khu sinh quyển của thế giới tại Việt Nam. Ðiều này vừa góp phần bảo vệ môi trường quốc tế, đồng thời tăng giá trị môi trường sinh quyển của Việt Nam. Ngoài ra, nước ta giới thiệu một lần nữa với các bạn và mời đại diện UNESCO các nước đến Việt Nam dự kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

PV: Thưa Phó Thủ tướng, một trong những lĩnh vực của UNESCO là giáo dục. Nhiều vấn đề đã được đưa ra trong Hội nghị bàn tròn các bộ trưởng giáo dục. Vậy chúng ta quan tâm tới vấn đề gì?


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Hội nghị bàn tròn được tổ chức nhằm sơ kết những ý kiến phát biểu trong năm hội nghị trước đó chung quanh vấn đề giáo dục, từ giáo dục cho mọi người, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học. Chủ đề chung là trong thế kỷ 21, giáo dục sẽ như thế nào. Tất nhiên, một hội thảo không thể đề cập hết nhiều lĩnh vực và bạn cũng có đề nghị đoàn Việt Nam tham gia phát biểu ý kiến. Mỗi một nước chỉ phát biểu ý kiến trong ba phút. Có những vấn đề được quan tâm như ở Nga, giáo dục phi đại học không được người dân quan tâm đúng mức, cũng như ở Việt Nam, học nghề không được quan tâm đúng mức. Ðây là một vấn đề lớn ở Nga và hiện nay họ phải có một chương trình quốc gia để tạo sự ủng hộ của xã hội với giáo dục phi đại học. Ðây là vấn đề cũng đáng suy nghĩ. Các nước khác cho rằng, các nước phát triển làm thế nào hỗ trợ các nước chậm phát triển giải quyết về căn bản như phổ cập giáo dục phổ thông ở những vùng khó khăn. Chúng ta cũng suy nghĩ là nói đến thế kỷ 21 thì phải xem cái gì sẽ thay đổi trong môi trường xã hội so với bây giờ và cái gì thì phải giữ.

Ðoàn Việt Nam có nêu vấn đề là: Trước khi trả lời giáo dục như thế nào trong thế kỷ 21 phải trả lời giáo dục để làm gì. Trong phần phát biểu của mình, đoàn Việt Nam có đưa ra thông điệp giáo dục với bốn lý do: Thứ nhất, giáo dục để hiểu, để biết và để làm người. Ðây chính là thực tiễn ở Việt Nam. Giáo dục phổ thông không phải chỉ có nghề, không phải để biết thật nhiều nhưng phải đủ biết để đủ năng lực làm người công dân. Thứ hai, giáo dục là để có một nghề và phải có việc làm. Ðây là vấn đề rất quan trọng vì nếu chỉ biết để làm người mà không có năng lực nghề nghiệp thì cũng không được. Vì vậy để có năng lực, có việc làm thì phạm trù này rất rộng, từ việc làm cấp thấp cho đến cấp cao nhưng giáo dục là để có việc làm. Thứ ba, nước ta đề cập vấn đề mà hiện nay ít nước đề cập là giáo dục để biết làm cho mình và người khác hạnh phúc. Ðây là đặc trưng của xã hội chúng ta hướng tới làm cho mọi người hạnh phúc. Không phải cứ cần có tổng sản phẩm nội địa bình quân đầu người lên đến 20-30 nghìn USD thì mới hạnh phúc. Ở Việt Nam hiện nay chỉ đạt mức một nghìn USD/người/năm nhưng theo đánh giá tương đối khách quan, người Việt Nam là nhóm những người lạc quan nhất hiện nay, tuy khó khăn nhưng vẫn phát triển được. Ðiều này liên quan đến khái niệm về hạnh phúc. Thực tế trong nhiều trường, chúng ta chưa dạy về vấn đề này, chưa dạy cho học sinh biết làm thế nào để cho mình hạnh phúc, người khác hạnh phúc. Ðây là thế mạnh của chúng ta. Thứ tư, chúng ta nói học là để góp phần làm cho đất nước phát triển bền vững, góp phần vào tiến bộ nhân loại. Ðây chính là giá trị chung chia sẻ của con người, đạt đến mức độ ổn định thì biết nghĩ đến cái chung. Với bốn chức năng của học tập như vậy thì trong bối cảnh sắp tới, việc làm cũng có thay đổi.

PV: Trong dịp này, Phó Thủ tướng có các buổi làm việc các lãnh đạo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), vậy những nội dung được hai bên quan tâm, bàn thảo là gì, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân: Tổ chức các nước công nghiệp phát triển (OECD) hiện nay có 30 thành viên. Bên cạnh chức năng phối hợp, thúc đẩy phát triển lẫn nhau, có cả việc hợp tác với các nước ngoài thành viên. Ðây là điều OECD rất quan tâm. Ðiều đặc biệt là năm 2007, OECD ra nghị quyết coi việc hợp tác với 11 nước ASEAN là một đối tác chiến lược. Trong khi đó, với các nước khác, OECD hợp tác riêng. Việt Nam là một thành viên ASEAN và năm sau là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, chính vì vậy họ rất quan tâm tới nước ta. Tuy nhiên cho đến nay, giữa Việt Nam và OECD chưa có nhiều hoạt động hợp tác có tính chất dài hạn, chiều sâu. Lần này theo sự chuẩn bị từ trước, nước ta đã cử một đoàn đại diện các bộ sang làm việc với OECD từ tháng 6 vừa qua.

Dịp này đoàn Việt Nam có cuộc gặp với tất cả Ðại sứ của 30 nước thành viên OECD. Lần đầu có một cuộc gặp như vậy với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam. Trong phần đầu, đoàn Việt Nam giới thiệu với các bạn quá trình phát triển đất nước, đặc biệt là kinh tế, xã hội từ sau 1975 đến nay, những mặt mạnh và yếu của nền kinh tế Việt Nam, những nhu cầu hợp tác với bạn và sau đó là phần trao đổi. Họ đặt nhiều câu hỏi và chúng ta cũng giải đáp rất thẳng thắn. Sau cuộc hội đàm khoảng 90 phút, các bạn thấy chúng ta thẳng thắn, cởi mở nên chủ động đề xuất một số nội dung hợp tác.

PV: Trong quan hệ hợp tác với Pháp, một vấn đề Việt Nam quan tâm là giáo dục. Phó Thủ tướng nhận xét như thế nào về sự hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực này, nhất là sau cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng với Bộ trưởng Ðại học và Nghiên cứu Pháp?


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Pháp là một cường quốc về kinh tế, khoa học công nghệ và cũng là một đối tác chiến lược đối với sự phát triển của chúng ta. Hai bên ngày càng hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy quan hệ sâu hơn. Tổng thống Pháp đã thăm Việt Nam và tới tháng 11 năm nay, lần đầu Thủ tướng Pháp dự kiến sẽ sang thăm Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới sau chuyến thăm Pháp của Thủ tướng nước ta năm 2007.

Hợp tác giữa hai nước mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Hợp tác giáo dục có từ lâu, như chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, đào tạo thạc sĩ về quản trị kinh doanh, tài chính và sau các cuộc gặp của hai Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam và Pháp, hai bên thống nhất sẽ phối hợp xây dựng một trường đại học mới ở Việt Nam là Ðại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ðây là quyết tâm của Chính phủ Việt Nam và bây giờ cũng là quyết tâm của Chính phủ Pháp. Hai bên đã trao đổi lần thứ hai tại Pháp với mục đích chuẩn bị khi Thủ tướng Pháp sang thăm Việt Nam vào đầu tháng 11, hai bên sẽ ký nghị định thư thống nhất phối hợp xây dựng Ðại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Trong dự án này, phía Pháp có vai trò rất quan trọng vì các trường đại học của Pháp là đối tác chính thực hiện việc đưa các chương trình đào tạo tiên tiến của Pháp vào Việt Nam. Trường này sẽ dạy những chương trình tương đương của Pháp. Các giảng viên của trường này đạt trình độ như giảng viên của Pháp. Có giảng viên Việt Nam tham gia nhưng chỗ nào chưa đạt thì giảng viên Pháp sẽ sang dạy. Như vậy 40 trường đại học của Pháp sẽ tham gia và cử giảng viên luân phiên tới dạy tại đây cùng các giảng viên Việt Nam.

Trong vòng mười năm, chúng ta cũng sẽ cử 400 người sang Pháp làm tiến sĩ và trở về thành giảng viên của trường này. Có thể nói sau mười năm nữa, đây là trường có nhiều tiến sĩ nhất ở Việt Nam và học nhiều nhất ở Pháp về, bên cạnh các nước khác. Trường này có quy chế đặc biệt do Thủ tướng quyết định, tức là phản ánh được đặc điểm cơ cấu và hoạt động của đại học ở Pháp, thể hiện tính tự chủ chịu trách nhiệm cao trước xã hội. Trong quá trình làm, chúng ta cũng học tập các phương pháp quản lý của các đại học tiên tiến ở Pháp. Có thể hình dung rằng sau mười năm đa số cán bộ ở trường sẽ là người Việt Nam, sẽ làm chủ việc quản lý và giảng dạy. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu, đa số giảng viên là người Pháp. Năm sau hai bên sẽ quyết định và có thể nói ngoài phần nỗ lực của nước ta, như vay tiền của các tổ chức quốc tế, phía bạn cũng cho biết sẽ tài trợ dự án này khoảng 100 triệu ơ-rô để đào tạo các tiến sĩ, trả tiền cho các giáo sư Pháp sang dạy ở Việt Nam cũng như huy động các trường đại học và doanh nghiệp Pháp xây dựng sáu phòng thí nghiệm trình độ cao tại đây. Ðiều đặc biệt là trường này sẽ là trường duy nhất ở Việt Nam hiện nay có ngành đào tạo hàng không vũ trụ. Có thể nói Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội ra đời sẽ là biểu tượng rất quan trọng của truyền thống hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, là đỉnh cao hợp tác trí tuệ giữa hai nước và biểu tượng văn hóa Pháp ở Việt Nam cũng như ở các nước ASEAN.

PV: Xin Phó Thủ tướng cho biết triển vọng của đội ngũ sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam học tại Pháp và kế hoạch sắp tới để phát huy khả năng của họ?


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Từng được Nhà nước cử đi học ở nước ngoài, tôi biết được các thuận lợi, khó khăn của những người đi học xa nên trong các chuyến đi công tác nước ngoài tôi thường gặp họ để có thể lắng nghe và trao đổi về tình hình đất nước vì khi xa đất nước chúng ta đều mong đất nước tiến bộ. Qua lần gặp này, tôi thấy mối quan tâm lớn nhất của họ là, liệu học hành giỏi và khi về nước có phát huy được hay không. Thực tế nhu cầu sử dụng các thạc sĩ và tiến sĩ học ở Pháp về rất lớn vì chưa bao giờ quan hệ Việt Nam - Pháp tốt như hiện nay. Chưa bao giờ điều kiện để những người có trình độ cao về nước làm việc tốt như bây giờ.

Bắt đầu từ năm nay, các trường đại học ở Việt Nam thực hiện đổi mới cơ chế tài chính. Nguồn thu sẽ tăng hơn, trách nhiệm xã hội sẽ cao hơn. Quyền chủ động của nhà trường trong việc trả lương cũng lớn hơn. Ðây là điều kiện để khuyến khích những người có trình độ cao cống hiến cho đất nước. Hơn nữa, các trường ở Việt Nam ngày càng ý thức được rằng không có đủ giảng viên, đặc biệt là giảng viên trình độ tiến sĩ, thì không đạt chuẩn phát triển đại học. Vì vậy, trong vòng hai năm nay số giảng viên đại học nói chung đạt trình độ tiến sĩ tăng nhiều.


Bộ Giáo dục và Ðào tạo có một cơ quan chuyên trách, đó là Cục đào tạo với nước ngoài, chuyên chăm lo việc chuẩn bị và cử sinh viên Việt Nam đi học ở nước ngoài bằng học bổng từ ngân sách nhà nước. Sắp tới cũng có chương trình xây dựng cơ sở dữ liệu về người Việt Nam học ở nước ngoài dù bằng học bổng hay tự túc để có thông tin giúp họ trở về đất nước làm việc ở những chỗ có điều kiện thuận lợi nhất.

PV: Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Huy Tháng và Khải Hoàn (thực hiện)

(Theo nhandan ĐT)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài


Thời gian mở trang: 0.205 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.