TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Thông tin nổi bật | Đổi mới tổ chức của Hội Khuyến học Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Năm 2024
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Thông tin nổi bật 05.2024
Đổi mới tổ chức của Hội Khuyến học Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030
05.2020

Xem hình
GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam
Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết "Đổi mới tổ chức của Hội Khuyến học Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030" của GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhân dịp Hội thảo Làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Một dân tộc dốt là một dân tộc yêu".

Đổi mới là sự lựa chọn đúng đắn nhằm thực hiện mục tiêu của các tổ chức, là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của tổ chức đó. Hội Khuyến học Việt nam không nằm ngoài tiến trình đó.

Sau 24 năm thành lập, thực hiện nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được Đảng, Nhà nước giao, việc thực hiện nhiệm vụ đổi mới toàn diện cả về tổ chức, nội dung, hình thức hoạt động qua mỗi nhiệm kỳ đại hội là việc làm đúng đắn, đã đưa Hội Khuyến học Việt nam vào guồng máy hoạt động chung của cả nước, phát triển về cả chất và lượng, phù hợp với xu thế của thời đại: phát triển kinh tế bằng tri thức, bằng phát minh, sáng tạo, bằng khoa học công nghệ. Điều đó phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Viêt Nam, khơi dậy phẩm chất hiếu học, thông minh sáng tạo của nhân dân ta, thực hiện lời dạy của Bác: Diệt giặc dốt, Ai cũng phải học, học suốt đời, học không bao giờ cùng và nhằm phát huy tối đa văn hóa học của người Việt Nam vì “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Qua mỗi kỳ Đại hội của Hội Khuyến học Việt nam và trong hoạt động thực tiễn hàng ngày, những nội dung đổi mới được nhân dân ủng hộ, chấp nhận với tinh thần nhiệt tình tham gia học, đọc để phát triển. Từ chỗ Hội chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ giáo dục trong nhà trường, ngoài nhà trường thông qua việc trao học bổng cho các cháu học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, vận động trẻ em đến trường đúng độ tuổi, hỗ trợ giáo viên khó khăn hoàn thành nhiệm vụ... đến vận động toàn dân đi học thông qua các mô hình: Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập,... Hội đã có bước tiến khá lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển đất nước thời gian qua. Hoạt động của Hội đã thay đổi về chất, đi vào chiều sâu: 

- Số hội viên Hội Khuyến học Việt nam tăng từ 5 triệu người năm 2007 đến hơn 20 triệu người vào năm 2019 ở tất cả các lĩnh vực. 

- Tổ chức Hội đã phủ kín 100% xã, phường, thị trấn, đủ sức tổ chức thành công các nội dung hoạt động. Đặc biệt tổ chức Hội phát triển mạnh trong các trường Đại học – nơi chịu trách nhiệm nặng nề trong bồi đắp tri thức cho nhân dân, giúp nhân dân hoạt động suốt đời. 

- Tỷ lệ gia đình học tập, dòng họ học tập.... năm sau cao hơn năm trước, đến năm 2019 tất cả các mô hình đều vượt chỉ tiêu đề ra. 

- Các cuộc tập huấn, hội thảo đều thành công tốt đẹp, đóng góp rất quan trọng vào thực hiện NQ 29/TW/2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục – Đào tạo”, trong đó yêu cầu chuyển giáo dục đào tạo theo hướng mở, phục vụ nhu cầu học suốt đời, học thường xuyên của nhân dân bước đầu được thực hiện có kết quả tốt. 

- Quỹ khuyến học tăng nhanh ở hầu hết các địa phương, có nơi bình quân 40.000 VNĐ/người dân, trong khi chỉ tiêu đề ra: phấn đấu hết năm 2020 quỹ khuyến học bình quân đạt 20.000 VNĐ/người dân. 

- Công tác kiểm tra có nhiều đổi mới, tác động tích cực vào các Hội, giúp hoạt động Hội đi vào nề nếp. 

- Lĩnh vực thi đua có nhiều khởi sắc. Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” và việc trao học bổng cho người lớn có thành tích học tập xuất sắc đã tác động mạnh đến phong trào học tập thường xuyên của người lao động ở tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội. 

- Đặc biệt việc tham mưu cho các cấp lãnh đạo trong việc ban hành các văn bản và chỉ đạo thực hiện các văn bản có kết quả là một bài học sâu sắc, một kinh nghiệm quý báu được các cấp hội thực hiện. Những kết quả nổi bật đó đã đưa vị thế của Hội Khuyến học lên một tầm cao mới, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao. 

Tuy nhiên: 

- Trong bối cảnh đất nước ta chủ động tham gia cách mạng 4.0 theo Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, hội nhập sâu rộng hơn vào trường Quốc tế, bắt buộc phát triển đất nước bằng tri thức, dựa vào kinh tế tri thức,... đòi hỏi tất cả các tổ chức và từng con người phải hoàn thiện mình, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, kinh tế kết nối, vạn vật kết nối hiện nay. Trong bối cảnh đó, với nhiệm vụ nặng nề được Đảng và Chính phủ giao, Hội Khuyến học Việt nam bắt buộc phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu đề ra 

- Trước yêu cầu phát triển của đất nước nêu trên, nhìn vào thực tế trình độ, năng lực, nhân lực tại chỗ và nguồn nhân lực đang được đào tạo, chúng ta thấy còn 1 bộ phân lớn người lao động năng lực còn yếu, còn khoảng cách khá xa so với  yêu cầu về năng lực sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ và kể cả năng lực xử lý tình huống. Điều đó đòi hỏi đội ngũ này cần được đào tạo, đào tạo lại để họ theo kịp nhịp sống số hiện nay. Do đó, phương pháp dạy và học đối với họ cũng phải thay đổi do họ đang lao động ở các lĩnh vực khác nhau trong xã hội, không có thời gian tới lớp học. 

- Khi đất nước phát triển, cách phát triển đất nước trong thời gian dài không còn phù hợp nữa. Nguồn tài nguyên cũng đã bị cạn kiệt và cũng không thể phát triển đất nước bằng cách khai thác tài nguyên và khoáng sản để bán thô nữa vì việc làm đó vừa tàn phá thiên nhiên, ảnh hưởng môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội thấp. Thay vào đó là phải khai thác nguồn tài nguyên trí tuệ - nguồn vốn vô tận, quý giá nhất của mỗi quốc gia. Với nguồn tài nguyên này, ta càng khai thác càng sáng và không bao giờ mất đi mà chỉ giàu có hơn, dồi dào hơn nếu nó được bồi đắp thường xuyên thông qua sự học thường xuyên, học suốt đời. 

- Từ năm 2021 – 2030 với các chỉ tiêu phấn đấu được đề ra theo các văn kiện Đại hội Đảng CSVN lần thứ 13, cùng với các chỉ tiêu trong NQ 52 của Bộ Chính trị (nếu không có những tác động bất thường như dịch bệnh, thời tiết cực đoan) thì cả hệ thống chính trị cần có quyết tâm cao độ, trước tiên là với sự nghiệp giáo dục đào tạo, với sự học của toàn dân được nâng cao thì dân trí, trí tuệ, tri thức mới được bồi đắp, mới giúp mọi người tham gia cách mạng 4.0 thành công. Cũng trong bối cảnh đó, các nguồn viện trợ cho đất nước cũng sẽ không còn dồi dào như hiện nay, đòi hỏi sự nỗ lực cao độ của cả hệ thống chính trị trong đổi mới toàn diện tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. 

- Trước yêu cầu đó, cơ sở hạ tầng của chúng ta còn yếu, thiếu, chắp vá cũng là một lực cản cho sự phát triển. Muốn kết nối phải có hạ tầng công nghệ thông tin tốt, có trình độ ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin thuần thục. Song, một bộ phận không nhỏ người lao động đang trong độ tuổi không có được điều đó. Họ đang rơi vào tình trạng “mù chức năng”. Tất cả những điều nêu trên chi phối trực tiếp đến hoạt động của Hội Khuyến học Việt nam. Nếu Hội không trong dòng chảy đổi mới của đất nước thì không thể thực hiện được nhiệm vụ nòng cốt trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đã được nêu trong Kết luận 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư. Do đó, bắt buộc Hội phải đổi mới để hoàn thiện về cả tổ chức, nội dung và hình thức hoạt động. Cụ thể: 

I.    Đổi mới về tổ chức hệ thống Hội: 

Theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, đổi mới phải đáp ứng được đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Đổi mới tổ chức Hội phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm của Hội. Đó là: 

- Hội tập hợp chủ yếu là những người đã về hưu, có nhiệt huyết tự nguyện cống hiến ở Hội. Song, không được hưởng thù lao hàng tháng. 

- Hội không có mục đích tự thân mà chỉ toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của nước nhà. Do đó, chức năng, nhiệm vụ của Hội không trùng với bất cứ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức hội nào. Hội Khuyến học là hội đặc thù từ khi thành lập đến nay. 

- Hội nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Bộ Chính trị và Chính phủ không qua khâu trung gian nào. Những nhiệm vụ được giao đều thông qua các Nghị quyết, Quyết định của Đảng và Nhà nước. Song, Hội chỉ có Chi bộ, không có Đảng đoàn và nhiều Đảng viên của Hội không chuyển sinh hoạt về Hội. Bộ máy của Hội hiện nay tuy hết sức gọn nhẹ nhưng phải giải quyết nhiều vấn đề lớn. Do đó, chất lượng tổ chức cần được nâng cao nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả của tổ chức Hội. Như vậy, tuy là tổ chức xã hội – nghề nghiệp gồm chủ yếu là những người về hưu đã cao tuổi nhưng trách nhiệm lại hết sức nặng nề. Nhiệm vụ phải thực hiện có ảnh hưởng đến toàn xã hội. 

- Quan hệ công tác của Hội chủ yếu thông qua trí tuệ tập thể, quyết định theo đa số. Mối quan hệ với các cơ quan có liên quan là quan hệ phối hợp, liên kết, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ. 

- Cơ sở vật chất của Hội hầu như không có: không có trụ sở làm việc, không có kinh phí cho cán bộ về hưu làm việc ở Hội (trừ chủ tịch và phó chủ tịch kiêm tổng thư ký). Ở nhiều địa phương thì còn khó khăn hơn, kể cả kinh phí cho Hội hoạt động cũng không có. Cá biệt có những tỉnh chưa quan tâm đến hoạt động của Hội Khuyến học nên Hội hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn. 

- Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là thành viên của một số Ban chỉ đạo Quốc gia như: Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, Ban chỉ đạo thực hiện “Chương trình đào tạo nghề Quốc gia”, thành viên Ủy Ban Giáo dục Quốc gia, Hội đồng Giáo dục Quốc gia...., nên phải thực hiện nhiều công việc của các tổ chức này giao cho. 

- Từ những đặc điểm trên, đổi mới tổ chức Hội cần đảm bảo các yêu cầu sau đây: 

1.     Đổi mới tổ chức Hội phải mang tính hệ thống, đồng bộ vì cả hệ thống Hội dù trực thuộc Trung Ương hay địa phương đều phải triển khai nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao. Do đó, hệ thống Hội cần đảm bảo sự chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất của Trung ương Hội Khuyến học Việt nam. 

2.     Đổi mới tổ chức phải đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy toàn diện trí tuệ tập thể, không nhầm lẫn giữa chức năng nhiệm vụ của Hội với bất cứ tổ chức nào. 

3.     Đổi mới phải mang tính kế thừa, có tính đến đặc điểm năng lực và nhu cầu công tác của đội ngũ cán bộ khuyến học nhằm phát huy tối đa năng lực của họ. 

4.     Đổi mới phải được sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp ủy Đảng và chính quyền nhằm tạo điều kiện cho Hội hoạt động. 

Từ những yêu cầu nêu trên, đổi mới tổ chức Hội có thể theo một số hướng sau: 

1.     Không sáp nhập Hội Khuyến học với bất cứ tổ chức hội nào. 

Sắp xếp tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực đang là yêu cầu cấp thiết được đặt ra thì việc sáp nhập, hợp nhất tổ chức là một trong những hình thức thiết kế tổ chức hữu hiệu nhằm tinh giản bộ máy. Sáp nhập, hợp nhất tổ chức là một hoạt động kết hợp của hai hay nhiều tổ chức tương đồng với nhau và cho ra đời một tổ chức mới bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang tổ chức hợp nhất, đồng thời chấm dứt tồn tại của tổ chức bị hợp nhất. Hợp nhất, sáp nhập về nguyên tắc sẽ tạo ra sức mạnh lớn hơn. Đây là cơ hội để các tổ chức sàng lọc và loại bỏ những vị trí làm việc kém hiệu quả, từ đó góp phần không nhỏ vào tinh gọn bộ máy. 

Song, có 2 lý do để không sáp nhập Hội Khuyến học vào các hội khác vì: 

- Về lý luận, chỉ tiến hành sáp nhập tổ chức khi các tổ chức này có nhiệm vụ, chức năng tương đồng, cần thiết phải sắp xếp lại để tăng cường sức mạnh của tổ chức, tinh giản bộ máy. Song đến nay, chức năng, nhiệm vụ của Hội Khuyến học không giống hoặc tương đồng dù chỉ một phần với bất kỳ tổ chức hội nào, trừ Bộ Giáo dục – Đào tạo. Song, Bộ Giáo dục – Đào tạo thuộc bộ máy hành chính Nhà nước còn Hội Khuyến học là tổ chức xã hội – nghề nghiệp gồm những người đã về hưu, tự nguyện tham gia hoạt động Hội. Hội chỉ có nhiệm vụ phối hợp với Bộ nhằm thúc đẩy sự nghiệp giáo dục đào tạo, xây dựng xã hội học tập mà thôi. 

- Việc sáp nhập, hợp nhất về nguyên tắc chỉ áp dụng đối với các cơ quan thuộc hệ thống quản lý hành chính Nhà nước, toàn bộ nhân sự, kinh phí và các điều kiện hoạt động đều do Nhà nước đảm bảo, hoạt động theo Hiến pháp và Pháp luật. Hội Khuyến học Việt nam không thuộc hệ thống đó. 

Tuy nhiên, vừa qua cũng có khá nhiều hội ra đời. Một số hội có chức năng, nhiệm vụ gần giống nhau có thể sáp nhập (nếu các hội tự nguyện, theo Điều 13 QĐ 30 của Chính phủ). Trong số đó cũng không có Hội Khuyến học Việt nam. 

2.     Ở Trung ương Hội Khuyến học Việt nam: 

2.1.    Cần xác định đúng vị trí việc làm trong tổ chức Hội: 

Từ năm 2017 đến nay, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu xác định vị trí việc làm của Trung ương, Hội cũng đã tiến hành sắp xếp tổ chức, nhân sự cho phù hợp với yêu cầu công việc như: giảm đầu mối, phân công, bố trí lại một số nhân sự của Văn phòng, Ban Thông tin, Ban tổ chức và qua 2 năm triển khai, phương án này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Công việc của từng người hợp lý hơn, công việc được quản lý tốt hơn... Song hiện nay hoạt động của Hội vẫn có điểm còn bất hợp lý, cần thiết phải nghiên cứu bố trí, sắp xếp cho hợp lý hơn. Khâu đầu tiên vẫn là xác định vị trí việc làm. Đó là cơ sở để bộ máy của Hội được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, thù lao cho đa số cán bộ hoạt động ở Hội hầu như không có. Việc xác định chính xác vị trí việc làm cộng với hoạt động theo chế độ tự chủ sẽ là điều kiện tốt để cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng công tác cho Hội. 

Xác định vị trí việc làm đối với các cơ quan hành chính của Đảng, Nhà nước có vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí là nhân tố quyết định trong cải cách chính sách tiền lương theo chức danh, chức vụ, năng suất lao động trong từng cơ quan, đơn vị. Còn đối với Hội, đó là cơ sở để bố trí đúng người, đúng việc, hợp với sở trường và sức khỏe từng người, phát huy cao độ tinh thần làm việc của người cao tuổi. Trước Đại Hội VI Hội Khuyến học Việt nam, Hội cần có đề án tổ chức cho nhiệm kỳ tới nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Trung ương Hội. Muốn thực hiện được, ngay từ bây giờ, chi bộ cần chủ động phối hợp với thường trực, trước tiên là chủ tịch Hội, bàn bạc và giao Ban Tổ chức – Quản lý trung tâm nghiên cứu phương án trình Thường trực bàn bạc dân chủ, quyết định theo đa số. Trong một tổ chức, yếu tố con người là cơ bản nhất, quyết định nhất, nhưng cũng phức tạp nhất. Song với Hội, vấn đề xác định vị trí việc làm cũng nhẹ nhàng vì cơ bản nhất là chọn đúng các biên chế được giao vào vị trí và động viên người cao tuổi có năng lực, có nhiệt huyết, tự nguyện cống hiến cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Việc xác định vị trí việc làm đúng đắn, nghiêm túc sẽ góp phần nâng cao vị thế của Hội hơn nữa, khắc phục tư tưởng “Hội ấy mà”, coi nhẹ hoạt động của Hội. 

2.2.    Nghiên cứu thành lập Đảng đoàn hoặc củng cố chi bộ cơ quan Trung ương Hội đủ mạnh. 

Cùng với công việc sắp xếp tổ chức của cơ quan cũng cần phải bàn về tổ chức Đảng trong cơ quan. Hiện nay tổng số đảng viên trong cơ quan có 12 người, song có 4 người không chuyển sinh hoạt Đảng về hội mà sinh hoạt ở địa phương. Trong số đó có 2 phó chủ tịch và 2 trưởng ban. Mỗi khi họp chi bộ, 4 đồng chí này không dự họp nên nhiều vấn đề không được quán triệt thấu đáo cho tất cả các đảng viên trong chi bộ. Sức mạnh của tổ chức Đảng cũng bị hạn chế. Công việc thì rất nhiều, chi bộ thì có đặc thù như trên nên hầu hết các công việc được bàn trong Thường trực và do Thường trực quyết định. Vai trò của chi bộ bị lu mờ. Các đồng chí Đảng viên còn lại trong chi bộ thì đã nghỉ công tác tại cơ quan Hội đã lâu, hầu như không có đóng góp gì cho công tác của Hội. Vì vậy, muốn tổ chức Đảng mạnh lên, chỉ đạo toàn hệ thống tốt hơn thì cần nghiên cứu thành lập Đảng đoàn tại Trung ương Hội. Song để thành lập Đảng đoàn cần đến nhiều yếu tố, do đó cần phải được nghiên cứu sâu và toàn diện. 

Nếu không thành lập Đảng đoàn thì cần củng cố chi bộ để chi bộ đủ sức lãnh đạo Hội. Song điều này sẽ khó khăn do Đảng viên trong chi bộ toàn người về hưu. Theo quy định hiện hành, sau khi nghỉ công tác, Đảng viên đều phải chuyển sinh hoạt Đảng về nơi cư trú. Hiện chưa có điều nào quy định người về hưu nếu tham gia công tác Hội thì bắt buộc phải chuyển sinh hoạt Đảng về Hội, kể cả người đó là Chủ tịch Hội. Với các hội không phải hội đặc thù thì vấn đề này không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của hội. Nhưng với hội đặc thù thì vấn đề nêu trên cần được Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu. 

2.3.    Sắp xếp lại các Ban, thu gọn đầu mối của cơ quan Trung ương Hội hoặc thành lập thêm phòng, ban mới. 

Thu gọn đầu mối là việc luôn được đặt ra trong công tác tổ chức. Đầu mối phòng, ban của cơ quan Trung ương Hội hiện này không nhiều, song vẫn cần xuất phát từ nhu cầu công việc và kinh nghiệm thực tế hoạt động của bộ máy vừa qua để sắp xếp lại cho hợp lý hơn. Cần xác định trọng tâm, nhiệm vụ chủ yếu của công tác khuyến học, khuyến tài giai đoạn 2021 – 2030 để có tổ chức bộ máy phù hợp. 

Theo Quyết định 489/QĐ-TTg ngày 8/4/2020 của Thủ tướng chính phủ về ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư thì nhiệm vụ của Hội sẽ nặng nề hơn. Đây là một căn cứ quan trọng để thiết lập bộ máy của Trung ương Hội cho phù hợp, đủ sức thực hiện nhiệm vụ được giao. Muốn sắp xếp lại hoặc thiết lập bộ máy mới trên cơ sở của bộ máy hiện có thì cần tiến hành đánh giá hiệu quả thực tế bộ máy hiện nay. Trong đánh giá thì chú trọng sản phẩm được hoàn thành theo kế hoạch của mỗi cá nhân và phòng ban về số lượng, chất lượng và thời gian hoàn thành sản phẩm đó. 

3.     Đối với các địa phương 

Hội Khuyến học địa phương do UBND các tỉnh quản lý, không chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Trung ương Hội về tổ chức, nhân sự, nên đề nghị các địa phương thực hiện tốt QĐ 489 nêu trên vì trong quyết định giao rất cụ thể nhiệm vụ cho các địa phương về vấn đề khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, bao gồm cả công tác tổ chức. Cụ thể Quyết định nêu “UBND các địa phương có nhiệm vụ rà soát, củng cố và kiện toàn tổ chức, hoạt động của Hội Khuyến học trên địa bàn”. Như vậy, Hội Khuyến học các địa phương sẽ được củng cố kiện toàn đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, theo đúng nguyên tắc sáp nhập tổ chức như đã nêu ở trên thì Hội Khuyến học ở địa phương cũng không thể sáp nhập với một hội nào đó không cùng nhiệm vụ. Vả lại, theo yêu cầu của Kết luận 49-KL/TW thì tổ chức Đảng phải trực tiếp lãnh đạo Hội Khuyến học và các đảng viên phải là người gương mẫu thực hiện và tham gia công tác khuyến học nên chắc chắn sẽ mạnh lên. 

4.     Yêu cầu đối với cán bộ hoạt động trong Hội khuyến học các cấp trong cách mạng 4.0 

Con người là yếu tố quan trọng nhất, cách mạng nhất trong công tác tổ chức. Khi sắp xếp bộ máy, con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm bởi nếu họ không được thông về tư tưởng, ủng hộ chủ trương sắp xếp bộ máy, xác định vị trí việc làm thì công việc cũng không thể tiến hành được. Mặt khác, họ còn là người phải tiên phong trong học tập, nâng cao trình độ. Xuất phát từ đặc điểm của Hội đã nêu trên, mỗi cán bộ khuyến học phải là tấm gương về học tập, là một tuyên truyền viên giỏi, là một cán bộ dân vận khéo thì mới động viên được toàn dân học tập, học tập suốt đời, học tập có kết quả, thực hiện tốt yêu cầu của Đảng, Nhà nước đối với Hội. Chính vì vậy, giai đoạn 2021 – 2030 với nhiều nhiệm vụ mới, lại trong bối cảnh Việt Nam chủ động tham gia cách mạng 4.0, mỗi cán bộ khuyến học cần hoàn thành tốt các nhiệm vụ sau: 

1.     Tích cực học tập, rèn luyện để đạt tiêu chí công dân học tập mà chính Trung ương Hội sẽ xây dựng trình Chính phủ ban hành 

2.     Cần năng động, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động nhân dân học ở mọi hình thức, mọi nơi, mọi lúc có thể. 

3.     Chủ động đề xuất những vấn đề thực tiễn đặt ra, đặc biệt những vấn đề liên quan đến sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng và sự tham gia của các đảng viên trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. 

II.         Một số giải pháp thực hiện các nội dung sắp xếp bộ máy, tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam 

1.     Đẩy mạnh tuyên truyền để toàn xã hội có nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ của Hội Khuyến học Việt Nam trong giai đoạn mới. 

2.     Cần tổ chức các sinh hoạt chuyên đề trong tổ chức Hội để mỗi hội viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình đối với công việc của Hội, đặc biệt trong sắp xếp tổ chức, xác định vị trí việc làm. 

3.     Việc phát triển tổ chức Hội phải luôn được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp. Đây là nhân tố quyết định tạo thành công cho Hội. 

4.     Cần có sự quyết tâm cao độ của lãnh đạo Hội vì nguyên tắc làm việc của Hội là: bàn bạc tập thể, quyết định theo đa số. Người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm toàn diện khi triển khai thực hiện quyết định đó. 

Công việc nhiều, lực lượng chưa mạnh, song với quyết tâm cao, kinh nghiệm tốt, trách nhiệm nhiều, chúng ta sẽ thành công.

GS.TS Nguyễn Thị Doan

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam





 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài


Thời gian mở trang: 0.363 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.