Chuyện học ở Họ Hoàng
01.2008
|
|
Theo lời kể của các cụ cao tuổi thì họ Hoàng tuy không giàu, song từ xa xưa đã rất chăm lo đến sự học.
Trên “Học điền bi ký” - tấm bia hiện đặt ở đình làng thôn Hoàng, xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội có ghi, vào năm 1826, 2 người họ Hoàng trong số 20 cụ của xã đã góp gần 7 mẫu Bắc bộ, cày cấy lấy lúa, hoa màu bán lấy tiền, để nuôi thầy dạy học và cấp giấy bút cho học trò nghèo.
Năm 1937, cụ Hoàng Gia Bình - ông nội của những người khởi xướng ra Ban Tư vấn khuyến học dòng họ ngày nay - đã mua đất, xây trường Hương học và để ra một mẫu rưỡi ruộng trả lương cho thầy.
Nối tiếp truyền thống ấy, năm 1998, ban liên lạc trí thức họ Hoàng gồm 80 người đã ra đời, nhằm động viên con, cháu phải không ngừng học tập.
Sau 1 năm, Ban Tư vấn khuyến học dòng họ ra đời. Ngay trong ngày giỗ Tổ năm ấy, 40 cháu HS tiêu biểu nhất đã được khen thưởng. Cũng từ đó, trong ngày giỗ Tổ hằng năm, chi hội khuyến học dòng họ đều dành phần lớn thời gian nói về truyền thống hiếu học để giáo dục con cháu.
Những năm sau, ngoài số HS, sinh viên còn có thêm cả người lớn vừa hoàn thành bằng cử nhân, thạc sĩ được khen thưởng. Nhờ thế, việc động viên người người, nhà nhà cùng học tập càng thêm khí thế.
Đến nay đã có 1/10 thành viên họ Hoàng (trong tổng số 1.000 người) có bằng ĐH, nhiều người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ... Hoạt động khuyến học của dòng họ Hoàng trở thành mô hình điểm của toàn xã, toàn huyện Từ Liêm ngày ấy và được nhân rộng.
Đây cũng là đơn vị đầu tiên của Hà Nội đề ra 3 tiêu chuẩn của gia đình hiếu học vào năm 2003, làm cơ sở cho việc xây dựng các tiêu chí gia đình hiếu học của Thủ đô sau này.
Nhiều năm nay, ngoài việc động viên HS giỏi, mỗi đầu năm học, các cháu HS nghèo, gặp khó khăn đều được Quỹ khuyến học dòng họ mua cho sách vở, đồ dùng. Nhiều cháu đã thành đạt, đi công tác xa, nhưng vẫn luôn ghi nhớ công ơn của ông bà, cô chú... trong dòng tộc, hễ có điều kiện là góp công, góp của xây dựng phong trào khuyến học.
Bây giờ, việc quan tâm, chăm lo, hỗ trợ cho việc học của mọi người trong họ, bất kể già trẻ, gái trai đã thành nếp nhà, nếp dòng họ ở đây, với quyết tâm để xứng đáng với truyền thống hiếu học của tổ tiên họ Hoàng.
BBT (Theo Hà Nội mới) |