Hưng Yên: Khuyến học liên gia, một mô hình hay ở thôn Phan
01.2011
|
Ảnh minh họa - Interrnet |
Thăm nhà thờ Phạm Phan ở thôn Phan (xã Bạch Sam, Mỹ Hào), chúng tôi được thày giáo Phạm Phan Chẩn, nguyên tổ trưởng tổ văn Trường phổ thông năng khiếu tỉnh Hải Hưng kể cho nghe chuyện về quá trình hình thành và kết quả làm công tác khuyến học của 8 gia đình là anh chị em ruột của ông.
Thường là vào dịp tháng 2 (âm lịch) hàng năm, các con cháu, chắt của 8 gia đình lại đoàn tụ ở nhà thờ Phạm Phan làm hai công việc: Giỗ thân phụ, tổ chức lễ tuyên dương học sinh giỏi, học sinh vượt khó. Từ sáng kiến lập quĩ khuuyến học liên gia, các gia đình đã thống nhất đóng góp tiền của xây dựng quĩ khuyến học. Ngay từ lúc chuẩn bị ra mắt quĩ khuyến học, các anh chị em thày giáo Chẩn đã thảo luận rồi thống nhất chủ trương làm khuyến học liên gia, thống nhất cách tạo dựng và quản lý nguồn kinh phí, cách hoạt động khuyến học, thống nhất qui chế khuyến học, thưởng người có thành tích học tập, người neo đơn, ham học theo 3 mức: giải thưởng, học bổng, tặng phẩm. Trong từng bậc lại chia theo thứ tự cao thấp từ kết quả học tập, mức giải thưởng được phân làm 4 bậc, với các tên gọi: giải thưởng kim cương, giải thưởng cuốn sổ vàng, giải thưởng học bổng. Giá trị các giải tính theo vật tương đương như giải “cây bút vàng” trao cho chắt Toán đoạt huy chương bạc vật lý Châu Á Thái Bình Dương tương đương hai chỉ vàng 18K. Mức thưởng cho người neo đơn được hưởng cao hơn một mức, 1 bậc. Phân ra như vậy, theo thày Chẩn là để tác động vào từng người học, phù hợp với kết quả và hoàn cảnh cụ thể. Thưởng cho những người từ chăm học đến học giỏi. Tặng phẩm cho những người trong năm học không bị kỷ luật, không bỏ học.
Được biết nguồn kinh phí khi mới thành lập quĩ có số tiền tương đương 500 USD, nay tăng lên 20 triệu đồng. Năm 2010 có 7 “hội viên tán trợ” đã ủng hộ quĩ khuyến học Phạm Phan từ đường với số tiền 7 triệu đồng.
Kết quả ở mô hình khuyến học gia đình tăng lên mỗi năm. Năm đầu tiên có 1 cháu đỗ thủ khoa đại học. Sau 12 năm, số cháu đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, đỗ điểm cao các kỳ thi tuyển đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tăng dần theo từng năm. Năm 2003 là năm đạt đỉnh cao về kết quả học tập với chắt Trần Công Toán giành huy chương bạc Vật lý Châu Á-Thái Bình Dương. Đến nay có hai cháu đỗ thủ khoa đại học, 6 cháu giành giải nhất, giải nhì thi học sinh giỏi cấp tỉnh và điểm giỏi thi đại học. Số cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, thành phố, thi đỗ vào trường chuyên, đại học gần 40 cháu. Chắt Phạm Thị Mai thuộc diện neo đơn, cảnh nhà một mẹ một con, nguồn thu nhập dựa vào xuất ruộng địa phương chia cho. Bằng nghị lực bản thân và hỗ trợ của quĩ khuyến học, Mai đang hoàn thành tốt nghiệp đại học ngành kế toán Trường đại học Mỏ địa chất. Trong thời gian đang học cô đã làm thêm bằng kiến thức được học, có thu nhập giúp mẹ sửa sang nhà cửa.
Cách làm khuyến học của các gia đình này (có tên gọi: Quĩ khuyến học Phạm Phan từ đường) được GS-TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá là cách làm hay, đạt hiệu quả cao. Ông Thái, một cán bộ MTTQ thôn đánh giá hoạt động và kết quả khuyến học của Phạm Phan từ đường đã tác động vào đạo lý trong cuộc sống của quê nhà. Đây là một mô hình rất đáng biểu dương, nhân rộng.
Theo (Đặng Văn Lộc - Báo Hưng Yên)
|