KHUYẾN HỌC DÒNG HỌ - NÉT ĐẸP VĂN HÓA THẾ MẠNH CỦA KHUYẾN HỌC NAM ĐỊNH
01.2011
|
Một dòng họ rước kiệu mừng Đại hội khuyến học ở Nam Định (ảnh Internet) |
Nam Định là tỉnh duyên hải phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, nằm giữa hạ lưu hai con sông lớn là sông Hồng và sông Đáy. Trải qua biến thiên của lịch sử vùng đất này càng hướng về phía Đông, Đông Nam do phù sa bồi đắp rất màu mỡ có sức hấp dẫn mạnh mẽ với các lớp cư dân từ xứ Bắc (Hà Bắc), xứ Đông (Hải Dương), xứ Đoài (Hà Tây), xứ Thanh (Thanh Hóa)…
Trong nhiều thời điểm khác nhau chuyển cư tới Nam Định theo từng nhóm, từng dòng họ mang theo cả những tập quán sản xuất thành thục, những truyền thống văn hóa lâu đời đến vùng này và nhanh chóng hòa nhập với sự phát triển chung của nền văn minh Sóng Hồng đồng thời cũng chung đúc hình thành cốt cách riêng của địa phương. Sự tụ cư của cộng đồng cư dân Nam Định khá đa dạng có liên quan chặt chẽ với quá trình chinh phục vùng đồng bằng duyên hải và sự hình thành làng xã ở đây.
Ngày nay phổ biến một làng có nhiều dòng họ, họ chung sống hài hòa “Trong họ ngoài làng” tương thân tương ái từ bao đời nay đã hình thành văn hóa làng, xã một đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Ở tỉnh Nam Định hiện nay có trên 50 dòng họ, trong đó chiếm tỷ lệ dân số đông là các dòng họ: Trần, Nguyễn, Lê, Phạm, Ninh, Tống, Đinh, Mai, Ngô, Đào, Hồ, Dương, Trịnh, Cao, Bùi, Lưu, Đỗ, Mạc, Vũ, Đặng, Đoàn, Hà, Hoàng, Khuất, Lương, Đồng, Lã, Lý… Số họ có ở Nam Định chiếm khoảng 80% số họ có trong cả nước. Người Nam Định rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, các anh hùng dân tộc, người tài cao học rộng… Theo thống kê năm 1998 của Sở Văn hóa thông tin toàn tỉnh có 3.368 từ đường chính phái hoặc chi nhánh của các dòng họ; có những làng có bao nhiêu dòng họ hoặc chi phái thì có bấy nhiêu từ đường như: làng Hoành Nha (huyện Giao Thủy) có 54 từ đường, Thôn Hưng Thịnh (huyện Nghĩa Hưng) có 30 dòng họ vv…
Trong những năm gần đây việc xây dựng, sửa chữa từ đường dòng họ ở tỉnh Nam Định rất rầm rộ. Đây chính là nét đẹp văn hóa truyền thống biểu thị sự tri ân của mọi người trong họ đối với liệt tổ, liệt tông đã khai sinh ra dòng họ mình. Điều đó đánh dấu sự phát triển của lịch sử xã hội, về tư tưởng đạo đức giàu tính nhân văn. Đây là nơi thực hiện đời sống tâm linh trong dòng tộc như Giỗ tổ, Tết Nguyên Đán, Tiết thanh minh và hiện nay đây cũng là nơi các dòng họ khuyến học tổ chức kính báo với tổ tiên về sự thành đạt của con cháu trong học tập hàng năm. Những người đỗ đạt cao, trao giải thưởng, phát học bổng và tôn vinh các gia đình hiếu học.
Khuyến học trong các dòng họ trước đây tuy có nhiều hình thức phong phú, nhưng vẫn có tính chất tự phát nên không phát triển liên tục và sâu rộng. Từ khi có các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước, MTTQ và các cấp ủy, chính quyền, Ban ngành, Đoàn thể ở địa phương, cùng Hội khuyến học lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện, hoạt động khuyến học có tính chất tự giác, mở ra thời cơ và điều kiện mới để tất cả mọi người thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ học tập của mình. Đi đầu xây dựng dòng họ khuyến học ở tỉnh Nam Định là huyện Nam Ninh (Trực Ninh và Nam Trực) từ năm 1994 chỉ đạo thí điểm xây dựng khuyến học dòng họ ở xã Nam Hồng. Sau đó huyện đã tổng kết rút kinh nghiệm, phát động thành phong trào sâu rộng trong các dòng họ. Năm 1998 Hội khuyến học huyện Nam Trực được xây dựng phát triển rộng khắp, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức tổng kết 3 năm phát động khuyến học dòng họ. Tại Hội nghị này đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam và 32 Hội khuyến học các tỉnh, thành phố phía Bắc đã về dự cùng với các huyện, thành phố trong tỉnh. Sau Hội nghị này khuyến học dòng họ phát triển mạnh mẽ trong toàn tỉnh, đến năm 2007 đã có 2.109 dòng họ, năm 2010 lên đến 2.965 dòng họ khuyến học.
Cùng với những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và các cấp cũng ở Nam Trực tháng 10 năm 1995 lãnh đạo huyện có sáng kiến tổ chức Lễ trao tặng Bức trướng khuyến học cho dòng họ Đặng và dòng họ Vũ của xã Nam Hồng. Đây là lần đầu tiên huyện trao Bức trướng khuyến học dòng họ và cũng là huyện đầu tiên trong cả nước có hình thức tôn vinh khuyến học rất hiệu quả này. Từ Nam Trực, Trực Ninh đến nay Huyện ủy, Thành ủy, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đều chỉ đạo, bình xét thi đua theo 3 tiêu chí của Hội khuyến học Việt Nam để trao Bức trướng khuyến học dòng họ. Cả tỉnh đã trao 479 Bức trướng có một số dòng họ đã được nhận lần thứ 2 với những thành tích nổi bật. Lễ trao bức trướng ở huyện và rước trướng từ huyện về dòng họ như ngày hội lớn, bức trướng được dâng vào từ đường để báo công với tổ tiên, nhiều dòng họ tổ chức liên hoan cả tinh thần và vật chất, có nơi còn mời đoàn nghệ thuật của tỉnh về biểu diễn cho cả vùng đến xem. Đây cũng là dịp con cháu mọi miền gần xa trong họ sum họp. Khuyến học qua đó lại phát triển cả số, chất lượng, huy động Quỹ và có sức lan tỏa. Ví như dòng họ Vũ Minh Đức Viễn (Trực Ninh) được nhận bức trướng của huyện năm 2000, qua 10 năm phấn đấu đến nay Ban khuyến học dòng họ có 150 Hội viên, Quỹ khuyến học có hàng trăm triệu đồng, 68% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình hiếu học, 25% số gia đình cả nhà đi học, 11 gia đình phổ cập Đại học, tiêu biểu như gia đình ông Vũ Đức Luân có 20 con cháu tốt nghiệp Đại học trong đó có 6 Thạc sĩ….có 40 gia đình có từ 2 đến 4 con đã tốt nghiệp và đang học Đại học, Cao đẳng. Dòng họ có 120 người thành đạt đang công tác ở nhiều ngành, có 15 cán bộ trung cao cấp, 20 người là Giám đốc, Trưởng phó các ban ngành, 25 thầy cô giáo, 50 người tham gia Quân đội nhân dân, 60 Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện nay các huyện và thành phố trong tỉnh cũng có nhiều dòng họ khuyến học nổi tiếng đã được tôn vinh trong Đại hội thi đua khuyến học ở cơ sở, ở huyện, thành phố trong tỉnh và toàn quốc “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học” đã trở thành phong trào quần chúng rộng khắp trong toàn tỉnh, thể hiện đậm nét truyền thống “Hiếu học”, “Trọng học” vốn có từ ngàn xưa của tỉnh Nam Định. Khuyến học dòng họ đã góp phần rất quan trọng cùng với khuyến học xã, phường, thị trấn, thôn, làng, tổ dân phố, cụm dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, trường học, nhà chùa, xứ họ đạo tạo thành Mặt trận khuyến học vừa có bề rộng, vừa có chiều sâu, vừa có nguồn lực vật chất mạnh (Theo báo cáo của 10 huyện, thành phố Quỹ khuyến học bằng tiền của 33 dòng họ đến tháng 10/2010 có số dư 1.245 triệu đồng, cao nhất là họ Đinh thôn Bính Di thức Khoa, huyện Giao Thủy đã trao học bổng 103 triệu, nay còn 130 triệu đồng) góp phần động viên ngày càng có nhiều người hiếu học, nhiều gia đình hiếu học, học giỏi và “Đạo học” trong các dòng họ ngày càng coi trọng. Tại Đại hội “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học” toàn quốc (năm 2007) Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu:…Xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học” để xây dựng xã hội học tập là một cách làm độc đáo của Việt Nam. Có ý nghĩa lớn trong việc động viên mọi người học tập, góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Gia đình Việt Nam luôn gắn liền với dòng họ. Dòng họ có tác dụng gắn kết mọi gia đình trong việc duy trì và phát huy những truyền thống tốt đẹp của họ tộc, động viên các gia đình giữ gìn gia phong, thực hiện gia giáo … Hiện nay, hàng vạn dòng họ đang thúc đẩy các gia đình trong họ thi đua với nhau và thi đua với các dòng họ khác, ra sức học tập trau dồi tài đức, đóng góp nhiều cho xã hội, giành vinh quang về cho Họ tộc mình…
Với uy tín, sự tận tâm, tự nguyện của các vị Trưởng tộc và các Ban khuyến học hoạt động rất linh hoạt, sáng tạo nên hơn 10 năm qua khuyến học các dòng họ tỉnh ta đã trở thành động lực tích cực nhất trong phong trào khuyến học, khuyến tài ở cơ sở, góp phần củng cố phổ cập vững chắc bậc Tiểu học, THCS và THPT, tăng số lượng học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó vươn lên, hỗ trợ xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2, làm nòng cốt hoạt động ở các Trung tâm học tập cộng đồng, quản lý học sinh ngoài nhà trường, đoàn kết trong dòng họ tốt hơn, biết gắn hoạt động của dòng họ với giáo dục dòng họ và khuyến học dòng họ thành dòng họ đổi mới vừa truyền thống vừa hiện đại. Tuy vậy, các dòng họ cần phải mở rộng giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm để phát triển khuyến học, xây dựng dòng họ mở, không khép kín trong lũy tre làng, chống cục bộ, bè phái, chống các tập tục lỗi thời, chống chạy đua hình thức để khuyến học các dòng họ phát triển bền vững, đồng thời xây dựng tổ chức Hội ở các dòng họ chưa có Ban khuyến học
Mừng Đảng, mừng Xuân ! Chúng ta chúc cho mỗi dòng họ khuyến học là một cây hoa đẹp trong vườn hoa đầy hương sắc của “xã hội học tập” đang được xây dựng ở Việt Nam trong đó có tỉnh Nam Định./.
Nguyễn Phú Hậu
Hội khuyến học tỉnh Nam Định
|