Trao giải cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước"
10.2024
Ngày 26/9, tại Trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức Lễ trao giải cuộc thi viết "Sức khoẻ học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước" và phát động cuộc thi viết "Gia đình học tập".
Tham dự buổi lễ có Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; nhà báo Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Phạm Ngọc Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên thuộc Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Nhà báo Phan Hùng - Phó Tổng Biên tập báo Nhân dân; Nhà báo Tô Phán - Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập Tạp chí Công dân và Khuyến học, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cùng các thành viên Hội đồng Giám khảo Chung khảo; lãnh đạo các cơ quan báo chí; đại diện các nhà tài trợ, đại diện các trường học, sinh viên cùng các tác giả được giải...
Cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước" thu hút gần 500 bài dự thi
Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Tô Phán - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, tính đến hết tháng 8/2024, Ban Tổ chức cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước" đã nhận được gần 500 bài dự thi.
Tổng Biên tập Tạp chí Công dân và Khuyến học nhận định, nhiều bài dự thi đưa ra các quan điểm bàn luận, làm rõ thêm khái niệm về "Sức khỏe học đường", chỉ ra thực trạng, đề xuất các các giải pháp, cách triển khai nhằm nâng cao hiệu quả của công tác chăm lo sức khỏe học đường.
Ban Tổ chức đánh giá cao các bài viết được đúc rút từ thực tiễn, nêu thực trạng ở đơn vị mình, những việc làm ý nghĩa mà các giáo viên, nhân viên trường học đang làm để cải thiện chất lượng bữa ăn cho học sinh, những phụ huynh tâm huyết với phương pháp giáo dục mới, các nhà giáo trăn trở cùng ban giám hiệu nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, bảo vệ học sinh, giảm thiểu bạo lực học đường, nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần, sức khỏe thể chất cho thế hệ trẻ.
Có những vấn đề của "Sức khỏe học đường" diễn ra hàng ngày ở trường học, gia đình mà nhiều người không coi trọng nhưng qua các bài dự thi, vấn đề đó được "soi" kỹ hơn, sâu hơn nên nhận thức của người đọc đã có sự thay đổi về tầm quan trọng của các vấn đề đó.
Nhà báo Tô Phán cho rằng, cuộc thi đã góp phần vào việc nâng cao nhận thức của một bộ phận độc giả về sức khỏe học đường. Trên cơ sở đó chính các độc giả được tương tác, bàn luận với không khí trao đổi công bằng, tích cực cũng góp phần vào sự chuyển biến trong tư duy về vai trò của sức khỏe học đường của một bộ phận công dân.
Tại buổi lễ, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chúc mừng các tác giả đã tham dự cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước", đặc biệt là những tác giả đạt giải thưởng.
"Sự quan tâm của tác giả đối với vấn đề sức khỏe học đường; sức khỏe của học sinh, sinh viên - thế hệ tương lai quyết định vận mệnh của đất nước đã thể hiện trách nhiệm rất cao của các tác giả đối với tương lai của đất nước sau này", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan chia sẻ.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan đánh giá cao chủ đề cuộc thi bởi trong bối cảnh hiện nay, do yêu cầu phát triển đất nước, xã hội phát triển, phụ huynh tất bật đi làm, cho nên đa số học sinh từ 3 tuổi trở lên đã phải sống chủ yếu nhờ vào sự chăm sóc của các nhà trường. Sự chăm sóc của các trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, sự phát triển của trẻ em.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, nhằm khắc phục tình trạng thể lực cho học sinh cần nhiều giải pháp trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền với những bài viết sắc sảo là vũ khí sắc bén, có thể lan tỏa đến toàn xã hội về thực trạng sức khỏe học đường hiện nay.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, cuộc thi đã đạt được những kết quả, mục tiêu đáng ghi nhận, đã thu hút được nhiều tác giả dự thi ở các địa phương. Cuộc thi được tổ chức bài bản, chấm thi công tâm, đúng thể lệ và đã chọn ra được những tác phẩm xuất sắc để trao giải... Đặc biệt, cuộc thi đánh dấu sự trưởng thành của Tạp chí Công dân và Khuyến học.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - Nguyên Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Chung khảo nhận định, sau 4 tháng phát động, cuộc thi "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước" đã nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả cũng như nhận được nhiều bài dự thi chất lượng cao.
Các bài dự thi không chỉ đề cập, bàn luận về sức khỏe thể chất mà còn đề cao sức khỏe tinh thần của học sinh, sinh viên.
Qua nhiều vòng đánh giá, từ hàng trăm bài dự thi, ban giám khảo đã chọn lọc được những tác phẩm có chiều sâu, có tính tổng kết về thực chất tình trạng sức khỏe học đường hết sức phức tạp hiện nay.
Sức khỏe học đường là vấn đề lâu dài, cấp thiết cần sự chung tay của mỗi phụ huynh, mỗi gia đình cũng như cần sự chú tâm của các nhà quản lý, các cơ quan, đoàn thể.
"Tôi mong rằng, sau cuộc thi, vấn đề này sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của mỗi cá nhân và cả cộng đồng", Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong nói.
Nhà báo, nhà văn Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ, với cương vị là thành viên Hội đồng giám khảo chấm các bài dự thi đã giúp ông đã hiểu hơn về khuyến học, giáo dục...
Ông Huỳnh Dũng Nhân nhận định, học sinh, thế hệ trẻ không khoẻ mạnh, sự học không được chú trọng thì không thể có những công dân cống hiến, phục vụ đất nước.
"Mỗi tác phẩm dự thi là một câu chuyện, tôi thấy hình bóng của mình trong đó, dáng dấp của con tôi sau này..."
Có một số tác phẩm để lại nhiều ấn tượng với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bởi sự công phu, dẫn chứng số liệu, biểu đồ..
Ông cho rằng, tác giả của những bài viết này không chỉ viết theo phong trào mà viết có nghiên cứu, đầu tư, tâm đắc, suy nghĩ, đặc biệt là dành cả tấm lòng đối với vấn đề về sức khoẻ học đường.
Tác giả Trương Thị Mai - một giáo viên về hưu giành giải Nhất cuộc thi chia sẻ: "Thời gian giảng dạy ở bậc mầm non, tôi đã từng tích hợp nhiều kỹ năng, trong đó có âm nhạc lồng ghép vào giáo dục kiến thức từ đó tạo ra môi trường để các con phát triển toàn diện.
Cuộc thi đã giúp tôi sống lại thời đi dạy. Tôi luôn tâm niệm, chăm sóc học sinh như chăm sóc những người thân trong gia đình, cần tận tâm với từng bạn để các con không những được đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng phát triển thể chất mà còn phát triển sức khoẻ tinh thần".
Kết quả chung cuộc, Ban tổ chức đã chọn ra được 21 tác phẩm có chất lượng tốt nhất vào vòng chung khảo. Hội đồng Chung khảo đã trải qua quá trình làm việc công tâm, chất lượng để lựa chọn.
Dựa trên điều lệ của cuộc thi đã công bố và căn cứ vào kết quả chấm Sơ khảo, Chung khảo, Hội đồng Giám khảo và Ban tổ chức cuộc thi công khai các kết quả chấm, lấy ý kiến bình xét của tập thể, biểu quyết 100% chọn ra các bài viết lấy điểm từ cao xuống thấp để trao giải.
Cụ thể,giải Nhấtthuộc về tác phẩm "Tầm quan trọng của biểu đồ sức khỏe trẻ mầm non" của tác giả Trương Thị Mai.
Giải Nhìđược trao cho 2 tác phẩm: "Chăm sóc học sinh như chăm chính con mình đẻ ra" của tác giả Nguyễn Thị Mai Anh; "Sinh viên thức trắng đêm học bài tại quán cà phê - báo động xu hướng xấu ảnh hưởng tới sức khỏe học đường" của tác giả Lê Trương Vĩnh Khánh.
Giải Bađược trao cho 3 tác phẩm: "Phòng tránh hành vi tự hủy hoại bản thân ở học sinh thông qua hoạt động công tác xã hội" của tác giả Trần Nguyễn Phước Thông; "Hiểu về giáo dục giới tính trong môi trường học đường" của tác giả Nguyễn Lệ Thanh; "Trẻ hoá" bệnh tật ngày càng tăng, cấp bách phải nâng cao sức khỏe học đường" của tác giả Trần Văn Tâm.
Giải Khuyến khíchđược trao cho 5 tác phẩm: "Tôi là đứa trẻ bóng đêm?" của tác giả Phạm Mạnh Hào; "Tập trung vào 7 nhóm giải pháp cho sức khỏe học đường" của tác giả Đặng Ngọc Anh; "Bữa ăn trưa ở trường mầm non - tầm quan trọng với sức khỏe học đường" của tác giả Ngọc Anh; "Dinh dưỡng học đường, cất bước yêu thương" của tác giả Đỗ Trang; "Phân biệt đối xử với học sinh LGBT làm suy giảm sức khỏe học đường" của tác giả Lâm Minh Trí.
Giải Bài viết được nhiều người đọc nhấtđược trao cho tác phẩm "Dinh dưỡng học đường, cất bước yêu thương" của tác giả Đỗ Trang.
Giải tập thể có nhiều bài dự thi nhấtđược trao cho Trường Tiểu học Kim Ngọc, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
Phát động cuộc thi viết "Gia đình học tập"
Cũng tại buổi lễ, Tạp chí Công dân và Khuyến học đã phát động cuộc thi viết "Gia đình học tập".
Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan đánh giá: "Tạp chí Công dân và Khuyến học phát động cuộc thi viết với chủ đề về gia đình học tập là một chủ đề hay, phù hợp với chủ trương của Đảng và những định hướng hiện nay của Hội Khuyến học Việt Nam... Tôi tin tưởng cuộc thi sẽ tiếp tục nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các tác giả trên mọi miền Tổ quốc".
Chia sẻ về cuộc thi viết "Gia đình học tập" do Tạp chí Công dân Khuyến học phát động, Nhà báo Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, cuộc thi viết về chủ đề gia đình học tập là cuộc thi có ý nghĩa tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình và sự phát triển của văn hóa học tập trong mỗi gia đình Việt Nam để xây dựng xã hội học tập, làm nền tảng phát triển đất nước, bứt phá vươn lên trong kỷ nguyên vươn mình. Gia đình là tế bào của xã hội và là khởi nguồn cho tình yêu thương, sự sẻ chia, hình thành giá trị nhân cách đầu tiên của mỗi con người.
Theo Nhà báo Lưu Đình Phúc, trong kỷ nguyên số, sự phát triển của gia đình và văn hóa học tập không chỉ dừng lại ở trường học mà còn lan tỏa, phát huy trong chính mỗi gia đình. Một gia đình học tập không chỉ là nơi từng thành viên trong gia đình ham học, biết học và chia sẻ kiến thức mà còn là nơi tạo dựng nên những nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các thế hệ trong tương lai.
Cuộc thi viết về gia đình học tập do Tạp chí Công dân Khuyến học tổ chức là cơ hội quý báu để các thành viên trong gia đình cùng nhau nhìn lại và chia sẻ những câu chuyện cảm động về tấm gương sáng vì sự phấn đấu và thành công trong học tập.
Đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc thi của Tạp chí Công dân Khuyến học, Cục trưởng Cục Báo chí nhận định, Tạp chí đã bám sát tôn chỉ mục đích, đi đúng hướng và tin rằng Tạp chí sẽ có bước phát triển vững chắc trong thời gian tới để làm tốt nhiệm vụ thúc đẩy xã hội học tập.
Thời gian mở trang: 0.220 giây. Số lần truy cập CSDL: 11 Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014 của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam. Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.