Khái niệm Khuyến học và truyền thống hiếu học của Nhân dân ta
07.2007
|
|
1. Khuyến học là gì? KHUYẾN HỌC là khuyến khích việc học . Nói cụ thể, KHUYẾN HỌC là sự khuyên bảo, hướng dẫn, khích lệ, giúp đỡ của các tổ chức và cá nhân để người ta hứng khởi nghe theo, làm theo, cùng nhau thúc đẩy học tập và vận động các nguồn lực để tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người được học và tự học: Học thường xuyên, học suốt đời; học chữ, học nghề, học làm người; học để biết, để làm việc, để làm người, để chung sống và phát triển ở cộng đồng, góp phần xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.
2. Nhân dân ta có truyền thống hiếu học và khuyến học
2 . 1 . Từ xa xưa ông cha ta đã dạy "Nhân bất học, bất tri lý" (người không học, không hiểu biết) và muốn học phải có thầy "Không thầy đố mày làm nên".
Nhận rõ lợi ích và sự cần thiết của việc học để biết làm người, để lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc; từ lâu nhân dân ta đã khuyến khích và có nhiều hình thức giúp đỡ, động viên Con Cháu học hành ' "Học điền" là một hình thức khuyến học đã có từ lâu đời ở nước ta. Mặc dầu ruộng đất là tài sản quý giá và lớn nhất của mình, nhưng nhiều làng xã ở nông thôn đã tự nguyện dành một số ruộng đất làm "học điền" để khuyến khích sự học. Bia Văn chỉ xã Văn Trưng và Vĩnh Trưng, tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi "Nhà học là nơi nuôi dưỡng nhân tài; học điền là để tôn sùng đạo thầy. Không học không mở mang trí tuệ. Không có ruộng không có gì để nuôi dưỡng nho sinh. Nay góp 4 mẫu, 7 sào, 5 thước làm ruộng học điền, trong đó để 3 sào làm học xá". Câu đối chữ Nôm ở cổng làng Mộ Trạch thời xưa thuộc tỉnh Hải Dương) đã ghi: "Nên thợ, nên thầy nhờ có học. No cơm, ấm áo bởi hay làm" Trong dân gian, dân ta còn dùng những câu ca dao dễ thuộc, dễ nhớ, thấm sâu vào lòng người từ già đến trẻ để khuyến khích sự học, đồng thời cũng là đạo lý về tôn sư trọng đạo: "Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ thì yêu quý thầy".
2.2. Khuyến học trước đây tuy có nhiều hình thức phong phú, nhưng vẫn có tính chất tự phát nên không phát triển liên tục và sâu rộng.
Chỉ từ sau Cách mạng Tháng 8/1945, có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Hồ Chủ tịch, Đảng và Nhà nước, nhất là từ khi tổ chức HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM ra đời, hoạt động khuyến học mới có tính chất tự giác, mới có thời cơ và điều kiện để tất cả mọi người từ trẻ đến già thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình là học tập, cả nước trở thành một xã hội học tập. Ngay sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, Bác Hồ vô cùng kính yêu của chúng ta đã chú trọng nâng cao dân trí ' dân chủ ' dân sinh. Bác coi chống giặc dốt cũng khẩn thiết như chống đói, chống giặc ngoại xâm. Bác gửi trọn niềm tin tương lai đất nước gắn liền với sự học hành của thế hệ trẻ. Trong thư gửi học sinh cả nước nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã ân cần nhắc nhở "Non sông Việt Nam ta có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính phần lớn là nhờ công học tập của các em". Sau này, Bác lại nêu một triết lý sâu sắc thông qua một sự việc cụ thể, đơn giản, khó quên: "Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người".
Trước lúc đi xa, trong di chúc Bác Hồ còn dặn dò “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"; "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và cần thiết".
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ xâm lược, cho tới nay là công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, lúc nào Đảng và Nhà nước ta cũng chú trọng phát triển giáo dục để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII đã xác định: "Phát triển giáo dục và khoa học còng nghệ là quốc sách hàng đầu'. Đại hội Đảng lần thứ IX đã khẳng định mục tiêu "xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập" và "đẩy mạnh việc xây dựng các tổ chức khuyến học".
Tư tưởng xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh hoạt động khuyến học thể hiện trình độ tư duy về giáo dục đào tạo ngang tầm thời đại, nêu lên yêu cầu mới đối với sự nghiệp đào tạo con người cho chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến tới phát triển kinh tế tri thức.
Trích Sổ tay Khuyến học của Hội Khuyến học Việt nam xuất bản tháng 8 năm 2006 |
admin |