TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Sổ tay khuyến học | Hỏi và đáp về xã hội học tập
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Mười 2024
T2T3T4T5T6T7CN
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30 31      
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Sổ tay khuyến học 10.2024
Hỏi và đáp về xã hội học tập
07.2018

Xem hình
Website Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trân trọng giới thiệu “Hỏi và đáp về xã hội học tập” do nhóm biên soạn tài liệu của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện, để bạn đọc, cán bộ hội viên Hội Khuyến học các cấp tham khảo.

HỎI – ĐÁP VỀ XÃ HỘI HỌC TẬP

1. Thế nào là một xã hội học tập?
 
Xã hội học tập là một xã hội, trong đó, mọi người dân có nhu cầu học tập đều được đáp ứng và đều có nghĩa vụ học tập. Xã hội tạo cơ hội và điều kiện để công dân nào cũng được học tập. Trong xã hội học tập, ai cũng được học hành, học thường xuyên, học suốt đời, trong đó ý thức tự học, học một cách tự giác là yếu tố quyết định nhất.

Những thiết chế giáo dục trong nền giáo dục quốc dân được xây dựng thành 2 hệ thống: Hệ thống giáo dục ban đầu  gồm các trường lớp chính quy của các cấp học, bậc học từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học dành cho thế hệ trẻ và hệ thống giáo dục tiếp tục gồm những cơ sở giáo dục chính quy và phi chính quy dành cho người lớn – những người lớn đã hoặc chưa qua giai đoạn học tập trong hệ thống giáo dục ban đầu.
 
2. Quan điểm chỉ đạo xây dựng xã hội học tập của Chính phủ như thế nào? 

Ở Việt Nam, chủ trương xây dựng xã hội học tập được khẳng định trong Chỉ thị 11- CT/TW này 13/4/2007 của Bộ Chính trị; Chỉ thị 02/2008/CT- TTg ngày 08/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ.  

Quyết định 89/QĐ-TTg  ngày 09/01/2013 về  “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020” Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu những việc phải làm đến năm 2020, trong đó có nhấn mạnh 3 quan điểm cơ bản: 

Một là: Mọi công dân đều phải học tập suốt đời để trở thành người lao động có nghề, có năng suất lao động cao để cải thiện cuộc sống bản thân, làm giàu cho gia đình và cho cộng đồng, đóng góp xây dựng xã hội ấm no, hạnh phúc. 

Hai là: Mọi công dân, mọi gia đình, dòng họ, mọi cộng đồng dân cư, mọi lực lượng xã hội… đều có trách nghiệm tạo cơ hội và điều kiện để ai cũng được học hành, ai cũng thực hiện được nhiệm vụ học tập suốt đời, bảo đảm mọi người đều bình đẳng xã hội và được công bằng xã hội về giáo dục.  

Ba là: Phải xây dựng một hệ thống giáo dục để phục vụ việc học tập suốt đời của người dân, trong đó có sự gắn kết, liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy, giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, giữa giáo dục thế hệ trẻ với giáo dục người lớn. 

3. Giáo dục người lớn là gì? 

Trên thực tế, người ta phân biệt giáo dục người lớn chính quy với giáo dục người lớn không chính quy. Giáo dục người lớn chính quy là việc tổ chức học tập theo một chương trình cụ thể, có kế hoạch tổ chức và có người hướng dẫn. Người học xong khóa học được công nhận qua chứng chỉ, văn bằng hoặc giấy chứng nhận trình độ nghề nghiệp nhất định. 

Giáo dục người lớn không chính quy là quá trình tổ chức học tập cho người lớn để đáp ứng nhu cầu mà đời sống và xã hội đang đòi hỏi. Việc học tập của người lớn không định hướng văn bằng, chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận. Trong nhiều trường hợp, người học được hướng dẫn cách học, sau đấy họ tự học hết chương trình mà họ quan tâm. Khi đã có năng lực tự học, nhiều người lớn học tập một cách tự phát hoặc ngẫu nhiên. Đứng trước những tri thức mới, nếu thấy hay hoặc thấy cần, nhiều người lớn tiến hành học tập đúng với nghĩa cần gì học nấy. 

4. Vì sao cần tổ chức học tập cho người cao tuổi? 

Điều 123, Luật Lao động của nước ta quy định: người cao tuổi là người đã qua thời kỳ lao động nghĩa vụ, nam trên 60 và nữ trên 55 tuổi.  

Khi tuổi thọ trung bình của dân tộc tăng lên thì nhiều người cao tuổi về hưu còn đang nhiều tiềm năng hoạt động. Hiện nay, ở nước ta, nhiều người trong độ tuổi 60 – 75 còn khá sung sức trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo thế hệ trẻ, tổ chức sản xuất nghề truyền thống, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và nhất là các công việc mang tính nhân đạo, từ thiện. 

Do người cao tuổi còn có nhiều tiềm năng hoạt động nên việc tổ chức học tập thường xuyên cho họ là rất cần thiết. Họ có nhiều thời gian rảnh rỗi so với khi còn tham gia lao động nên việc tiếp cận với những hình thức học tập không chính quy là khá thuận lợi. 

5. Nội dung học tập của người cao tuổi gồm những vấn đề cơ bản nào? 

- Nâng cao trình độ sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ để người cao tuổi mở rộng phạm vi giao tiếp xã hội, cập nhật thông tin, đáp ứng nhu cầu tự học và giải trí trên các mạng. 

- Tổ chức các lớp học theo chương trình chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật sản xuất để nâng cao năng suất vàtăng thu nhập, giúp một số người cao tuổi có việc làm thêm để cải thiện đời sống.  

- Mở các lớp huấn luyện về bảo vệ sức khỏe, tập luyện dưỡng sinh, những kiến thức cơ bản về sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, cách phòng chống bệnh tật… 

- Mở các khóa đào tạo đại học cho người cao tuổi (không định hướng văn bằng, chứng chỉ), chủ yếu là nâng cao học vấn, tiếp cận những vấn đề khoa học và công nghệ hiện đại. 

Học tập là phương pháp rèn luyện sức khỏe tinh thần có ý nghĩa lớn lao đối với việc giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe và sống có ích trong xã hội hiện đại. 

6. Người sắp về hưu cần học tập những gì? 

Nhiều nước trên thế giới có kinh nghiệm tổ chức những chương trình học tập cho những người sắp về hưu, gọi là chương trình giáo dục hưu trí. Đó là chương trình giúp người sắp nghỉ hưu học tập để có được những kiến thức và kĩ năng cần thiết nhằm giúp họ đối phó được những thay đổi của cuộc sống sau khi họ rời khỏi công việc. 

Chương trình giáo dục hưu trí giúp người sắp về hưu những hiểu biết cần thiết và những kỹ năng sống trong điều kiện sống tại gia đình. Họ cần học tập về những vấn đề về tâm lý – xã hội trong cộng đồng dân cư, về dưỡng sinh và bảo vệ sức khỏe, về việc làm thêm để tăng thu nhập hoặc có thêm những kỹ năng như chụp ảnh, làm hoa giấy, hoa lụa, làm thơ, chơi đàn, khiêu vũ, làm bánh trái, chơi cây cảnh, cá cảnh, chăm sóc thú cưng… Những điều cần thiết ấy giúp người về hưu hòa đồng nhanh với cuộc sống tại cộng đồng dân cư – tại đây, trong quan hệ hàng xóm, láng giềng, tổ dân phố…, con người bình đẳng với nhau, không còn chức sắc, không quyền uy, giữa họ chỉ là những quan hệ tình cảm, yêu thương, quý trọng lẫn nhau, chia sẻ với nhau những vui buồn của cộng đồng và được tự do hoạt động theo sở thích. 

7. Thế nào là xóa mù chữ cơ bản? 

Mù chữ cơ bản là tình trạng không biết đọc, biết viết, không biết 4 phép tính thông thường hoặc không có trình độ đọc và viết dùng vào công việc hằng ngày. Khi xã hội phát triển, trình độ khoa học và công nghệ của người dân đã được nâng cao, tại nhiều quốc gia, người ta xếp những người không kiếm được việc làm, không biết sử dụng máy tính bỏ túi đơn giản vào loại mù chữ cơ bản, bởi những người này không hòa nhập được với xã hội hiện đại, không đóng góp được cho sự phát triển kinh tế xã hội.  

Quá trình xóa mù chữ cơ bản là quá trình học tập thường xuyên. Con người nhất thiết phải được xóa mù chữ cơ bản. Trên thực tế, rất nhiều người mù chữ trở lại (tái mù chữ), bởi sau khi được qua lớp xóa mù chữ, họ không áp dụng trình độ đã có vào công việc. Phần đông những người mù chữ thường là những người nghèo khó, họ không đủ kiến thức để tự sản xuất và nâng cao năng suất lao động, không có cơ hội xin được việc làm và tham gia các công việc của xã hội, những người sống tại những vùng khó khăn, xa xôi, hẻo lánh, không có cơ hội tiếp cận với giáo dục, những người khuyết tật v.v…. Họphải đi kiếm ăn hằng ngày mà nhiều khi không đủ nuôi thân chứ chưa nói đến nuôi gia đình. Việc tổ chức các lớp xóa mù chữ luôn phải gắn liền sau đó những lớp học sau xóa mù chữ, những lớp bổ túc tiểu học hoặc những lớp dạy nghề ngắn hạn. Yếu tố cơ bản để con người không rơi vào tình trạng tái mù chữ là họ được học nghề mà thông qua công việc của nghề, họ phải dùng đến chữ viết và tính toán. 

8. Thế nào là mù chức năng? 

Sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại đã luôn nâng cao và đổi mới liên tục trình độ trang thiết bị sản xuất, đổi mới kỹ thuật và công nghệ chế tạo sản phẩm cũng như trong công việc hành chính, sự nghiệp, giảng dạy, nghiên cứu khoa học… và phương pháp quản lý nhà máy, doanh nghiệp, các cơ quan hành chính, trường học v.v… 

Trong lao động, khi các kỹ năng hiện có không còn đáp ứng được những nhiệm vụ mới, con người rơi vào trạng thái mù chữ hành dụng hay còn gọi là bị mù chức năng, thiếu hụt những kỹ năng tiến hành các hoạt động. 

Người lao động, từ những nông dân đến những công nhân kỹ thuật, những cán bộ công chức trong hệ thống hành chính – sự nghiệp, những giáo viên và cán bộ giảng dạy, những nhà quản lý kinh tế và quản lý xã hội v.v… đều có thể bị mù chức năng. Do vậy, các khóa bồi dưỡng, tập huấn, chuyển giao tri thức khoa học … để giúp người lao động tránh mù chức năng… cần được tổ chức thường xuyên. Không một ai trong xã hội có thể khẳng định mình không mù chức năng.  

Học tập suốt đời là điều kiện để con người khắc phục tình trạng mù chức năng. Tinh thần tự học là cần thiết và có ý nghĩa quyết định đối với việc trau dồi những chức năng cần thiết theo phương châm “Cần gì học nấy” để hành nghề có năng suất cao, đạt chất lượng cao. 

9. Công dân học tập là gì? 

Công dân học tập là thành viên của xã hội học tập. Không có công dân học tập thì không thể có xã hội học tập. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa. Vì thế, khi chúng ta vận động nhân dân xây dựng cả nước thành một xã hội học tập, việc quan trọng, nhất thiết phải làm là phải giúp người dân học tập suốt đời để mỗi người trở thành công dân học tập. 

Mô hình xã hội học tập của các quốc gia trên thế giới không giống nhau, tùy thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện phát triển của mỗi nước. Do vậy, mô hình công dân học tập của quốc gia này sẽ không cùng những tiêu chí so với công dân của quốc gia khác. Tuy các tiêu chí là khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một yêu cầu: công dân học tập phải là người học tập suốt đời để trở thành những lao động đóng góp vào sự cường thịnh quốc gia và tham gia tích cực vào việc bảo vệ hòa bình, an ninh và tiến bộ của nhân loại. 

Ở Việt Nam, trước năm 2015, phong trào xây dựng xã hội học tập lấy gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học làm động lực thúc đẩy việc học tập suốt đời trong nhân dân. Tới khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 89/QĐ-TTg thì các tiêu chí về hiếu học và khuyến học được thay bằng các tiêu chí học tập. Phong trào xây dựng các mô hình hiếu học và khuyến học nói trên được thay thế bằng phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng (thôn bản, xóm ấp, tổ dân phố) học tập, đơn vị học tập và cộng đồng cấp xã học tập. Tất nhiên, gia đình học tập được coi như tế bào của xã hội học tập. Nếu không xây dựng được gia đình học tập thì không thể có dòng họ học tập, thôn bản học tập, tổ dân phố học tập và xã/phường/thị trấn học tập. Đơn vị để đánh giá công nhận dòng họ học tập, cộng đồng học tập… là gia đình học tập. Song, một vấn đề đặt ra là, trong gia đình nhiều thế hệ hoặc gia đình hạt nhân, thậm chí là gia đình độc thân, muốn đạt được tiêu chí học tập thì từng thành viên của gia đình là những cá nhân trong gia đình ấy phải là con người học tập. Đó là những công dân của xã hội học tập. Từ lý do đó, mô hình công dân học tập được đặt ra như điều kiện tất yếu của gia đình học tập. 

10. Những giá trị cơ bản, cốt lõi của công dân học tập. 

Có một câu hỏi được đặt ra: Những giá trị nào (hay những tiêu chí nào) cần phải có ở từng cá nhân để họ được coi là công dân học tập? Hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu nào đi vào những tiêu chí đánh giá công dân học tập. Vì vậy, để chuẩn bị cho việc triển khai đề tài “mô hình công dân học tập ở Việt Nam” chúng tôi xin đề xuất một số giá trị cốt lõi của công dân học tập ở nước ta từ nay đến năm 2020 như sau:

  • Có tinh tinh thần hiếu học, năng lực tự học và có nghề.
  • Có kế hoạch học tập và thực hiện đầy đủ kế hoạch đó tại các cơ sở học tập không chính quy trong cộng đồng.
  • Biết sử dụng máy tính để khai thác được những tri thức trên các mạng thông tin.
  • Nếu là công chức, viên chức trong biên chế nhà nước phải học ngoại ngữ theo quy định của Bộ Nội vụ.
  • Có năng suất lao động cao trên cơ sở áp dụng sáng tạo những kinh nghiệm hay, những tri thức và kỹ năng do học tập mà có vào công việc hằng ngày.
  • Có nhiều đóng góp cho xã hội.
  • Gia đình không ở mức nghèo theo chuẩn nghèo mà nhà nước ban hành.
 11. Thế nào là một gia đình học tập?

Nếu coi gia đình là tế bào của xã hội thì gia đình học tập là tế bào của xã hội học tập, nói cách khác, gia đình học tập là cấu trúc cơ sở của xã hội học tập. Việc chuyển mô hình gia đình hiếu học sang gia đình học tập là phù hợp với logic phát triển bởi muốn có được xã hội học tập thì việc học tập phải được đảm bảo từ mỗi gia đình. 

Tính hợp lý của việc xây dựng mô hình học tập có những cơ sở tư tưởng của nó: 

Một là, từ lâu, vấn đề học tập trong mỗi gia đình đã là một ý tưởng chỉ đạo của Đảng. Cuối thập kỷ 40 của thế kỷ trước, khi yêu cầu Thanh Hóa phải trở thành một tỉnh kiểu mẫu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến việc xây dựng Gia đình học hiệu, tức là phải tổ chức việc học tập từ mỗi gia đình để có được một phong trào học tập trong từng nhà, từng cộng đồng, từng địa phương và trong cả xã hội. 

Hai là, cách đây vài thập kỷ, sự phát triển mạnh mẽ các công nghệ dạy và học trong điều kiện mở rộng nền kinh tế tri thức, nhiều nhà khoa học đã nói đến xu thế “Giáo dục tại gia”, đưa giáo dục về từng gia đình và chủ trương thúc đẩy giáo dục trong mỗi nhà. 

Ba là, trước xu thế xây dựng xã hội học tập trên thế giới, Nhà nước đã có quyết định 89/QĐ-TTg, yêu cầu đẩy mạnh việc học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng, đơn vị. Yếu tố cơ bản là phải có mô hình gia đình học tập. Thiếu mô hình này sẽ không thể có mô hình dòng họ học tập, cộng đồng học tập.  

12. Những tiêu chí đánh giá công nhận gia đình học tập. 

Trong giai đoạn 2016 – 2020, tiêu chí đánh giá công nhận gia đình học tập gồm: 

Tiêu chí 1: Việc học tập của con em trong gia đình: 

- Trẻ em phải được phổ cập giáo dục đúng độ tuổi theo quy định của Nhà nước. Nếu là học sinh chuyên nghiệp hoặc sinh viên thì phải học tập tốt. Con em trong gia đình phải đạt kết quả học tập từ trung bình trở lên. 

-  Con em trong gia đình có hạnh kiểm tốt, không có hành vi vi phạm pháp luật, không tham gia vào các vụ tiêu cực trong xã hội. 

Tiêu chí 2: Việc học tập của người lớn: 

Mọi người lớn trong gia đình (từ 19 đến 60 tuổi) trừ những người không có khả năng học tập, đều phải đạt chuẩn từ bậc 1 trở lên (tương đương lớp 3). Mọi người trong gia đình đều có ít nhất một hình thức học tập. Nếu là cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ quân đội phải học tập theo quy định của Nhà nước. 

Tiêu chí 3: Điều kiện học tập trong gia đình: 

- Gia đình có hình thức giúp đỡ, động viên, khuyến khích kịp thời những thành viên của mình trong học tập. 

- Gia đình có ít nhất 01 phương tiện học tập cho người lớn như tủ sách, điện thoại, TV, máy tính …  

Tiêu chí 4: Tác động, hiệu quả của học tập của gia đình: 

Gia đình tham gia các cuộc vận động xã hội như xây dựng dời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh. 

Tiêu chí (3) và (4) là điều kiện cần, tiêu chí (1) và (2) là điều kiện đủ đối với việc công nhận một gia đình đạt danh hiệu Gia đình học tập. 

13. Thế nào là một dòng họ học tập? 

Dòng họ ở đây được hiểu là một chi hay một nhánh của một dòng họ - một cộng đồng huyết thống. Cũng có trường hợp, một số gia đình mang cùng một họ, nhưng khác chi họ, khác nhánh họ, sống trên cùng một địa bàn xã/phường/thị trấn, tập  hợp nhau lại và đăng kí là một “dòng họ” để tham gia thi đua đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”. Trong trường hợp này, Hội Khuyến học địa phương vẫn chấp nhận đây là một cộng đồng được tổ chức như một chi hoặc một nhánh của dòng họ. 

Điều kiện tiên quyết để công nhận một “dòng họ học tập” là phải có 50% gia đình trong dòng họ được công nhận là gia đình học tập. 

Điều kiện cần để dòng họ được công nhận đạt danh hiệu “Dòng họ học tập” là dòng họ có Quỹ khuyến học, khuyến tài để động viên, khuyến khích mọi người trong dòng họ học tập thường xuyên. Dòng họ phải giúp các gia đình nghèo thuộc dòng họ có điều kiện tham gia học tập, không để con em trong dòng họ lưu ban, bỏ học hoặc học kém. Kinh tế của dòng họ phát triển bền vững, tỷ lệ các hộ nghèo ngày càng giảm.  

14. Thế nào là một cộng đồng học tập? 

Khái niệm “cộng đồng” ở đây dùng để chỉ một thôn, bản, tổ dân phố và tương đương – một cộng đồng dân cư nằm trên một địa bàn xã, phường, thị trấn. 

Trên thực tế, tiêu chí như một điều kiện đủ để một cộng đồng thôn, xóm, ấp, bản,  tổ dân phố được công nhận đạt danh hiệu cộng đồng học tập là số gia đình học tập phải chiếm ít nhất là 50% tổng số gia đình có trên địa bàn này. Tuy nhiên, điều kiện nhất thiết phải có là chi bộ Đảng và lãnh đạo thôn, bản, ấp, tổ dân phố có sự chỉ đạo cụ thể để cộng đồng phấn đấu đạt danh hiệu, chi hội khuyến học có những hình thức hỗ trợ, khuyến khích, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng học tập thường xuyên và thôn, bản, xóm, ấp, tổ dân phố có Quỹ khuyến học, khuyến tài, phát huy được hiệu quả tích cực trong cộng đồng. 

Mặt khác, trong cộng đồng phải có những phương tiện cho người dân học tập thường xuyên như tủ sách, thư viện, nhà văn hóa, phòng đọc sách báo và hội họp của cộng đồng… để trẻ em và người lớn qua đó tiến hành học tập thường xuyên. 

Việc học tập của cư dân trong cộng đồng phải có tác dụng xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Người dân trong cộng đồng tích cực tham gia các cuộc vận động như xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu đô thị văn minh, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư… 

15. Thế nào là một đơn vị học tập ? 

Đơn vị học tập là một thuật ngữ dùng để chỉ các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội hoặc công an, cơ quan y tế, v.v… đạt được những tiêu chí học tập do nhà nước quy định. Cho đến nay, Nhà nước chưa có quy định thế nào là một đơn vị học tập một cách chặt chẽ, nhưng trên thực tế, trong phòng trào thi đua xây dựng các mô hình học tập, nhiều địa phương đã bình chọn một số đơn vị học tập theo các tiêu chí sau: 

1. Cán bộ, công chức, viên chức và những lao động làm việc trong đơn vị phải đạt được những qui định về học tập do Nhà nước ban hành.

2. Đơn vị phải có sự chỉ đạo chặt chẽ và bảo đảm điều kiện cho các thành viên của mình học tập thường xuyên và học tập có hiệu quả cao. Ngoài ra, đơn vị phải có những phương tiện học tập để các thành viên sử dụng như tủ sách, thư viện, máy tính nối mạng, câu lạc bộ và có Quỹ Khuyến học. 

3. Việc học tập của đơn vị phải có tác động tích cực đến sự phát triển của đơn vị, của xã hội như hoàn thành tốt nghĩa vụ với Nhà nước, trong đơn vị không có những biểu hiện sai trái về kỷ luật lao động, về thực thi pháp luật v.v… Tập thể của đơn vị phải đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, v.v… Mặt khác, các gia đình của các thành viên phải là những gia đình học tập (Theo quy định hiện hành, phải có 60% các thành viên có gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập thì đơn vị mới được xét danh hiệu đơn vị học tập).

16. Thành phố học tập là gì ?

Thuật ngữ “Thành phố học tập” ở đây dùng để chỉ một đô thị, một thành phố, một quận của thành phố, một vùng công nghiệp… đạt những tiêu chí học tập do Nhà nước quy định. Hiểu một cách tổng quát nhất thì thành phố học tập là thành phố đầu tư vào chất lượng học tập suốt đời cho mọi công dân nhằm:

- Giải phóng mọi tiềm năng của công dân trong thành phố; 

- Đầu tư vào sự phát triển bền vững tại nơi làm việc;

- Khơi dậy và tiếp thêm năng lượng cho các cộng đồng dân cư của thành phố; 

- Thúc đẩy động lực làm việc của lãnh đạo thành phố;

- Khai thác giá trị sáng tạo của các đối tác cấp địa phương, khu vực và quốc tế; 

- Đảm bảo thực thi đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường của thành phố.

Như vậy, có thể hiểu, thành phố học tập là một thuật ngữ chỉ một đô thị phát triển việc học tập suốt đời cho công dân trong đô thị, giúp cho mỗi người và mỗi cộng đồng người trong đó có được học vấn và kỹ năng sống, hoạt động, lao động sản xuất tốt hơn, tạo nên sự phát triển bền vững của khu đô thị, bảo đảm được sự an toàn của đời sống, sự lành mạnh của môi trường, sự thoải mái về tâm lý… 

17. Học tập trực tuyến là gì ?

Học tập trực tuyến (eLearning/Online learning) là phương thức học tập có sử dụng kết nối mạng để phục vụ cho việc học như lấy tài liệu, trao đổi ý kiến giữa các người học hoặc giữa người học với giảng viên. 

Ưu điểm của học trực tuyến là:

- Có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, người có có thể truy cập các khóa học bất kỳ ở đâu (văn phòng làm việc, nhà ở, tại những điểm Internet, tại nơi công cộng), và bất kỳ thời gian nào trong ngày; 

- Người học tiết kiệm được chi phí đi lại, chỉ khi thi mới phải tập trung ở một nơi.

- Tiết kiệm được thời gian đi lại. 

- Người học có thể đăng ký nhiều khóa học, có thể tự điều chỉnh thời gian học, tốc độ họ tùy vào khả năng của người học.

- Người học được hỗ trợ kịp thời về theo dõi tiến độ học tập, kết quả học tập và được hệ thống công nghệ eLearning giải đáp thông tin kịp thời. 

Học tập trực tuyến là phương thức học tập ảo, chỉ cần có một máy vi tính hay một điện thoại thông minh nối mạng với một máy chủ ở nơi khác có lưu dẫn những bài giảng điện tử và phần mềm cần thiết để có thể hỏi/yêu cầu/ra đề cho người học từ xa.

Giáo viên có thể truyền tải hình ảnh và âm thành qua đường truyền thông hoặc kết nối không dây (WiFi, WiMAX), mạng nội bộ (LAN).

18. Học trên điện thoại di động 

Học trên điện thoại di động (Mobile – Learning), viết tắt là M. Learning, là một cách học trực tuyến giống như sử dụng máy tính bảng. Người học có thể học ở mọi lúc, mọi nơi. Học trực tuyến M. Learning đang dần phổ biến nhờ tính tiện dụng, khả năng tương tác hiệu quả cao.

Với một thiết bị không dây, nhỏ gọn, người học dễ dàng mang theo người để truy cập thông tin, tra cứu những vấn đề cần thiết và học theo những chuyên đề mà mình có nhu cầu. Hiện nay, M. Learning được rất nhiều trường đại học và cơ sở giáo dục trên thế giới ứng dụng. 

Có thể coi M. Learning là một bước đột phá trong cách học, sử dụng công nghệ chuyển đổi học liệu tới người có nhu cầu học tập.

Trên thế giới đã có trên 300 trường đại học ứng dụng công nghệ này. Nhiều bài giảng đa phương tiện được đưa lên hệ thống truyền hình IPTV của MyTV. 

Nước ta có thị trường điện thoại thông minh (Smartphone) phát triển. Chỉ cần đầu tư ít tiền, ta có thể sử dụng một điện thoại thông minh để học tập, nắm bắt những tri thức mà ta cần, cập nhật những thông tin mà ta thích. M. Learning là một cách học không làm cho người học mệt mỏi.

19. Học tại nơi làm việc 

Học tập của người lớn được coi là một quá trình cho phép một người trưởng thành đạt được những kiến thức và kỹ năng nhất định. Với người lao động, họ có thể học hỏi tại nơi làm việc chứ không phải đi tới một cơ sở đào tạo nào đó. Việc học tập này được nhiều người quan tâm khi công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi vào việc học tập.

Người lớn luôn muốn kiểm soát được quá trình học tập của mình, muốn cải thiện cách học để tiếp thu nhanh điều mình cần học. Nếu nói rằng, cần giúp con người được học tập tại mọi lúc, mọi nơi thì tạo điều kiện để học tại nơi làm việc không phải là ngoại lệ. Vấn đề là cách tổ chức cho người lao động học tại nơi làm việc như thế nào cho thuận lợi mà thôi. 

Trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp… thường nhà quản lý có chương trình đào tạo nhân viên của mình. Chương trình này được xây dựng theo nhu cầu nhân lực của đơn vị công tác. Đào tạo nhân viên thường được tổ chức dưới hình thức học tập tại nơi làm việc. Nhưng đào tạo nhân viên là khái niệm không đồng nhất với khái niệm học tập tại nơi làm việc. Cần lưu ý rằng, việc học tập tại nơi làm việc chủ yếu là quá trình tự học dưới hình thức học tập phi chính quy, liên quan hoặc không liên quan tới nghề nghiệp của người lao động. Hình thức này giúp cho người lao động học tập suốt đời để phát triển cá nhân. Tuy nhiên, khi tạo cơ hội và điều kiện cho người lao động học tập tại nơi làm việc, nhà quản lý thường muốn gắn việc học với việc làm. Song, nhà quản lý tôn trọng việc học tập liên tục của cá nhân luôn được tôn trọng khi họ tìm kiếm cơ hội riêng biệt cho sự phát triển của mình.

20. Học tập tại nhà là gì ? 

Khi những ứng dụng công nghệ thông tin trở nên rộng rãi thì việc học tập tại nhà sẽ được nhiều người sử dụng. Những trang bị như TV, máy tính, điện thoại di động thông minh… sẽ giúp cho con người được truy cập rất nhiều thông tin, tiếp cận với những giáo trình qua các phương tiện học tập từ xa, không cần phải chi phí thời gian vào việc đi lại từ nhà ở đến cơ sở đào tạo.

Nhiều nhà nghiên cứu đã dự báo rằng, số người học tại nhà sẽ dần tăng lên khi sự phát triển khoa học và công nghệ tạo ra ngày càng nhiều điều kiện để thực hiện “Giáo dục tại gia”, tức là đưa giáo dục về từng gia đình. Việc này sẽ có rất nhiều tác dụng đến việc thúc đấy cá nhân học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói đến “Gia đình học hiệu”, tức là mô hình gia đình tổ chức việc học tập cho từng thành viên với tư cách là một đơn vị học tập, gần như mô hình gia đình học tập theo Quyết định 281/QĐ – TTg. Cái khác giữa gia đình học hiệu với gia đình học tập theo lối dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là, người nhà có trách nhiệm dạy học cho nhau, người biết giúp người chưa biết, mỗi người trong gia đình có thể đóng vai trò của một “tiểu giáo viên”.

Ngày nay học tập tại nhà là một cách tổ chức học, nhà là một địa điểm học, trong đó, người biết hỗ trợ người chưa biết, chia sẻ cách học, chia sẻ tri thức, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng cho nhau, tạo nên một môi trường học tập dưới một mái nhà.

21. Giáo dục hướng nghiệp cho người lớn như thế nào ? 

Người lớn học tập thường xuyên thường là người lao động đã có nghề, đang hành nghề hoặc chưa có cơ hội tham gia lao động trong nghề. Họ học tập để nâng cao học vấn và hoàn thiện tay nghề hoặc học để chuyển đổi nghề, để tìm kiếm nghề. Họ cần được hướng nghiệp để biết rõ những nghề nào đang cần nhân lực, học những gì để có thể được tuyển vào những nghề đó, chế độ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng như chế độ nghỉ ngơi, dưỡng bệnh v.v… Họ cũng cần biết những nghề họ đang làm hoặc những nghề họ định chọn để phát triển ra sao, xu thế hiện đại hóa của nghề đó v.v... Người lao động cần có tri thức sâu rộng và tay nghề vững vàng về nghề họ đang làm, nhưng họ cũng cần phải có hiểu biết về chuyên môn và kỹ năng đối với một vài nghề lân cận để khi cần thiết, họ có thể chuyển đổi nghề. Giỏi một nghề và biết làm nhiều nghề là một kiểu người lao động trong một xã hội có những thay đổi nhanh chóng về công nghệ sản xuất, có sự phát triển những nghề mới và sự lỗi thời của một số nghề. 

22. Giáo dục khởi nghiệp là gì ? 

Khởi nghiệp (Khởi tạo doanh nghiệp) là một chương trình đào tạo giúp người học hiểu biết và có năng lực lập doanh nghiệp mới sau khóa học. Nội hàm của khái niệm khởi nghiệp là như vậy, nhưng nên hiểu một cách uyển chuyển, coi khởi nghiệp là việc tạo ra một việc làm mới, một doanh nghiệp nhỏ, có tính sáng tạo, có thương hiệu sống, khắc phục được tình trạng thất nghiệp, thu nhập thấp…

Con người muốn có năng lực khởi nghiệp phải được đào tạo sâu về một lĩnh vực, nhưng lại có tri thức rộng về nhiều lĩnh vực khác, nhất là về đạo đức, tâm lý xã hội và công nghệ sản xuất. 

Về thực chất, giáo dục khởi nghiệp bao hàm nghĩa của một cuộc cải cách giáo dục. Cuộc cải cách này hướng con người vào hoạt động thực tiễn với ý thức sáng tạo, đổi mới để sản phẩm mang tính chất riêng biệt, độc đáo, có chỗ đứng trên thị trường. Chẳng hạn, cũng là cà phê nhưng cà phê Trung Nguyên không giống với cà phê Chất hay cà phê Việt, cũng là bát phở nhưng phở Lý Quốc Sư có hương vị khác phở Vuông hay phở 24…

Việc đào tạo khởi nghiệp luôn gợi mở người học tìm tòi cái mới, cái không trùng lặp, có giá trị sử dụng riêng đáp ứng được thị hiếu của khách hàng. 

Yếu tố quan trọng trong năng lực khởi nghiệp là:

- Kỹ năng phân tích khởi nghiệp; 

- Tinh thần mạo hiểm khởi nghiệp;

- Văn hóa kinh doanh; 

- Quản lý khởi nghiệp.

 23. Những chỉ tiêu xây dựng xã hội học tập trong Quyết định 89/QĐ-TTg là gì? 

Trong Quyết định 89/QĐ-TTg có 4 nhóm chỉ tiêu sau:

1. Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục: 

- 98% người trong độ tuổi 15-60, 99% người trong độ tuổi 15-35 biết chữ. (Các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tỉ lệ là 94%-96%).

- 90% số người mới biết chữ tiếp tục học tập không mù chữ lại. 

- 100% tỉnh, thành phố tiếp tục củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục học sinh học đúng độ tuổi, kết quả phổ cập giáo dục THCS.

 2. Nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ. 

- 100% cán bộ, công nhân viên chức tham gia học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm.

 - 40% cán bộ, công nhân viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 20% bậc 3. 

- Hàng năm, tiếp tục tăng dần hệ số công nhân lao động có kiến thức cơ bản về tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc và giao lưu văn hóa.

 3. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề để lao động có hiệu quả hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. 

- Đổi mới cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện:

+ 100% được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy  định 

+ 100% cán bộ lãnh đạo, quản lí các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo qui định.

- Đối với cán bộ công chức cấp  xã. 

+ 100% được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý theo vị trí công việc.

+ 95 % cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn theo qui định. 

+ 85% cán bộ thực hiện chế độ bồi dưỡng tối thiểu hàng năm.

- Đối với lao động nông thôn. 

+ 70% lao động nông thôn tham gia học tập cập nhật kiến thức kỹ  năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật – công nghệ sản xuất tại Trung tâm học tập cộng đồng.

- Đối với công nhân lao động: (khu chế xuất, khu công nghiệp) 

- 90% công nhân lao động học vấn THPT hoặc tương đương. Nâng cao tỷ lệ công nhân lao động có tay nghề cao ở các ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu 95% công nhân qua đào tạo nghề.

4. Hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày  càng hạnh phúc hơn. 

- 50% học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục.

- Hàng năm tăng tỷ lệ học sinh, sinh viên, người lao động được học tập các chương trình rèn luyện kỹ năng sống…..

24. Mục đích và nội dung Đề án 281 là gì?

Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án: “Đẩy mạnh phong trào Học tập suốt đời trong Gia đình, Dòng họ, Cộng đồng đến năm 2020”, gọi tắt là Đề án 281. 

Mục đích và nội dung  đề án là: 

1.Xây dựng và thí điểm các mô hình “Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập” để triển khai và nhân rộng từ năm 2016 trên phạm vi cả nước. 

2. Phấn đấu đến năm 2020: 

- 100% cán bộ, hội viên của Hội Khuyến học Việt Nam được tập huấn nâng cao nhận thức về xã hội học tập và các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng. 

- 70% gia đình được công nhận danh hiệu: “Gia đình học tập”, 50% dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập”, 60% cộng đồng (thôn, làng ấp, bản, tổ dân phố và tương đương) được công nhận “Cộng đồng học tập”. (Đối với các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các tỷ lệ tương ứng là 60%, 40% và 50%. 

- 50% các tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”. 

25.  Những tiêu chí đánh giá xếp loại  “Cộng đồng học tập cấp xã” theo Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT là gì? 

Theo thông tư 44/2014/TT-BGDĐT, có 15 tiêu chí đánh giá công nhận cộng đồng học tập cấp xã sau đây: 

1. Sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp Ủy Đảng, chính quyền cấp xã. 

2. Hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng Cộng đồng học tập cấp xã. 

3. Sự tham gia, phối hợp của các Ban, Ngành, đoàn thể, các tổ chức trên địa bàn cấp xã. 

4. Mạng lưới và hoạt động của các cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa trên địa bàn cấp xã. 

5. Kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. 

6. Công bằng xã hội trong giáo dục. 

7. Kết quả học tập, bồi dưỡng thường xuyên của cán bộ, công chức cấp xã. 

8. Kết quả học tập thường xuyên của người lao động (từ 15 tuổi trở lên). 

9. Kết quả xây dựng “Gia đình hiếu học”, “ Cộng đồng khuyến học/Cộng đồng học tập thôn, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương”. 

10. Kết quả xây dựng thôn, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương được công nhận danh hiệu "Khu dân cư văn hóa". 

11. Giảm tỷ lệ hộ nghèo. 

12. Thực hiện bình đẳng giới. 

13. Đảm bảo vệ sinh, môi trường. 

14. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 

15. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội./. 


Hỏi và đáp về xã hội học tập 



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam ủng hộ đồng bào các địa phương bị ảnh hưởng bão số 3
Hỏi - Đáp về công tác Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Giáo sư Nguyễn Thị Doan: Học sinh "đắm mình" trong công nghệ, giáo viên phải đổi mới không ngừng để thích ứng
Chủ trương xây dựng và phát triển xã hội học tập ở Việt Nam
Nhà báo, Nhà văn Huỳnh Dũng Nhân: 70 tuổi tôi vẫn tự học, kể cả học từ học trò của mình
Đẩy mạnh các mô hình, không gian phục vụ học tập suốt đời
Long An: Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt nhiều kết quả nổi bật
Hội Khuyến học Phú Thọ cùng các đơn vị học tập tổ chức toạ đàm về giải pháp đẩy mạnh học tập suốt đời
Hội Khuyến học Việt Nam trao học bổng, vinh danh 463 người “Học không bao giờ cùng”
Giáo sư Nguyễn Thị Doan: Đội ngũ cán bộ khuyến học miệt mài, đam mê công việc vì sự học của nước nhà
GS.TS Nguyễn Thị Doan khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện công tác xây dựng xã hội học tập tại Hải Phòng
Hội Khuyến học các tỉnh thành Đồng bằng sông Hồng giao ban công tác khuyến học
Đoàn kiểm tra, khảo sát của Hội Khuyến học Việt Nam làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Cụm Khuyến học Đông Nam Bộ giao ban công tác 6 tháng đầu năm 2024
Đoàn khảo sát, kiểm tra của Hội Khuyến học Việt Nam làm việc tại Bình Thuận
Đoàn khảo sát đánh giá của Hội Khuyến học Việt Nam làm việc tại Tuyên Quang
Hưng Yên: Phấn đấu năm 2025 đạt 75% danh hiệu "Gia đình học tập"
Đoàn Kiểm tra Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam làm việc tại Kiên Giang
Đoàn Kiểm tra Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam làm việc tại Cần Thơ
Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam hoàn thành công tác kiểm tra tại Gia Lai, Kon Tum


Thời gian mở trang: 0.493 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.