Quảng Nam: Cổ tích hiếu học nơi "cổng trời" Tây Giang
12.2007
|
Chiếc sạp đa năng này vừa là chỗ ăn, ngủ, vừa là chỗ học tập của các em |
“Cổng trời” Tây Giang đón chúng tôi với những con đường dốc liên tiếp, cua “cùi chỏ” thót tim, những mái nhà sàn lụp xụp, những em nhỏ đầu trần, chân đất lội bộ đến trường… Ở nơi “đụng đâu khó đó” này, chuyện học của những em bé người Cơtu đang dệt nên cổ tích về lòng hiếu học.
Dọc đường từ xã Lăng về đến trường PTTH Tây Giang (Quảng Nam), từng cụm lều lụp xụp nối tiếp nhau, đó là những lều, lán các em học sinh tự dựng nên để làm nơi trọ học gần trường. Có độ chừng hơn 30 lều tự dựng như vậy, lều nào cũng trên dưới 10 học sinh.
Chúng tôi ghé vào thăm lều của Alăng Thị Báy, học sinh lớp 10C2, trường PTTH Tây Giang. Căn lều dựng tạm bợ những cột tre, phên nứa, mái tôn thủng lỗ chỗ, vây bằng những tấm bạt đủ loại vá víu lại vào nhau che mưa che nắng.
Lều của Báy có 9 bạn, 2 cái sạp bằng nứa ngăn nhau một tấm bạt, một sạp cho 4 bạn nam, một sạp cho 5 bạn nữ. Sạp vừa là chỗ ngủ, vừa là chỗ ăn, vừa là chỗ học. Bh’riu An, bạn cùng lều với Báy nói tếu: “Sạp này là sạp đa năng”.
Sạp ngang 1m4, dọc 1m6, chạy viền quanh là những rương hành lý vừa là chỗ để sách vở. Báy kể: “Đêm, 5 đứa con gái nằm ngang quàng vào nhau, không có chỗ cụ cựa. Trời mùa này đêm lạnh, lại lắm muỗi. Mà như vậy bọn Báy cũng quen rồi, không thấy hề hấn chi, chỉ lạy ông trời đừng mưa. Mưa thì sách vở, quần áo ướt hết, chỗ ngủ cũng ướt, vậy thì trắng đêm. Mai lại quần áo, sách vở phơi không kịp khô để đi học”.
Ở cái xứ không đèn điện này, các em phải tranh thủ mỗi ngày học ở trường một buổi, về nhà tự ôn bài, học bài một buổi chứ đêm xuống thì không có đèn học. Chỉ sưởi lên được chút lửa cho ấm, ngồi hát hò cùng nhau mấy câu rồi đi ngủ sớm.
Từ ngày làm lều ngay trường học, các em chuyên tâm việc học hơn. Ngày chưa làm lều, nhà cách trường 50 cây số, lội bộ đến trường mất hơn một ngày, vậy là bữa học bữa nghỉ, “đường sá xa xôi, dễ nản lắm”. Bây giờ hai tuần các em mới về nhà một lần để cõng lương thực lên lều ăn, học tiếp.
“Ở nhà có sắn thì bọn Báy ăn sắn, có gạo thì bọn Báy ăn gạo. Nhà Báy có 7 anh chị em. Báy lớn nhất nhà, các em Báy cũng đều đi học, chỉ có bố mẹ Báy cả ngày cúi mặt trên rẫy kiếm quả ngô, củ sắn, hạt lúa… nuôi bọn Báy ăn học. Mà không riêng gì Báy. Các bạn ở đây ai cũng vậy” - Báy hồn nhiên kể.
Bh’riu An nhóm lửa nấu bữa chiều thay phiên để các bạn khác học. Căn bếp tuềnh toàng, chỉ một lọ muối trắng, mấy cái nồi con khói ám đen sì. Bh’riu An cười nói: “Bữa nay ăn sắn với rau. Chỉ vậy thôi. Bữa nào có gạo nấu cơm là sang lắm rồi”.
Đã có lúc những Báy, Bh’riu An… tưởng phải bỏ học vì bố mẹ kêu về phụ giúp việc gia đình nhưng các em cứ đòi đi học, hết cấp 1, lên cấp 2 rồi lên cấp 3. Các em dựng lều nơi đây là để quyết chí, chuyên tâm học. Các em học đến cấp 3 rồi thì bố mẹ đã biết “tụi hắn yêu cái chữ lắm”, không còn cản con đi học nữa.
“Mong sao các em có một chỗ ăn học tự tế hơn. Nhìn các em ngày ngày chui ra chui vào những căn lều tạm bợ, đêm chịu cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông Tây Giang mà chạnh lòng thương đứt ruột. Nhưng huyện nghèo…” - cô Lê Thị Vân, Hiệu phó trường PTTH Tây Giang tâm sự.
Cả trường PTTH Tây Giang có 835 học sinh thì chỉ có 4 em học sinh người Kinh, còn lại là con em đồng bào dân tộc Cơtu sống ở các xã từ vùng thấp đến vùng cao cách trung tâm huyện từ 6km là gần đến những xã vùng xa, vùng cao như Ch’ơm, Ga Ri là 60-70km.
“Cũng mừng trong bụng là các em yêu cái chữ, quyết chí theo cái chữ lắm mới tạm gác việc gia đình của những người con đã trưởng thành, đã có thể là những lao động chính để về đây dựng lều học. Chịu khó như vậy với các em học sinh nơi đây đã là cổ tích về lòng hiếu học khiến chúng tôi thật sự ngạc nhiên và khâm phục” - cô Vân nói.
Cô Vân cho biết thêm, “có nghe” tỉnh dự tính sẽ xây dựng một khu nội trú tươm tất cho các em trong nay mai. Có được “ngôi nhà mơ ước” ấy, hành trình theo con chữ của các em học sinh nơi đây sẽ đỡ nhọc nhằn.
Khánh Hiền
Admin (Theo Điện tử Dân trí) |