"Gia đình hiếu học" hạt nhân của chiến lược đào tạo nguồn nhân lực
11.2007
|
Đại Hội GDHH và DHKH toàn quốc lần thứ II |
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của tác giả Vũ Đình Sùng đăng trên tạp chí Giáo dục và Khuyến học Đồng Nai để bạn đọc có thêm một cách nhìn mới về phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học” do Hội Khuyến học Việt Nam phát động:
“GIA ĐÌNH HIẾU HỌC" HẠT NHÂN CỦA CHIẾN LƯỢC ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Vũ Đình Sùng
Nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi gia đình và toàn xã hội. Ngày nay khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì nhân lực không chỉ là động lực mà còn là nguồn vốn (vốn con người) quan trọng để phát triển và hội nhập. Ý thức sâu sắc tầm quan trọng đó, cùng với cả nước, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng một chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá từ 2001 đến 2010. Theo đó đến năm 2010 toàn tỉnh phải có nguồn nhân lực qua đào tạo đạt từ 53% đến 55 % tổng số lao động có nhu cầu đào tạo của tỉnh (khoảng 770.000 người).
Để thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực nêu trên cần có sự tham gia của nhiều ngành nhiều cấp với những giải pháp và chính sách phù hợp. Tuy nhiên có một mô hình đào tạo hiệu quả và mang tính xã hội hoá cao nhưng chưa được nhiều người quan tâm đến, đó là mô hình “gia đình hiếu học”.
1. “Gia đình hiếu học” – mô hình đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất.
Nhân lực, hay còn gọi nôm na là lao động, là nhân tố sống còn của gia đình. Để duy trì cuộc sống, phát triển kinh tế, hội nhập cộng đồng, gia đình nào cũng phải quan tâm trước hết đến nguồn nhân lực của mình. Đối với những “gia đình hiếu học” sự quan tâm ấy có những nét đặc biệt riêng. Đó là có mục tiêu phấn đấu rõ ràng, có biện pháp cụ thể và có một quyết tâm cao.
Tiếp cận với các “gia đình hiếu học” tiêu biểu nhất của tỉnh ai cũng dễ dàng nhận thấy: mặc dù có những hoàn cảnh riêng, sinh sống trong những môi trường xã hội riêng, nhưng mỗi gia đình đều có ý thức rõ ràng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho mình và cho xã hội.
Ông Lê Xuân Xinh và bà Lê Thị Rốt ở ấp 6A, xã Núi Tượng, huyện Tân Phú là một gia đình cán bộ nghỉ hưu, rất nghèo, có 7 người con. Sống ở một địa bàn xa xôi, khó khăn, ông bà đã nhận thức rõ rằng nếu không cho con học được một cái nghề để phát triển thì đời sống gia đình sẽ không bao giờ thoát được cảnh lo bữa nay, chạy bữa mai. Cái nghề mà ông bà tính toán phù hợp với gia đình ở một địa phương xa xôi, học hành của con trẻ còn gặp nhiều khó khăn đó là nghề dạy học. Và ông bà đã chắt chiu đồng lương hưu ít ỏi cộng với khoản thu nhập không ổn định của ruộng vườn để lần lượt cho các con ăn học. Đến nay các con của ông bà đều đã có nghề nghiệp vững vàng. Trong đó 5 người trở thành thày cô giáo đang dạy học tại huyện Tân Phú.
Ông Trần Văn Cao và bà Nguyễn Thị Rụt ở phường Tân Tioến, TP Biên Hoà lại có một hoàn cảnh khác. Ông là thương binh nghỉ mất sức, bà là bộ đội chuyển ngành làm công nhân và đã nghỉ hưu. Vợ chồng người cựu chiến binh với 3 cô con gái yêu ấy đã nhiều năm sống trong một căn nhà cũ nát, mỗi ngày mưa là một ngày cực nhọc vì phải xoay trở tìm nơi tránh dột. Ông bà ngẫm đời mình mà đinh ninh trong dạ: “ Bằng mọi giá phải cho con cái ăn học đến nơi, đến chốn”. “Đến nơi, đến chốn” ở đây có nghĩa là phải học cho được một cái nghề có thể nuôi sống gia đình và đóng góp cho xã hội. Sau 10 năm phấn đấu, ba người con gái của ông bà đã học hành “đến nơi, đến chốn”. Cô gái đầu tốt nghiệp đại học kinh tế, cô thứ hai tốt nghiệp đại học kiến trúc, cô gái út đã bước vào năm thứ 4 Trường Đại học Ngoại thương TP. Hồ Chí Minh.
Phần đông các “gia đình hiếu học” là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, việc chăm lo đào tạo nghề nghiệp cho con cái được cân nhắc rất kỹ, có bước đi phù hợp và có quyết tâm cao.
Ông Dương Kiều Tân và bà Lê Thị Nghi Trang cư ngụ tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch đã từng làm thuê, làm mướn đủ nghề để kiếm sống. Khi con cái lớn lên ông bà tâm niệm “phải cố gắng cho con học hết lớp 12 vì bản thân đã thất học do nghèo khó và chiến tranh”. Nhưng khi các con học hết lớp 12 ông bà lại thấy phải để chúng có một cái nghề vững vàng và hạ quyết tâm “cho chúng ăn học hết khả năng”. Ông bà lại miệt mài với sông nước, ruộng đồng; khi đóng đáy, khi trồng lúa, khi đốn củi, khi làm mướn để dành tiền cho con ăn học. Bên cạnh nỗ lực của bản thân, ông bà biết sắp xếp, động viên để các con dìu dắt lẫn nhau, dựa vào nhau để vượt lên. Đến nay cả 4 người con ông đều trưởng thành. Cô gái đầu Kiều Lê Vũ Thuỵ đang học chuyên khoa cấp 1 tại Trường đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh. Cô gái kế Kiều Lê Thuỷ Chung đang học tiến sĩ ở Nhật Bản, cậu thứ ba Lê Triều Dương đang học thạc sĩ ngành điện tử viễn thông ở Nhật Bản và cô gái út Kiều Lê Thuần Nhu đang học công nghệ thông tin tại Trường đại học khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh.
Ông nguyễn Thành Căn và bà Bùi Thị Lịch sống tại thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu lại là một gia đình cựu chiến binh nghèo. Suốt 20 năm trời ông, bà kiên trì vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để chăm lo học hành cho 5 người con thành đạt. Bốn người đã tốt nghiệp đại học, một người tốt nghiệp THSP, tất cả đã có công ăn việc làm vững vàng.
Ông Phan Thu và bà Đào Thị Hoá vốn là công nhân cao su ở xã Xuân Mỹ, Huyện Cẩm Mỹ, chỉ bằng đôi bàn tay cạo mủ và chăm sóc vườn cây làm hơn 10 năm qua đã nuôi nấng và đào tạo 3 người con trở thành những nhà giáo có trình độ đại học và sau đại học.
Từ những thành quả học tập, đào tạo rất đáng trân trọng của các “gia đình hiếu học” nêu trên bước đầu có thể rút ra một số nhận xét:
Một là: Tỷ lệ lao động được đào tạo trong các gia đình hiếu học rất cao. Hầu hết ở các gia đình đều có 100% số người trong đó độ tuổi lao động được đào tạo một cách bài bản, phù hợp với nhu cầu phát triển của gia đình và của địa phương.
Hai là: Chất lượng đào tạo rất tốt. Những người trong gia đình hiếu học đều nỗ lực, tự giác học tập để đạt kết quả cao và luôn có một khát vọng vượt lên số phận để thoát khỏi dốt nát và đói nghèo.
Ba là: Chi phí đào tạo được tiết kiệm tối đa do biết huy động mọi khả năng sẵn có của gia đình; biết lấy ngắn nuôi dài; biết tổ chức động viên người trước dìu dắt người sau để ai cũng được học, được đào tạo đến nơi đến chốn.
Bốn là: Hiệu quả sử dụng rất tốt. Hầu hết những người qua đào tạo đều có công ăn, việc làm phù hợp; đều sử dụng được kiến thức học tập để nâng cao chất lượng công việc và cuộc sống; cả vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Sống thân thiện và gắn bó với cộng đồng. Không ít gia đình sau khi hoàn thành mục tiêu đào tạo của mình đã có cuộc sống khá giả, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội tại địa ohương, trong đó có hoạt động khuyến học.
Từ những nhận xét trên có thể khẳng định: “Gia đình hiếu học” chính là mô hình đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả và tiết kiệm nhất.
2. Phát triển mạnh mẽ cuộc vận động xây dựng “gia đình hiếu học” là góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh.
Đại hội Đảng bộ Đồng Nai lần thứ VIII đã khẳng định rõ mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2010 là: “nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trong phạm vi toàn tỉnh đến năm 2010 đạt 53 – 55%” (trong đó 40% được đào tạo nghề).
Điều đó có nghĩa là tỷ lệ lao động bình quân qua đào tạo trong mỗi gia đình phải đạt từ 53 – 55%. Mức bình quân ấy chỉ bằng một nửa so với kết quả đạt được của các “Gia đình hiếu học” hiện nay. Như vậy nếu số gia đình hiếu học trong tỉnh tăng lên thì chỉ tiêu đào tạo nguồn nhân lực đến năm 2010 của tỉnh sẽ được thực hiện một cách thuận lợi.
Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ là tỷ lệ lao động qua đào tạo. Điều quan trọng hơn là chất lượng đào tạo và sự phù hợp giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng. Hiện nay rất nhiều lao động được đào tạo nhưng không được sử dụng hoặc sử dụng không đúng ngành nghề, gây lãng phí tiền bạc rất lớn cho gia đình và xã hội. Chất lượng đào tạo và hiệu quả sử dụng mà các gia đình hiếu học đạt được hiện nay đã góp phần khắc phục cơ bản những nhược điểm nêu trên.
Rõ ràng “Gia đình hiếu học” đã, đang và sẽ là hạt nhân của chiến lược đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Hơn thế nữa, trong tương lai “Gia đình hiếu học” còn là hạt nhân của chiến lược đào tạo nhân tài vì hầu hết cả các thành viên trong gia đình hiếu học đều có một nỗ lực phi thường, một khát vọng mạnh mẽ vươn lên trong học tập và rèn luyện./.
Admin (Theo Giáo dục & Khuyến học Đồng Nai) |