TRIẾT LÝ GIÁO DỤC
- Thứ sáu - 03/02/2012 08:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
TRIẾT LÝ GIÁO DỤC
Kính thưa các đại biểu,
Cùng các bạn sinh viên học sinh rất thân mến,
Đứng ở đây nhìn xuống một thế hệ những người trẻ năng nổ và tràn trề sức sống, lại đam mê sự học, lòng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc và vui mừng. Bởi một thế hệ đàn em đông đúc đang trau dồi sự học trong các nhà trường một cách nghiêm túc và say mê, đem lại cho tôi nhiều hy vọng vào một tương lai tươi sáng của nước nhà.
Nói như thế là bởi vì nhiều chục năm trước đây, hình như việc học hành chỉ là dành cho một số người nào đó, đủ tiền đủ lực, mới được đứng trong hàng ngũ Sinh viên học sinh. Nhưng từ những năm sau này, nhất là qua việc xã hội hoá giáo dục, nhiều người trong chúng ta đã có thể ung dung đứng vào hàng ngũ ấy. Dĩ nhiên cũng phải cần tới sự phấn đấu nỗ lực của từng cá nhân. Có thể đã quá quen với việc hành ngày cắp sách đến trường, mà nhiều bạn trẻ đôi khi quên mất đó là một cơ hội chỉ có một lần trong đời. Vì nếu không biết tận dụng, thì chúng ta sẽ đánh mất nhiều cơ hội khác nữa, để có thể tiến thân làm người và giúp ích cho đời qua việc học.
Như chúng ta đã thấy, hiện nay có nhiều nảy sinh trong xã hội về lãnh vực văn hoá, đạo đức, gây suy nghĩ và lo lắng. Đương nhiên có nhiều nguyên nhân. Nhưng chắc chắn có một nguyên nhân rất quan trọng, là ở giáo dục.
1/ Quan điểm giáo dục đương đại:
Theo như nhà văn Nguyên Ngọc nói trong bài “ Giáo dục ở nước ta hiện nay đi ra bằng con đường nào?” trong tác phẩm “ Những vấn đề giáo dục hiện nay. Quan điểm và giải pháp”, theo tôi là chìa khoá của việc cải cách giáo dục. Vì đúng như tác giả xác định: “ Triết lý giáo dục chi phối, ảnh hưởng đến phương pháp, tổ chức đến tất cả các cấp giáo dục từ tiểu học đến trên đại học…Giáo dục phải tạo nên những con người biết và dám độc lập suy nghĩ, biết tự mình chiếm lĩnh kiến thức, tự mình khám phá chân lý và từ đó làm chủ cuộc sống của mình.
Cũng giống như nhiều bạn học khác, khi còn nhỏ, tôi chỉ biết học là học, học để thuộc bài, học để thi cho đậu, học để lấy bằng…Có những môn mình thích thì mình tha thiết học lấy học để, học bỏ ăn bỏ ngủ. Những môn mình không thích, hoặc yếu thì tìm cách tránh né, và chỉ học cho đủ để thi cho đậu. Sau đó thì “ chữ thầy trả thầy”.
2/ Tiên học lễ:
Mãi đến nửa đời người, tôi mới vỡ lẽ ra là việc học có hai phần chính: học để “làm việc” và học để “ làm người”. Thường thì môn học nào cũng có ứng dụng cho cả hai bên, và rất ít môn nào chỉ dành vào một việc. Toán chẳng hạn, phần lớn dùng để “làm việc”, nhưng toán cũng dạy cho mình biết phân biệt rõ ràng cái đúng cái sai, và từ đó có thể giúp người đang lớn lên biết tự kỷ luật phần nào. Ngược lại, triết lý hoặc xã hội học giúp mình tự hiểu mình, hiểu người, và từ đó hy vọng sẽ biết xử sự, biết “ làm người”, nhưng đồng thời cũng biết ứng dụng vào công việc, vào các chính sách xã hội.
Người Mỹ có câu: “ Đầu vào là rác, thì đầu ra cũng là rác”( garbage in, garbage out). Tỷ phú Warren Buffett, người đã cống hiến hầu hết gia tài của mình (trên 30 tỉ USD) cho công việc từ thiện, thường nhắc nhở các sinh viên tốt nghiệp đại học ngày họ ra trường rằng: "Các em cần tính trung thực, sự thông minh và ý chí để thành công. Nhưng nếu các em có tất cả các yếu tố sau mà thiếu yếu tố đầu (trung thực) thì các em sẽ trở thành những người rất nguy hiểm cho xã hội và các em sẽ có khả năng tự hủy diệt".
3/ Hậu học văn:
Hoá ra, triết lý giáo dục là như vậy. Triết lý giáo dục phải bắt đầu từ đâu nếu không phải là từ phẩm giá con người. Đây cũng là triết lý giáo dục của Uỷ ban Giáo dục Liên Hiệp Quốc ( UNESCO) ra đời năm 1995, đã đóng góp công sức của nhiều học giả, một tác phẩm uyên thâm rất giá trị với tầm cỡ quốc tế mang tên: “ Giáo dục thế kỷ 21. Giáo dục là khai phóng những kho tàng”
Triết lý này bắt đầu với quan điểm: Mỗi con người là một kho tàng. Nói theo Đức Khổng Tử: Nhân ư vạn vật chí linh. Trong mọi tạo vật, con người là linh thiêng nhất, vì là một sinh vật có MINH ĐỨC, hiểu sâu và rộng không phải nhờ sách vở mà nhờ cái TÂM trong sáng và mạnh làm chủ tể cả tư tưởng và hành vi con người. Nói một cách khác, là dạy con người nên người bằng cách ăn ở cho có nhân có nghĩa.
Chúng ta lớn lên với những chữ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Chữ Nhân đứng đầu. Hiểu một cách thoáng thì Nghĩa, Lễ, Trí là kiến thức và nguyên tắc sống để thành nhân. Trí để biết sống thế nào là đúng. Lễ để biết cách sống thế nào để làm giàu cái tình, cái Nghĩa. Cái Nghĩa tạo nên cái Tín. Cái Tín là điều kiện cần để các mối quan hệ xã hội đạt hiệu quả tối ưu, biết sống đúng vai trò xã hội của mình. Mẫu số chung trong tất cả các điều kiện để sống đúng là tính trung thực. Sống trung thực là một giá trị đạo đức bất di bất dịch. Sống không trung thực, thì ở bất cứ văn hóa nào cũng đều không đúng lễ, sinh ra bất nghĩa, bất tín, bất nhân. Vậy chúng ta hãy thẳng thắn nhìn lại xem nền giáo dục nước ta có đào tạo được những sản phẩm biết sống trung thực để thành nhân chưa?
4/ Áp dụng suốt đời:
Hẳn có người sẽ cho rằng, triết lý giáo dục ấy là của Tàu, vì là do Khổng Mạnh đề ra. Nhưng thử hỏi nếu triết lý ấy đúng, thì sao chúng ta lại không chấp nhận? Vả lại, tất cả các bậc thầy danh tiếng trong lịch sử văn học nước ta, như Chu Văn An, Ngô Thì Nhậm vv..cũng đều là những nhà Nho đấy thôi. Các vị ấy đều lấy năm chữ nhân, lễ, nghĩa, trí, tín làm làm nền tảng cho con người. Bất cứ nhà tôn giáo, chính trị, hay hiền triết, khoa học nào cũng vậy, trước khi trở thành nhà tôn giáo, chính trị, khoa học, nhà văn hay nhà bác học vv., cũng đều phải thành nhân cái đã. Mà nếu hiểu làm người chủ yếu ở chỗ có nhân có nghĩa, hay có cái mà đông phương chúng ta gọi là cái TÂM, thì chắc chắn không thể nào chấp nhận một tình trạng giáo dục đưa tới sói mòn đạo đức, với thói gian dối, thiếu trung thực đến nỗi để cho người đời mỉa mai rằng: tiên học phí, hậu học thêm.
Triết gia lớn của nền văn hóa phương Tây là Aristote đã nói: "Tôi rất yêu Plato (cùng là một triết gia lớn khác), là ông thầy của tôi, nhưng tôi còn yêu sự thật hơn tôi yêu ông ấy nữa". Xã hội nào biết quý sự thật, biết đòi sự thật thì xã hội đó mới tiến hóa. Có sự thật ("Chân") thì mới có cái hay cái tốt ("Thiện") và cái đẹp ("Mỹ").
5/ Gương sống:
Chắc các bạn biết ngày 5/10/2011, thế giới công nghệ ngỡ ngàng trước sự ra đi của Steve Jobs, nguyên Giám đốc điều hành hãng điện tử nổi tiếng - Trái táo cắn dở - Apple.
Một đứa con được sinh ra ngoài ý muốn và bị cho đi để làm con nuôi. Một sinh viên bỏ ngang việc học khi mới 17 tuổi. Các bạn có biết rằng chính Steve đã từng :
- Dám tin vào con người, tin vào cuộc sống, ngay giữa những thất bại, ê chề nhất
- Dám bước tiếp, ngay trên những hào quang: Khi bạn làm một điều gì đó tốt thì bạn nên cố gắng tạo ra những điều tốt hơn nữa.
- Dám sống từng ngày như là ngày cuối cùng : Tôi nhìn vào gương mỗi sáng và tự hỏi : Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình, tôi có muốn làm trong hôm nay những gì mà tôi dự định không ? Và bất cứ khi nào câu trả lời “Không” xuất hiện liên tục trong quá nhiều ngày, tôi biết tôi cần phải thay đổi thứ gì đó.
Đi ra khỏi cuộc đời, dấu ấn Steve để lại, không phải là những những sản phẩm tuyệt vời, Macintosh, là iPod, Ipad… nhưng là một triết lý sống, một nhân cách sống. Như một gợi hứng cho những ước mơ, những chọn lựa, những quyết định để dám “Sống khát khao. Sống dại khờ” cho đến cùng. ( Stay hungry, stay foolish)
Kể lại câu chuyện cuộc đời của Steve Jobs, là để cho các bạn thấy rõ hơn: triết lý giáo dục không chỉ nhắm mục tiêu kinh tế tri thức, đầu tư để phát triển chất xám, mà cần phát huy và phát triển chất hồng của trái tim nhân loại đang cần hơn bao giờ hết để xoá bỏ bất công, ganh tỵ, hận thù, chia rẽ, bạo tàn. Giáo dục phải nhắm đặt nền móng để xây dựng một nền văn minh TÂM TRÍ hài hoà như Steve Jobs, để mỗi con người trở nên một kho tàng cho kẻ khác, cho xã hội và cho nhân loại.
Chúc các bạn học cho được cách để “ thành nhân và thành công”
Xin cám ơn các đại biểu và các bạn đã lắng nghe.
Ngọc Thạch ngày 01-01-2012
Lm chánh xứ Đinh Việt Hùng