SỰ CẦN THIẾT PHẢI NÂNG CAO TRI THỨC TRONG THỜI HỘI NHẬP

Bài phát biểu của ông Trần Văn Tươi Phó Chủ Tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh trong buổi họp mặt sinh viên Tết, ngày 20 tháng 01 năm 2012

 

 

SỰ CẦN THIẾT PHẢI NÂNG CAO TRI THỨC

TRONG THỜI HỘI NHẬP

---oOo---

                                                                     Trần Văn Tươi

                                             UVTV - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện.

Trong bất cứ giai đoạn xã hội nào, tri thức vẫn luôn giữ vai trò chi phối, quyết định sự phát triển của xã hội. Một đất nước muốn phát triển sẽ tùy thuộc vào sự phát triển trình độ tri thức xã hội mà trong đó nhân tố con người là vị trí trung tâm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển xã hội. Tri thức sẽ giúp con người ngày càng hoàn thiện tư duy, tích lũy những kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng ngày càng tốt hơn đối với yêu cầu cuộc sống đặt ra.

Trí thức được con người học tập, nghiên cứu, tích lũy bằng vốn kiến thức hiểu biết, có khả năng phân tích, phán đoán, dự báo được những vấn đề thuận lợi, khó khăn, đưa ra những quyết sách đúng đắn để điều chỉnh, định hướng cho tương lai phát triển của mình. Hiện nay trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế càng đòi hỏi các quốc gia đặt ra yêu cầu phải có biện pháp nâng cao trình độ tri thức cho đất nước mình để phù hợp với xu thế quốc tế, có điều kiện đưa đất nước phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.

Như vậy, vấn đề đặt ra vì sao phải nâng cao tri thức trong thời hội nhập?

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, xu thế hội nhập để phát triển là xu thế chung; bởi vì, không một quốc gia nào muốn phát triển một cách độc lập mà đòi hỏi phải liên kết, hợp tác mới có điều kiện phát triển hiệu quả hơn. Trong quá trình đó yếu tố cạnh tranh là yêu cầu tất yếu sẽ diễn ra; đó là sự cạnh tranh chủ yếu về hàm lượng chất xám của các sản phẩm hàng hóa, tức là hàng hóa được sản xuất ra được đầu tư nghiên cứu khoa học để sáng tạo có chất lượng sản phẩm, phù hợp với thị hiếu, sở thích người tiêu dùng. Do đó, hàng hóa của quốc gia nào có hàm lượng chất xám càng cao thì trong quá trình cạnh tranh giữa các thị trường quốc tế sẽ chiếm ưu thế.

Đối với nước ta khi tham gia vào tổ chức thương mại thế giới (WTO) sẽ vừa có cơ hội phát triển; vì sẽ có điều kiện hợp tác, liên kết với các yêu cầu, nhất là quan hệ với các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ cao; Quá trình phát triển của họ chủ yếu dựa vào nền kinh tế tri thức, nền kinh tế “chất xám” đóng vai trò quyết định, qua đó để Việt Nam học tập, ứng dụng đối với sự phát triển nền kinh tế của nước mình. Nhưng mặt khác, sự hợp tác đó còn là những thử thách lớn, khi mà sự cạnh tranh về hàm lượng chất xám ở một số sản phẩm làm ra của nước ta còn thấp so nhiều nước tiến tiến trên thế giới. Theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng đã đánh giá: Đó là do trình độ khoa học công nghệ, nước ta còn chậm phát triển, tụt hậu từ 1→3 lần so với các nước phát triển, đội ngũ khoa học của đất nước ta đang thiếu những chuyên gia đầu đàn.

Trước thực trạng đó, Đảng ta chủ trương thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải gắn liền với nền kinh tế tri thức phấn đấu đưa đất nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện tại thực hiện mục tiêu này, những năm qua với sự cố gắng nổ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã đưa đất nước vượt qua ngưỡng “kém phát triển” …..nước “đang phát triển”, hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ “giảm nghèo” do Liên hợp quốc giao; trình độ khoa học công nghệ đất nước có bước cải thiện, đội ngũ khoa học công nghệ ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước  trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục cải thiện nâng cao trình độ tri thức nước nhà, mới có khả năng sánh vai với các nước  trong khu vực và quốc tế, nhất là đối với các nước phát triển.

Thực hiện yêu cầu đó, trách nhiệm mỗi sinh viên chúng ta cần phải suy nghĩ và hành động như thế nào để góp phần làm giàu cho đất nước, xây dựng quê hương ngày càng phát triển?

Các bạn sinh viên thân mến!

Trên con đường hoàn thiện tư duy, nhân cách kinh nghiệm ai cũng mong muốn cho mình đạt tới một trình độ tri thức hoàn hảo, toàn diện để hướng tới tương lai cuộc sống. Song con đường ấy có đạt được hay không còn tùy thuộc vào sự nhận thức lập trường, sự rèn luyện, phấn đấu của mỗi cá nhân mà có một hệ quả tri thức phát triển tương ứng.

Đối với các bạn sinh viên đang học các trường Đại học hoặc sắp ra trường; đây chỉ là giai đoạn dung nạp trình độ tri thức, nếu như quá trình dung nạp ấy được duy trì tốt tất yếu sẽ tạo hệ quả tốt cho chúng ta phát huy trình độ tri thức. Điều đó còn đòi hỏi các bạn phải xác định động cơ học tập đúng, học tập thật sự cần nhận thức sự học là để quyết định cho tương lai cuộc sống của mình. Trong thực tiễn tích lũy, rèn luyện tri thức là khá nhiều có thể bắt đầu vào ngưỡng cữa học vấn,  song môi trường và điều kiện quan trọng nhất để rèn luyện tri thức chính là ngưỡng cửa “Đại học” mà nếu như các bạn sinh viên chúng ta không nắm bắt cơ hội, không phấn đấu học tập tốt, điều đương nhiên tri thức ấy sẽ không có giá trị, thậm chí nó không hoàn thành gía trị tri thức. Như vậy, lúc đó các bạn chỉ là những con người bình thường, không có khả năng đáp ứng cho yêu cầu tương lai cuộc sống của mình một cách tốt nhất và càng không phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước ta hiện nay.

Song con đường dẫn đến phát triển trình độ tri thức hoàn hảo, còn đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục phấn đấu học tập lúc đó ngưỡng cữa Đại học chỉ là “điều kiện” và “bước nhảy” để các bạn vươn xa hơn, bay cao hơn, hướng tới sự vinh quang, đạt tới giá trị tri thức đích thực: và chính sự phấn đấu đó mới thật sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn phát triển CNH-HĐH gắn với nền kinh tế tri thức, mới có khả năng đưa đất nước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh.

Tóm lại, có thể khẳng định con đường rút ngắn khoảng cách giàu – nghèo giữa quốc gia phụ thuộc vào sự phát triển trình độ tri thức. Chỉ có nâng cao trình độ tri thức mỗi cá nhân, mới có điều kiện làm giàu trí tuệ, hoàn thiện nhân cách, đủ sức vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hướng tới giá trị tương lai. Do đó, tại bài viết này, các chú những – những người đang giữ những trọng trách lãnh đạo, quản lý ở địa phương là những người đi trước cũng có thể được xem là những người thành đạt, tích lũy được vốn tri thức và kinh nghiệm của mình để hôm nay có trách nhiệm truyền đạt lại cho thế hệ tương lai của các bạn. Điều mà các chú mong muốn là dù trong môi trường học tập, rèn luyện có gặp phải những khó khăn nào, các cháu vẫn luôn phấn đấu, xây dựng ý chí vượt khó để cố gắng học tập, trao dồi kiến thức từng bước hoàn thiện trình độ tri thức để phục vụ cho đất nước, quê hương, có điều kiện lập thân lập nghiệp một cách vững chắc./.

Tác giả bài viết: TRẦN VĂN TƯƠI