BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG
- Thứ hai - 31/01/2011 10:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG
CỦAHỘI KHUYẾN HỌC HUYỆN VĨNH THẠNH NĂM 2010
VÀ ĐỊNH HƯỚNG NĂM 2011
Vĩnh Thạnh là một huyện nông nghiệp, xa nhất của Tp. Cần Thơ giáp với tỉnh Kiên Giang được thành lập vào đầu năm 2004 bằng cách tách ra từ quận Thốt Nốt. Sau ít tháng huyện được thành lập, vào ngày 12/5/2004 hội Khuyến Học được ra đời. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, trước khi đưa ra một định hướng làm việc lâu dài, hội đã mở một cuộc điều tra trong huyện về các vấn đề liên quan đến công tác khuyến học – khuyến tài như: số học sinh, số giáo viên, số sinh viên đang học, số trường trên địa bàn huyện. Hội tìm hiểu nguyện vọng hoàn cảnh của học sinh, sinh viên, và người dân của từng địa phương.
Sau hơn 2 tháng điều tra, hội đã có được kết quả sơ bộ và đã đưa ra chương trình làm việc về khuyến học – khuyến tài trong huyện lâu dài với 2 điều chính yếu nổi bật:
I. Những việc làm thường xuyên
Căn cứ vào:
Điều lệ hội Khuyến Học Việt Nam, đặc biệt là điều 3.
Năm nhiệm vụ mà Thành hội trao phó đó là: Tuyên truyền; tổ chức hội; tạo quĩ hội; xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học; xây dựng trung tâm HTCĐ.
II. Những việc làm đặc biệt:
Từ thực tế của huyện mà hội đã điều tra được, thường trực hội quyết định thực hiện một số việc đặc biệt hơn, táo bạo hơn mới hy vọng đạt được kết quả như hội mong muốn. Một trong những việc đặc biệt đó là:
Họp mặt sinh viên hàng năm vào ngày 27 tết Âm lịch.
Hôm nay, trong lần họp mặt sinh viên lần thứ VII, báo cáo việc làm thường xuyên của hội năm 2010 đã in sẵn trong tài liệu, chúng tôi không báo cáo tại đây. Chắc hẳn quí vị đang đặt câu hỏi: Tại sao phải họp mặt sinh viên? Họp mặt sinh viên hội làm những gì? Và họp mặt sinh viên đã đem lại những kết quả ra sao?
Tại sao phải họp mặt sinh viên?
Kết quả về điều tra năm 2004 cho thấy rằng:
Số sinh viên ở giữa các xã trong huyện có sự chênh lệch rất lớn: xã Thạnh Lộc có 11 sv/10.000 dân; xã Vĩnh Trinh 45 sv/10.000 dân; xã Thạnh Quới 40 sv/10.000 dân, trong khi các xã Thạnh Thắng có tới 420 sv/10.000 dân; xã Thạnh An có 400 sv/10.000 dân; Thị trấn Thạnh An có 450 sv/10.000 dân. Tỷ lệ sinh viên toàn quốc năm 2004 trung bình là 120 sv/10.000 dân. Các xã Thạnh Lộc, Vĩnh Trinh, Thạnh Quới chỉ bằng 1/10 tỷ lệ quốc gia. Trong lúc các xã Thạnh An, TT.Thạnh An, Thạnh Thắng đã nhiều gấp 3 đến 4 lần tỷ lệ trung bình của cả nước. Giữa các xã trên thì số sinh viên chênh lệch hơn 30 lần. Như thế dân trí giữa các xã cách nhau 30 lần. Nhiều người dân ở các xã có số sinh viên thấp thì ít quan tâm đến việc học của con cái mình. Họ cho rằng số sinh viên ở các xã là do hội Khuyến học dành cho. Nhiều người dân đã hỏi chúng tôi rằng: “Tại sao lại cho chúng tôi ít sinh viên như thế?”. Và họ chưa bao giờ nhìn thấy bộ quần áo, đặc biệt là chiếc mũ của sinh viên khi mặc và đội lúc ra trường. Khi trao cuốn tập có hình sinh viên tốt nghiệp cho học sinh nghèo trong huyện, họ hỏi chúng tôi “áo gì mà thụng thế; mũ gì mà như mũ của vua vậy?”
Thực tế của huyện chúng ta vào năm 2004 là như thế. Trong lúc Nhà nước chủ trương nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài thì còn thật nhiều người dân không cho con đi học, hoặc chỉ học tới lớp 9 rồi nghỉ. Họ thường nói với nhau: “Chả có ai vác thúng đi vay chữ, chỉ vác thúng đi vay lúa vay gạo mà thôi”.
Trong lúc nhà Bác học Lê Quí Đôn nói: “Phi nông bất ổn, phi thương bất hoạt, phi công bất phú, phi trí bất hưng”, và hiền tài là nguyên khí quốc gia thì còn nhiều người dân nơi đây chỉ chú trọng nông nghiệp, khá hơn chút thì buôn bán, họ vẫn nói rằng “phi thương bất phú”. Họ chả biết gì về phi trí bất hưng cả.
Họ có biết đâu rằng, chính sự học đem đến thoát nghèo nhanh nhất, bền vững nhất và cũng danh dự nhất. Như Singapore có chưa được 600 km2 với hơn 4 triệu dân mà GDP đầu người mỗi năm khoảng 30.000 USD, trong lúc đảo ngọc Phú Quốc của ta có chưa đầy 100.000 dân diện tích cũng khoảng 600 km2 mà GDP đầu người chưa được 1.000 USD. Chính sự học tạo ra giàu có, chứ không phải hoàn toàn do đất đai.
Từ một sự chênh lệch quá lớn về dân trí giữa các xã như đã nêu trên, một thực tế vô cùng khó khăn và đau lòng. Hội nghĩ đến việc họp mặt sinh viên vào 27 tết. Để bớt mặc cảm thua kém, hội đã mời mỗi xã là 10 sinh viên không phân biệt xã có nhiều hay ít sinh viên. Lần họp mặt sinh viên lần thứ I xuân Ất Dậu 2005 nhằm ngày 05/02/2005 xã Thạnh Lộc chỉ có 11 sinh viên, huyện mời cả 11 sinh viên. Các xã có 400 sinh viên hội cũng chỉ mời 10 sinh viên mà thôi.
Họp mặt sinh viên là cơ hội tốt để hội phổ biến đến người dân trong huyện sự cần thiết của việc học. Đất nước, gia đình cũng như cá nhân đang rất cần đến sự học, cần đến những con người có thực tài, có đức độ để mang lại ích lợi cho chính bản thân, gia đình và xã hội hôm nay và ngày mai. Đây là một chân lý.
Đó là một phần trả lời tại sao huyện Vĩnh Thạnh lại tổ chức họp mặt sinh viên vào dịp tết.
Họp mặt sinh viên hội làm những gì?
Mỗi lần tổ chức, hội đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Hội mời những người quê ở Vĩnh Thạnh, hiện đã thành đạt, đang làm việc ở khắp mọi miền của đất nước trong nhiều lãnh vực khác nhau. Đó có thể là: tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo, giảng viên đại học, nhà báo, công chức, giám đốc công ty. Hội đã mời gần 20 người trong sáu lần họp mặt trước đây. Những người này chia sẻ kinh nghiệm học tâp và làm việc với các cháu sinh viên.
Hội chủ trương: Khuyến học - khuyến tài - khuyến đức. Vì thế hội đã mời một số nhà đã được đào luyện sâu về đạo đức phát biểu với sinh viên như: Lm Hạt trưởng Vũ Hồng Nho; Lm Hạt trưởng Bùi Duy Tân; Lm Trần Kim Tuyến; Lm Đỗ Anh Tuấn và Lm Hoàng Văn Luyện hôm nay
Như thế, tổ chức họp mặt sinh viên hàng năm mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn, gây ý thức cho sinh viên và người dân trong huyện coi trọng và đề cao sự học. Ngày họp mặt sinh viên cũng là dịp để hội Khuyến Học chia sẻ khó khăn với hoàn cảnh của các em do hội khuyến học cơ sở và chính quyền địa phương đề nghị. Năm nay hội cấp 55 học bổng mỗi em 1.000.000đ và 55 sinh viên mỗi em 500.000đ, tổng số tiền là 82.500.000đ. Hội mời các em cùng ăn bữa cơm thân mật mừng xuân với hội.
Với một kế hoạch làm việc như thế, hội đã được Huyện ủy và UBND huyện Vĩnh Thạnh tích cực ủng hộ, cụ thể là huyện đã thống nhất chọn ngày 27 tết hàng năm là ngày họp mặt sinh viên truyền thống huyện Vĩnh Thạnh. Từ đó đến nay hội có 7 lần họp mặt liên tiếp.
Việc họp măt sinh viên đã mang lại những kết quả gì?
Việc họp mặt sinh viên, cùng với những đảng văn kịp thời của Huyện ủy về khuyến học – khuyến tài như đảng văn số 105; 205 và 63 đã mang lại những kết quả thật to lớn. Có thể nói những kết quả mang lại vượt sự mong ước của hội cũng như lãnh đạo các cấp và nhân dân:
Người dân ở các xã Thạnh Lộc, Vĩnh Trinh, Thạnh Quới đã ý thức được lợi ích của việc học. Họ quyết tâm cho con em ăn học tới nơi tới chốn. Từ đó số sinh viên ở các xã này tăng lên rất nhanh: Xã Thạnh lộc từ 11 sinh viên năm 2004 tăng lên 155 sinh viên năm 2011, xã Vĩnh Trinh từ 45 sinh viên tăng lên 240 sinh viên; xã Thạnh Quới 40 sinh viên tăng 110 sinh viên. Xã Vĩnh Trinh đang từng bước trở thành xã dẫn đầu trong công tác khuyến học – khuyến tài của huyện. Vĩnh Trinh cũng tổ chức họp mặt sinh viên trong những năm vừa qua và đặc biệt đang chuẩn bị tổ chức qui mô vào mùng 3 tết Tân Mão này.
Sự chênh lệch về dân trí trước đây lên đến hơn 30 lần giữa các xã vào năm 2004 thì nay giảm xuống còn từ 2 đến 5 lần mà thôi. Huyện có 6 sinh viên đang học tại Nhật. Số học sinh đậu đại học trong huyện tăng lên từng năm: Năm 2004 khoảng 30% học sinh đậu đại học, thì năm 2010 có tới 60% học sinh đậu đại học. Chính có kế hoạch làm việc thường xuyên và táo bạo, cùng với cách làm việc dân chủ, khoa học, nhiệt tình, hội lại luôn trọng sự công khai minh bạch, chi đúng mục đích (Từ ngày thành lập đến nay hội đã có 28 lần công khai tài chánh) mà hội Khuyến hoc huyện ngày càng được các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện ủng hộ mỗi năm một nhiều hơn:
2004 | toàn huyện: | 414.856.000đ | trong đó Huyện hội: | 66.856.000đ |
2005 | -nt- | 832.026.000đ | -nt- | 85.026.000đ |
2006 | -nt- | 1.011.799.000đ | -nt- | 134.799.000đ |
2007 | -nt- | 1.177.800.000đ | -nt- | 250.800.000đ |
2008 | -nt- | 1.444.941.000đ | -nt- | 368.941.000đ |
2009 | -nt- | 894.800.000đ | -nt- | 149.800.000đ |
2010 | -nt- | 1.568.000.000đ | -nt- | 785.295.000đ |
Trong những người ủng hộ, Hội phải kể đến: Đại tướng Lê Hồng Anh đã tặng 60 xe trong 335 xe đạp huyện cấp cho học sinh nghèo; Đức Giám mục Trần Xuân Tiếu giáo phận Long Xuyên tặng 50 triệu tương đương 60 xe đạp cho học sinh. Hội đã được cả đời lẫn đạo tin tưởng tích cực ủng hộ.
Cũng từ sự ủng hộ đó hội đã in và cấp cho 3000 học sinh nghèo trong huyên trong 7 năm qua được gần 700.000 cuốn tập 100 trang vào các mùa khai giảng; hội thưởng học sinh, sinh viên ưu tú và trợ cấp học bổng cho học sinh và sinh viên như trong ngày họp mặt 27 tết sinh viên năm nay.
Một ảnh hưởng rất đáng quí là trong những ngày tết nguyên Đán, tết truyền thống của dân tộc, nhiều nơi từ người dân đến cán bộ đâu đó đã bàn đến việc học, việc dùng người có thực tài, có đức độ, thay cho uống rượu lè phè, đập phá, quậy xóm làng. Câu chuyện họp mặt sinh viên lan đến các trường đại học trong cả nước. Một số nơi đã điện đến chúc mừng và khích lệ hội Khuyến Học huyện, mừng vui biết bao.
Nhà Bác học vật lý Achimede đã nói: “Nếu cho tôi một đòn bẩy và một điểm tựa, tôi có thể bẩy trái đất này đi”.
Vậy ở huyện Vĩnh Thạnh nếu tất cả cán bộ và nhân dân đều ý thức: coi trọng sự học; cố gắng học tập; sử dụng người có đủ tài đức. Huyện nhà sẽ bẩy được sự nghèo đói, dốt nát đi và thay vào đó là sự thịnh vượng, phát triển vững bền. Vào năm 2020 khi nước ta là nước công nghiệp đòi hỏi phải có 450 sinh viên/ 10.000 dân. Đây là một thách thức lớn! Xã Vĩnh Bình từ quận Thốt Nốt giao về huyện Vĩnh Thạnh năm 2009 hiện chỉ có 10 sinh viên/ 8000 dân.
Chúng tôi đã trình bày khái quát về nguyên nhân và ích lợi của việc tổ chức họp mặt sinh viên vào 27 tết ở huyện nhà. Việc họp mặt sinh viên vào dịp tết khởi đi từ các xứ đạo của bà con Công Giáo. Nét đẹp văn hóa đầy tính nhân văn, đáng trân trọng và hữu ích này đang lan tỏa đến nhiều nơi trong huyện. Thật đáng mừng vậy!
Hội Khuyến Học trong năm 2010 và những năm trước đây thực hiện được 2 công việc thường xuyên và đặc biệt một cách hiệu quả là nhờ: sự lãnh đạo sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện; sự ủng hộ của Ngân hàng Chính sách; phòng Giáo duc & Đào tạo huyện; các ban ngành đoàn thể, cũng như sự chỉ đạo kịp thời của Thành hội Khuyến Học Tp. Cần Thơ. Đặc biệt sự thành công đó là nhờ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện tạo điều kiện thuận lợi về tinh thần và vật chất để hội thực hiện. Hơn nữa sự đồng thuận, sự ủng hộ nhiệt tình của người dân trong huyện là yếu tố quan trọng giúp hội đứng vững trong nhiều năm qua.
Chúng tôi ước mong các cấp lãnh đạo và người dân luôn sát cánh với hội để hội vững mạnh, thực hiện tốt 2 nhiệm vụ chính là thường xuyên và đặc biệt như hội đã đề ra.
Trước thềm năm mới, thay mặt hội Khuyến Học huyện Vĩnh Thạnh, tôi kính chúc đại biểu các cấp, các cháu sinh viên dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thực hiện được hoài bão tốt đẹp của mình.
Xin chân thành cảm ơn.
Vĩnh Thạnh, ngày 23 tháng 01 năm 2010
Người báo cáo
Đặng Phúc Minh