Tư tưởng Hồ Chí Minh với xây dựng một xã hội học tập

Đăng lúc: Thứ ba - 30/11/2010 23:14 - Tác giả bài viết: khuyenhocvn
Tư tưởng Hồ Chí Minh với xây dựng một xã hội học tập

Tư tưởng Hồ Chí Minh với xây dựng một xã hội học tập

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã xác định “Chuyển mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học”. Chính phủ đã phê chuẩn đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010. Như vậy, mô hình xã hội học tập đang được hình thành và từng bước đi vào đời sống

Xã hội học tập ngày nay được hình thành và xây dựng xuất phát từ Tư tưởng Hồ Chí Minh. Lúc sinh thời, Người từng căn dặn: “Làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người xót xa vì qua bao năm dân ta phải sống trong ách thống trị ngoại bang với chính sách ngu dân, cho nên tư tưởng của Người gắn độc lập dân tộc với xóa bỏ dốt nát, vì “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Trong giờ khắc khó khăn của đất nước: thù trong giặc ngoài, đói kém, nhưng xác định thứ giặc nguy hiểm lại là “giặc dốt”, chính vì vậy Người đã phát động phong trào bình dân học vụ.

Nguồn nhân lực có chất lượng cao và nhân tài ngày nay đang được đặc biệt quan tâm, nhưng cách đây hơn nửa thế kỷ Người đã chỉ ra: trong xây dựng nước nhà “đòi hỏi phải có nguồn nhân lực dồi dào và có những nhân tài”. Cách đây 62 năm dễ mấy ai có thể hình dung được tác dụng của việc học tập nói riêng và sự nghiệp giáo dục nói chung ở một nước mới giành được độc lập và còn rất mong manh nhưng Người đã khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Tư tưởng đó thật vĩ đại và ngày nay đang trở thành hiện thực, vị thế của đất nước Việt Nam đang ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Vấn đề học tập thường xuyên và học tập suốt đời là một nội dung rất quan trọng của xã hội học tập. Đến nay vẫn còn có người băn khoăn và trên thực tế không phải ai cũng hiểu được điều này. Hồ Chí Minh không chỉ diễn giải khúc triết về tư tưởng mà còn là tấm gương sáng về tự học, học thường xuyên, học suốt đời, học ở trong đời sống, trong nhân dân, trong sách vở... Người viết: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Không ai có thể tự cho mình đã hiểu biết đủ rồi, biết hết rồi...”. Người coi sự nghiệp giáo dục không phải chỉ là của Nhà nước mà “giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”. Tư tưởng này là cơ sở của xã hội hóa giáo dục ngày nay. Bởi sự nghiệp giáo dục rất rộng lớn, đa dạng nhiều lĩnh vực đòi hỏi mọi thành viên trong xã hội cùng chung tay thực hiện, là niềm tin ở quần chúng...

Thời gian qua, trong xây dựng xã hội học tập ở tỉnh ta đã thu được những kết quả bước đầu. Nhận thức về vị trí của giáo dục - đào tạo trong sự nghiệp phát triển đất nước đã có chuyển biến đáng kể. Quy mô phát triển sự nghiệp giáo dục nhanh, rộng lớn hơn bao giờ hết. Đã cơ bản xóa mù chữ, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và đã hoàn thành cơ bản phổ cập THCS. Đa dạng các loại hình đào tạo, xã hội hóa trong đào tạo, bước đầu coi trọng dạy nghề. Chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên. Các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục dần dần được khắc phục.

Các hình thức giáo dục thường xuyên, phi chính quy và các phương thức, phương pháp học tập, đào tạo đã có những bước chuyển động mới, tạo điều kiện cho học tập thường xuyên, học tập suốt đời, cập nhật kiến thức, công nghệ, kỹ thuật mới. Các hình thức tự học, tự bồi dưỡng của cán bộ, công nhân, viên chức, hoạt động tích cực của các trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, thị trấn ngày càng phát triển, củng cố và có hiệu quả trong bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sản xuất của người lao động. Truyền thống hiếu học và sự khuyến khích động viên giúp đỡ của các thành viên và tổ chức xã hội đối với sự học và người học cả về tinh thần và vật chất được phát huy cao độ, đạt hiệu quả rất đáng kể.

Nhưng từ một mô hình giáo dục hiện nay chuyển sang nền giáo dục mở - xã hội học tập, sự nghiệp giáo dục tỉnh Thanh Hóa còn nhiều bất cập. Sự nghiệp giáo dục phát triển nhưng vẫn chưa bảo đảm công bằng xã hội về học tập, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo; giáo dục còn thiên về dạy “văn hóa” thuần túy mà chưa quan tâm đầy đủ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Chất lượng đào tạo toàn diện còn hạn chế. Hàng năm tỉnh Thanh Hóa có tỷ lệ tốt nghiệp THPT, đậu đại học khá nhưng tỷ lệ người lao động được đào tạo nghề rất thấp, ảnh hưởng không tốt đến năng suất lao động, việc làm. Vẫn còn là một nền giáo dục chưa đa dạng được các loại hình đào tạo, còn thiếu sự liên thông và liên tục, chưa coi trọng giáo dục thường xuyên đối với người lao động; xã hội hóa giáo dục chưa sâu, nhưng sự đầu tư cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo của Nhà nước vẫn còn hạn chế.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, “sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển” phải có quốc sách. Đảng ta xác định cùng với khoa học, giáo dục là “quốc sách hàng đầu”. Báu vật của một đất nước phát triển trong thời đại ngày nay đó là trí tuệ, đó là nguồn nhân lực có chất lượng cao và phải có những nhân tài. Thực hiện một nền giáo dục mới - xã hội học tập chính là nhằm góp phần đáp ứng những yêu cầu trên.

CAO SƠN HẢI
 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
hue dang - Đăng lúc: 19/07/2013 10:51
bai viet tot
 

Lời nói đầu

Lời nói đầu Được thêm vào: 20:55 ICT Thứ ba, 30/11/2010 Thực hiện chủ trương của Hội Khuyến học Việt Nam nhằm tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội...

Thăm dò ý kiến

Có nên ra đời tờ Tạp chí Khuyến học

Cần thiết

Không cần

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 149
  • Hôm nay: 423
  • Tháng hiện tại: 273225
  • Tổng lượt truy cập: 17985914