Hình thành và phát triển
- Thứ năm - 16/12/2010 09:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
I. Hình thành và phát triển
Hội Khuyến học TP Hồ Chí Minh thành lập ngày 4 tháng 4 năm 1997, đến nay, việc phát triển tổ chức Hội càng được đẩy mạnh. Xã Xuân Thới Sơn huyện Hóc Môn là xã đầu tiên thành lập Hội cấp xã, phường do một vị thiếu tướng Quân đội nhân dân đã nghỉ hưu làm Chủ tịch. Trong một thời gian ngắn, nhiều quận, huyện như quận 1, 3, Phú Nhuận…, huyện Hóc Môn, Bình Chánh cùng rất nhiều phường, xã thành lập Hội, đặc biệt phát triển mạnh trong những năm gần đây và quận sau cùng thành lập Hội là Thủ Đức (tháng 3/2004).
Như vậy, đến nay cả 24 quận, huyện, kể cả 2 quận mới tách ra là Bình Tân và Tân Phú đều có tổ chức Hội.
Ban chấp hành Hội các quận, huyện có 552 ủy viên gồm các cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, nhà giáo nghỉ hưu giàu tâm huyết cùng các cán bộ còn đương chức, các doanh nghiệp, các nhà hoạt động văn hóa, xã hội, các vị chức sắc tôn giáo… tự nguyện tham gia Hội Khuyến học.
Nhiều Hội quận, huyện đã đặt vấn đề xây dựng tổ chức Hội cơ sở là một nhiệm vụ trọng tâm. Nhờ đó, một mạng lưới tổ chức Hội đã hình thành mau chóng trên hầu hết xã, phường, thị trấn. Nổi bật là các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 9, 11, 12, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi đến nay đã có 290 Ban chấp hành Hội Khuyến học phường xã gồm 5220 ủy viên.
Các Chi hội Khuyến học phát triển nhanh ở khu phố, ấp và tổ hội ở các tổ dân phố, xóm, hình thành một mạng lưới chân rết ở cộng đồng dân cư, bám chặt vào nhân dân. Nhiều quận, huyện đã có từ 50% khu phố, ấp trở lên có chi hội khuyến học như quận 1 (64/64), 498 tổ hội ở 995 tổ dân phố; quận 11 có 62/62 chi hội; quận Tân Bình (103/164), quận 12 (44 chi hội, 712 tổ hội), quận 3 (64/65), quận 10 (70 chi hội và 508 tổ hội), Phú Nhuận (42/61 khu phố có chi hội) và 122 tổ hội, quận 4 (32 chi hội, đạt tỷ lệ 62,70% và 148 tổ hội), Bình Chánh (77 chi hội)…
Tổ chức Hội còn phát triển vào các trường học mà điển hình nhất là ở quận 1 (42 chi hội/42 trường học), Tân Bình, Bình Chánh (33/77 chi hội); vào các cơ quan, xí nghiệp, cơ sở kinh tế, thương mại - dịch vụ, các cơ sở tôn giáo (Tân Bình), quận 5 (22/33 trường học), đặc biệt là các hội quán người Hoa (Tuệ Thành, Hải Nam, Sùng Chính, Nghĩa An, ngôn ngữ Phước Kiến (Nhị Phủ Miếu, Ôn Lăng))…
Ngoài ra, một số Ban liên lạc đồng hương các tỉnh ở thành phố Hồ Chí Minh như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Thuận, Hà Nam, Vĩnh Long, Bến Tre, Khánh Hoà cũng phối hợp tổ chức Hội Khuyến học nhằm giúp đỡ học sinh, sinh viên tại chỗ và ở quê hương vượt khó, học giỏi…
Một điều đáng quan tâm là tổ chức Hội phát triển nhanh nhưng số hội viên vẫn còn hạn chế, có nơi còn quá ít. Cho đến nay, thành phố có 82.640 hội viên. Hội viên đại đa số là nhà giáo nghỉ hưu, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, người cao tuổi, các nhà doanh nghiệp, Việt kiều, thân nhân Việt kiều, bà con người Hoa… Có nơi như ở Tân Bình, quận 5, Bình Thạnh, một số vị chức sắc tôn giáo cũng tham gia Hội. Gần đây có hiện tượng đáng mừng là các gia đình hiếu học đều tự nguyện tham gia Hội. Đáng chú ý ở một số chi bộ, Đảng bộ cơ sở, hầu hết đảng viên đều tham gia làm hội viên của Hội như ở quận 1, 3, 5, Phú Nhuận và Tân Bình.
II. Đánh giá chung
Sau thời gian hoạt động, Hội Khuyến học thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả quan trọng:
1. Hệ thống tổ chức Hội đã được xây dựng và phát triển đều khắp quận, huyện, phường, xã và một số trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh,… tạo được một mạng lưới khuyến học gắn liền với cộng đồng dân cư và đưa công tác khuyến học đến tận hộ gia đình.
2. Bước đầu đã phát động được phong trào khuyến học, khuyến tài, có chuyển biến tích cực trong quá trình thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập. Đã xây dựng một số mô hình phường, xã, trường học làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, động viên nhân dân học tập, xây dựng gia đình hiếu học và hỗ trợ phát triển giáo dục có kết quả thiết thực.
3. Tập hợp và xây dựng đội ngũ cán bộ, có hàng ngàn các bộ đã nghỉ hưu là những nhà tài trợ có tâm huyết và nhiệt tình, chịu thương chịu khó, hăng hái tham gia công tác Hội, góp phần thực hiện có kết quả chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.
4. Huy động được nguồn lực, xây dựng được hệ thống Quỹ Khuyến học từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã đạt kết quả rất đáng mừng, phục vụ thiết thực cho các chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục, nhất là ở vùng sâu vùng xa và bộ phận học sinh, sinh viên, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.
5. Từ phong trào, đã xuất hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến như số quận, huyện, phường, xã đã năng động, sáng taọ, tuân thủ nghiêm túc sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền, biết khơi dậy truyền thống hiếu học của nhân dân, liên kết chặt chẽ với các ngành, đoàn thể tạo ra sức mạnh tổng hợp, phát huy được phong trào khuyến học khá sôi nổi và có hiệu quả. Thành hội Khuyến Học đã tặng cờ thi đua cho các quận, huyện có thành tích xuất sắc như các quận 1, 4, 10, 12, Phú Nhuận, Tân Bình và huyện Bình Chánh, Hóc Môn.
Ủy ban Nhân dân Thành phố đã tặng bằng khen cho Hội Khuyến học với những thành tích đạt được trong năm 2000. Trung ương Hội cũng đánh giá cao sáng kiến, kinh nghiệm của Thành phố và tặng cờ thi đua xuất sắc cho Hội Khuyến học Thành phố Hồ Chí Minh năm 2001 và 2003.
6. Hội Khuyến học Thành phố cũng quan tâm đẩy mạnh công tác đối ngoại để tuyên truyền về công tác khuyến học. Nhiều vị người Nhật Bản, Pháp, Anh, Thụy Điển… đã tự nguyện giúp đỡ tài trợ cho Quỹ Khuyến học.
Những thành tựu trên của Quỹ Khuyến học Thành phố Hồ Chí Minh trước hết bắt nguồn từ sự quan tâm lãnh đạo của Thành ủy, UBND Thành phố và các cấp ủy Đảng, chính quyền các quận, huyện, phường, xã, đồng thời Hội còn được Trung ương Hội chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời về công tác khuyến học cũng như quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội. Mặt khác, Hội còn được sự hỗ trợ, liên kết, phối hợp của Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố và các phòng Giáo dục – Đào tạo quận, huyện, các cấp Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội, tạo được sức mạnh tổng hợp để duy trì và phát triển phong trào. Cuối cùng, một nhân tố rất quan trọng trực tiếp là đội ngũ cán bộ Hội mà trước hết là các vị trong Ban thường vụ và trong Ban chấp hành Hội của các quận, huyện, phường, xã, các vị cốt cán trong các chi hội, tổ hội đầy nhiệt tình, tâm huyết, vượt qua nhiều khó khăn, nỗ lực phấn đầu, hoàn thành tốt những nhiệm vụ, công tác chủ yếu của Hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, công tác Hội còn nhiều mặt hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, chưa phát huy được ở mức cao tiềm năng to lớn của Thành phố trong lĩnh vực xã hội hóa giáo dục.
Tổ chức Hội tuy đã có bước phát triển đều khắp nhưng số hội viên hiện có vẫn chưa tương xứng với số dân của Thành phố, chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa đồng đều giữa các quận, huyện và cơ sở. Hiện còn khá nhiều quận, huyện, phường, xã phong trào còn yếu, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu năng động, sáng tạo, thiếu tranh thủ sự lãnh đạo của cấp Ủy, chính quyền và thiếu sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục – Đào tạo và các đoàn thể.