Hai vợ chồng mù nuôi con ăn học thành tài

Đăng lúc: Thứ hai - 20/12/2010 08:40 - Tác giả bài viết: Kim Thanh
“Hai vợ chồng tôi vốn đã không thấy đường, chỉ có hai thằng con trai, nhà lại thiếu trước hụt sau. Tôi chỉ mong cho hai con mình học hành chăm chỉ, phát triển sự học là vui lắm rồi”. Đó là lời nói tâm tình của bậc làm cha, làm mẹ trong gia đình của ông Hồ Văn Ảnh ngụ tại Khu phố 4, thị trấn Nhà Bè.
Ông Hồ Văn Ảnh và bà Đỗ Kim Hội

Ông Hồ Văn Ảnh và bà Đỗ Kim Hội

Ông Hồ Văn Ảnh (sinh năm 1954) và vợ là bà Đỗ Kim Hội (sinh năm 1962) gặp gỡ và cảm mến nhau từ hồi còn làm chung trong xí nghiệp đan lát mây tre ở Quận 4. Thế rồi họ quyết định tiến tới hôn nhân, dù biết cuộc sống trước mắt đầy những khó khăn, gian khổ (bởi cả hai đều là những người cùng có điểm chung: “khiếm thị”) song họ vẫn vui vẻ sống với nhau.

Rồi một ngày nọ, hai vợ chồng mù cũng có niềm vui mới. Các cậu con trai lần lượt ra đời (đó là Hồ Kiên Tập – sinh năm 1980 và Hồ Đỗ Ngọc Tú – sinh 1987). Niềm vui chưa trọn thì bao nhiêu âu lo cứ càng chất chồng vào hai vợ chồng.

Nghèo nhưng sự học là trên hết!

Với hai vợ chồng của ông Hồ Văn Ảnh và Đỗ Kim Hội thì không gì hạnh phúc hơn khi thấy con mình biết được cái chữ. Bởi với hai vợ chồng mù ở miệt Nhà Bè xa xôi thì “đời cha đã khổ đã không được học tới nơi tới chốn thì con cái cũng phải hơn cha mẹ của chúng”, ông Ảnh tâm sự.

Vì vậy, khi các con vừa biết nói, cả hai vợ chồng đều hết mực quan tâm, lo lắng và dạy dỗ hai đứa trẻ từng ly từng tí. Ngày nào cũng vậy, mỗi khi đi bán vé số về là ông Ảnh cùng vợ dạy học cho các con, không bỏ bữa nào.

Không thấy đường nhưng vẫn dạy con học tới nơi tới chốn

“Cái khó nhất là lúc dạy con viết”, bà Hội nói. Mỗi ngày ông Ảnh phải dò từ theo hệ chữ dành cho người khiếm thị. Rồi dạy cho con nói. Khi con trả lời ông bắt các con phải nói thật to, thật rõ để rèn cách phát âm chính xác. Riêng về phần viết, mỗi khi các con làm bài xong, hay viết chữ ông đều chạy qua các nhà hàng xóm nhờ họ xem lại coi co đúng có đẹp hay không.

Cứ thế ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng khác. Công việc theo dõi, dạy cho các con ông Ảnh không bỏ ngày nào cho đến khi các con lớn.

Niềm sung sướng khi nghe hai con cầm tờ báo đọc thông tin cho cha mẹ nghe, dạt dào hạnh phúc khi các con đạt danh hiệu học sinh giỏi suốt 12 năm liền.

Hiện nay, người con trai lớn của ông Ảnh đã tốt nghiệp ĐH Bách Khoa và có công việc ổn định. Còn người con trai út đã là sinh viên năm 3 trường ĐH Bách Khoa – ngành Hóa.

Cuộc sống tạm ổn định

Khi tiếp chuyện chúng tôi, hai vợ chồng ông Ảnh không nén nổi vui mừng khi gia đình đã có một mái nhà lành lặn. Trước đây gia đình bác sống trong cảnh thiếu trước hụt sau. Trời nắng thì đỡ, mỗi khi trời mưa không chỗ này thì chỗ kia cũng dột. Chỗ học tập cho các con chỉ là cái giường, cái bàn ăn tạm bợ mà thôi.

Hiện nay, khi người con trai lớn đã đi làm, gia đình cũng đỡ phần cực nhọc hơn. Có thể nói, cuộc sống của gia đình cũng tạm ổn định.

Rời khỏi nhà ông Ảnh, chúng tôi không khỏi suy nghĩ về câu nói của hai bác “khi nào các con học hành tới nơi, tới chốn, khi nào nhân cách các con hoàn thiện, biết học, biết làm, biết cư xử thì lúc đó bổn phận theo dõi, đôn đốc, dạy dỗ các con mới tạm thời gác lại”.

Tác giả bài viết: Kim Thanh
Nguồn tin: Hội Khuyến học Thành phố Hồ Chí Minh
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 120
  • Hôm nay: 137
  • Tháng hiện tại: 272939
  • Tổng lượt truy cập: 17985628

Thăm dò ý kiến

Có nên ra đời tờ Tạp chí Khuyến học

Cần thiết

Không cần

Lời nói đầu

Lời nói đầu Được thêm vào: 20:55 ICT Thứ ba, 30/11/2010 Thực hiện chủ trương của Hội Khuyến học Việt Nam nhằm tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội...