TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Gương sáng khuyến học & GD | Nghị lực sống và tấm lòng nhân ái
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Ba 2024
T2T3T4T5T6T7CN
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Gương sáng khuyến học & GD 03.2024
Nghị lực sống và tấm lòng nhân ái
12.2008

Xem hình
Anh Lương Công Xuân hướng dẫn các em kỹ thuật pha mầu trên bức tranh thêu.
Hơn 30 năm trước, có một chàng trai tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ, dù anh thuộc diện ưu tiên vì cha là thương binh, anh trai đang ở chiến trường. Và 30 năm sau, người dân vùng quê nghèo chiêm trũng Yên Dũng (Bắc Giang) này lại chứng kiến, cảm phục ý chí, nghị lực và tấm lòng rộng mở của một con người.

Anh là Lương Công Xuân, thương binh 1/4 - Giám đốc Công ty cổ phần Vạn Xuân 27-7.

Hành trình trở về của người thương binh nặng

Từ chiến trường trở về quê hương với một phần cơ thể không lành lặn, anh tiếp tục nhận nhiệm vụ tại Lữ đoàn công binh N 75, đảm trách rà phá bom mìn.

Năm 1982, một tai nạn kinh hoàng ập xuống khi anh đang làm nhiệm vụ. Tỉnh dậy sau bảy ngày hôn mê, anh đối diện với sự thật phũ phàng: các bác sĩ chẩn đoán khả năng phải khoét một bên mắt, cắt một bên chân cùng khuôn mặt biến dạng và nhiều tổn thương nội tạng. Sau một đêm vật vã đấu tranh với những cơn đau thể xác và nỗi đau tinh thần, anh khẩn thiết đề nghị bác sĩ, bằng mọi giá giữ lại những gì có thể. Cảm phục nghị lực của chàng trai trẻ, Bệnh viện Quân y 1 đã đồng ý điều trị tích cực với tất cả khả năng, cố gắng giữ lại một bên mắt và đôi chân.

Suốt bốn tháng sau, Lương Công Xuân luôn phải gồng mình chống chọi những cơn đau, nhưng anh kiên quyết hạn chế sử dụng moóc-phin, bởi sợ lạm dụng sau này bị nghiện. Ðể không mất đôi chân, anh ra sức tập đi, dù bắp chân trái đã bị loại bỏ gần hết phần cơ. Những bước chân đau buốt làm anh nhiều lần ngất xỉu. Còn khuôn mặt khiến anh chẳng dám nhìn gương. Nhưng sức mạnh tuổi 20 và ý chí quyết không cho phép mình gục ngã đã kéo anh đứng dậy.

Nỗ lực của bản thân và sự tận tình của những người thầy thuốc đã chiến thắng. Anh được xuất viện về Trại điều dưỡng thương bệnh binh 159. Tại đây, anh được chăm sóc chu đáo, và được sống cùng những thương, bệnh binh có chung cảnh ngộ. Mặc cảm trong anh cũng dần nguôi bớt, nhưng thâm tâm luôn đau đáu một nỗi niềm, mình trở thành vô nghĩa khi tuổi đời còn quá trẻ. Sau nhiều trăn trở, anh viết đơn xin được về quê.

Gian truân lập nghiệp

... Quê anh vẫn thế, vẫn nghèo. Ðồng đất chiêm trũng chỉ cấy trồng được một vụ. Về quê với hai bàn tay trắng, một thân hình tiều tụy và bộ mặt méo mó, khó coi. Làm gì để sống, để không thành gánh nặng cho gia đình? là câu hỏi luôn giày vò anh.

Bắt đầu vay mượn tiền bạc, đóng gạch, đốt lò. Vì thiếu kinh nghiệm, lò thứ nhất chỉ chín khoảng 30%, lò thứ hai khá hơn một chút 50%, vẫn lỗ. Thêm vào đó, công việc vất vả khiến bệnh tình tái phát. Không trụ được, anh đành "cắn răng" bán tất cả, đi tìm nghề mới phù hợp sức khỏe của mình. Vào nam, ra bắc.

Làm thuê và học nghề, từ làm củ mì (củ sắn), làm bánh đậu xanh... nhưng "cái khó bó cái khôn", không có vốn, không thể mang nghề về được. Sau nhiều năm lăn lộn khắp nơi, anh lại quyết định trở về. Ðược một người đồng đội làm nghề may giúp đỡ, một lần nữa, anh lên đường ra Hà Nội tìm một ông thầy giỏi nghề may, xin học. Tuy mắt không sáng, chân không lành như mọi người nhưng bù lại với óc sáng tạo và lòng say mê, nên chưa đầy một tháng anh đã học hết những bài cơ bản về nghề cắt may...

Rồi một ngày, người ta thấy bên bến sông quê thơ mộng, xuất hiện một cửa hiệu nho nhỏ có tên Nhà may Xuân. Nhờ chăm chỉ học hỏi và chu đáo, khách đến đặt anh cắt may ngày một đông. Cũng thời gian ấy, một cô gái làm ở phòng thống kê huyện cảm phục chàng trai tuy xấu xí nhưng có nghị lực và khát khao sống mãnh liệt, đã yêu mến và họ nên duyên.

Tưởng cuộc sống đã yên bề, tạm đủ, nhưng một đêm vắng nhà, trộm vào khua sạch những gì họ dành dụm được, cả những bộ quần áo vừa may xong, khách chưa kịp lấy. Nợ nần chồng chất, người ta đến bắt lợn, gà, gặt lúa trừ nợ. Cuộc sống lại trở về số không. Không đành nhìn vợ con nghèo khổ, anh lại mày mò, kiếm việc, làm thuê, tích trữ vốn liếng để tiếp tục nâng cao nghề may. Rồi cả hai vợ chồng cùng ra Hà Nội.

Anh học may com-lê, vet-ton. Chị học cắt áo dài. Nhà may Xuân trở nên nổi tiếng khắp vùng. Cũng từ đó, anh chị gây dựng cơ nghiệp. Khi cuộc sống gia đình đã tạm đủ, anh lại nghĩ đến những người chung quanh. Qua tìm hiểu, anh nhận thấy quê mình người đông mà đồng đất ít, thời gian nông nhàn nhiều nhưng không có nghề phụ. Sẵn nghề học được, anh xin huyện, xin tỉnh cho phép mở lớp dạy nghề. Trong quá trình dạy, thấy mình có kinh nghiệm, tay nghề nhưng không có khả năng sư phạm, nên phương pháp chuyển tải đến học viên hạn chế, thế là anh xin học khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm tại Ðại học Công nghiệp Hưng Yên.

Anh dày công đến các làng nghề truyền thống, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp, vận động, mời gọi nghệ nhân đến Yên Dũng dạy nghề. Và lớp học nghề lớn dần, trở thành Trung tâm dạy nghề Tân Xuân. Hàng nghìn người đã được đào tạo nghề may, cơ khí, thêu ren, làm hoa lụa, móc sợi xuất khẩu...

Học được nghề rồi nhưng để phát triển nghề và tận dụng lao động nhàn rỗi ở địa phương lại là vấn đề khác. Nghĩ và làm, thế là anh lên đường tìm người cung cấp nguyên liệu, tìm nơi bao tiêu sản phẩm, để người dân học nghề rồi, có việc làm, thu nhập ổn định, có lúc con số này lên tới hơn một nghìn người...

Nâng đỡ người khuyết tật

Sau những thăng trầm của cuộc đời, anh có thể tự hào đã tạo cho mình và gia đình một cuộc sống tương đối vững chắc, có thể tận hưởng an nhàn. Nhưng anh đã không nghĩ thế. Những lần gặp gỡ đồng đội, những người từng cùng anh kham khổ một thời, nhiều hoàn cảnh khiến anh không thể không suy nghĩ. Ðồng đội mình vẫn khổ quá. Có người bị ảnh hưởng chất độc da cam, di chứng để lại cho thế hệ sau thật đau lòng. Những cuộc gặp ấy trở thành cầu nối để rất nhiều con em của đồng đội cũ được anh đào tạo nghề miễn phí.

Cũng từ đấy, anh viết thư mời, gửi về các địa phương, kêu gọi sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, giới thiệu các cháu tật nguyền đến trung tâm của anh học nghề.

Anh tâm sự: "Bản thân tôi là người khuyết tật, tôi thấu hiểu và chia sẻ với các em sự mặc cảm, cô đơn. Trước đây, khi trở về từ trại an dưỡng, ai nhìn mình lâu một chút, chăm chú một chút cũng làm mình tủi phận. Bởi vậy, tôi muốn các em có một gia đình lớn, có bạn bè để chia sẻ, và hơn thế nữa có việc làm và thu nhập từ chính đôi tay của mình, được sống bằng chính sức lao động của các em".

Thăm khu nhà và nơi làm việc của hơn 20 em khuyết tật trong lớp thêu tranh nghệ thuật, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự ngăn nắp, gọn gàng. Cả phòng làm việc im phăng phắc, chỉ nghe tiếng chỉ ràn rạt kéo lên, kéo xuống cùng những đường kim thoăn thoắt. Anh Xuân cho biết, các em ở đây mỗi người một hoàn cảnh, em thì câm, điếc, em thì bị liệt hai chân... chỉ có đôi tay khéo léo và đôi mắt tinh nhanh.

Dạy người bình thường khó một, dạy các em sự kiên trì phải gấp hơn thế nhiều lần. Nghề thủ công mỹ nghệ đòi hỏi sự chăm chỉ, tỉ mỷ và tinh ý. Quan sát các em thêu, những bức chân dung biểu cảm, hình ảnh làng quê sinh động... hiện dần qua từng đường kim, mũi chỉ, thành thục và điêu luyện.

Hiện nay, sản phẩm của các em được trưng bày tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Quảng Ninh và tại nhiều hội chợ triển lãm. Nhiều tác phẩm đã đoạt giải cao tại các cuộc thi tay nghề trên toàn quốc.

Năm 2007, anh Xuân đã đem thế chấp toàn bộ số tài sản của mình, vay vốn ngân hàng để thuê hơn 5.200 m2 đất, xây dựng cơ sở vật chất; công ty đổi thành Công ty cổ phần Vạn Xuân 27-7, mời một số anh em, đồng đội cùng làm với mong muốn, sau này khi sức khỏe không cho phép, nếu anh em, con cháu mình tiếp quản được thì tốt, còn không sẽ giao lại cho các tổ chức xã hội, để tiếp tục giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh.

Trong căn nhà mặt phố khang trang ở thị trấn Neo, huyện Yên Dũng, còn treo rất nhiều bức ảnh ghi nhớ những kỷ niệm trong cuộc đời anh, cùng nhiều bằng khen, giải thưởng... Trong ráng nắng của chiều trung du mùa đông, nụ cười của anh vẫn rạng ngời niềm tin yêu cuộc sống.

Bài và ảnh: Tiểu Phương

(Theo Nhân Dân ĐT)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh
Sơn La tìm giải pháp nâng cao chất lượng trung tâm học tập cộng đồng
Nâng cao hiệu quả công tác khuyến học - khuyến tài tại các tỉnh vùng Tây Bắc
Giao ban công tác khuyến học - khuyến tài khu vực Đông Bắc năm 2023
Hội khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tìm cách tháo gỡ khó khăn trong công tác khuyến học
Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Công an phối hợp đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong lực lượng công an nhân dân


Thời gian mở trang: 0.200 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.