TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Xây dựng xã hội học tập | Cải cách giáo dục-đào tạo ở Nhật Bản hiện nay và so sánh với Việt Nam
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Xây dựng xã hội học tập 04.2024
Cải cách giáo dục-đào tạo ở Nhật Bản hiện nay và so sánh với Việt Nam
10.2008

Xem hình
BBT-Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng Bạn đọc bài viết của tác giả Trần Anh đăng trên Báo điện tử Đảng Cộng sản VN. Bài viết này góp phần nghiên cứu, phản ánh những thông tin cơ bản về cuộc cải cách giáo dục–đào tạo ở Nhật Bản hiện nay. Qua đó hy vọng có thể so sánh, liên hệ để vận dụng những yếu tố phù hợp vào thực tiễn cải cách và phát triển giáo dục-đào tạo ở Việt Nam hiện nay.

(Kỳ 1: Nguyên nhân và nội dung cải cách)

1. Vì sao Nhật Bản phải cải cách giáo dục-đào tạo?

Chú trọng công tác giáo dục- đào tạo (GD-ĐT), phát triển nguồn nhân lực đã được coi là một trong những nguyên nhân rất cơ bản và quan trọng giúp cho Nhật Bản từ một nước phong kiến nông nghiệp lạc hậu đầu thế kỷ 19 nhưng từ sau năm 1868 nhờ thực hiện cuộc Duy Tân Minh Trị mang tên Thiên hoàng Meiji (Minh Trị), tiến hành mở cửa với phương Tây, đến đầu thế kỷ 20 Nhật Bản đã trở thành một nước công nghiệp phát triển.

Không chỉ vậy, cũng do rất coi trọng công tác GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực nên mặc dù Nhật Bản đã là nước bại trận bị tàn phá nặng nề, kinh tế suy sụp nghiêm trọng sau Thế chiến hai do theo đuổi chủ nghĩa phát xít Đại Đông Á nhưng sau đó chưa đầy hai thập niên, vào những năm 1960-1970 Nhật Bản đã vượt lên trở thành cường quốc thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Cho đến trước thập niên 90 của thế kỷ XX, Nhật Bản đã trải qua 2 lần đại cải cách GD-ĐT và cả hai lần đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ mô hình GD-ĐT của phương Tây, đặc biệt là của Mỹ.

Cuộc đại cải cách GD-ĐT lần thứ nhất do chính Thiên hoàng Minh Trị khởi xướng và trực tiếp chỉ đạo kể từ năm 1872, nghĩa là chỉ sau 4 năm Tướng quân Meiji nắm bính quyền Thiên hoàng Nhật Bản và thực hiện công cuộc Duy Tân Minh Trị mở cửa học tập, hợp tác với phương Tây k ể từ năm 1868.

Cuộc đại cải cách GD-ĐT lần thứ hai được tiến hành từ năm 1947, sau khi Thế chiến hai đã kết thúc được hai năm.

Nhờ cả hai cuộc đại cải cách trên đây mà theo từng thời kỳ lịch sử tương ứng trên, người Nhật đã làm cho cả thế giới ngạc nhiên, khâm phục về những kỳ tích phát triển.

Riêng đối với cuộc đại cải cách GD-ĐT lần thứ hai, nhiều kết quả nghiên cứu đã đánh giá rất cao vai trò của nó, đã tạo cho người Nhật có được một hệ thống GD-ĐT ra đời sau chiến tranh cho dù dưới sự tác động của những cải cách mang tính bắt buộc của Mỹ song nó đã có công rất lớn đối với việc GD-ĐT nguồn nhân lực cần thiết cho công cuộc CNH, HĐH nước Nhật. Đó chính là một trong những nguyên nhân cơ bản đưa lại thành tựu tăng trưởng cao liên tục suốt những năm 1955-1973, tạo đà để Nhật Bản sớm trở thành “hiện tượng kinh tế thần kỳ” ở Đông Á và “hoá rồng” ngay từ cuối thập niên 60 của thế kỷ XX.

Nghiên cứu so sánh cho thấy, về cơ bản hệ thống GD-ĐT đã có được nhờ cuộc đại cải cách lần thứ hai đó vẫn đi theo mô hình “lấy thầy giáo là trung tâm” đã có từ thời Minh Trị với những đặc trưng chủ yếu nhấn mạnh đến giáo dục cho học sinh tính tập thể, đến giáo dục phổ cập, đến việc ghi nhớ và bắt chước một cách thụ động các kiến thức đã học từ thầy giáo, làm hạn chế tính sáng tạo và tư duy độc lập của mỗi cá nhân học sinh. Mô hình này đã tỏ ra rất phù hợp với Nhật Bản ở những thập niên đầu ngay sau chiến tranh khi mà còn lạc hậu xa so với nhiều nước phương Tây vì đã không chỉ làm cho mặt bằng trình độ dân trí nói chung của đông đảo người Nhật được nâng cao nhanh chóng mà còn kịp thời đào tạo ngay được một đội ngũ lao động đủ lớn về quy mô và chất lượng trình độ khoa học-kỹ thuật, có thể tiếp thu ngay theo kiểu “copy” những tri thức và đủ khả năng cải tiến các công nghệ và kỹ thuật hiện đại nhập khẩu để nhanh chóng đuổi kịp các nước phương Tây tiên tiến hơn.

Tuy nhiên, từ khoảng những năm 1980 trở đi, hệ thống GD-ĐT Nhật Bản đi theo mô hình đó đã tỏ ra ngày càng bất cập, có những yếu tố không còn phù hợp với hoàn cảnh mới của nước Nhật và môi trường cạnh tranh quốc tế, khu vực. Tình thế đó đã đòi hỏi Chính phủ Nhật Bản phải tiến hành cuộc đại cải cách GD-ĐT lần thứ ba, khởi đầu được coi là từ năm 1986 và kéo dài cho đến nay vẫn chưa kết thúc. Điều cần lưu ý là do bối cảnh tình hình khi đó chi phối nên Nhật Bản đã không chỉ tiến hành riêng cuộc cải cách này mà họ đã tiến hành đồng thời cả các cuộc cải cách ở các lĩnh vực khác nhau như: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại, an ninh-quốc phòng... vì như đã biết, ngay từ giữa thập niên 1980, hầu hết các lĩnh vực khác nhau đó của Nhật Bản cũng đã đều bộ lộ những bất cập, thậm chí khuyết tật cần phải sửa đổi hoặc gạt bỏ hẳn để đổi mới lại cho phù hợp với yêu cầu phát triển. Thực tiễn cho thấy, Nhật Bản cũng đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế trầm trọng kéo dài suốt hơn thập niên kể từ đầu những năm 1990 cho đến năm 2003 trở đi mới hồi phục dần trong trạng thái tuy đã có tăng trưởng trở lại nhưng còn chậm chạp. Tốc độ tăng GDP chỉ dưới 2-3% bình quân hàng năm từ 2003 đến nay, riêng năm 2008 này theo dự báo của EPA (Cục Kế hoạch Kinh tế Nhật Bản) có thể chỉ khoảng 1,5%. Chính vì thế, cũng có thể nói rằng, không chỉ trong lĩnh vực GD-ĐT mà hầu hết các lĩnh vực khác nhau như đã nêu trên đều đã đang được Nhật Bản tiến hành cải cách lại.

2. Nội dung cơ bản của cải cách GD-ĐT ở Nhật Bản

Như đã nêu, ngay từ đầu những năm 1980, nền GD-ĐT của Nhật Bản tưởng như hoàn hảo đã bắt đầu bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Có thể kể ra những khiếm khuyết lớn nhất sau đây:

Trước hết, chức năng giáo dục của gia đình và cộng đồng đã suy giảm đáng kể. Trong trường học, các tệ nạn như bỏ học, bắt nạt nhau, bạo lực và các hành vi lệch chuẩn đạo đức đã gia tăng nhanh.

Thứ hai, đã có xu hướng ngày càng có thêm nhiều thanh niên thờ ơ với những vấn đề xã hội. Môi trường sống của các em nhỏ cũng đang có nhiều thay đổi theo hướng chúng đang bị mất dần những cơ hội giao tiếp để tạo dựng các mối quan hệ với cộng đồng xã hội xung quanh.

Thứ ba, do việc giáo dục mang tính bắt buộc, nhồi nhét kiến thức và chủ nghĩa bình quân quá mức đã làm tổn hại đến giáo dục, làm cho giáo dục không còn phù hợp với khả năng và cá tính năng động của mỗi học sinh, thậm chí có nguy cơ biến học sinh thành những “người máy” chỉ biết làm theo mệnh lệnh và công thức cứng nhắc.

Thứ tư, trong tình hình phát triển ngày càng gia tăng tính quyết liệt của cạnh tranh kinh tế, xã hội cũng như của khoa học và kỹ thuật, của quá trình toàn cầu hoá kinh tế và thông tin hoá... nên toàn bộ hệ thống giáo dục hiện hành từ giáo dục phổ thông, đến giáo dục cao đẳng dạy nghề, đại học, sau đại học đáng lẽ ra cũng chịu ảnh hưởng phải phù hợp theo để cùng cạnh tranh và phát triển thì trên thực tế nhận thức và thái độ của các chủ thể, khách thể đang cùng tham gia vào hệ thống này đều tỏ ra chưa thể đáp ứng đầy đủ, tương xứng với yêu cầu phát triển đó của thực tiễn thời đại, dẫn đến tình trạng đã giáo dục, đào tạo ra những con người tuy có đủ bằng cấp, chứng chỉ song lại bất cập trước những công việc mà xã hội yêu cầu.

Chính vì những khiếm khuyết cơ bản trên, thông qua cuộc đại cải cách lần thứ ba này, Nhật Bản sẽ phải tạo dựng được một hệ thống giáo dục có chức năng đào tạo nguồn nhân lực cho hiện tại và tương lai cần phải đổi mới theo hướng sẽ tạo ra những con người có sức sáng tạo mạnh mẽ để có thể đảm đương nhiệm vụ đưa Nhật Bản nhanh chóng vượt qua những khó khăn, thách thức của tình trạng trì trệ, khủng hoảng hiện nay (những năm cuối thập niên 80-90 của thế kỷ XX), tạo đà đưa Nhật Bản buớc vào thế kỷ XXI với tư thế vẫn xứng danh là một trong những cường quốc hàng đầu.

Nội dung cuộc đại cải cách GD-ĐT lần thứ ba này tập trung vào 4 mục tiêu lớn nhất sau:

* Thứ nhất là hướng tới hoàn thiện giáo dục nhân cách. Nội dung của việc hướng tới mục tiêu này gồm có:

- Nâng cao khả năng kết hợp giáo dục của gia đình và địa phương, phát huy sức mạnh của địa phương và gia đình vào việc giáo dục nhân cách cho các học sinh.

- Tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách trong nhà trường. Công việc này đang được nhấn mạnh để khắc phục tình trạng coi nhẹ việc giáo dục đạo đức trước đây.

- Thực hiện chế độ sinh hoạt thông thoáng, dân chủ để tạo điều kiện hoà đồng, thân thiện các mối quan hệ trong nhà trường, phát huy năng lực sáng tạo của cả thầy và trò.

- Đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng cao và tận tâm tận lực với nghề nghiệp để từ đó làm nền tảng cho GD-ĐT các thế hệ học sinh khá và giỏi, có đủ nhân cách đạo đức của những người chủ nước Nhật trong tương lai.

* Thứ hai là thực hiện chế độ trường học có khả năng phát huy cá tính và tạo cho học sinh những cơ hội lựa chọn đa dạng. Gồm những nội dung sau:

- Tiến hành hợp nhất giáo dục trung học cơ sở và trung học bậc cao thành trung học phổ thông. Hệ thống giáo dục Nhật Bản từ sau Thế chiến hai đến nay vẫn theo mô hình kiểu Mỹ, bao gồm: 9 năm giáo dục bắt buộc, trong đó: 6 năm tiểu học và 3 năm trung học cơ sở; tiếp theo đó là 3 năm trung học bậc cao không bắt buộc; và 4 năm đại học. Đó chính là mô hình giáo dục 9-3-4, hoặc cụ thể hơn còn gọi là mô hình giáo dục 6-3-3-4. Sau khi hợp nhất giáo dục trung học cơ sở và trung học bậc cao thành trung học phổ thông, sẽ trở thành mô hình giáo dục 6-6-4. Xu hướng tương lai, giáo dục Nhật Bản sẽ tiến tới cả 6 năm tiểu học và 6 năm trung học phổ thông là giáo dục bắt buộc nhằm sẽ phổ cập giáo dục phổ thông 12 năm cho toàn dân.

- Linh hoạt hoá việc tuyển chọn vào đại học và sau đại học. Để làm tốt việc này, ngay từ những năm cuối giáo dục phổ thông Nhật Bản đã chú ý khâu hướng học sinh vào các lớp chuyên môn học, chuyên khối học và thực hiện hướng nghiệp cho các em nhằm tự do phát triển năng khiếu và sở thích được đào tạo.

- Đổi mới phương pháp giáo dục và nội dung giảng dạy. Đây được coi là một nội dung rất quan trọng và đã có rất nhiều cuộc hội thảo, nhiều kiến nghị khác nhau, song khái quát lại đều nhằm đến một mục tiêu chung là phải đổi mới phương pháp pháp giáo dục và nội dung giảng dạy, trong đó bao hàm cả phương pháp dạy đối với thầy và phương pháp học đối với trò sao cho nâng cao được tính sáng tạo, độc lập của cả thầy-trò, với phương pháp cải cách chủ yếu là hình thành hệ thống giáo dục mới đề cao tư duy độc lập, sáng tạo, phát triển nhân cách thay thế cho hệ thống giáo dục truyền thống trước đây vốn “lấy thầy giáo là trung tâm” dẫn đến coi trọng việc học thuộc lòng các kiến thức truyền dạy của thầy giáo một cách máy móc, thụ động thì nay đổi mới là “lấy trò làm trung tâm” do đó sẽ đề cao được tính chủ động, năng động của trò và vì sự nâng cao không ngừng hiểu biết của trò mà thầy đương nhiên cũng phải không ngừng học tập, tự nâng cao kiến thức theo; gắn nhà trường với môi trường và cộng đồng xung quanh, nâng cao tính tự chủ địa phương của các nhà trường; kết hợp đúng đắn, sáng tạo tính truyền thống dân tộc với nâng cao tính quốc tế của các môn học, các hoạt động giáo dục...

Liên quan đến sự cần thiết phải đổi mới phương pháp dạy và học đối với cả thầy và trò, xin lưu ý rằng: đó đã là một trong những bức xúc của giáo dục Nhật Bản nhiều thập niên từ sau Thế chiến hai. Đó là các tình trạng ‘nhồi nhét kiến thức học quá tải”, “buộc phải học thêm”, “căng thẳng thi cử” “trường tư át trường công”... Học sinh Nhật Bản để đối phó với các kỳ thi tuyển PTTH, ĐH đều phải học miệt mài ngày đêm, song khi đã vào được các trường học thì lại không nhất thiết cần chăm chỉ học tập, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội sau này bị suy giảm. Xung quanh việc “ trường tư át trường công”, những ai đã quan tâm đến giáo dục Nhật Bản đều biết rõ về Juku là các cơ sở giáo dục tư nhân ra đời để dạy thêm cho học sinh theo 3 loại: học sinh chưa có trình độ; có trình độ (các khóa để hoàn thiện, bổ sung và nâng cao) và chuẩn bị thi (cho các kỳ thi tuyển vào trường). Khi đầu, các Juku này nhìn chung là hoạt động có hiệu quả, vừa đáp ứng được nhu cầu các học sinh vừa mang lại lợi ích chính đáng cho các nhà quản lý và các thầy của các Juku, song càng về sau này càng nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế, thậm chí đã trở thành “tệ nạn” vì tình trạng buộc nhiều học sinh phải chạy đua với “học thêm ngoài giờ rất căng thẳng” và rất tốn kém đối với các bậc phụ huynh do phải đóng những khoản “học phí cao ngất trời” như nhiều người Nhật đã phàn nàn. Trong cuộc chạy đua học thêm này, không phải chỉ học sinh khổ mà cả các thầy cũng khổ vì cường độ dạy của các thầy phải bỏ ra cũng rất căng mới có thể đáp ứng được nhu cầu của người học và quy định của các Juku, dẫn đến tình trạng khi đến trường chính của các thầy để giảng dạy thì cả thầy lẫn trò đều đã bị “kiệt sức”. Kết quả lợi ích lâu dài của việc GD-ĐT nguồn nhân lực Nhật Bản thì chưa thấy đâu, song trước mắt có lẽ chỉ có các nhà kinh doanh Juku thì ngày càng thu được nhiều hơn các khoản lợi nhuận rất lớn từ các hoạt động đã trở thành “ tệ nạn” này.

Hiện nay, thông qua cuộc đại cải cách GD-ĐT lần thứ ba này, Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp tích cực can thiệp để lập lại trật tự trong hoạt động của các Juku.

Liên hệ với Việt Nam, tuy ở mức độ khác nhau song ở nước ta hiện nay cũng đã và đang tồn tại “tệ nạn” này, vì thế nên chăng từ kinh nghiệm Nhật Bản cũng có thể rút ra được đôi điều hữu ích đối với Việt Nam về cách giải quyết vấn đề này.

* Thứ ba: xúc tiến việc chấn hưng nghiên cứu và cải cách giáo dục đại học theo hướng phù hợp hơn với vị thế cường quốc của Nhật Bản trong môi trường mới vừa cạnh tranh quyết liệt vừa ra sức hợp tác để cùng phát triển.

Hướng tới mục tiêu này, người Nhật đã và đang thực hiện nhiều nội dung như: hoạch định chính sách phát triển cho các trường đại học của thế kỷ XXI theo hướng đa dạng hoá linh hoạt hoá các cơ hội và hình thức học tập, sáng tạo cơ hội cấp bằng mới nhưng phải bảo đảm đúng quy chuẩn chất lượng và tính pháp lý; xúc tiến việc hợp tác nghiên cứu khoa học và nghiên cứu ứng dụng giữa các trường đại học và các cơ sở sản xuất; hoàn thiện hệ thống các cơ sở đào tạo trên đại học (đại học viện); đổi mới về cơ cấu tổ chức; thực hiện việc giao lưu hợp tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi lưu học sinh với các nước trong khu vực và toàn cầu... (Còn nữa)

Ảnh trên: Cảnh quan đô thị (tháng 2/1999) chụp từ tầng cao của Nhà ga Shibuya, quận Shibuya, Tokyo.

Trần Anh

Kỳ tiếp: Thành tựu và vấn đề đặt ra

(Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản VN)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'


Thời gian mở trang: 0.249 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.