TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Xây dựng xã hội học tập | Phát huy tinh thần “diệt giặc dốt” trong năm đầu sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, để xây dựng xã hội học tập ở nước ta
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Xây dựng xã hội học tập 04.2024
Phát huy tinh thần “diệt giặc dốt” trong năm đầu sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, để xây dựng xã hội học tập ở nước ta
09.2008

Xem hình
Bác Hồ đến thăm một lớp bổ túc văn hóa
Đảng ta chủ trương xây dựng xã hội học tập là nhằm mục tiêu cách mạng: nâng cao dân trí, làm cho Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái; điều này luôn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển lịch sử dân tộc; ở những thời điểm đặc biệt nó còn có ý nghĩa như một điểm tựa cho sự tồn vong của thể chế chính trị.

Muốn nâng cao dân trí thì trước hết Đảng và Nhà nước cần phải biết khơi dậy trong nhân dân tinh thần ham học mang tính mục tiêu cách mạng: học vì mình, học vì đất nước; điều này đã được thể hiện rất rõ trong năm đầu sau thắng lợi của Cách mạng mùa thu năm 1945.

Sau khi lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những kế sách cực kỳ trí tuệ để giải quyết vấn đề dân trí, góp phần quan trọng vào công cuộc chống thù trong giặc ngoài, xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ. Khi đó, với một nền dân trí rất thấp (hơn 95 % dân số mù chữ) lại đứng trước nguy cơ phải hứng chịu một nạn đói mới, đối mặt với họng súng của rất đông kẻ thù; trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” như vậy, Đảng và Hồ Chí Minh đã xác định đúng nguy cơ của từng loại kẻ thù, từ đó lựa chọn sự hoà hoãn, tạm lùi có sách lược ở những mức độ khác nhau trước từng kẻ thù ngoại xâm, nhưng lại kiên quyết tiến lên chống lại giặc dốt. Sự quyết tâm tiến hành đẩy mạnh cách mạng trong lĩnh vực văn hóa – xã hội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức hết sức sâu sắc rằng “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Việc lựa chọn diệt giặc dốt như một mặt trận lớn là thể hiện nhận thức của Đảng, Hồ Chí Minh trong vấn đề giác ngộ, vận động cách mạng, đưa quần chúng nhân dân (vốn là nạn nhân của chính sách ngu dân do thực dân Pháp để lại) vào đời sống chính trị của đất nước. Vì rằng nếu dân không đọc, không biết viết thì làm sao có thể nắm được thông tin Cách mạng, làm sao thực hiện được quyền dân chủ. Nhiệm vụ diệt dốt là một nội dung lớn mà Cách mạng dân tộc dân chủ phải tiến hành, chính điều này đã được Nguyễn Ái Quốc nêu trong yêu sách gửi đến Hội nghị Vec Xay (năm 1919), tiếp tục được nhấn mạnh trong Chương trình hành động của Mặt trận Việt Minh nêu lên ngay trước thềm cuộc Tổng khởi nghĩa; và tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời (3-9-1945), Hồ Chí Minh đã nêu 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó nhấn mạnh:“Hai là, mở chiến dịch chống nạn mù chữ”. Sở dĩ Người nhấn mạnh như vậy là vì nếu như dân trí được nâng cao sẽ là tiền đề mở lối cho những tư tưởng Cách mạng thấm nhuần vào quần chúng nhân dân, góp phần tôn thêm nền móng vững chãi để chính quyền non trẻ vừa mới ra đời có thể vượt qua những thử thách sống còn.

Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt sau khi Tuyên bố độc lập, Đảng và Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo tư tưởng “chiến tranh nhân dân” để tạo nên sức mạnh của một dân tộc, nhằm đẩy lùi giặc dốt - một thứ giặc mà thực dân Pháp đã sử dụng như một công cụ ngu dân để dễ bề cai trị (cho dù kẻ cai trị tự xưng là “nước Mẹ” đi khai hóa văn minh cho xứ An Nam). Một đất nước đang lâm vào tình thế kiệt quệ về kinh tế, lạc hậu về văn hóa xã hội và rối ren về chính trị, mà phải thực hiện sứ mệnh bảo vệ thành quả vô giá do cuộc Tổng khởi nghĩa mang lại là Chính quyền Cách mạng. Đây cũng là mục tiêu mà ta phải bằng mọi cách để bảo vệ, còn địch bằng mọi mưu ma chước quỷ để hòng tiêu diệt. Kẻ thù có vũ khí hiện đại cùng sự vào hùa của nhiều thế lực phản cách mạng trong và ngoài nước, còn chúng ta chỉ biết dựa vào sức mạnh và ý chí của nhân dân, song nếu không có tài trí của một chính Đảng và một vị Lãnh tụ lỗi lạc thì chắc không thể nào khơi dậy được sức mạnh tiềm ẩn trong muôn dân.

Lịch sử dân tộc đã từng cho thấy sức mạnh của cả một dân tộc được trỗi dậy mỗi khi có giặc ngoại xâm, mà tiêu biểu nhất là trong kháng chiến chống giặc Mông- Nguyên, chống giặc Minh, nhưng chưa từng thấy sự trỗi dậy của toàn dân trong cuộc chiến chống giặc dốt, vậy mà trong năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám, chúng ta đã thấy được sự vươn lên kỳ diệu của những thân phận mới vừa cách đó không lâu vốn còn là nô lệ nghèo hèn. Sự vươn lên ấy được khởi nguồn từ phương châm cách mạng giáo dục rất giản dị mà sâu sắc của Hồ Chí Minh: những người biết chữ dạy người chưa biét chữ, những người chưa biết chữ ra sức học cho biết chữ.

Thế là đêm đêm, sau một ngày lao động mệt nhọc trên đồng ruộng để đẩy lùi giặc đói, những người mặc áo nâu đi chân đất lại thắp đuốc, cầm đèn, cắp sách đi tìm con chữ trong những căn nhà ọp ẹp đơn sơ, khắp mọi xóm thôn vang lên tiếng đọc đánh vần, mà nào ai có hay ở đâu đó kẻ thù vẫn đang rình. Cứ như vậy, sự học được nhân lên trong từng nhà và lan ra tới cả những không gian bên ngoài lớp học bình dân, sự học được mọi người nhận thức và thực thi như một nghĩa vụ dưới nhiều hình thức có một không hai trong lịch sử dân tộc: trẻ chăn trâu tập viết dưới đất, bảng chữ cái được đặt dưới gốc cây gần ruộng làng để mọi người ra đồng có thể đọc vần, còn trước cổng chợ cũng treo mấy con chữ làm đề thi sát hạch, ai không đọc được thì phải quay về hoặc chui rạp mình qua cây tre, thậm chí thanh niên còn phải lội vòng qua ruộng mà vào chợ…Nhờ có tinh thần cách mạng của dân ta thuở ấy mà chỉ trong 1 năm, giữa muôn vàn khó khăn, gian khổ, không trường lớp, không đội ngũ giáo viên chính qui, không có kinh phí đầu tư của nhà nước…vậy mà dân ta đã xóa được nạn mù chữ. Chính điều đó đã củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, để giữ vững nền độc lập non trẻ và tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, đưa dân tộc ta từng bước tiến tới đài vinh quang trong sự nghiệp chống ngoại xâm, đánh bại 2 đế quốc to trên thế giới.

Cha ông ta thường dạy “ôn cổ tri tân”(đại ý là: ôn lại chuyện xưa để biết vận dụng cho cuộc sống thực tại), vậy nên nhắc lại những bài học kinh nghiệm về giáo dục trong năm đầu sau cách mạng Tháng Tám không nhằm bắt con cháu ta thời nay phải khắc khổ đi học, mà chỉ mong muốn dân ta hãy học lại bài học kinh nghiệm sâu sắc mà Đảng, Hồ Chí Minh vận dụng thành công trong một thời khắc lịch sử đặc biệt.

Trên nền tảng ấy, trong suốt chiều dài 63 năm qua Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng kế thừa, phát huy những bài học quí báu nêu trên vào việc đề ra chủ trương, đường lối, chính sách phát triển giáo dục phù hợp trong từng thời kỳ lịch sử. Do vậy, dù trong chiến tranh vệ quốc hay dưới thời bình, dù kinh tế còn nghèo nàn, nhưng chúng ta đã giáo dục và đào tạo được thế hệ trẻ biết tiếp bước xứng đáng với lịch sử hào hùng của dân tộc và mang tầm trí tuệ thời đại. Trong hơn 2 thập kỷ đổi mới đất nước, cùng với sự đi lên của kinh tế - xã hội, nền giáo dục nước ta đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào: hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; đang tiến hành phổ cập giáo dục THCS; mạng lưới trường lớp từ mầm non đến đại học phổ khắp mọi miền; hàng năm có khoảng một phần tư số dân trong độ tuổi học đường được đi học; giáo dục miền núi và những vùng khó khăn, nhất là đối với vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm, ưu tiên; truyền thống hiếu học của dân tộc được nhân lên trong nhân dân, sự quan tâm và chăm lo giáo dục thế hệ trẻ đã đi sâu vào mỗi gia đình, nâng cao tinh thần hiếu học, tạo ra phong trào khuyến học sâu rộng trong toàn quốc.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, nền giáo dục nước nhà đã và đang bộc lộ những bất cập, yếu kém (“bệnh thành tích ảo”, sự lạc hậu về chương trình nội dung và phương pháp giáo dục, nạn mua bằng bán điểm, chạy trường, chạy lớp; nạn bạo lực học đường; nguy cơ phân cực về cơ hội học tập của trẻ em), đang làm xói mòn niềm tin của nhân dân. Trước tình hình đó, đòi hỏi phải chấn hưng giáo dục, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, để từng bước thực hiện hoài bão lớn lao, tột cùng của Hồ Chí Minh: “dân ta ai ai cũng được học hành”. Để thực hiện được ước vọng của Người, Đảng ta đã chủ trương chuyển từ nền giáo dục tập trung bao cấp sang một nền giáo dục mở, tạo cơ hội cho mọi người được học tập suốt đời. Nền giáo dục mở chính là tiền đề rất quan trọng để xây dựng xã hội học tập, mô hình này đòi hỏi phải thiết kế lại hệ thống giáo dục quốc dân, xác lập cơ chế quản lý mới, xây dựng chương trình và phương pháp giáo dục hiện đại, có tính liên thông giữa các bậc học, cấp học. Nhưng mọi ý tưởng đều sẽ chỉ là ảo tưởng nếu như mỗi nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho xứng tầm với giáo dục hiện đại; và đặc biệt là mỗi học sinh, sinh viên không tự mình thắp sáng ngọn lửa hiếu học trên lộ trình học để làm người, học để nuôi sống bản thân, học để làm giàu cho đất nước.

Đó là sự tiếp nối ngọn lửa tinh thần “diệt giặc dốt” đã được nhân dân ta đốt lên trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám.

Tất thảy đó sẽ là sự nỗ lực vì mục đích xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

TS. Trần Viết Lưu Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề
Ban Tuyên giáo Trung ương

BBT (Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản VN)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'


Thời gian mở trang: 0.190 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.