TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Xây dựng xã hội học tập | Quy hoạch đào tạo đại học và cao đẳng theo nhu cầu
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Xây dựng xã hội học tập 04.2024
Quy hoạch đào tạo đại học và cao đẳng theo nhu cầu
05.2008

Xem hình
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt đề án "Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020" thay thế cho đề án "Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2001-2010" đã được phê duyệt trước đây. Quyết định là một văn bản quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho giáo dục đại học nước ta phát triển trong giai đoạn mới của đất nước.

Bối cảnh và điều kiện đất nước hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác lập và thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng (ÐH, CÐ) đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho CNH, HÐH và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước trong giai đoạn 2006-2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, quy hoạch mạng lưới trường ÐH, CÐ phải hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng và tăng cường hiệu quả của hệ thống giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng. Mạng lưới các trường ÐH, CÐ cần thể hiện được sự gắn kết xã hội về kinh tế và văn hóa; giữ vai trò của lực lượng vật chất bảo đảm cho đất nước không bị tụt hậu về khoa học - công nghệ, không bị lệ thuộc vào các điều kiện bên ngoài và đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức toàn cầu hóa. Kinh nghiệm từ các nước công nghiệp phát triển và các nước công nghiệp mới có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như Hàn Quốc, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a... chỉ ra rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò chủ đạo vào sự thành công của họ. Trên thực tế, các nước quan tâm phát triển giáo dục đại học từ khá sớm.


Mạng lưới trường ÐH, CÐ phải góp phần vào việc khắc phục tình trạng phát triển mất cân đối hiện nay giữa các vùng, miền; thông qua đó và bằng cách đó khẳng định tính chất ưu việt của chế độ xã hội XHCN về thực thi chính sách công bằng xã hội. Mạng lưới trường ÐH, CÐ phải thể hiện tính chất nền đại học của dân (ai có đủ điều kiện, khả năng học và muốn học thì phải tạo điều kiện cho họ học) và vì dân (những người nghèo, người sống ở các vùng khó khăn có cơ hội thuận lợi ngang nhau và bình đẳng tiếp cận giáo dục đại học như những người giàu, người sống ở thành phố và vùng thuận lợi; mọi người có thể dễ dàng chuyển từ hệ thống đại học chuẩn mực sang hệ thống đại học phi chuẩn mực); trên cơ sở đó tạo lập phong trào học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, phù hợp sứ mạng của nền giáo dục đại học đại chúng đang là xu thế phát triển chung trên thế giới.


Mạng lưới trường ÐH, CÐ cần quy hoạch theo hướng mở cửa giáo dục đại học ra thế giới; cho phép và thúc đẩy khả năng chuyển dịch sinh viên, giảng viên, cán bộ nghiên cứu và quản lý giữa các trường trong nước và các trường nước ngoài; đặt nhiệm vụ thu hút sinh viên nước ngoài vào học các trường ở trong nước, vừa là mục tiêu kinh tế, vừa là mục tiêu chính trị; đưa hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục đại học trở thành một giải pháp quan trọng bảo đảm sự thắng lợi trong môi trường quốc tế hóa. Theo dự báo, dân số nước ta sẽ tiếp tục tăng và chỉ ổn định từ sau năm 2050 với khoảng 125 triệu người. Năm 2020, cả nước sẽ có từ 8,5 triệu đến chín triệu thanh niên trong độ tuổi học đại học (từ 18 đến 22 tuổi). Theo quan điểm của các chuyên gia về giáo dục đại học trên thế giới, thích hợp với nền kinh tế công nghiệp và nền kinh tế tri thức, cần có ít nhất khoảng hơn 15%, trung bình khoảng 25-30% và cao là hơn 50% thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 22 học đại học. Ngoài ra, trong nền kinh tế thị trường, nhu cầu học đại học của những người đang hoạt động trong thị trường lao động vì những mục đích khác nhau cũng tăng lên. Thực hiện yêu cầu phát triển theo những định hướng xác định như đã nói ở trên, trong vòng 15 năm tới, mạng lưới các trường ÐH, CÐ nước ta cần được nâng năng lực đào tạo lên gấp khoảng ba lần hiện nay để đủ chỗ học tập cho khoảng 4,5 triệu sinh viên, bao gồm tất cả các phương thức đào tạo: tại trường, từ xa và qua mạng. Ðạt quy mô đào tạo này, số sinh viên bình quân/mười nghìn dân nước ta đạt khoảng 450 vào năm 2020 (năm 2006 số sinh viên/mười nghìn dân của Việt Nam là 166,5, trong khi năm 2001 của Ma-lai-xi-a là 323; năm 2004 của Thái-lan là 354; Phi-li-pin 292; Hàn Quốc: 651; Niu Di-lân: 595; Nhật Bản: 301; Ô-xtrây-li-a: 476; Liên bang Nga: 568; Anh: 353; Pháp: 333 và Mỹ: 548).

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 3-2007, cả nước có 362 trường ÐH, CÐ, trong đó có 150 trường đại học (bao gồm cả các trường thành viên của hai đại học quốc gia, Ðại học Thái Nguyên, Ðại học Huế và Ðại học Ðà Nẵng). Phần lớn các trường đại học đang tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và năng lực đào tạo của các trường đã được khai thác hầu như triệt để, khó có khả năng tiếp tục mở rộng quy mô tuyển sinh. Ðể đáp ứng nhu cầu của nhân dân và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho CNH và HÐH, việc tiếp tục thành lập mới một số trường ÐH, CÐ là cần thiết. Ðể cải thiện lớn chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản trị đại học, cần nhanh chóng xây dựng một số trường đạt tiêu chuẩn của các trường đại học tiên tiến trong vùng và của các nước đã phát triển; xây dựng một số trường đại học trở thành các cơ quan tư vấn cho Chính phủ về chính sách và công nghệ, về phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc thành lập các cơ sở đào tạo mới, sẽ tổ chức lại mạng lưới trường ÐH, CÐ theo nguyên tắc phân tầng (trường xếp hạng cao của thế giới; trường đào tạo định hướng nghiên cứu có trình độ tương đương các đại học nghiên cứu trung bình của các nước trong khu vực và trường đào tạo định hướng nghề nghiệp ứng dụng). Trong tổ chức mạng lưới, sẽ kết hợp giữa tập trung và phân tán để giảm tải số lượng sinh viên tập trung quá đông về các thành phố lớn, trên cơ sở đó từng bước điều chỉnh lại tình trạng phân bố cơ sở đào tạo nhân lực quốc gia không đồng đều giữa các vùng, miền và các trình độ, mở rộng xã hội hóa đại học, hướng giáo dục đại học vào các hoạt động phục vụ trực tiếp cộng đồng và đặt giáo dục đại học trong mối liên hệ chặt chẽ với dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp và các bậc học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Hiện nay đang có một số khó khăn trong việc triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới trường ÐH, CÐ giai đoạn 2006-2020. Một trong những thách thức lớn nhất là sự thiếu hụt các nguồn lực đầu tư, nhất là thiếu cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và diện tích đất xây dựng trường. Bên cạnh đó, hệ thống thể chế và chính sách vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ. Có thể lấy quy định về cơ chế hiện hành về giao quyền sử dụng đất để lập dự án đầu tư xây dựng trường làm thí dụ. Theo quy định về quản lý đất đai, chính quyền địa phương chỉ giao quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư khi đã có quyết định thành lập trường, trong khi một trong các tiêu chí quan trọng đầu tiên để thành lập trường đòi hỏi phải có địa điểm xây dựng. Trường hợp tuyển dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý là một thí dụ tương tự. Nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tư nhân, không thể tuyển dụng và trả lương cho giảng viên, cán bộ quản lý cũng như bỏ tiền vào đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khi chưa có quyết định thành lập trường. Ngược lại, cán bộ giảng dạy sẽ không về trường làm việc khi chưa có trường. Ðấy là chưa kể đến việc vì thiếu các điều kiện tiêu chí thành lập trường, thời gian xem xét, quy trình giải quyết các thủ tục thành lập trường gặp khó khăn và kéo dài, thậm chí khó hơn cả việc xem xét cấp phép cho các dự án đầu tư nước ngoài, làm không ít nhà đầu tư trong nước nản lòng. Thực tế, điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của một số trường mới được thành lập mà dư luận xã hội đề cập đến trong thời gian vừa qua xuất phát từ chính những nguyên nhân này. Ðiều này không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học, mà còn làm chậm lại quá trình mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học. Ðể việc thực hiện quy hoạch đạt hiệu quả kinh tế - xã hội như mong muốn, cần sớm vượt qua khó khăn trên đây. Giải pháp cơ bản cho vấn đề này, một mặt cần nhanh chóng đổi mới và cải tiến nội dung chương trình, quy trình và phương pháp đào tạo để sử dụng rộng rãi các phương pháp dạy và học tiên tiến trên thế giới hiện nay vào quản trị nhà trường. Mặt khác, rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách; nhất là các thể chế, chính sách liên quan đến điều kiện, quy trình thành lập trường; tiêu chí bảo đảm chất lượng đào tạo; trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thực hiện chính sách và tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát và quản lý của Nhà nước; đổi mới quản lý và quản trị đại học; trong đó cần đặc biệt phát huy vai trò của xã hội dân sự. Có cơ chế xử lý đối với các trường sau ba đến năm năm thành lập không đáp ứng đủ các tiêu chí, chuẩn điều kiện của một trường đại học, cao đẳng như cam kết của các nhà đầu tư.

NGUYỄN BÁ CẦN Chuyên viên cao cấp Bộ Giáo dục và Ðào tạo

(Theo nhandan.com.vn)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'


Thời gian mở trang: 0.191 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.