TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Xây dựng xã hội học tập | Làm sao để thật sự có chất lượng và hiệu quả ?
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Ba 2024
T2T3T4T5T6T7CN
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Xây dựng xã hội học tập 03.2024
Làm sao để thật sự có chất lượng và hiệu quả ?
03.2008

Từ sự quan tâm của các cấp và ngành giáo dục và đào tạo, hàng chục năm qua, mạng lưới trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), loại trường chuyên biệt tạo nguồn đào tạo nhân lực có trình độ cho vùng dân tộc thiểu số phát triển khá mạnh. Nhưng đến thời điểm này chất lượng và hiệu quả giáo dục vẫn là mối bận tâm day dứt của ngành và cơ sở.

Quy mô mới, điệp khúc cũ

Sự nảy nở và sức sống trẻ trung của các trường PTDTNT tại thời điểm này, nếu so với 10 năm trước đây (1998) là rất đáng ghi nhận. Tại 49 tỉnh, thành phố trong cả nước, đã có 280 trường PTDTNT với bảy trường trung ương, 47 trường tỉnh, 226 trường huyện, cụm xã với hơn 86.000 học sinh, nếu so với con số 39 tỉnh, thành phố có 211 trường PTDTNT và gần 50 nghìn học sinh.

Không chỉ tăng số lượng trường, mỗi loại hình trường PTDTNT từ cấp trung ương đến huyện, cụm xã, quy mô học sinh đều tăng tuy chưa đồng đều. Quy mô của loại trường PTDTNT trung ương tăng 62%, trường tỉnh tăng 16%, trường huyện, cụm xã tăng 37%.

Ðáng ghi nhận nữa, thông qua một loạt các chương trình đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật dạy và học của Nhà nước, các dự án và nỗ lực của các địa phương với số tiền đầu tư lên tới hơn 2.340 tỷ đồng, diện mạo các trường PTDTNT thay đổi hẳn. Không chỉ ở "cái vỏ" mà còn ở "cái ruột", ngoài hệ thống phòng học kiên cố, phòng bộ môn, còn có các phòng: thư viện, thí nghiệm, hiệu bộ, ký túc xá... với các trang thiết bị đi kèm, thật sự tạo nên sự biến đổi về chất, nếu so với cơ sở hạ tầng của nhiều trường PTDTNT trước đây, những năm 1997, 1998.

Nhưng, trong cái đổi thay dễ nhìn thấy ở diện mạo, quy mô, số lượng, "điệp khúc cũ" thuộc về những gì căn cốt nhất của một trường học, đó là chất lượng và hiệu quả giáo dục loại trường này vẫn còn yếu kém.

Lý giải, có thể thấy một loạt nguyên nhân mang tính chất hiệu ứng mà hàng chục năm nay, có thể ngành giáo dục và đào tạo đã thấy, nhưng chưa thể gỡ ra được bởi "lỗi hệ thống", hoặc có thể những giải pháp về chất lượng chưa thật sự phù hợp thực tiễn, cho nên đã không giúp ích được cho các trường trên con đường khẳng định vị thế của chính mình.

Có thể thấy từ công tác tuyển sinh. Do chất lượng từ nguồn tuyển (tiểu học, THCS) rất thấp, do đó các trường được phép tùy tình hình thực tiễn địa phương mình mà quyết định hình thức thi tuyển, hoặc cử tuyển hoặc kết hợp cả hai. Nhưng nhiều năm công tác này vẫn bộc lộ sự bất cập cả phía chủ quan lẫn khách quan. Ðó là chỉ tiêu tuyển sinh giao cho các trường còn bình quân, chưa tính được các yếu tố về đặc điểm nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch cán bộ địa phương. Do "đầu vào" quá thấp, nhiều trường cơ bản vẫn áp dụng hình thức cử tuyển, từ đó chất lượng dạy và học chậm được cải thiện.

Có thể thấy từ nội dung, chương trình giáo dục. Ðối tượng của các trường PTDTNT khá đặc thù, phần lớn là học sinh các dân tộc thiểu số vùng miền núi, vùng khó khăn, nhưng lại phải học chương trình, sách giáo khoa phổ thông đại trà, vốn đã bị đánh giá là quá tải, khá nặng so với học sinh các trường phổ thông bình thường, trong khi vốn tiếng Việt của các học sinh người dân tộc thiểu số còn hạn chế. Ðây là một mâu thuẫn cơ bản và lâu dài mà ngành giáo dục và đào tạo còn nhiều tranh cãi, giữa yêu cầu mặt bằng chất lượng của cả nước với đặc thù đối tượng học sinh vùng miền.

Ðội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục. Dù về cơ bản và hình thức, 100% số giáo viên các trường PTDTNT đều đã đạt chuẩn (bằng nhiều loại hình đào tạo khác nhau), nhưng thực chất các trường này chưa có giáo viên giỏi các cấp. Trong khi trường PTDTNT là loại hình trường chuyên biệt, đòi hỏi từ cách thức tổ chức giáo dục đến phương pháp giảng dạy phải gắn với đặc điểm đối tượng học sinh dân tộc thiểu số, thì phương pháp giảng dạy "thầy đọc, trò chép", định biên giáo viên/lớp, vẫn giống như các trường phổ thông thường. Bất cập lớn đó đã tồn tại khá lâu trong thực tiễn giáo dục của các loại trường này nhưng chưa thể khắc phục.

Có thể thấy từ chính phương thức giáo dục, với mục tiêu tạo nguồn đào tạo nhân lực có trình độ cho vùng miền núi, vùng dân tộc, ngoài việc một bộ phận học sinh có năng lực có thể học tiếp lên đại học, cao đẳng, thì mục tiêu lớn của các trường phải là hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông cho các em, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thông qua việc tổ chức hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề ngay trong trường, hoặc gắn kết với các cơ sở giáo dục nghề địa phương. Nhưng phương thức giáo dục này thực chất còn rất hạn chế và không được quan tâm đúng mức.

Không để học sinh sau tốt nghiệp "tay không trở về làng, bản"

Trong bối cảnh "mùa đông" của chất lượng và hiệu quả đào tạo các trường PTDTNT, càng thấy trân trọng những "ngọn lửa" sáng và ấm như Trường PTDTNT tỉnh Quảng Nam. Sáng và ấm, bởi không quá ảo tưởng và tham vọng, ngay từ đầu, nhà trường xác định rõ mục tiêu đào tạo của mình phải gắn thiết thực với yêu cầu kinh tế - xã hội địa phương.

Bằng nhiều hình thức liên kết, tổ chức đào tạo, học sinh được phân luồng và hướng nghiệp ngay khi vào trường. Nhờ đó, khi ra trường, các em được sử dụng, khai thác và phát huy năng lực. Ðó là chính khởi nguồn hạnh phúc của mỗi học sinh trên chặng đường đầu tiên của cuộc đời.

Vào đầu mỗi năm học từ lớp 10, căn cứ kết quả khảo sát văn hóa và địa bàn cư trú, nhà trường phân luồng học sinh theo năng lực và tiếp tục điều chỉnh ở lớp 11,12. Ðối tượng một, bộ phận học sinh có năng lực khá, có khả năng đỗ thẳng vào ÐH, CÐ, TCCN, hoặc đủ điểm xét tuyển dự bị đại học. Ðối tượng hai, một bộ phận học sinh cư trú vùng đặc biệt khó khăn, sức học trung bình, có khả năng cử tuyển vào ÐH, CÐ, TCCN. Ðối tượng ba, một bộ phận học sinh học yếu kém, khó có khả năng vào ÐH, CÐ, TCCN.

Với mỗi loại đối tượng, nhà trường tổ chức các lớp bồi dưỡng, luyện thi, ôn tập hoặc tư vấn cho học sinh đăng ký dự thi, đăng ký cử tuyển vào ÐH, CÐ, TCCN, hoặc định hướng các em vào các trường nghề, các lớp đào tạo nghề liên kết, để sau khi ra trường, các em có thể thích ứng ngay với nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương.

Kết hợp với tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng, nhà trường tổ chức tốt hai hoạt động: dạy nghề phổ thông bắt buộc tại trường gồm điện dân dụng, may dân dụng, tin học ứng dụng, lâm sinh (trồng rừng)... và liên kết đào tạo nghề theo phương thức "lồng ghép văn hóa - nghề".

Hình thức liên kết đào tạo nghề rất sinh động và linh hoạt. Liên kết với Trường đại học Sư phạm Ðà Nẵng đào tạo trung học sư phạm 12+2, góp phần bổ sung đội ngũ giáo viên tiểu học là người tại chỗ cho các huyện miền núi; với Trường trung học Thủy lợi 2, Trường cao đẳng Ðiện lực miền trung đào tạo các lớp quản lý các dự án nông thôn, miền núi; với Trường Chính trị tỉnh đào tạo cán bộ chính quyền cơ sở miền núi (có trình độ trung cấp)...

Các lớp liên kết đào tạo được tỉnh cấp kinh phí trực tiếp cho nhà trường thực hiện. Hiệu quả sử dụng học sinh sau tốt nghiệp ra trường nhờ đó khá cao, phù hợp kế hoạch phân luồng và quy hoạch. 96,6% số học sinh sau đào tạo, chuyên môn đã được tuyển dụng. 98,3% số được tuyển dụng trên trở về công tác ở miền núi. Sau tốt nghiệp, nhà trường tổ chức điều tra thông tin học sinh theo từng xã, huyện, thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin để quản lý và có cơ sở dữ liệu đánh giá hiệu quả đào tạo.

Có bao nhiêu trường PTDTNT các cấp đã là những ngọn lửa sáng và ấm như Trường PTDTNT Quảng Nam? Có bao nhiêu trường đã sử dụng kinh phí đầu tư cho việc đào tạo có hiệu quả và không lãng phí? Câu trả lời chắc chắn là số lượng chưa nhiều.

Vì thế, mà sau mấy chục năm phát triển, hình thành một mạng lưới giáo dục riêng trong hệ thống giáo dục quốc dân, câu hỏi bao giờ các trường PTDTNT đào tạo thật sự có chất lượng và hiệu quả vẫn đặt ra. Câu trả lời, từ thực tiễn của Trường PTDTNT Quảng Nam và một số trường khác, là các trường cần xác định được vị trí của mình.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Thiện Nhân, có xác định được vị trí của trường PTDTNT, một loại trường có vị trí "mũi nhọn" trong sự nghiệp trồng người, nơi đào tạo những học sinh giỏi nhất, có năng lực nhất của các dân tộc thiểu số mới tháo gỡ được các vấn đề khác từ tuyển sinh đến quá trình tổ chức giáo dục.

Như vậy, ngay từ đầu, chất lượng "đầu vào" phải đạt chuẩn. Các em học sinh loại trường này phải được chuẩn bị từ lớp 6, lớp 10. Nhưng cái gốc của vấn đề, giáo dục các địa phương nhất là vùng miền núi phải được quan tâm, được "tập trung quyết liệt" từ lớp 5, thậm chí từ lớp 1, từ mầm non, trong đó tiếng Việt phải được dạy và học một cách vững chắc, làm công cụ ngôn ngữ tiếp thu kiến thức.

Với việc xác định được vị trí của loại hình trường này, ngành giáo dục và đào tạo sẽ phải xúc tiến một loạt vấn đề đổi mới cơ chế chính sách, quản lý, phương thức tổ chức, chương trình và phương pháp giáo dục... nhưng phía các trường phải chủ động gắn dạy văn hóa với tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, không để học sinh sau tốt nghiệp "tay không trở về làng, bản".

----------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ðề nghị đưa dạy nghề vào trường PTDTNT, tạo điều kiện và tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn, có chủ trương liên thông, liên kết giữa trường PTDTNT và trường dạy nghề, nhằm tiếp tục đào tạo nghề cho một bộ phận học sinh không có khả năng học lên ÐH, CÐ, TCCN đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm và cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ cho miền núi. Các trường PTDTNT cần được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đạt trường chuẩn quốc gia, trong đó bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị để tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh.

Trần Minh Hiệu Hiệu trưởng Trường PTDTNT Quảng Nam


Hiện nay, giáo viên và cán bộ quản lý tại các trường PTDTNT tiếp tục được hưởng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp trách nhiệm 0,3 mức lương tối thiểu (theo Nghị định 61/2006/NÐ-CP ngày 20-6-2006). Học sinh được hưởng mức học bổng 360.000 đồng/tháng (theo Thông tư liên tịch số 43/2007.TTLT/BTC - BGD - ÐT ngày 2-5-2007 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Ðào tạo, bằng 80% mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức nhà nước...

Tuy nhiên, định mức biên chế viên chức của trường PTDTNT vẫn theo Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDÐT- BNV đối với các cơ sở giáo dục công lập, trong khi đặc điểm công tác của cán bộ, công chức ở trường PTDTNT có những khác biệt so với các cơ sở giáo dục khác.

(Nguồn: Bộ Giáo dục và Ðào tạo)

Khó khăn nhất với trường chúng tôi là "đầu vào". Ðiểm thi tuyển có những em, hai môn văn, toán chỉ đạt 0,5 điểm mà vẫn phải lấy (!) Nhiều em lớp 10 nhưng tiếng Việt lại chưa đọc thông viết thạo, do "mất gốc" từ quá lâu, nên gần như thành hai "ngoại ngữ" (Tiếng Việt, tiếng Anh). Ðội ngũ giáo viên hoàn toàn mới, vừa ra trường, đang thử việc nên rất lúng túng về phương pháp giảng dạy. Tổng số hơn 50 giáo viên nhưng loại khá chỉ có mỗi một người, lại thuộc bộ môn thể dục. Chương trình, SGK phổ thông lại rất nặng. Nay thầy giảng, mai hỏi trò đã không biết gì. Ðề nghị, Bộ Giáo dục và Ðào tạo xem xét có sự giảm tải về chương trình, SGK với loại đối tượng này.

Tạ Ðình Hòa Hiệu trưởng Trường PTDTNT Ðác Nông
----------------------------------------------------------------------------------------------------------

BBT (Theo nhandan.com.vn)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh
Sơn La tìm giải pháp nâng cao chất lượng trung tâm học tập cộng đồng
Nâng cao hiệu quả công tác khuyến học - khuyến tài tại các tỉnh vùng Tây Bắc
Giao ban công tác khuyến học - khuyến tài khu vực Đông Bắc năm 2023
Hội khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tìm cách tháo gỡ khó khăn trong công tác khuyến học
Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Công an phối hợp đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong lực lượng công an nhân dân


Thời gian mở trang: 0.178 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.