Hình thành những kỹ năng cơ bản và những thái độ cần thiết để công dân học tập vượt qua những thách thức của đại dịch Covid-19
08.2021
|
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam |
Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, tổng thư ký; bài viết phục vụ sinh hoạt chuyên đề khoa học “Các giải pháp thực hiện mô hình Công dân học tập đáp ứng yêu cầu vừa phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội” tới toàn thể bạn đọc và hội viên.
I. Mấy nhận thức cần thiết về virus Sars-CoV-2
Khi bản tin cuối ngày 11/7/2021 thông báo số người bị lây nhiễm virus Sars-CoV-2 tại thành phố Hồ Chí Minh đã vượt ngưỡng 15.000 thì tôi hiểu rằng, cuộc chiến với Covid-19 đã chuyển sang một tình thế mới – một tình thế không còn áp dụng chiến thuật và chiến lược chống Covid-19 Vũ Hán vào tháng 3/2020 mà chúng ta đã hoàn toàn thắng lợi.
Năm 2021, đất nước ta đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, và đến đợt thứ tư này, dịch bệnh đã càn quét nhiều tỉnh thành ở cả 3 vùng miền, mở đầu là sự hoành hành dữ dội của Covid-19 ở các khu công nghiệp Bắc Giang. Sự trụ vững của Bắc Giang với mùa vải thắng lợi đã cho ta một niềm tin về năng lực chống dịch, nhưng đến đợt này thì nhận thức lại vấn đề là cần thiết.
Sự nhận thức lại đó không phải là tìm xem chiến thuật 5K có chỗ nào cần củng cố, mà về cơ bản là phải hiểu được những biến thể mới của virus Corona với sức tàn phá mới của nó mà sự chống trả truyền thống không còn đủ tác dụng ngăn chặn.
Từ virus Corona khởi phát mà thế giới gọi là virus Vũ Hán (do phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán – Trung Quốc), đến nay, những nhà khoa học đã điểm ra 4 biến thể (biến chủng) lần lượt xuất hiện với cái tên Alpha, Beta, Gamma và Delta(1).
Biến thể virus corona Alpha được phát hiện ở Anh quốc và hiện nó đang có mặt tại 170 quốc gia.
Biến thể virus corona Beta được phát hiện ở Nam Phi, hiện đang tồn tại trong 119 quốc gia.
Biến thể virus corona Gamma được phát hiện ở Brazil, hiện đang có ở 71 quốc gia.
Biến thể virus corona Delta là biến thể mới nhất, được phát hiện ở Ấn Độ.
(Theo Tổ chức Y tế thế giới, corona virus gây căn bệnh ở Vũ Hán được đặt tên là Covid-19, viết tắt của cụm từ “Dịch bệnh do chủng Corona virus năm 2019 gây ra).
Cần lưu ý rằng, con người có thể bị lây nhiễm “kép” các chủng virus corona, ví dụ một bà cụ 90 tuổi đã qua đời tại Bỉ do nhiễm 2 biến thể đồng thời Alpha và Beta vào tháng 3/2021 khi chưa được tiêm vaccine. Tháng 1/2021, ở Brazil, người ta phát hiện ra 2 người bị lây nhiễm kép 2 biến chủng virus corona, trong đó có biến thể Gamma. Cũng có người bệnh do một biến thể virus corona gây ra, nhưng sau khi phục hồi lại bị nhiễm một biến thể khác, tất nhiên phải điều trị lần thứ hai.
Sự nguy hiểm đáng sợ của virus corona là những biến thể sau có hệ số lây nhiễm cơ bản (RO) cao hơn so với biến thể trước. Hệ số đó nói lên số trường hợp lây nhiễm bệnh mới được tạo ra trực tiếp bởi một trường hợp nhiễm ban đầu. Hệ số lây nhiễm cơ bản của Covid-19 phát hiện ở Vũ Hán là 2,5, còn của Delta là 8,0.
Trong quá trình chiến đấu chống những biến thể virus corona xuất hiện liên tục, các nhà khoa học lo sợ đến một lúc nào đó sẽ có chủng Covid-19 mới hội đủ 3 yếu tố sau:
Một là, nó có khả năng rất dễ lây nhiễm và tốc độ lây nhiễm nhanh;
Hai là, nó gây bệnh nặng hơn những biến thể trước đó;
Ba là, nó thoát khỏi hiệu quả của vaccine.
Nỗi lo vừa mới bắt đầu thì biến thể Delta xuất hiện. Delta hội đủ 3 yếu tố trên. Người sớm phát hiện khả năng này ở Delta là GS.Mark Woolhouse (Đại học Edinburgh - Anh quốc), và GS.Bob Wachter (Đại học California – Mỹ) phải thốt lên: “Quả thật là vô cùng đáng sợ”.
Biến thể Delta có tốc độ quá nhanh. Nếu như các biến thể trước Delta có thể phải hàng giờ hoặc hàng chục phút để lây từ người này qua người khác, thì Delta lây nhiễm nhanh hơn nhiều. Một tờ báo khoa học viết rằng, một nền kinh tế thế giới đang cần nhanh chóng mở cửa trở lại thì sự lây nhiễm của Delta chỉ cần 5-10 giây khi 2 người đi ngang qua nhau với khoảng cách 1m.
GS.Eric Topol, Viện nghiên cứu Scripps (Mỹ) viết trên trang Web Business Insider rằng, biến thể Delta đang rất phổ biến. Lời cảnh báo này đang dần thể hiện ở nhiều quốc gia.
Theo thống kê, ta có số liệu sau:
Ở Mỹ, biến thể Delta đang chiếm 10% số ca nhiễm mới và người ta dự báo nó sẽ thống trị trong vài tuần tới.
Ở Canada, số ca lây nhiễm do biến thể Delta đã tăng vọt tới 60%.
Tại Nga, biến thể Delta đã chiếm 90% những ca mắc mới, còn ở Anh, tỷ lệ này đã lên tới 96%.
GS.Lothar Wieler, chủ tịch Viện Robert Koch (Đức) nhận xét rằng, biến thể Delta đang chiếm 60% số ca nhiễm Covid-19, nhưng đang tăng lên chậm nhất, đến mùa thu, biến thể này sẽ chiếm thế thượng phong.
Một số nhà khoa học cho rằng, hiện nay vaccine là giải pháp ưu tiên. Nếu phải sống chung với dịch Covid-19 thì điều kiện cơ bản là có vaccine, nhưng phải giả định vaccine có hiệu quả. Nhưng, trên thực tế, mọi người đều lo ngại biến thể Delta sẽ thống trị.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) nhận định, biến thể Delta đang là chủng phổ biến ở một số quốc gia, nhưng có xu thế trở thành chủng phổ biến trong phạm vị toàn cầu.
Bà Soumya Swminathan trong tổ chức WHO thì nhận định rằng, biến thể Delta đang trở thành thống trị trên thế giới do khả năng lây nhiễm của nó quá lớn. Trong khi đó, những vaccine đang có mặt chưa phải là vũ khí tối tân để triệt hạ các biến thể covid-19.
Qua thực tế, người ta nhận thấy:
- Vaccine AstraZeneca đạt 60% nếu tiêm đủ liều.
- Vaccine Pfizer/BioNTech chỉ đạt 36%.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus viết: “Chỉ riêng vaccine chưa bao giờ là cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng, nhưng làn sóng hiện nay đang chứng tỏ vaccine là “công cụ mạnh mẽ” như thế nào. Chúng ta đang gặp phải tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng ngày càng tồi tệ, đe dọa hơn nữa đến cuộc sống, sinh kế và sự phục hồi kinh tế toàn cầu lành mạnh, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc ở bất cứ nơi đâu”.
Nỗi lo âu lại tiếp tục tăng lên khi các nhà khoa học phát hiện biến thể Delta đã có hậu duệ của nó, gọi là Delta Plus – một biến thể có khả năng xóa sạch mọi thành quả chống dịch covid-19 hiện nay của thế giới. Trường Đại học Leicester Tang công bố: Biến chủng Delta Plus có thể lẩn trốn vaccine. Biến thể này bắt đầu xuất hiện ở Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Nepal, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Nga, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu không tăng tốc chương trình tiêm chủng vaccine thì Delta và Delta Plus sẽ hoành hành dữ dội trong thời gian tới.
II. Những kỹ năng cơ bản và thái độ cần thiết của công dân học tập trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19
Khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” cho ta ý niệm về tầm quan trọng của vấn đề chống Covid-19 đối với sự sống còn của con người, của xã hội và nói rộng ra là của toàn thể nhân loại. Đây là vấn đề của cộng đồng chứ không phải là vấn đề đặt trong bình diện cá nhân, nhưng sức mạnh của cộng đồng chống lại phụ thuộc vào yếu tố trung tâm: Yếu tố con người. Tất nhiên, về phương diện nhận thức, con người ở đây phải hội đủ những điều kiện về tri thức khoa học khi đặt ra chiến thuật và chiến lược, khi sáng tạo ra các loại thuốc và các phương tiện chống lại virus corona đang tiếp tục tiến hóa và gây nguy hại ngày càng kinh khủng, về kỹ năng phòng chống dịch và bảo vệ sinh mạng của mình và của người khác, về thái độ tích cực tham gia cùng toàn dân, cùng bạn bè trên thế giới chống lại đại họa của thời đại.
Dưới lăng kính khuyến học, con người ấy chính là công dân học tập với sự khẳng định rằng, chỉ có học tập để hiểu rõ kẻ thù Covid-19 thì mới chiến thắng nó. Trong binh pháp thời xưa để lại, một triết lý chống giặc được rút ra: “Biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Triết lý đó áp dụng vào cuộc chiến chống Covid-19, nó vẫn là hằng đúng.
Trong cuộc chiến này, chúng ta phải hướng tới và quyết tâm đạt mục tiêu kép: Giữ vững sự phát triển sản xuất và ngăn chặn thành công đại dịch Covid-19. Nói ngắn gọn hơn, toàn dân ta phải bảo vệ sức khỏe cho mỗi người, mỗi cộng đồng và đồng thời vẫn phải tiếp tục sản xuất, bảo đảm lương thực, thực phẩm, bảo đảm trẻ em vẫn được học hành, người lao động vẫn an toàn trong đời sống kinh tế của mình, xã hội vẫn giữ vững ổn định chính trị, an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Công dân học tập là người thực hiện việc học tập thường xuyên để phát triển những năng lực của mình, trên cơ sở đó góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế, tạo nên sự thịnh vượng văn hóa, bảo vệ sự bền vững của môi trường sinh thái và tạo nên sự đồng thuận và gắn kết xã hội.
Trong giai đoạn toàn dân tập trung mọi nguồn lực để chống đại dịch Covid-19, việc học tập suốt đời của công dân học tập vẫn cần định hướng vào việc làm tốt những nhiệm vụ nói trên, nhưng qua đó, phải có được tác dụng làm cho Covid-19 không tàn phá sức khỏe của cá nhân và cộng đồng, mau chóng làm giảm thiểu những ca tử vong.
Chống dịch Covid-19 đòi hỏi sức mạnh của cả cộng đồng và cần đến sự huy động hiệu quả những nguồn lực trong xã hội phục vụ mục tiêu chống dịch. Vì thế, thái độ đối với việc chống dịch là quan trọng. Trong một khu dân cư, tất cả các hộ gia đình thực hiện triệt để lệnh giãn cách xã hội, song lại có một người nào đó đi ra ngoài để tụ tập với nhóm bạn có sở thích uống bia chẳng hạn. Hành vi đó sẽ làm chao đảo nếu anh ta từ ngoài phố về mang theo một biến thể covid như Gamma hay Delta chẳng hạn. Đó là một thái độ coi thường quy chế, coi thường kỷ luật, coi thường pháp lệnh, cần phải phê phán mạnh mẽ.
Dư luận quần chúng xôn xao về những người vì tiền đã đưa người vượt biên trái phép vào nước ta khi mà những đối tượng đó là F0 hay F1. Những quán hàng lén lút đón khách, những người ra đường không đeo khẩu trang, những người ăn nhậu hàng trăm ngàn đồng nhưng không bao giờ đóng vào quỹ vaccine dù chỉ một chục nghìn đồng... Sự nhấn mạnh về thái độ chính là ở chỗ này. Ngày trước, để xóa nạn mù chữ, coi mù chữ là giặc, nhà nước giương cao khẩu hiệu: “Tham gia bình dân học vụ là yêu nước”. Khẩu hiệu đó đòi hỏi mỗi người dân phải có thái độ tích cực với nhiệm vụ xóa mù chữ. Lúc này, theo tôi nghĩ, tham gia chống dịch Covid-19 là yêu nước.
Một trong những yêu cầu hàng đầu đặt ra là, mỗi công dân học tập phải có kiến thức sâu rộng về virus Sars-CoV-2 và những kỹ năng phòng và chống sự lây nhiễm của loại virus này. Giải pháp cơ bản là nhanh chóng có những học liệu cần thiết để công dân học tập đưa vào kế hoạch học tập thường xuyên của họ. Đó là những tài liệu về xuất xứ của dịch bệnh, bản chất của virus corona, những điều kiện phát triển của nó, những cơ chế nó xâm nhập vào cơ thể người, xu thế biến thể của nó, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các quốc gia khác nhau, các nguyên tắc phòng bệnh và cách chữa bệnh. Không thông tỏ về Covid-19 thì sẽ khó có thể chống lại nó một cách có hiệu quả.
Sự truy cập hàng ngày và sự nghiên cứu thường xuyên dịch bệnh này là điều kiện rất cơ bản. Những người không am hiểu về Covid-19 sẽ có thể là nhân vật gây hiểm họa cho gia đình mình, cho láng giềng và cho họ hàng. Cũng đã có trường hợp người không am hiểu dịch bệnh bị truy tố trước pháp luật vì đã tạo ra điều kiện lay lan bệnh trong cộng đồng vì sự ngu dốt của mình.
Một khi công dân học tập đã có kiến thức và kỹ năng về phòng chống đại dịch Covid-19, chúng ta sẽ đặt yêu cầu họ chia sẻ tri thức và kỹ năng này cho người khác. Nói cách khác, nhờ học tập tìm hiểu về dịch bệnh Covid, công dân học tập sẽ thực hiện chức năng giáo dục chia sẻ ngay trong cộng đồng qua tuyên truyền, trao đổi, tọa đàm... với người khác. Chia sẻ tri thức và kỹ năng là giải pháp tăng nhanh vốn hiểu biết trong xã hội theo cấp số nhân, chí ít công bội bằng 2.
Charles Franklin Brannan (Hoa Kỳ) nói: “Nếu bạn có một quả táo và tôi cũng có một quả táo, chúng ta trao đổi những quả táo này thì bạn và tôi vẫn chỉ mỗi người có một quả táo. Nhưng nếu bạn có một ý tưởng và tôi cũng có một ý tưởng, chúng ta trao đổi những ý tưởng này thì mỗi chúng ta sẽ có hai ý tưởng”.
Vì thế, trong phòng chống đại dịch Covid-19, chúng ta cần thực hiện giáo dục chia sẻ về tri thức và kỹ năng trong nhân dân mà công dân học tập đóng vai trò nòng cốt.
Cuối cùng là phải nói đến gia đình học tập trong cuộc chiến chống Covid-19. Gia đình học tập là cái nôi nuôi dưỡng công dân học tập. Mỗi gia đình học tập như một đơn vị chiến đấu, mỗi công dân học tập trong gia đình học tập là một chiến binh. Người người chống Covid-19, nhà nhà chống Covid-19 thì chúng ta sẽ có các cộng đồng chống Covid-19. Sức mạnh chống Covid này sẽ rất lớn nếu chúng ta quan tâm tạo nên sức mạnh này bởi mọi vaccine dù hiệu quả bao nhiêu cũng không thay thế được quyết tâm chống Covid của con người.
(1) Trước đây, người ta đặt tên dịch bệnh thường lấy tên địa phương phát hiện đầu tiên, ví dụ, virus Ebola là loại virus được phát hiện tại sông Ebola ở Công. Cách gọi này dễ mang đến sự kỳ thị của thế giới đối với Congo, cũng như gọi corona phát hiện ở Vũ Hán được gọi là virus corona Vũ Hán. |
|