Xây dựng tài nguyên giáo dục mở quốc gia
08.2019
|
Bà Nguyễn Thi Doan phát biểu tại hội thảo |
Tại hội thảo khoa học “Vai trò các trường đại học (ĐH) với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời” do Bộ GD-ĐT, Hội Khuyến học Việt Nam vừa tổ chức tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục nhấn mạnh phải xây dựng tài nguyên giáo dục mở quốc gia.
Tài nguyên giáo dục mở là những tài liệu
dạy - học được chia sẻ miễn phí trên mạng, bao gồm bài giảng, lịch học,
danh mục tài liệu tham khảo, bài tập về nhà, bài thi, bài thí nghiệm để
người dùng có thể tham khảo cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu.
Các trường ĐH ngại chia sẻ
GS-TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ
tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, thẳng thắn chia sẻ: “Rất
nhiều trường ĐH ở nước ta hiện nay duy trì quá lâu một công thức hoạt
động, từ khâu tuyển sinh đến phương pháp đào tạo kiểu hàn lâm, nên đã
kìm hãm sự phát triển của chính nhà trường”. Điều này cũng lý giải vì
sao công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đi được
một chặng đường khá dài, có nhiều thành tựu, song chất lượng nguồn nhân
lực vẫn chưa tương xứng, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Thậm chí, so với khu vực còn khoảng cách quá lớn.
“Chúng ta đứng thứ 3 từ dưới lên về năng
suất lao động trong khu vực Đông Nam Á. Nếu cứ đà này, chúng ta sẽ tụt
hậu còn xa hơn nữa. Nếu muốn bứt phá thì chỉ có giáo dục và đào tạo
nguồn nhân lực đẳng cấp quốc tế, nguồn nhân lực chất lượng cao. Còn với
người học, muốn có tri thức đáp ứng yêu cầu công việc và sáng tạo thì
cũng cần thay đổi cách tiếp nhận tri thức bằng cách học ở mọi nơi, học
mọi lúc và học mọi cách”, GS-TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.
Sinh viên được hướng dẫn học trực tuyến tại Trường Đại học Mở TPHCM
Theo GS-TS Phạm Tất Dong, Tổng thư ký
kiêm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên nhân của sự nghèo nàn
về tri thức và sự thiếu hụt năng lực thu lượm tri thức chủ yếu ở nền
giáo dục khép kín, không mở ra những con đường thu gọn, tích tụ tri thức
và những cơ chế chia sẻ tri thức, sự bình đẳng về cơ hội tiếp thu và
giao lưu tri thức. Hiện tượng này sẽ xuất hiện những khoảng cách tri
thức giữa các cộng đồng, vùng miền… Nếu tri thức, ý tưởng được chia sẻ
thì chính chúng ta có lợi và có thêm tri thức, chứ không mất đi như
thường nghĩ.
PGS-TS Vũ Thị Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ
Giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT), dẫn chứng thuật ngữ Học liệu mở (Open
Course Ware - OCW) được ĐH MIT (Mỹ) giới thiệu vào năm 2002, khi MIT đưa
toàn bộ nội dung giảng dạy của mình lên trang web và cho phép người
dùng ở mọi nơi trên thế giới truy cập hoàn toàn miễn phí. Hiện nay, học
liệu mở của MIT có trên 1.500 môn học, bao gồm bài giảng, lịch học, danh
mục tài liệu tham khảo, bài tập về nhà, bài thi, bài thí nghiệm… để
người dùng có thể tham khảo cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu.
Sau khởi đầu của MIT, rất nhiều trường
ĐH và viện nghiên cứu trên thế giới đã tham gia phong trào học liệu mở.
Hiện có Hiệp hội Học liệu mở (Open Course Ware Consortium) để chia sẻ
nội dung, công cụ, cũng như phương thức triển khai học liệu mở sao cho
đạt hiệu quả cao nhất. “Trường ĐH luôn có 3 chức năng là đào tạo, nghiên
cứu và phục vụ cộng đồng. Thế nhưng, tại Việt Nam, các trường chỉ quan
tâm đến đào tạo và nghiên cứu, còn phục vụ cộng đồng vẫn còn bị lãng
quên”, PGS-TS Vũ Thị Tú Anh băn khoăn.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Cần chính sách cụ thể
GS-TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường
ĐH Tôn Đức Thắng, khẳng định, bằng mọi giá các trường ĐH, các bộ ngành
phải phối hợp để có chính sách tạo tiền đề nhằm xây dựng bằng được tài
nguyên giáo dục mở quốc gia. Việc làm này trước tiên các trường phải chủ
động, vì lợi ích trước mắt chính là sinh viên các trường thụ hưởng. Kế
đến là chúng ta có nguồn tài nguyên giáo dục quốc gia đáp ứng và phục vụ
nhu cầu học tập của mọi công dân, nhất là những người lớn tuổi. Tuy
nhiên, phải có các chính sách rõ ràng, cách làm cụ thể, không thể chung
chung. Đặc biệt là bản quyền của các chương trình nhập khẩu cũng phải
được tính tới.
PGS-TS Vũ Văn Đức, Phó Hiệu trưởng
Trường ĐH Mở TPHCM, cho biết nhiều ĐH hàng đầu trên thế giới hiện đã
chia sẻ nguồn học liệu miễn phí trên mạng. Tại Việt Nam, cơ sở lợi thế
để xây dựng nguồn học liệu mở đó là trên 50% dân số sử dụng internet,
hàng trăm đơn vị đào tạo trực tuyến, hàng trăm dự án khởi nghiệp trong
lĩnh vực đào tạo trực tuyến… Việc xây dựng nguồn học liệu mở cho cộng
đồng thì bản thân các trường ĐH đều muốn, nhưng nếu làm đơn lẻ thì rất
khó. Hiện nay, rất nhiều trường làm theo cách lấy chương trình của nước
ngoài về dịch ra. Do đó, xây dựng và thiết kế chương trình đào tạo
e-learning là hướng đi tốt nhất hiện nay để có nguồn tài nguyên giáo dục
mở quốc gia.
Theo TS Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ
GD-ĐT, vai trò của các trường ĐH đối với nhu cầu học tập suốt đời đã
được quy định và đưa vào Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 rất rõ ràng. Sắp
tới, Bộ GD-ĐT sẽ có công văn yêu cầu các trường triển khai xây dựng
nguồn học liệu mở, đồng thời 2 trường ĐH Mở Hà Nội, ĐH Mở TPHCM là những
đơn vị đầu tàu trong việc thí điểm xây dựng nguồn học liệu mở cho quốc
gia. Các trường ĐH khác có thể tham gia và chia sẻ. Bên cạnh đó, Bộ
GD-ĐT cũng sẽ trình Chính phủ các giải pháp, kiến nghị để Chính phủ ban
hành những chính sách, chủ trương cụ thể để thực hiện.
Khoản 3, Điều 46 của Luật Giáo dục sửa
đổi năm 2019 quy định: “Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục ĐH có
trách nhiệm phối hợp với cơ sở giáo dục thường xuyên trong việc cung
cấp nguồn học liệu cho cơ sở giáo dục thường xuyên để đáp ứng nhu cầu
học tập của người học”. Đây là cơ sở để thực hiện xây dựng dự án giáo
dục mở phủ sóng trên toàn hệ thống, mở ra cơ hội học tập cho mọi công
dân Việt Nam ở mọi lúc mọi nơi. |
(Theo SGGP) |