TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Khuyến hoc và Giáo dục | Mồng ba Lễ Thầy
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Ba 2024
T2T3T4T5T6T7CN
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Khuyến hoc và Giáo dục 03.2024
Mồng ba Lễ Thầy
02.2008

Xem hình
Sự học ngày nay đã khác xưa nhưng vẫn mong “Lễ Thầy” không mất đi. Nhưng cũng mong rằng, ngày Tết ai đó đến nhà Thầy thì phải thực sự lòng thành, không cầu lợi, để người Thầy thực sự thấy trò đang đem Tết đến nhà mình.

Quê tôi thuộc một tỉnh ở miền Trung nghèo khó. Xưa kia, có lẽ do vì quá nghèo - đất ít, người đông, gió Lào mùa hạ, lụt lội mùa thu, rét mướt dầm dề ngày đông tháng giá - mà người dân quê tôi thường nuôi cho con cái học hành đến kỳ cùng.

Sự học, đối với nhiều gia đình, dòng họ ở quê tôi từ lâu đã thành một cái “nghề”, một sự nghiệp - cho dù cam go, khốn khó đến đâu.

Học để làm người. Học để biết lẽ Trời Đất; để biết trên dưới, đúng sai. Tôi còn nhớ như in trong tâm não mình câu ca dao mà thân mẫu đã răn dạy từ khi tôi còn là một cậu bé đi chân đất, mặc quần đùi nâu vá đến trường làng:

“Về nhà thưa mẹ, thưa cha
Ra đường phải biết thưa bà, thưa ông”

Cũng vì chuộng cái sự học như vậy của con cái, mà từ xa xưa, người dân quê tôi tôn sùng công lao, đức độ của những người làm thầy một cách cực kỳ sâu sắc, thành tâm, thành ý vô cùng.

Bởi những lẽ đó, mà không biết từ bao giờ, người dân quê nghèo của chúng tôi rất coi trọng TẾT THẦY. “Mùng một lễ cha, mùng ba tết thầy”. Đó là câu phương ngữ ở quê tôi xưa, mà có lẽ ngày nay không còn mấy người nhớ nữa. Câu phương ngữ dạy cho chúng ra rằng, trên cõi đời này, người mà chúng ta phải có bổn phận sùng kính, đền đáp hiếu đễ trước tiên là cha mẹ, và tiếp liền sau đó là người thầy học của mình.

Vào dịp Tết nhất này, thì sau những nghi lễ thờ cúng tổ tiên ông bà, cha mẹ mình trong hai ngày mùng một, mùng hai tết rồi, thì tiếp đến, ngày mùng ba tết là ngày mà những người học trò xưa, dù lớn dù bé đều dành cho việc đi “TẾT THẦY”.

Lứa chúng tôi, việc Tết Thầy tuy không còn hưng thịnh như thế hệ ông cha xưa nữa, nhưng nó vẫn còn lưu lại trong ký ức rất sâu đậm. Đó là việc chúng tôi đã Tết Thầy với tất cả sự thành kính, lòng biết ơn.

Khi tôi chỉ mới học đến bậc sơ học, cứ chiều mùng ba Tết lại được mẹ cho mặc bộ quần áo lụa nâu non mới tinh khôi, rồi tự tay dẫn đến tận nhà thầy học của tôi, là một người bác họ trong nội tộc. Đến nơi, mẹ bắt tôi phải quỳ xuống, chắp tay lại, lạy thầy hai lạy, hứa với thầy chăm chỉ học hành, không được lêu têu nghịch ngợm…

Còn lễ vật mà mẹ tôi mang theo để dâng kính thầy thì chẳng có gì là cao sang hay giá trị về vật chất là mấy cả. Có năm thì vài ba quả cam tươi đẹp nhất ở trong vườn nhà; có năm thì một đòn bánh tét bọc trong giấy điều hết sức kính cẩn; nhưng cũng có lần mẹ tôi đem biếu thầy học của tôi một đôi gà con…

Lễ thầy của chúng tôi thuở ấy hoàn toàn tự nguyện và vô tư, trong trẻo lắm. Không mảy may bợn một chút xíu nào sự cầu lợi tầm thường như là xin điểm, xin lên lớp, xin ghi nhận xét học bạ thật tốt, hay này nọ như phần lớn việc học sinh đến thăm và lễ thầy ngày nay.

Về sau, khi chúng tôi đã hơi lớn rồi, lên bậc tiểu học rồi, thì ngày mùng ba Tết, tự chúng tôi từng nhóm học trò hợp tâm tính , rủ nhau đến “Tết Thầy”.

Không phải đứa nào cũng có lễ vật cho thầy cả mà chỉ một vài hay dăm ba đứa con nhà tương đối đủ ăn trong làng, trong xã là có kèm theo lễ vật như là bánh tét, quả cam hay chục trứng gà…

Tuy nhiên, cả đoàn chúng tôi hăm hở, nô nức và thành kính vô ngần! Chúng tôi không phải chắp tay lạy thầy như khi đi riêng lẻ nữa; tuy nhiên vẫn có những bạn cứ lạy kính thầy (hay cô giáo) cho kỳ được mới thoả mãn cái tình cung kính mà mình hằng tâm niệm dành trong tâm khảm cho thầy.

Chúc thầy, lễ thầy xong, chúng tôi tranh nhau đứa thì gánh nước, đứa thì quét tước sân vườn cho thầy, cho cô…

Không có gì thật to tát, thật nhiều của, lắm tiền trong những lễ vật chúng tôi đem đến nhà thầy trong ngày mùng ba tết ấy cả. Nhưng hình như, theo với sự tích tụ của thời gian và năm tháng, cảm xúc thiêng liêng, lòng tôn kính, sự trang nghiêm trong tâm khảm đối với sự học - thông qua đại diện là người thầy - đã góp phần giúp cho chúng tôi thành những nhà khoa học, nhưng nhà văn, nhà báo, những công dân tốt.

Sự học ngày nay đã khác xưa. Nhưng, tôi vẫn mong sao, trong quá trình cải cách, ngành giáo dục và cả xã hội, phải làm thế nào đó để hướng đạo cho học sinh và cả các bậc phụ huynh nữa, có được những cái tục lệ tự nguyện và tốt đẹp như trong cuộc đời mà chúng tôi đã may mắn có được trước đây - trong việc tôn kính, ơn nghĩa NGƯỜI THẦY.

Tôi càng mong mỏi làm sao nếu ngày hôm nay, có ai đó nhớ đến lệ xưa mà đến tết Thầy thì hãy rửa sạch mình để mang theo lễ bạc, lòng thành, đừng tơ vương mảy may cầu lợi để người Thầy thực sự thấy trò đang đem Tết đến cho mình.

Hoàng Cát
Tuanvietnam.net

BBT



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh
Sơn La tìm giải pháp nâng cao chất lượng trung tâm học tập cộng đồng
Nâng cao hiệu quả công tác khuyến học - khuyến tài tại các tỉnh vùng Tây Bắc
Giao ban công tác khuyến học - khuyến tài khu vực Đông Bắc năm 2023
Hội khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tìm cách tháo gỡ khó khăn trong công tác khuyến học
Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Công an phối hợp đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong lực lượng công an nhân dân


Thời gian mở trang: 0.166 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.