TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Thông tin nổi bật | Đạo đức Hồ Chí Minh - Phần I. Những điều kiện cần thiết để quán triệt tư tưởng về đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Thông tin nổi bật 04.2024
Đạo đức Hồ Chí Minh - Phần I. Những điều kiện cần thiết để quán triệt tư tưởng về đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
06.2007

Xem hình
Bài nói chuyện về "Đạo đức Hồ Chí Minh "của GS-TS Phạm Tất Dong Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt nam với cán bộ cơ quan TW Hội Khuyến học Việt nam.

I. Những điều kiện cần thiết để quán triệt tư tưởng về đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh không chỉ là nhà hoạt động thực tiễn vĩ đại, mà còn là một nhà tư tưởng lớn, đã để lại một di sản vô cùng quý báu về tư tưởng, về lý luận, về triết lý con người và đạo đức làm người. Tuy nhiên, nhiều người đọc các trước tác, các bài nói, bài viết của Người lại có ý nghĩ rằng, Hồ Chí Minh hình như không mấy khi đề cập tới vấn đề lý luận như một nhà lý luận. Họ cảm thấy Hồ Chí Minh trình bày nhiều vấn đề thực tiễn, dễ hiểu, dễ nhớ… và rồi tưởng mình đã hiểu hết những điều Người nói và Người viết. Nhiều người trong họ đã không hiểu được đủ tư tưởng Hồ Chí Minh, lặp lại những điều Người nói mà không thấu được, ngộ được bản chất của nhiều vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên. Tình trạng này có một nguyên nhân quan trọng : đó là thiếu một phương pháp luận nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Trong lĩnh vực nghiên cứu học tập đạo đức Hồ Chí Minh cũng vậy. Do đó, trước khi đi sâu vào một số quan điểm, tư tưởng về đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần dừng lại một chút về vấn đề có tính chất phương pháp luận khoa học đặt ra trước nhiệm vụ học tập đạo đức Hồ Chí Minh.

1. Tư tưởng về đạo đức của Hồ Chí Minh là một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa triết lý làm người của dân tộc với quan điểm về con người và nhân cách con người theo triết học Marx – Lénine.

a. Triết lý làm người của dân tộc Việt Nam
- Về đạo đức, dân tộc nào, tôn giáo nào cũng yêu cầu con người làm điều THIỆN, tránh điều ÁC, nhưng mục đích làm việc thiện lại có chỗ khác nhau. Ví dụ : Người Gia-tô giáo chủ trương làm điều thiện để cốt cầu vĩnh phúc ở lai sinh, nhà Phật thì gắn việc thiện để mong thoát khỏi vòng luân hồi, còn dân tộc Việt lại làm điều thiện để cốt lưu chút phúc ấm cho con cháu về sau. Đây là nhân sinh quan lưu ấm đặc sắc trong văn hóa Việt.
Do vậy, dân tộc ta đề cao chữ Phúc, giữ gìn sự đầm ấm trong gia đình, phụng dưỡng cha mẹ già, dạy dỗ con cái chăm ngoan, lễ phép, giữ được mối quan hệ thuận hòa với bà con lối xóm, góp sức xây dựng quê hương, giữ gìn gia phong, vun đắp gia giáo. Người Việt không bao giờ đồng nghĩa chữ Phúc với sự giàu sang, xa hoa…

Trong tu thân, người Việt làm điều thiện, thực hiện việc chữ phúc để tích đức, coi đức là giá trị văn hóa cao quý nhất.

Thất đức thì sẽ vô phúc, đó là chiều đảo về quan niệm đạo đức của người Việt.
- Trong tu thân, người Việt đề cao chữ NGHĨA, coi nghĩa là một đặc trưng nhân cách dân tộc. Về nội dung, nghĩa bao hàm sự quan tâm đến các mối quan hệ giữa con người trong quá trình tồn tại, phát triển gia đình và cộng đồng. Trong gia đình thì “Công cha như núi Thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Ngoài xã hội, người dân thực hiện “nghĩa nặng tình sâu”. Khi sống, người ta đề cao chữ nghĩa, và khi không còn phải thực hiện chữ nghĩa với nhau thì cái trường tồn là tình sâu.

Ở thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đi vào kinh tế tri thức, người Việt chúng ta luôn làm việc nghĩa như xây dựng nhà tình nghĩa cho bà mẹ Việt Nam anh hùng, quyên góp giúp đồng bào bị lũ lụt qua quỹ nghĩa tình, xây dựng lớp học “tình thương” cho trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật.

Trong cộng đồng, người dân đối xử với nhau với thái độ rất Việt Nam “nghĩa tử là nghĩa tận”.
Truyền thống “tôn sư trọng đạo”, quan niệm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”… phản ánh về phẩm chất trọng nghĩa của người Việt.

Trong đời sống hàng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tu thân và nhờ đó, trong từng việc làm đều thấm đậm cái triết lý làm người của dân tộc (ví dụ : năm 1945, thực hiện 1 bữa không ăn trong tuần làm việc để góp gạo cứu đói, bớt một nắm gạo nhỏ trong khẩu phần ăn để nhường đồng bào đang lâm vào cảnh thiếu ăn…).

b. Quan điểm vì con người của học thuyết Marx – Lénine.
Luận điểm nổi tiếng nhất về con người mà Karl Marx đưa ra trong “Luận cương về Feuerbach” là : “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là sự tổng hòa những quan hệ xã hội”.

Cốt lõi trong lý luận là ở chỗ, bản chất con người nằm ở ngoài cơ thể con người. Chỉ có thể thấy bản chất con người khi xem xét chính con người đó trong những mối quan hệ xã hội.

Đây là một nguyên tắc có tính chất phương pháp luận nghiên cứu con người. Muốn biết bản chất con vật, người ta dùng phương pháp giải phẫu sinh lý- mổ xẻ cơ thể của nó - để nhận thức. Song, muốn hiểu bản chất con người, phải phân tích, mổ xẻ các quan hệ xã hội, và chỉ khi đặt con người vào trong các mối quan hệ gia đình, cộng đồng, dân tộc… ta mới thấy người đó là thiện hay ác, trọng đạo lý hay vô luân, từ tâm hay thâm hiểm, thật thà hay xảo trá.

Sau này, Lucien Seve, một nhà lý luận của Đảng Cộng sản Pháp đã từ luận điểm của Marx về bản chất con người mà đi đến một luận điểm về nhân cách con người: “Nhân cách là tổng hòa những quan hệ xã hội giữa những cách ứng xử” (hay giữa những hành vi). Từ luận điểm này, chúng ta thấy, không thể tách đạo đức (một cấu trúc của nhân cách), không thể tách nhân cách con người ra khỏi những hành động (những việc làm) của họ trong đời sống xã hội.

Nhà tâm lý học Xô Viết A.N.Leontiev dựa trên học thuyết của Marx để phát triển một quan niệm về con người : “Người là giao điểm của những quan hệ xã hội”.
Ta thấy, quan điểm đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như quan điểm của Người về nhân cách có thể được hiểu là quan điểm hành động. Đạo đức là hành động, đạo đức không dừng lại ở những tuyên bố, những lời hoa mỹ, những lý thuyết xuông. Đạo đức phải được thể hiện cụ thể trong việc giải quyết những quan hệ xã hội.

2. Học hỏi không ngừng là điều kiện hiểu sâu về đạo đức Hồ Chí Minh, về luận điểm nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không ít người chưa hiểu được những cơ sở khoa học trong những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người giải quyết những vấn đề thực tế sinh động. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu những kiến thức cơ bản nên không thấy hết nội dung sâu xa trong những bài viết, bài nói của Người.

Ví dụ, trong bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trương đầu tiên (9/1945) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người viết : “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Đọc qua, hình như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đơn giản nhắc các cháu học sinh về một hạnh phúc mới - hạnh phúc được học trong nhà trường của một nước độc lập. Nhưng, người làm lý luận thì hiểu rằng, Người nói đến một quan điểm rất nổi tiếng của Marx về phát triển con người.

Hai tiếng năng lực ở đây không nên hiểu là khả năng hoạt động (Competent), mà vì Người dùng chữ Sẵn có nên phải hiểu là tiềm năng (Potential) đang có ở từng con người cụ thể. Theo Marx, một con người thật sự được giải phóng, một con người hoàn toàn tự do chỉ khi nó được phát triển khả năng tiềm ẩn trong nó. Và sự phát triển mọi tiềm năng đó được coi là sự phát triển toàn diện. Đó là cốt lõi của tư tưởng con người phát triển toàn diện mà ngày nay ta thấy ghi trong các văn kiện của Đảng về giáo dục. Trong nhà trường hiện nay đang tiến hành đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục và giáo dục lao động – hướng nghiệp. Nhiều người lầm tưởng rằng đó là giáo dục toàn diện. Thực ra, về lý luận, đó là giáo dục nhiều mặt của nhân cách. Trên cơ sở đó, con người bộc lộ và phát triển mọi tiềm năng của họ, tức là, giáo dục nhiều mặt để tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện.

Như vậy, một lời nhắc nhở học sinh, rất mộc mạc và đơn giản, nhưng lại chứa đựng một quan điểm triết học sâu sắc về con người rất nhân văn.
Lại một ví dụ khác; ngày nay, khi nói đến giáo dục, ta thường nhắc đến lời dạy của Người : “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Đó là tư tưởng về mục tiêu của chiến lược giáo dục. Nhưng chúng tôi cho rằng, cần chú y nội dung của tư tưởng trong lời dạy nói trên.

Vào khoảng trên 600 năm trước công nguyên, Quản Trọng (người nước Tề có câu nói nổi tiếng: “ Nhất niên thụ cốc, thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân”, đại ý lo công việc một năm thì phải trồng lúa, cho việc mười năm thì phải trồng cây, cho việc trăm năm thì phải giáo dục con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mượn câu nói này để áp dụng vào thời hiện tại và ẩn một ý quan trọng : Vì sự phát triển lâu dài, chúng ta phải có những con người văn hóa. Thuật ngữ trồng ở đây có gốc tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga là Culture. Song, Culture còn có nghĩa văn hóa, ngoài nghĩa trồng trọt. Do vậy, trồng người là vun đắp, xây dựng con người để họ trở thành nhân cách có văn hóa. Hôm nay, đứng trước xu thế toàn cầu hóa và chủ trương hội nhập quốc tế, chúng ta buông lơi văn hóa trong giáo dục thì chắc sẽ hứng chịu một hậu quả xấu khôn lường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất thân từ một gia đình trí thức Nho học, được thụ hưởng một nền giáo dục của gia đình yêu nước. Người am hiểu sâu sắc triết lý về con người của Nho học, song Người lại bôn ba tìm đường cứu nước khắp năm châu nên ở Người có một kho tàng tri thức tổng hợp đồ sộ, phản ánh nền văn hóa của nhân loại. Chẳng hạn, Người đọc và hiểu sâu học thuyết Khổng - Mạnh, tâm đắc học thuyết Đại đồng của Khổng Tử và đường lối chính trị - kinh tế lấy dân làm gốc của Mạnh Tử. Người hết sức tán đồng câu trả lời vua của Mạnh Tử : “ Lợi ích của dân chúng trước hết, sau đó tới lợi ích của nhà nước, lợi ích của nhà vua không đáng kể”. Người đọc kỹ những nhà cải cách nổi tiếng của Trung Hoa như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, hiểu sâu tư tưởng của Tôn Trung Sơn, nghiên cứu tường tận các học giả cách mạng Pháp như Voltaire, Montesquieu, Rousseau, Diderot, tiếp thu những hạt nhân hợp lý của các tôn giáo. Có lần, trả lời một nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói : “Khổng Tử, Giêsu, C.Mác, Tôn Dật Tiên … các vị ấy đều muốn làm lợi cho xã hội. Nếu họ sống và ở gần nhau, tôi tin rằng, các vị ấy sẽ chung sống với nhau thoải mái như những người bạn tốt”.

3. Hiểu sâu học thuyết Marx – Lénine mới nắm được những nội dung cốt lõi trong tư tưởng về con người và tư tưởng về đạo đức làm người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Là một người nặng lòng với Tổ quốc và dân tộc, đồng thời thông cảm với sự thống khổ của nhân dân các dân tộc bị áp bức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có được sự nhạy cảm và tinh tế khi gặp gỡ học thuyết Marx, nhất là khi tiếp xúc với Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lénine. Người cho biết, sau khi đọc Luận cương này, “tôi vui sướng đến phát khóc lên” và từ đó, hoàn toàn tin theo Lénine, tin theo Quốc tế thứ ba. Trả lời phỏng vấn của một nhà báo, nhà sử học và là đảng viên Đảng cộng sản Pháp - đồng chí Charles Fournico – Người khẳng định : “Đồng chí đã biết truyền thuyết của chúng tôi về cái Cẩm nang. Khi gặp khó khăn, người ta mở cẩm nang và tìm cách giải quyết. Chủ nghĩa Lénine cũng gần như cái Cẩm nang thần kỳ đó. Lúc đầu, chính là do chủ nghĩa yêu nước mà tôi tin theo Lénine. Rồi từng bước tôi đi đến kết luận là chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, dân tộc kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đặt trong mối quan hệ biện chứng mác xít. Do vậy, từ góc độ đạo đức, chúng ta thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn trong nội dung đạo đức một nguyên tắc quan trọng và nhất quán : việc làm nào có hại cho quyền lợi dân tộc và cho chủ nghĩa xã hội, vi phạm tinh thần quốc tế vô sản, thì đều được coi là thiếu đạo đức (cách mạng). Tiêu chuẩn đạo lý dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh vượt qua khỏi ranh giới dân tộc của một quốc gia và mở rộng sang phạm vi dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Vì thế, tại Hội nghị Tours, 1920, Người nói : “Xin nhân danh toàn thể loài người, nhân danh các đảng viên xã hội, cả phái tả lẫn phái hữu, chúng tôi kêu gọi : các đồng chí cứu chúng tôi”.

Toàn văn bài nói chuyện Download tại mục Tài liệu học tập trong phần các tiện ích trên site.

GS-TS Phạm Tất Dong



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'


Thời gian mở trang: 0.238 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.