Nghệ An: Hội người cao tuổi với phong trào khuyến học
01.2008
 |
|
Từ ngày thành lập Hội Khuyến học Nghệ An lại nay, Hội Người cao tuổi đã có nhiều hoạt động phối hợp quan trọng trong công tác khuyến học khuyến tài. Có thể nói rằng, trong các tổ chức xã hội thì Hội người cao tuổi là một trong những tổ chức xã hội phối hợp, tham gia công tác khuyến học tích cực và hiệu quả nhất.
Trong những năm qua, nhất là đầu mỗi nhiệm kỳ, Hội Khuyến học và Hội Người cao tuổi Việt Nam đều xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động giữa hai Hội. Nghị quyết của Đại hội khóa 2 Hội người cao tuổi Việt Nam đã xác định: "Tích cực tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài ngay từ gia đình, dòng họ, cụm dân cư, góp phần thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, xây dựng XHHT từ cơ sở...".
Thực hiện kế hoạch phối hợp, Hội Khuyến học và Hội Người cao tuổi tỉnh đã hỗ trợ lẫn nhau trên các mặt hoạt động: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên và nhân dân, chủ trương đẩy mạnh khuyến học trong và ngoài nhà trường, phát triển rộng khắp Trung tâm học tập cộng đồng xây dựng XHHT từ cơ sở. Động viên và tạo mọi điều kiện cho người cao tuổi phát huy truyền thống ham học hỏi, nêu gương sáng cho thế hế trẻ noi theo, thông qua các hình thức học và tự học thích hợp. Khích lệ, hỗ trợ và tư vấn các hoạt động khuyến học, khuyến dạy trong các trường học thông qua việc vận động hội viên và nhân dân giúp đỡ những em nghèo vượt khó học giỏi, khen thưởng học sinh, sinh viên giỏi, giúp đỡ gia đình giáo viên có khó khăn. Cùng nhau góp phần xây dựng phát triển các mô hình khuyến học: xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, cộng đồng dân cư khuyến học. Nhiều hội viên là giáo chức đã tự nguyện bồi dưỡng học sinh yếu kém; có nơi đã đưa vào dòng họ để phụ đạo cho các em học sinh yếu kém; bồi dưỡng ôn thi đại học miễn phí.
Trong số trên 35 vạn hội viên Hội Khuyến học ở Nghệ An, thì hội viên Hội Người cao tuổi chiếm hơn 50%. Hội đã giới thiệu nhiều cán bộ có uy tín, có tâm huyết tham gia Ban chấp hành Hội Khuyến học các cấp, trong đó có 18% người tham gia BCH ở tỉnh Hội; 89% tham gia BCH huyện thành thị Hội, 94% chủ tịch và phó chủ tịch thường trực các huyện, thành, thị Hội; hầu hết Phó chủ tịch thường trực các phường xã thị trấn và chi hội trưởng các khối phố thôn bản; gần 100% trong ban khuyến học của 4.564 dòng họ là hội viên Hội Người cao tuổi và cũng phần lớn là những cựu giáo chức. Họ đang là đội ngũ cán bộ Hội Khuyến học nòng cốt, hoạt động tự nguyện, tâm huyết nhiều năm liền. Cùng với sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền mà tổ chức Hội Khuyến học đã phủ kín và ăn sâu bám rễ khắp cả tỉnh.
Người cao tuổi có vai trò vị trí quan trọng trong gia đình và ngoài xã hội. Họ đã có nhiều đóng góp hết sức quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự chiến đấu, hy sinh của họ là để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và góp phần thực hiện hoài bão của Bác Hồ là "ai cũng được học hành", mong muốn con cháu học hành tiến bộ để xây dựng đất nước "sánh vai với các cường quốc năm châu". Chính vì vậy họ đang phấn đấu: "Tuổi cao, chí càng cao, nêu gương sáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Cùng với phong trào thi đua "Tuổi cao gương sáng", "Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo", "Phong trào thi đua làm kinh tế giỏi", trên mặt trận khuyến học có những điển hình tiêu biểu như cựu chiến binh Lê Kế Nam, Nguyễn Đăng Đề; Nhà giáo ưu tú - PGS.TS Nguyễn Đình Noãn; Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Phan Đức Thành, nhà giáo Phan Huy Xý, nhà giáo Trần Lê Xuân (Trường Đại học Vinh); ông Hà Văn Tải, ông Đoàn Đình Quỳnh (nguyên cán bộ Tỉnh ủy); ông Đặng Phúc Hậu (Quỳ Hợp); Nhà giáo ưu tú Kiều Ngọc Bát (Quỳnh Lưu); Nhà giáo ưu tú Vũ Duy Quảng (Diễn Châu), Nhà giáo ưu tú La Văn Bốn, nhà giáo Đào Thị An (Con Cuông); nhà giáo Lê Hữu Mỹ (Anh Sơn); nhà giáo Nguyễn Huy Chấp (Nghi Lộc); nhà giáo Phan Văn Trân (Hưng Nguyên); nhà giáo Trần Danh Phương, Nguyễn Nghĩa Hợi (Nghĩa Đàn); nhà giáo Lê Công Bành (Cửa Lò); nhà giáo Ngô Thị Quế (Kỳ Sơn).v.v... là những tấm gương tiêu biểu người cao tuổi làm công tác khuyến học.
Công tác khuyến học, khuyến tài nói chung và đặc biệt là phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, cụm dân cư khuyến học đã và đang từng bước xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp giáo dục gia đình với giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội góp phần chấn hưng nền giáo dục. Những thành tựu của nền giáo dục nước nhà cũng như tỉnh ta là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, sau một năm thực hiện Cuộc vận động "hai không" với một uộc thi "thực chất" nghiêm túc, đúng quy chế cho thấy chất lượng giáo dục của tỉnh ta còn thấp kém, chúng ta cần phân tích sâu sắc nguyên nhân để có giải pháp hữu hiệu.
Trong thời gian tới Hội Người cao tuổi và Hội Khuyến học Nghệ An tiếp tục thực hiện kế hoạch phối hợp hoạt động mà Hội Người Cao tuổi và Hội Khuyến học Việt Nam đã đề ra. Nhân bước vào năm học mới 2007-2008, Bộ GD-ĐT tiếp tục bổ sung 2 nội dung: "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, không vi phạm đạo đức phẩm chất người thầy giáo, không để học sinh ngồi nhầm lớp".
Thực hiện 4 nội dung trên để nâng cao chất lượng giáo dục, trước hết là trách nhiệm chính của ngành Giáo dục. Nhưng để Cuộc vận động đạt hiệu qủa cao, thì cả hệ thống chính trị các cấp phải vào cuộc. Hội Người cao tuổi và Hội Khuyến học đã ký kết Kế hoạch phối hợp hành động, đồng hành với ngành Giáo dục thực hiện tốt có hiệu quả Cuộc vận động nói trên. Với hơn hai vạn cựu giáo chức là hội viên của 2 Hội; họ có thể làm tốt công tác khuyến học từ trong gia đình, dòng họ, trên địa bàn dân cư một cách sâu rộng.
Bạch Hưng Đào
Chủ tịch Hội Khuyến học Nghệ An
BBT |