TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Diễn đàn Khuyến học & Giáo dục | Một số yêu cầu về phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Ba 2024
T2T3T4T5T6T7CN
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Diễn đàn Khuyến học & Giáo dục 03.2024
Một số yêu cầu về phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
07.2017

Xem hình
Con người có vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đã chứng minh rõ ý nghĩa quyết định của nhân tố con người đối với sự thành bại, hưng vong của đất nước.

Tuy nhiên, để phát huy được nguồn lực con người, đặc biệt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần quan tâm tới một số yêu cầu về phát triển con người. Bài viết trình bày một số yêu cầu về phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Con người Việt Nam đi vào thế kỷ XXI trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học và công nghệ trên thế giới phát triển mạnh mẽ, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, sự phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo lối "đi tắt, đón đầu", nhất thiết phải gắn liền với phát triển con người và coi con người là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên, quá trình hình thành, xây dựng, phát triển con người Việt Nam hiện đại là quá trình được tiến hành một cách chủ động, tích cực, một quá trình có tính quy luật gắn liền với sự phát triển của xã hội ở từng giai đoạn nhất định trong công cuộc đổi mới. Vì vậy, cần phải dự đoán và hình dung được mô hình của con người Việt Nam hiện đại một cách rõ ràng, phải vạch ra được những đặc trưng cơ bản của con người cho phù hợp với thực tế khách quan, với điều kiện mới hiện hiện nay là vấn đề cần thiết.

 Khái niệm phát triển con người

Thuật ngữ “phát triển con người” được sử dụng từ lâu trong các ngôn ngữ khác nhau. Nhưng đến năm 1990, khái niệm “phát triển con người” (Human Development) mới xuất hiện trong báo cáo về phát triển con người (HDR) được Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) công bố. Theo UNDP “Của cải đích thực của một quốc gia là con người của quốc gia đó. Và mục đích của phát triển là để tạo ra một môi trường thuận lợi cho phép con người được hưởng cuộc sống lâu dài, khoẻ mạnh và sáng tạo” .

Phát triển con người - là quan điểm về phát triển, trong đó lấy con người làm trung tâm. Đó là phát triển của con người, vì con người và do con người.

Phát triển của con người có nghĩa là đầu tư vào phát triển tiềm năng của con người như giáo dục, y tế, kỹ năng… để con người có thể làm việc một cách sáng tạo và có năng suất cao nhất.

Phát triển vì con người là bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế mà con người tạo ra phải được phân phối rộng rãi và công bằng.

Phát triển do con người là hướng vào việc tạo cho con người có cơ hội tham gia vào mọi hoạt động của đời sống xã hội (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ).

Như vậy, theo quan điểm của Liên hợp quốc, khái niệm “phát triển con người” nhấn mạnh đến mục tiêu hơn là phương tiện của sự phát triển. Mục tiêu của sự phát triển không chỉ là phát triển xã hội mà chính là phát triển con người, là cần phải tạo ra một môi trường đảm bảo cho con người phát huy khả năng sáng tạo, được hưởng một cuộc sống khoẻ mạnh, được học hành và trường thọ, các quyền tự do chính trị, quyền con người và cá nhân được bảo đảm. Quan điểm phát triển con người như vậy hoàn toàn phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về phát triển con người toàn diện.

Thế hệ  tương lai của đất nước

 Một số yêu cầu về phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

 Thứ nhất, con người Việt Nam phải có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội

Về tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc: Đây là tiêu chí bao trùm, xuyên suốt nói lên phẩm chất chính trị của công dân đối với đất nước. Yêu nước ngày nay là phải gắn với mục tiêu, lý tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội; yêu nước là phải thể hiện ý chí quyết tâm thoát nghèo từ mỗi người dân, mỗi địa phương để vươn lên làm giàu cho mình và cho xã hội, tạo nên sức mạnh cho đất nước phát triển theo mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra là xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”; thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; có ý thức giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc; yêu thương, tôn trọng con người trong mỗi hoạt động sống; có những hoạt động tích cực để bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững.

Trong giai đoạn hiện nay và cả trong vài thập kỉ tới, xu thế toàn cầu hoá tiếp tục phát triển mạnh mẽ, quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, sự hợp tác và cạnh tranh giữa các quốc gia dân tộc ngày càng mãnh liệt, thì ý thức dân tộc hay tinh thần dân tộc càng trở thành một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước.

Trong toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, tinh thần dân tộc sẽ cố kết cả cộng đồng thành một khối thống nhất để hợp tác và cạnh tranh. Không tạo được khối thống nhất đó để mỗi người đứng riêng lẻ, tách biệt, rời rạc thì sẽ không có sức mạnh, không đủ khả năng hợp tác và cạnh tranh, càng không có khả năng đưa cả dân tộc vượt qua khó khăn, thử thách trong toàn cầu hoá. Do vậy, để nhìn nhận, đánh giá một con người trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập khu vực và quốc tế, yêu cầu tinh thần dân tộc càng phải được chú trọng nhằm một mặt, phải khơi dậy, bồi dưỡng, cổ vũ, khuyến khích tinh thần dân tộc; mặt khác, để sử dụng nó như một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập. Khơi dậy tinh thần dân tộc cũng là khơi dậy tự hào dân tộc, phát huy tất cả những gì tốt đẹp, thích hợp cho công cuộc đổi mới, hội nhập và gạt bỏ, sửa đổi tất cả những gì không còn phù hợp, cản trở sự phát triển. Tinh thần dân tộc trong điều kiện phát triển hoà bình của đất nước là một đảm bảo cho sự đoàn kết dân tộc, cho ý chí phấn đấu để dân tộc ta có thể “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.

Để tạo dựng, khơi dậy và phát huy tinh thần dân tộc trong mỗi con người, trước hết, công tác văn hoá, tư tưởng và công tác chính trị phải đi vào lòng người và ở từng giai đoạn, phải biết hướng tinh thần vào việc giải quyết một vấn đề cụ thể của đất nước. Ngoài ra, chú trọng giáo dục tinh thần dân tộc đối với học sinh ngay từ lúc còn ở tuổi học đường. Thêm nữa, cần phải mở rộng cánh cửa giao lưu với thế giới bên ngoài để mỗi người có thể nhìn được ra thế giới, nhận thức, so sánh, hiểu rõ về cái hay, cái đẹp của dân tộc và thấy rõ những tiêu cực bất cập để loại bỏ, khắc phục.

Như vậy, trong điều kiện hiện nay, tạo dựng, khơi dậy và phát huy tinh thần dân tộc là một đòi hỏi tất yếu để hội nhập và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đó là mục tiêu nhưng đó cũng là thước đo, tiêu chí để đánh giá một con người, một doanh nghiệp, một đoàn thể xã hội hội nhập và phát triển.

Về tinh thần đoàn kết: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, truyền thống đoàn kết cộng đồng của người Việt Nam đã tạo nên sức mạnh to lớn, góp phần đưa dân tộc ta vượt qua biết bao thử thách, gian nguy, giành và giữ vững quyền độc lập, tự do. Nối tiếp truyền thống đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam dựa trên nền tảng liên minh công, nông, trí thức vững chắc. Người đã kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa cách mạng Việt Nam giành những thắng lợi to lớn. Ngọn cờ tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sức mạnh để Đảng Cộng sản Việt Nam hội nhập và phát triển, mở rộng và nâng khối đại đoàn kết lên một tầm cao mới.

Tư tưởng đoàn kết hiện nay không chỉ là đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong đảng, đoàn kết toàn dân, đó còn là đoàn kết quốc tế. Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: “Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” . Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đặt ra cho mỗi người cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó trong đó có lợi ích của bản thân mình. Thực hiện được điều này đòi hỏi mỗi người phải đấu tranh với chính mình, vượt qua chính mình, ra sức tu dưỡng rèn luyện đạo đức, sống có nhân cách, xử lý hài hòa giữa lợi ích chung và lợi ích riêng.

Trong điều kiện hiện nay, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế trở thành nhân tố của sự ổn định, động lực của sự phát triển, hạt nhân thúc đẩy mọi phong trào. Xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và quốc tế trên lập trường của giai cấp vô sản là định hướng giá trị và lý tưởng sống của con người. Để có thể hòa mình vào tổ hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, mỗi người không chỉ phải tự giác, đặt trách nhiệm phải tham gia vào khối đại đoàn kết toàn dân, mà mỗi người còn phải tự xây dựng, nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với vị trí, vai trò và tầm vóc của mình.

Thứ hai, con người Việt Nam phải có trình độ chuyên môn cao, khả năng thích nghi nhanh và kỹ năng lao động giỏi.

Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải sử dụng các thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại, phải tiến hành cách mạng khoa học và công nghệ. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi con người Việt Nam hiện đại phải có trình độ chuyên môn cao để có thể nắm bắt được các thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại của thế giới và ứng dụng chúng vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước, nhằm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa. Bởi lẽ, như C.Mác đã khẳng định: “Sự ngu dốt là sức mạnh của ma quỷ và chúng ta lo rằng, nó sẽ còn là nguyên nhân của nhiều bi kịch khác nữa” .

Trình độ chuyên môn cao được thể hiện ở khả năng nắm bắt, tiếp cận nhanh nhạy, kịp thời và đúng hướng xu thế phát triển của những vấn đề thuộc lĩnh vực lao động của mình, để có thể lao động một cách sáng tạo, độc lập, có năng suất và hiệu quả tốt. Trong thời đại ngày nay, trình độ chuyên môn cao trong lao động còn thể hiện ở khả năng vận dụng tốt, kịp thời các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, có khả năng cải tiến, hoàn thiện và hiện đại hóa các công cụ và phương thức lao động ở phạm vi và lĩnh vực chuyên môn của chính mình trên cơ sở của khoa học và công nghệ hiện đại.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời đại cách mạng khoa học và công nghệ đòi hỏi khá cao về phẩm chất trí tuệ ở người lao động - một phẩm chất được coi là quan trọng nhất hiện nay. Đó là người lao động phải có năng lực sáng tạo, năng lực hoạt động thực tiễn tốt; có khả năng áp dụng những thành tựu của khoa học để sáng chế ra những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; có năng lực thu thập và xử lý thông tin trong điều kiện bùng nổ thông tin; có sự nhạy bén, thích nghi nhanh và thực sự làm chủ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Đồng thời, người lao động phải có khả năng biến tri thức thành kỹ năng lao động nghề nghiệp, nghĩa là phải có kỹ năng lao động giỏi thể hiện qua trình độ tay nghề, mức độ thành thạo chuyên môn nghề nghiệp.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta được tiến hành trong xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới với tư cách là xu thế phát triển khách quan, do đó đòi hỏi người lao động Việt Nam còn phải biết chủ động hội nhập quốc tế nhằm tiếp thu tri thức, kinh nghiệm, sức mạnh của thế giới bên ngoài để phát huy, tăng cường sức mạnh của đất nước mình. Hội nhập quốc tế cũng có nghĩa là chấp nhận cạnh tranh với thế giới bên ngoài trong điều kiện Việt Nam còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém, đặt ra những đòi hỏi bức xúc về chất lượng nguồn lực con người Việt Nam.

Hiện nay, đầu tư nước ngoài đang vào Việt Nam với tốc độ và quy mô ngày càng lớn, trong khi chúng ta có đội ngũ lao động trẻ dồi dào nhưng lại thiếu trình độ chuyên môn, vì vậy việc tận dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư nước ngoài có nhiều hạn chế. Mặt khác, do không có trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp nên lao động người Việt Nam ít được vào làm việc trong các lĩnh vực quan trọng, hoặc trong các cơ sở sản xuất có trình độ khoa học công nghệ cao, mà phần lớn chỉ được lao động trong các cơ sở sản xuất có hàm lượng kỹ thuật và công nghệ thấp hoặc trung bình, vì vậy việc xuất khẩu lao động của Việt Nam còn hạn chế.

Như vậy, trình độ chuyên môn cao và tính chuyên nghiệp là một trong những yếu tố cấu thành và quyết định chất lượng nguồn nhân lực hiện đại. Thiếu nó, con người chỉ có sức lao động mà không có khả năng lao động trong nền sản xuất hiện đại.

Thực tế ở nước ta nhiều năm qua kể từ khi mở cửa, hội nhập khu vực và quốc tế, tình trạng yếu kém về chuyên môn và thiếu tính chuyên nghiệp trong lao động bộc lộ một cách rõ rệt. Mặt khác, quá trình hội nhập trong điều kiện Việt Nam có trình độ công nghệ và kinh tế chậm phát triển; năng lực cạnh tranh của các sản phẩm của Việt Nam yếu hơn so với các nước khác. Do vậy, để hội nhập quốc tế một cách vững chắc, đòi hỏi Việt Nam buộc phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực theo hướng tạo dựng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có tính chuyên nghiệp trong lao động và thích ứng nhanh với tiến bộ của nền khoa học - công nghệ nhân loại, nhất là cuộc cách mạng khoa học - công nghệ 4.0 hiện nay.

Thứ ba, con người Việt Nam phải có đạo đức mới.

Nói đến đạo đức mới là nói đến hệ thống các quy tắc, chuẩn mực quan hệ đạo đức, tương ứng với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế để phân biệt với hệ thống các quy tắc, chuẩn mực đạo đức đã từng tồn tại trong các thời kỳ trước đây.

Đạo đức mới của con người Việt Nam hiện nay không thoát ly, tách biệt với những nội dung đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà nó là sự tiếp thu, kế thừa những nội dung tốt đẹp của đạo đức truyền thống dân tộc, đồng thời, cải biến một số nội dung cũ cho phù hợp với xã hội hiện đại, gạt bỏ những nội dung lỗi thời không còn thích hợp với bối cảnh xã hội hiện nay. Đạo đức mới bao hàm trong nó những nội dung rộng lớn từ lý tưởng phấn đấu cho độc lập dân tộc, đất nước phồn vinh, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ,công bằng, văn minh đến hành vi tiết kiệm, nếp sống văn minh, lòng trung thực, nhân nghĩa, lối sống lành mạnh…

Các nội dung đạo đức, hay nói cách khác, khía cạnh đạo đức trong mỗi con người không bao giờ đứng độc lập, tách rời các khía cạnh khác, mà thường hòa trộn lẫn nhau, đan xen vào nhau, kết hợp bổ sung cho nhau làm nên phẩm chất của mẫu hình con người của thời đại, của từng giai đoạn lịch sử, vừa có kế thừa, tiếp thu những nét trong mẫu hình con người của quá khứ vừa mang những nét mới đặc trưng cho mẫu hình con người của giai đoạn mới. Ngay cả những nét cũ tiếp thu từ quá khứ, thì nội dung, tinh thần và cốt cách của nó cũng đã mang dấu ấn của thời kỳ mới, hay được cải biến cho phù hợp với những điều kiện mới.

Lối sống giản dị, chất phác, chân thành, khiêm tốn trong ứng xử, tiết kiệm, ứng xử hợp lý, hợp tình cũng là một nội dung của đạo đức mới. Con người Việt Nam vốn có lối sống tiết kiệm, giản dị, chân thành, chất phác và khiêm tốn như một nét tự nhiên, tất yếu, bắt nguồn từ điều kiện sống và lao động của họ. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế lối sống thực dụng, trọng đồng tiền, xa hoa, lãng phí đã và đang ít nhiều ảnh hưởng đến một bộ phận dân cư. Do đó, việc phát huy các chuẩn mực lối sống tiết kiệm, giản dị, chân thành, chất phác và khiêm tốn như một yêu cầu đối với con người Việt Nam hiện đại lại càng cần thiết. Điều đó, sẽ giúp cho việc xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có định hướng đúng, ngăn ngừa và ngăn chặn tác hại của lối sống trái ngược với thuần phong mĩ tục, xa lạ với bản chất nhân nghĩa của người Việt Nam.

Điểm quan trọng và thiết yếu trong nội dung đạo đức mới của con người Việt Nam hiện nay là chống chủ nghĩa cá nhân. Đây là một trong những nội dung đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trước đây “đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngẩng lên trời” . “Đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải là danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người” .

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, việc xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức mới đòi hỏi phải sửa đổi những việc rất phổ thông, rất cần thiết trong đời sống của tất cả con người từ cách ăn, mặc, ở, đi lại, cách làm việc.... Xây dựng phong cách sống khiêm tốn, giản dị, điều độ, chừng mực, ngăn nắp, quý trọng thời gian, ít ham muốn bất hợp lý về vật chất, chức quyền, danh, lợi, khoan dung, độ lượng, xây dựng tác phong quần chúng, tác phong dân chủ, tác phong khoa học là rất cần thiết. Xây dựng thuần phong mỹ tục để có lối sống đẹp cho cả cộng đồng, xóa bỏ những phong tục tập quán không còn phù hợp, tạo dựng một nếp sống văn hóa và có văn hóa ngày càng cao.

Thứ tư, con người Việt Nam phải có thể lực tốt.

Thể lực, sức khỏe tốt có ý nghĩa quan trọng, quyết định năng lực hoạt động của con người. Phải có thể lực, con người mới có thể phát triển trí tuệ và quan hệ của mình trong xã hội. Đây là yêu cầu đầu tiên đối với người lao động ở mọi thời đại lịch sử, mọi quốc gia, dân tộc khác nhau, song ở từng thời đại, mỗi quốc gia, dân tộc khác nhau có những yêu cầu với mức độ, nội dung khác nhau. Thể lực tốt được hiểu không phải chỉ là tình trạng không có bệnh tật, mà còn là sự thoải mái, hoàn thiện về thể chất, về trí lực và về xã hội. Song, trước hết con người phải có sức khỏe cơ thể với tư cách là điều kiện tiên quyết để duy trì và phát triển trí tuệ, là phương tiện thiết yếu để chuyển tải trí thức vào hoạt động thực tiễn, để biến tri thức thành sức mạnh vật chất. Đồng thời, phải có trí lực - đó là sự dẻo dai của hoạt động thần kinh, là sức mạnh của niềm tin và ý chí, là sức sáng tạo và khả năng vận động của trí lực. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân khỏe mạnh tức là cả nước mạnh khỏe… Dân cường thì quốc thịnh” . Cũng như để giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Sức khỏe của con người phải là sự thống nhất giữa hai yếu tố tinh thần và thể chất. Sức khỏe phải gắn liền với cuộc sống lao động, gắn với một nếp sống đẹp, có văn hóa, hướng tới lao động hữu ích. Sức khỏe cá nhân là một bộ phận, gắn liền với sức khỏe của cộng đồng, mỗi người khỏe mạnh, cả dân tộc khỏe mạnh. Một quốc gia, dân tộc phát triển thì đời sống của con người được nâng cao, tạo điều kiện để mỗi người dân được nâng cao sức khỏe. Do vậy, luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước.

Thể lực của con người được xác định bởi kết cấu cơ thể sinh học của con người (chiều cao, cân nặng, sự cân đối của cơ thể, sự nhạy cảm và sức chịu đựng…) hoạt động theo những chức năng tự nhiên do cơ thể sinh học điều tiết và điều khiển. Với sự phát triển của nền kinh tế, nền văn minh xã hội, cơ thể con người cũng ngày càng phát triển và hoàn thiện theo quy luật tiến hóa.

Trong điều kiện cách mạng khoa học và công nghệ, công nghiệp hóa gắn liền với hiện đại hóa, hàm lượng trí tuệ, chất xám trong mỗi sản phẩm lao động chiếm tỷ trọng rất lớn, thì yêu cầu về trí lực càng cao. Bởi lẽ, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như trong cuộc cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, vai trò quyết định thuộc về lao động trí tuệ và năng lực sáng tạo của đội ngũ lao động. Song, muốn lao động trí tuệ có hiệu quả, muốn thúc đẩy năng lực sáng tạo thì người lao động không những phải có sức khỏe, thể lực tốt, mà hơn thế nữa, còn phải có trí lực cao. Để có trí lực cao, họ cần phải có sức khỏe tốt, thể lực không khỏe mạnh thì sẽ hạn chế đáng kể sự phát triển trí lực - yếu tố quyết định phần lớn khả năng sáng tạo của con người. Mặt khác, họ phải được giáo dục và đào tạo kỹ lưỡng, thể hiện qua trình độ học vấn và vốn văn hóa, nhất là phải được sống và làm việc trong một môi trường xã hội thuận lợi, có văn hóa đạo đức, thực sự dân chủ, bình đẳng, được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời.

   
Sức trẻ Việt Nam

Với thực tiễn nước ta hiện nay và bối cảnh quốc tế hiện thời, để phát triển con người Việt Nam, để “bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người”, “phát huy nguồn lực con người” với tư cách là yếu tố cơ bản cho sự phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, để có thể “cần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt” trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đời sống xã hội. Chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến phát triển con người, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã hội học tập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân”.


(Theo Giáo dục và Thời đại)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh
Sơn La tìm giải pháp nâng cao chất lượng trung tâm học tập cộng đồng
Nâng cao hiệu quả công tác khuyến học - khuyến tài tại các tỉnh vùng Tây Bắc
Giao ban công tác khuyến học - khuyến tài khu vực Đông Bắc năm 2023
Hội khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tìm cách tháo gỡ khó khăn trong công tác khuyến học
Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Công an phối hợp đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong lực lượng công an nhân dân


Thời gian mở trang: 0.315 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.