TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Xây dựng xã hội học tập | Từ xu thế lớn của thời đại, kinh nghiệm của các nước suy nghĩ về xây dựng xã hội học tập ở nước ta
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Ba 2024
T2T3T4T5T6T7CN
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Xây dựng xã hội học tập 03.2024
Từ xu thế lớn của thời đại, kinh nghiệm của các nước suy nghĩ về xây dựng xã hội học tập ở nước ta
05.2017

Xem hình
Website Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết "Từ xu thế lớn của thời đại, kinh nghiệm của các nước suy nghĩ về xây dựng xã hội học tập ở nước ta" của ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam đến toàn thể Hội viên và bạn đọc.

 I. Học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập - Xu thế phát triển tất yếu. 

Thế giới đã bước sang năm thứ 17 của thế kỉ XXI - đã và đang chứng kiến “sự bùng nổ” thông tin do sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt công nghệ thông tin. Đây cũng là thời kỳ bắt đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hứa hẹn nhiều thay đổi quan trọng và đột biến. Do đó, những tri thức mau chóng lão hóa, vòng đời của công nghệ ngày càng rút ngắn, sự thay thế kỹ thuật liên tiếp diễn ra. Trong điều kiện đó những kiến thức tiếp thu được trong nhà trường, kể cả ở bậc đại học và sau đại học,đã nhanh chóng lạc hậu và không đủ dùng trong suốt cuộc đời. Vì vậy, học tập thường xuyên, học tập suốt đời trở nên cần thiết đối với tất cả mọi người nếu muốn sống, làm việc, tồn tại và công hiến trong thời đại ngày nay. 

Malcolm Knowles, người khởi xướng chuyên ngành “Giáo dục học người lớn” (Andragogy), đã nhận định rằng, tuổi đời của công nghệ ngày càng rút ngắn, trong khi đó tuổi đời của con người ngày càng kéo dài. Nếu như trước đây, tuổi thọ của một công nghệ kéo dài 300 năm (khoảng 3 đời người) thì nay trong một đời người, công nghệ có thể thay đổi tới 3 lần.

Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, Edgar Faure trong bản báo cáo nổi tiếng của mình “Học để tồn tại: Giáo dục hôm nay và ngày mai” (năm 1972) đã khẳng định sự cần thiết và cấp bách của học tập suốt đời“Giáo dục sẽ không còn là đặc quyền của một tầng lớp tinh hoa hay là vấn đề của một nhóm độ tuổi nhất định nào đó. Giáo dục sẽ dành cho tất cả mọi người và dành cho suốt cuộc đời của mỗi cá nhân”“Mỗi nhân phải thế để duy trì sự học trong suốt cuộc đời. Ý tưởng giáo dục suốt đời điểm nhấn của xã hội học tập’’. Edgar Faure cũng đã dự báo về sự thay đổi vai trò của nhà trường chính quy và vai trò ngày càng tăng của các lực lượng xã hội trong giáo dục “Nhà trường phải đóng vai trò riêng sẽ phải tiếp tục phát triển xa hơn. Nhưng sẽ mất dần vị thếđộc quyền có chức năng làm giáo dục trong hội. Mọi lĩnh vực:quảncông, công nghiệp, thông tin,vận tảisẽ phải tham gia vào quảng giáo dục. Các cộng đồng địa phươngquốc gia tự thân sẽcác thể chế giáo dục cấp cao 

Tiếp theo đó, báo cáo của Uỷ ban quốc tế về Giáo dục thế kỷ XXI do Jacques Delors đứng đầu gửi cho UNESCO với tiêu đề “Học tập – Một kho báu tiềm ẩn” một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của học tập suốt đời và coi học tập suốt đời là chìa khoá bước vào thế kỉ XXI. 

Jin Yang - Chuyên gia cao cấp củaViện học tập suốt đời trựcthuộc UNESCO trong báo cáo của mình “Xây dựng xã hội học tập - Sự hình thành khái niệm và các tác động chính sách” năm 2010 đã khẳng định “Ngày nay chúng ta đang sống trong một xã hội đầy biến động và thay đổi nhanh chóng. Mỗi nhân không thể đáp ứng được các thách thức của cuộcsống nếu như không biến mình thành một người học suốt đời,một hội sẽ không bền vững nếu không trở thành một xã hội học tập”. 

Nhu cầu học tập suốt đời ngày càng trở nên cấp bách khi đời sống vật chất của người dân được cải thiện, nhu cầu tinh thần ngày càng cao, tuổi thọ ngày càng tăng, và thời gian nhàn rỗi ngày càng nhiều. Để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời ngày càng tăng, việc xây dựng Xã hội học tập là tất yếu, không chỉ ở các quốc gia phát triển, mà cả ở các quốc gia đang phát triển. Các quốc gia ngày càng ý thức được rằng để thúc đẩy học tập suốt đời cần phải xây dựng xã hội học tập và ngược lại, muốn xây dựng xã hội học tập thì phải đẩy mạnh học tập suốt đời. Học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập gắn bó chặt chẽ với nhau bằng quan hệ nhân quả. Edgar Faure coi Ý tưởng giáo dục suốt đời, “học tập suốt đời”, là điểm nhấn của xã hội học tập”, còn J.Delors thì xem Học tập suốt đời là cốt lõi của xã hội học tập. Học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập là xu thế tất yếu trước yêu cầu của thời đại. Một xã hội không thể phát triển bền vững nếu không trở thành xã hội học tập. Vì vậy, xã hội học tập là một mô hình xã hội mà các quốc gia trên thế giới đều đang phấn đấu hướng tới. 

II. Xây dựng xã hội học tập - Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và trong khu vực

Sau báo cáo nổi tiếng “Học để làm người: Giáo dục hôm nay và ngày mai” năm 1972 của Edgar Faure và báo cáo “Học tập – Một kho báu tiềm ẩn” của Jacques Delors, các quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển đã và đang bổ sung, sửa đổi, cải cách từng phần hoặc toàn bộ hệ thống giáo dục hướng tới “xã hội học tập” trên cơ sở lấy nguyên tắc “học tập suốt đời” làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt. 

Nhận thức được vai trò của học tập suốt đời đối với việc nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của lực lượng lao động trong xu thế toàn cầu hoá, các quốc gia, đặc biệt các quốc gia phát triển, đã sớm nhận thức được sự cần thiết phải đẩy mạnh học tập suốt đời trên lãnh thổ của mình. Hội đồng Châu Âu đã kêu gọi các nước tập trung đầu tư cho học tập suốt đời, xây dựng Chiến lược về học tập suốt đời để đạt được các mục tiêu chung là năm 2010 Liên minh châu Âu sẽ có "một nền kinh tế tri thức cạnh tranh và năng động nhất thế giới, có khả năng tăng trưởng kinh tế bền vững với việc làm nhiều hơn, tốt hơn và gắn kết xã hội hơn". Thúc đẩy học tập suốt đời được coi là quốc sách hàng đầu của nhiều quốc gia nhằm duy trì và tăng cường lợi thế cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu. Học tập suốt đời trở thành một phương thức quan trọng trong quá trình triển khai nền kinh tế tri thức, một công cụ thiết yếu để thúc đẩy sự phát triển xã hội tri thức. Ủy ban châu Âu, OECD (Tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế) và UNESCO đã coi học tập suốt đời là nền tảng khung của mọi cuộc cải cách giáo dục ở  các quốc gia. 

Năm 1983, Ở Hoa Kỳ có một báo cáo với tiêu đề “Một dân tộc bị hiểm nguy: Mệnh lệnh cải cách giáo dục”. Báo cáo này khẳng định rằng trước một thế giới cạnh tranh ngày càng khốc liệt và thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ thì “cải cách giáo dục cần tập trung vào mục tiêu tạo ra một xã hội học tập”. 

Nhật Bảnkhông chỉ chủ trương xây dựng xã hội học tập, mà còn nhấn mạnh xây dựng một xã hội học tập suốt đời (Lifelong Learning Society) với nhận định “Để xây dựng một xã hội năng động và thịnh vượng, vấn đề cốt lõi là phải tạo ra được một xã hội học tập suốt đời, trong đó người dân có thể tự do lựa chọn cơ hội học tập trong bất kì thời gian nào trong cuộc đời mình”. Năm1990, Nhật Bản đã thông qua “Luậtkhuyến khích học tập suốt đời”nhằm thực hiệnmụctiêu phấn đấu xâydựng cả nước trở thành một “Xã hội học tập suốt đời”. 

Ở Hàn Quốc, Học tập suốt đời đã chínhthức được thể chế hóa trong Điều 13 của Hiến pháp sửa đổi năm 1980 “Nhà nước chịu trách nhiệm thúc đẩy học tập suốt đời”. Năm 1999, Hàn Quốc đã thông qua Luật Giáo dục suốt đời (Lifelong Education Act) trên cơ sở Luật Giáo dục xã hội (Social Education Act) năm 1982. Luật Giáo dục suốt đời được tiếp tục sửa đổi vào năm 2007 cho phù hợp hơn với thực tế. Cũng giống như Nhật Bản, Hàn Quốc không chỉ xây dựng xã hội học tập, mà chủ trương xây dựng xã hội học tập suốt đời. 

Ở Trung Quốc, chỉ từ những năm1990, khái niệm “Học tập suốt đời” mới bắt đầu xuất hiện trong các văn bản chính sách của Chính phủ. Năm1995 Luật giáo dục Trung Quốc đã quy định "Để thích ứng với kinh tế thị trường hội chủ nghĩatiến bộ hội,Trung Quốc đẩy mạnh cải cách giáo dục, thúc đẩy sự phát triển hài hòa các hình thức giáo dục mọi cấp, thành lập hoàn thiện hệ thốnghọc tập suốt đời” (Đại hội Đại biểu Toàn quốc Nhân dân Trung Quốc, 1995). Trong kế hoạch “Làm sống lại nền giáo dụcthếkỷXXI” ban hành năm 1999, Trung Quốc đã đưa ra một số chính sách và biện pháp xây dựng hệt hống học tập suốt đời và xã hội học tập. Mớiđây, Kế hoạch Cải cáchvà Pháttriển Giáo dục Trungvà Dài hạn 2010 - 2020 của Trung Quốc đã nêu bật yêu cầu xây dựng một xã hội học tập vào năm 2020, trong đó mọi người đều học tập và các cơ hội học tập được cung cấp ở mọi nơi, mọi lúc. 

Khái niệm “Học tập suốt đời” đã được du nhập vào TháiLan từ mấy thập kỷ nay. Tầm nhìn về một xã hội học tập đã được Chính phủ và công chúng tiếp nhận rộngkhắp và đã được đưa vào Chiến lược phát triển quốc gia”. Năm 2008 Thái Lan đã thông qua chủ trương “thúc đẩy Giáo dục không chính quy và Giáo dục phi chính quy” xây dựng xã hội học tập  nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của các tầng lớp nhân dân.Sau đó giáo dục không chính quy và Giáo dục phi chính quy (Informal Education) ở Thái Lan đã được thể chế hoá trong Luật giáo dục. Điều 15, Chương 3 của Luật giáo dục 2002 đã khẳng định, hệ thống giáo dục gồm 3 bộ phận: Giáo dục chính qui, Giáo dục không chính qui và Giáo dục phi chính qui. Việc học không chính quy và phi chính quy tại nơi làm việc đều được công nhận. Bằng cấp đối với học viên bất cứ từ cơ sở nào và thuộc bộ phận nào: chính quy, không chính qui hay phi chính quy đều do hệ thống giáo dục cấp. 

Để thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, ngoài việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý, các quốc gia trên thế giới đã và đang có nhiều cố gắng xây dựng cơ chế phối, kết hợp giữa các ngành, các lĩnh vực trong cùng một địa phương, đồng thời trao quyền mạnh mẽ hơn nữa cho các cấp chính quyền địa phương trong việc tổ chức và giám sát  học tập. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, không thể xây dựng hệ thống học tập suốt đời hoặc xây dựng xã hội học tập nếu chỉ bằng nỗ lực của Chính phủ, mà cần có sự tham gia làm chủ của từng địa phương. Vì vậy, từ những năm 1970 các nước đã tập trung xây dựng “Vùng học tập”  (Learning Region), rộng hẹp khác nhau, tùy điều kiện của quốc gia với tư cách là thành tố cuối cùng và trực tiếp của xã hội học tập. Theo UNESCO, khái niệm “Vùng học tập”có thể được áp dụng cho các khu vực địa lý hoặc địa phương khác nhau như tỉnh hoặc thành phố. Trong một số trường hợp, “Vùng học tập” còn có thể được hiểu là một địa phương rộng lớn gồm nhiều thị xã, thị trấn học tập, hoặc nhiều “Cộng đồng học tập” (Learning Community). Tuy nhiên, các nước phát triển ở phương Tây hiện nay tập trung chủ yếu vào xây dựng “Thành phố học tập” xem Thành phố là “vùng học tập” là đơn vị học tập cuối cùng, thành tố trực tiếp của xã hội học tập bởi dân số của họ chủ yếu sống ở thành phố. 

Khởi nguồn của nó chính là “thành phố giáo dục” xuất hiện từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II nhằm giải quyết nạn thất học trong chiến tranh. Đầu những năm 70 của thế kỷ trước OECĐ đã chọn 7 thành phố của  bảy nước thành viên: Edmonton (Canada), Gothenburg (Thụy Điển), Vienna (Áo) và Edinburgh (Scotland), Kakegawa (Nhật Bản), Adelaide (Úc) và Pittsburgh (Mỹ) để thí điểm xây dựng “thành phố học tập” Hiện nay, Thành phố học tập đang được xây dựng ở nhiều các nước châu Âu và một số nước ở Bắc Mỹ. Ở châu Á - Thái Bình Dương, Hàn Quốc là nước sớm quan tâm tới việc tổ chức học tập suốt đời và việc xây dựng Thành phố học tập để tiến tới xây dựng xã hội học tập. Năm 2008, ở Hàn Quốc đã có 76  đô thị và thành phố được chọn để xây dựng thành “Thành phố học tập”, chiếm khoảng một phần ba trong tổng số 234 đô thị và các thành phố trong cả nước. Ở  Trung Quốc tính đến năm 2009 đã có hơn 200 thành phố đề ra mục tiêu xây dựng Thành phố học tập. Nam Phi cũng đã và đang triển khai thí điểm mô hình Thành phố học tập. Đến nay đã có hơn 1.000 thành phố trên thế giới đang phấn đấu trở thành hoặc cam kết sẽ trở thành Thành phố giáo dục hoặcThành phố học tập.     

Viện Học tập suốt đời của UNESCO (UNESCO Institute for Lifelong Learning viết tắt là UIL) đã tính đến việc thành lập một Mạng lưới các Thành phố học tập toàn cầu (The UNESCO Global Learning Cities Network, viết tắt là UNESCO-GLCN) để tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Thành phố học tập.

Hiện tại, trong việc xây dựng Thành phố giáo dục, Thành phố học tập còn nhiều cách tiếp cận, khác nhau tuỳ theo quan niệm và tình hình thực tế của mỗi quốc gia. Jin Yang - Chuyên gia cao cấp của Viện học tập suốt đời của UNESCO (UIL) đã khải quát một số yêu cầu đối với việc xây dựng Thành phố học tập như sau: 

1. Có sự quyết tâm và cam kết chính trị của Nhà nước, của chính quyền. 

2. Có sự liên kết, phối hợp giữa các ngành và các bộ phận liên quan. 

3. Nắm chắc được nhu cầu học tập của người dân. 

4. Các cơ hội học tập phải đa dạng. 

5. Tất cả các cơ quan/tổ chức/doanh nghiệp/trường học v.v… đều là những “cộng đồng học tập, đơn vị học tập”. 

6. Không có sự phân biệt đối xử. 

7. Kinh tế phát triển, có nhiều việc làm. 

8. Các trường đại học tham gia tích cực. 

9. Có sự tôn vinh và khen thưởng.

Để khắc phục các rào cản về địa lí, kinh tế, thời gian...đối với yêu cầu xây dựng “xã hội học tập” các quốc gia đã và đang có nhiều chính sách và giải pháp thiết thực, cụ thể như: 

- Đẩy mạnh học tập trực tuyến (E-Learning), học tập qua mạng (Online Learning), học tập di động (M-Learning/Mobile Learning). 

- Khuyến khích học tập tại nơi làm việc (Learning at Workplace). 

- Có chính sách ưu đãi đối với học viên như miễn giảm học phí. 

- Miễn, giảm thuế đối với các doanh nghiệp có tổ chức lớp học bồi dưỡng, nâng cao tay nghề theo hướng học tập suốt đời cho người lao động. 

- Công nhận kết quả học tập phi chính quy, không chính quy và cấp bằng chứng nhận. 

- Xây dựng, khuyến khích văn hoá học tập suốt đời. 

- V.v… 

III. Từ xu thế lớn của thời đại và kinh nghiệm của các nước suy nghĩ về xây dựng xã hội học tập ở nước ta 

a. Ở Việt Nam, học tập suốt đời chính là tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập xuất hiện từ rất sớm. Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người rất uyên thâm về Nho học, am hiểu sâu sắc những trào lưu triết học duy vật và duy tâm phương Tây, thông tuệ trong vận dụng  triết học Mác-Lênin vào đường lối cách mạng Việt Nam, đã có nhiều phát biểu, bài viết về học tập và học tập suốt đời. Người không những chủ trương phải học tập suốt đời, mà còn mong muốn mọi người đều được học, thực hiện bình đẳng trong giáo dục. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Người đã kêu gọi mọi người, đặc biệt là cán bộ, quân nhân phải học tập thường xuyên. Người căn dặn “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy cần phải học thêm”. (Thư gửi “Quân nhân học báo”, 4/1949). Để chứng minh tính chất quan trọng của sự học, Người đã từng nói: “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời đã bắt gặp xu thế lớn của thời đại xuất hiện từ đầu thập niên 70 của thế kỉ trước.

b. Thấm nhuần tư tưởng học tập suốt đời và nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc xây dựng xã hội học tập, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng ngay từ năm 2001 đã chủ trương “Đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng hình thức chính quy và không chính quy, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một xã hội học tập”. Sau đó, liên tiếp trong 2 kỳ Đại hội tiếp theo (Đại hội X năm 2006 và Đại hội XI năm 2011) Đảng ta luôn kiên định chủ trương xây dựngcả nước trở thành một xã hội học tập”. Đặc biệt Nghị quyết của Đại hội X đã nêu ra hướng cụ thể “Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học”. Đại hội XI và đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) đã xác định “Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người dân được học tập suốt đời”   

c. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo đó của Đảng, Chính phủ đã triển khai Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010 (Quyết định112/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 (Quyết định 89/QĐ-TTg). Căn cứ nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị 11CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về khuyến học, khuyến tài Hội khuyến học Việt Nam đã và đang phát huy vai trò nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài theo hướng xây dựng xã hội học tập. Hội đã nghiên cứu thành công đề tài khoa học cấp Nhà nước “Xây dựng  mô hình xã hội học tập ở Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp giao cho Hội. Đề tài đã xác định được cấu trúc các thiết chế giáo dục chính quy và không chính quy trong xã hội học tập, bước đầu xác định tiêu chí cơ bản của xã hội học tập. Điều quan trọng là đề tài đã bước đầu đề cập cơ sở lí luận của việc xây dựng xã hội học tập. Tuy nhiên, đề tài chưa đi sâu vào mọi đặc thù của tình hình Việt Nam nên mới chỉ là kết quả bước đầu, còn cần phải đi sâu nghiên cứu kỹ để từ đặc thù của Việt Nam xác định được các thành tố và các bước đi tiến tới xã hội học tập ở nước ta. Về thực tiễn, Hội khuyến học đã phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo xây dựng một mạng lưới rộng lớn các “Trung tâm Học tập Cộng đồng” ở cơ sở (mỗi xã, phường một Trung tâm) với tư cách là thiết chế giáo dục cho người lớn, những người đang lao động, vừa làm vừa học, cần gì học nấy để bồi dưỡng kiến thức, nâng cao tay nghề, hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp, tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thúc đẩy sản xuất phát triển. Việc xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng triển khai khá nhanh, nhưng khi đi vào hoạt động cho đến nay mới có khoảng 30% là hoạt động tương đối thường xuyên, một số đưa lại kết quả thiết thực trong sản xuất nên được nhân dân, nhất là nông dân hoan nghênh. Số đông còn lại do thiếu điều kiện cần thiết như tiền, người dạy, chương trình … nên không hoạt động hoặc hoạt động rời rạc. Tuy vậy, thực tế cũng chứng minh đây là một thiết chế học tập không chính quy cần thiết cho người lớn và sẽ tồn tại lâu dài, kể cả sau khi chúng ta xây dựng được xã hội học tập.

Phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng dân cư khuyến học, cùng với việc xây dựng các cơ quan, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, nhà chùa, nhà thờ, cơ sở tôn giáo khuyến học .... do Hội Khuyến học Việt Nam phát động từ 2003 đã có tác dụng thúc đẩy phong trào học tập của người dân ở cơ sở phát triển cả bề rộng và chiều sâu trên khắp mọi địa bàn dân cư, đồng thời phối hợp và hỗ trợ tích cực cho nhà trường trong việc giáo dục tư cách, đạo đức cho con em, ngăn ngừa tình trạng bỏ học, lưu ban, trong việc xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ giáo dục và đào tạo chủ trương , khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, thúc đẩy sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo. Những kết quả và nỗ lực nêu trên đã tạo nên những yếu tố, những tiền đề cần thiết cho việc xây dựng xã hội học tập.  

d. Đối với chúng ta, xây dựng xã hội học tậplà một việc làm mới mẻ, trên thế giới chưa có tiền lệ. Do đó chúng ta phải tự tìm tòi, tự xây dựng căn cứ vào điều kiện đặc thù của nước ta.

Việt Nam xây dựng xã hội học tập trong hoàn cảnh và điều kiện kinh tế- xã hội có nhiều điểm không tương đồng với các quốc gia khác trên thế giới, cũng như trong khu vực. Hầu hết các nước xây dựng xã hội học tập đều đã hoàn thành công nghiệp hoá, thậm chí có những nước đã kết thúc giai đoạn công nghiệp hoá từ lâu, cách đây trên 150 năm như Anh, trên 110 năm như Mỹ, Hà Lan, trên 80 năm như Thuỵ Điển, trên 50 năm như Nhật Bản v.v… ). Theo xu thế chung chúng ta cũng đang phấn đấu xây dựng nền kinh tế tri thức, trong quá trình đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công nghiệp hoá, hiện đại hoá để nước ta về cơ bản sớm trở thành nước một nước công nghiệp theo hướng hiện đại và trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải đồng thời tạo những tiền đề, những điều kiện tiên quyết cho một xã hội học tập.    

Khác với nhiều nước đang đi vào xã hội học tập,chúng ta có nhiều điều kiện phức tạp đặt ra không ít thách thức khi xây dựng xã hội học tập. Đó là trình độ dân trí, học vấn không đồng đều, sự khác biệt giữa các vùng miền cả về kinh tế, vị trí địa lý, điều kiện sống v.v…Chúng ta đi vào xã hội học tập với sự tham gia của những người từ mù chữ đến những người có trình độ văn hoá cao (đại học và trên đại học), thậm chí hiện còn trên 20 dân tộc chưa có chữ viết. Trong khi đó nhiều quốc gia có mặt bằng dân trí tương đối cao và học vấn tương đối đồng đều. Mô hình học tập suốt đời ở Việt Nam vì vậy rất phức tạp cần đa dạng hóa để phù hợp với các nhóm đối tượng có trình độ học vấn khác nhau.

Trong điều kiện có nhiều khác biệt như vậy, để thực hiện chủ trương mọi người đều được học, ở đâu cũng được học, làm gì cũng được học và học suốt đời, thể hiện công bằng trong giáo dục thì từ tổ chức học, đến nội dung học, cách dạy và học phải hết sức linh hoạt, đa dạng, rất khác với cách dạy và học trong nhà trường. 

Các nước, đặc biệt các nước phát triển, ít có sự khác biệt giữa các vùng miền, dân sống tập trung ở các thành phố, những nơi còn lại thường đã được đô thị hoá. Vì vậy họ tập trung xây dựng các “Thành phố học tập”. Ở nước ta, dân sống ở nông thôn là chủ yếu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2012, dân số khu vực thành thị là 28,81 triệu người, còn lại 59,87 triệu người sống tại 9.085 xã vùng nông thôn (chiếm 81,8%). Để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá chúng ta chủ trương đào tạo và gửi ra nước ngoài đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao là điều cần thiết; đó là nguồn nhân lực tương lai. Song sẽ là thiếu sót nếu ta không chú trọng đào tạo và nâng cao trình độ cho nhân lực hiện hành tức nguồn lao động đang trực tiếp thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội bao gồm công nhân, nông dân và những người làm dịch vụ, đặc biệt là nông dân. Ở nước ta nếu không công nghiệp hoá kinh tế nông nghiệp, hiện đại hoá đời sống nông thôn và tri thức hoá nông dân lao động thì không thể có được một nước Việt Nam công nghiệp hiện đại. Do vậy, xây dựng xã hội học tập và việc học tập suốt đời trên địa bàn TAM NÔNG (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) sẽ khởi đầu trước tiên, và chừng nào phong trào học tập suốt đời được phát triển bền vững ở địa bàn này thì xã hội học tập mới thật sự có ở Việt Nam và chủ trương xây dựng nông thôn mới mới hoàn thành về thực chất.

Từ những điều kiện khó khăn và tình hình đặc thù nêu trên có thể khẳng định xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam là điều không dễ, không thể thực hiện được trong ngày một ngày hai, mà phải có thời gian, phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đi từng bước vững chắc, mỗi bước phải có sơ kết rút kinh nghiệm, xác định bước tiếp theo cho đến khi hoàn thành. Ngay việc thực hiện “Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” theo quyết định 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta còn gặp không ít khó khăn về nhận thức, về cơ sở pháp lí, về những bất cập của hệ thống giáo dục hiện hành, cũng như về tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá. Nghiên cứu kinh nghiệm ở các nước trên thế giới và trong khu vực cho thấy một số vấn đề cấp bách mà chúng ta cần quan tâm để có thể xây dựng xã hội học tập thành công trong tương lai. Đó là:  

1.Để xây dựng thành công xã hội học tập cần phải có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về bản chất của học tập suốt đời và về sự cần thiết, tính chất quan trọng của xã hội học tập. Tuy nhiên, cho đến nay, nhận thức của cán bộ, đảng viên, của các ban, ngành, đoàn thể và của xã hội nói chung về vấn đề này còn rất hạn chế, thậm chí có trường hợp còn chưa đúng. Nếu xã hội học tập là sự gắn kết giữa hệ thống giáo dục chính quy trong nhà trường với giáo dục không chính quy, phi chính quy ngoài nhà trường thì các mục tiêu trong cả hai Quyết định về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010 và 2012-2020 chưa phản ánh đầy đủ các hình thức học tập đa dạng của học tập suốt đời và của xã hội học tập trong điều kiện nước ta. Các mục tiêu đó chưa khuyến khích, chưa ràng buộc các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang, cộng đồng dân cư và gia đình có trách nhiệm cung ứng các cơ hội học tập và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người được học tập suốt đời, mặc dù trong quan điểm chỉ đạo của Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 có đề cập đến.

2, Để thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập theo kinh nghiệm các nước cần phải xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý. Học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đã được thể chế hoá trong Hiến pháp và Luật giáo dục của nhiều quốc gia. Một số nước đã có Luật riêng về “học tập suốt đời” hoặc Luật về Giáo dục không chính quy và Giáo dục phi chính quy như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan ..., có nước đã xây dựng mộtChiến lược cụ thể về học tập suốt đờinhư ở các nước châu Âu. Ở nước ta, việc thể chế hoá chưa đủ mạnh, cơ sở pháp lí cho học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập chưa đầy đủ. Để đáp ứng nhu cầu bức xúc của thực tiễn, trong tương lai gần cần đề nghị Quốc hội ban hành Luật học tập/giáo dục suốt đời hay Luật học tập/giáo dục không chính quynhư kinh nghiệm của một số nước.   

3, Đểmuốn xây dựng “xã hội học tập” thì việc đổi mới/cải cách hệ thống giáo dục là tất yếu. Xây dựng xã hội học tập phải là mục tiêu của đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã đề ra. Tuy nhiên đổi mới/cải cách như thế nào, theo hướng nào để có thể đáp ứng được nhu cầu học tập suốt đời của tất cả mọi người dân trong suốt cuộc đời là vấn đề rất phúc tạp mà chúng ta cần phải  nghiên cứu, thí điểm, vận dụng xuất phát từ tình hình thực tế và điều kiện cụ thể của nước ta.

Ngay từ cuối những năm 60 của thế kỉ trước, Ph. Coombs đã cho ra mắt cuốn sách “Khủng hoảng của giáo dục trên phạm vi toàn thế giới”, trong đó khuyến cáo về sự cần thiết phải cải tổ hệ thống giáo dục đương thời nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời trước sự phát triển nhanh chóng của tri thức nhân loại và khoa học công nghệ. Giáo dục người lớn, giáo dục không chính quy khi đó được coi như một gợi ý để giúp giáo dục thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng. 

Trước những thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và sản xuất, Edgar Faure đã trình bày báo cáo “Học để tồn tại: Giáo dục hôm nay và ngày mai”, kiến nghị các nước cần phải bổ sung, sửa đổi, cải cách từng phần hoặc toàn bộ hệ thống giáo dục cuả mình theo hướng coi trọng phát triển cân đối, hài hoà cả giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy, cả giáo dục trẻ em và giáo dục người lớn.Học tập suốt đờiđược coi là nền tảng khung cho các cuộc cải cách giáo dục ở  các quốc gia. “Tuyên bố Hamburg về Giáo dục người lớn” và “Chương trình hành động cho tương lai” của Hội nghị thế giói về giáo dục (học tập) người lớn lần thứ 5 năm 1997 tại Hamburg (Đức)  đã khẳng định “Giáo dục người lớn và giáo dục trẻ em tuy phương thức và mức độ phát triển khác nhau, song đều là những bộ phận cần thiết của quan niệm mới về giáo dục, về học tập suốt đời. Giáo dục không chính quy, thực chất là giáo dục người lớn phải là một bộ phận không thể thiếu được của bất kì một hệ thống giáo dục nào”     

Giáo dục thường xuyênnêu trong Luật giáo dục của ta chính là giáo dục không chính quy mà chủ yếu và thực chất là giáo dục người lớn hiện nay còn chưa được quan tâm đúng mức, đầu tư xứng đáng, chưa được đối xử công bằng so với giáo dục chính quy. Giữa giáo dục không chính quy và giáo dục chính quy còn thiếu sự gắn kết và liên thông với nhau. Chúng ta sẽ thiếu sót nếu trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục lần này chưa coi trọng giáo dục không chính quy. Chúng ta chỉ có thể xây dựng được xã hội học tập một khi chúng ta đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, thu hút tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường với chất lượng ổn định trong hệ thống các trường học chính quy, đồng thời phải phát triển mạnh mẽ giáo dục ngoài nhà trường với hiệu quả ngày càng thiết thực, tạo cơ hội và điều kiện cho tất cả mọi người đều được học và học suốt đời. 

4, Phù hợp với xu thế thời đại Đảng và Nhà nước ta đã sớm có quyết định “xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập”. Vì là xu thế thời đại nên trên thế giới nhiều nước có chủ trương này và đang ra sức thực hiện. Như đã trình bày ở trên, các nước đang thực hiện đều tập trung xây dựng các Thành phố thành thành phố học tậpđều gắn việc xây dựng xã hội học tập với chủ trương học tập suốt đời. Không chỉ những nước phát triển cao, đã hoàn thành đô thị hóa, dân sống tập trung ở Thành phố làm như vậy mà một số nước dân sống phần lớn ở nông thôn như Trung Quốc, hoặc đang trong quá trình đô thị hóa như Hàn Quốc cũng chọn một số thành phố để xây dựng thành thành phố học tập xem như bước đầu tiên hay bước thí điểm. Cho đến nay vẫn chưa có nước nào tuyên bố đã xây dựng được xã hội học tập: Qua tìm hiểu thì những nước chọn một số thành phố làm trước vẫn chưa xác định được bước tiếp theo là gì.

Ở nước ta mấy năm qua kết hợp với phong trào khuyến học chúng ta thúc đẩy việc thí điểm xây dựng xã hội học tập vì mục đích của khuyến học cũng là tạo điều kiện cho mọi người dân đều được học, đối với xã hội học tập phải thêm và nhấn mạnh nguyên tắc “học suốt đời”. Do đó phong trào khuyến học tạo tiền đề cho xã hội học tập và là một bộ phận quan trọng của quá trình xây dựng xã hội học tập. Kết quả của công tác khuyến học cũng là kết quả của quá trình xây dựng cả nước thành một xã hội học tập. 

Đặc thù của Việt Nam là những người ít học hay không được học, thậm chí mù chữ hay tái mù chủ yếu tập trung ở cơ sở tức xã, phường, thị trấn. Do đó công tác khuyến học tập trung ở cơ sở nhằm sớm giải quyết việc xóa mù chữ và tình trạng không được học để mọi người dân đều tham gia học tập. Trên phương diện này mục tiêu của công tác khuyến học cũng là mục tiêu của xã hội học tập, chỉ khác ở chỗ xã hội học tập nhấn mạnh nguyên tắc “học tập suốt đời”. Chính qua thực tế của phong trào khuyến học mà chúng ta rút ra kết luận là ở Việt Nam phải “xây dựng xã hội học tập từ cơ sở”. Điều đó có nghĩa là trong quá trình xây dựng “xã hội học tập”, bước đầu tiên phải làm là xây dựng các cộng đồng dân cư ở cơ sở thành những “đơn vị học tập”, tức xây dựng các xã, phường, thị trấn thành các xã học tập, phường học tập, thị trấn học tập. Đây là bước phức tạp nhất, khó khăn nhất, nhưng lại là bước có ý nghĩa quyết định nhất vì nếu tất cả mọi người dân trên địa bàn hơn 11.000 xã, phường, thị trấn đều học và cam kết học suốt đời thì về cơ bản xã hội học tập đã bắt đầu hình thành. Để xã, phường thị trấn trở thành đơn vị học tập cơ sở thì các gia đình phải là “gia đình học tập” “Gia đình học tập” cũng như “gia đình hiếu học” mà Hội Khuyến học phát động xây dựng mấy năm trước đây là mô hình hiện thực hóa “gia đình học hiệu” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến khi Người về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám – Nếugia đình là tế bào của xã hội thì “gia đình học tập” phải là tế bào của “xã hội học tập”.

Trong quá trình xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập ta có thuận lợi là mấy năm nay phong trào khuyến học đã tập trung giải quyết các đơn vị học tập cơ sở, đã thiết lập “Trung tâm học tập cộng đồng”  ở tất cả các xã, phường, thị trấn làm công cụ giải quyết việc học cho người dân; vấn đề đặt ra hiện nay là để thực hiện đúng mục tiêu của xã hội học tập phải rà soát,  hoàn chỉnh các đơn vị học tập cơ sở để cho tất cả mọi người dân đều tham gia học tập và cam kết học tập suốt đời vì hiện nay chưa phải mọi người dân ở cơ sở đều tham gia học tập. 

Bước thứ hai. Xây dựng các tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang ...thuộc quyền quản lý và nằm trên địa bàn của Huyền, Thị xã và thành phố (trực thuộc Tỉnh) thành những cộng đồng học tập. Tất cả các cộng đồng học tập này tập hợp lại thành Huyện học tập, Thị xã học tập và Thành phố (thuộc Tỉnh) học tập.

Bước thứ ba. Xây dựng các tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang...thuộc quyền quản lý và nằm trên địa bàn của Tỉnh, Thành phố (thành phố trực thuộc Trung ương) thành những cộng đồng học tập. Tất cả các cộng đồng này tập hợp lại thành Tỉnh học tập  Thành phố học tập. 

Nếu xem đơn vị học tập dù lớn hay nhỏ, cao hay thấp không phân biệt ở cấp nào (cơ sở; huyện thị xã; Tỉnh, Thành phố đều là thành tố của xã hội học tập thì khi xây dựng xong tất cả các xã, phường, thị trấn học tập; tất cả các Huyện, Thị xã, Thành phố (thuộc Tỉnh) học tập  và tất cả các Tỉnh, Thành phố (trực thuộc Trung ương) học tập thì cả nước mặc nhiên trở thành Xã hội học tập.

Nếu xem “vùng học tập” mới là đơn vị học tập cuối cùng, mới là thành tố của xã hội học tập (theo gợi ý của UNESCO có thể lấy tỉnh, thành phố để xây dựng thành “vùng học tập”) thì khi ta xây dựng xong tất cả các Tỉnh, các Thành phố (trực thuộc Trung ương) thành “vùng học tập”, cả nước mới trở thành xã hội học tập. 

Để xây dựng Tỉnh thành “vùng học tập” phải gộp tất cả các đơn vị học tập đã được thành lập trên địa bàn Tỉnh ở cả 3 cấp: cơ sở; Huyện, thị xã; Tỉnh. Để xây dựng Thành phố (trực thuộc Trung ương thành “vùng học tập”phải gộp tất cả các đơn vị học tập được xây dựng trên địa bàn thành phố từ cấp cơ sở đến thành phố).

Theo phương án này, so với việc xây dựng các đơn vị học tập cơ sở (xã, phường, thị trấn học tập) thì việc xây dựng các Huyện học tập, Thị xã học tập cũng như Tỉnh học tập, Thành phố học tập (Thành phố trực thuộc Trung ương) đơn giản hơn nhiều vì những người làm việc ở các tổ chức, các đơn vị này là vừa làm vừa học, đều đã có trình độ học vấn nhất định, thuần nhất về việc làm, về nghề nghiệp. Việc xây dựng Tỉnh và Thành phố trực thuộc Trung ương thành “vùng học tập” cũng thuận tiện hơn. 

Thuận lợi lớn nhất của chúng ta là có phong trào khuyến học với những thành tựu đã đạt được, mà ta có thể tận dụng để giảm bớt khó khăn, phức tạp và cả thời gian khi đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

5, Về cơ quan chỉ đạo quá trình xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Tháng 10/2010 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng xã hội học tập và Ban chỉ đạo quốc gia đã có văn bản xây dựng các Ban Chỉ đạo địa phương về xây dựng xã hội học tập. 

Nhưng năm 2013 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng thời quyết định thành lập Ủy Ban quốc gia về đổi mới giáo dục và đào tạo do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời là một bộ phận quan trọng và thiết yếu của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo nên nó phải do Uỷ Ban quốc gia do Thủ tướng làm Chủ tịch chỉ đạo. Trong điều kiện đó việc thành lập một Viện nghiên cứu về xã hội học tập và học tập suốt đời là cần thiết và cấp bách.  Để góp phần thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, một số nước và khu vực đã thành lập các Viện hoặc Trung tâm nghiên cứu về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Châu Âu thành lập Trung tâm đặt trụ sở ở Ý, các nước ASEM thành lập Trung tâm đặt trụ sở ở Đan Mạch và gần đây Hội nghị Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) đã nhất trí giao cho Việt Nam thành lập Trung tâm khu vực về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, tiếng Anh là SEAMEO CELL với chức năng chủ yếu là nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng và thông tin/tư vấn về học tập suốt đời và xây dựng học tập cho các nước thành viên. Thời gian qua bức xúc trước tình hình phải đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập, Hội Khuyến học Việt Nam đã thành lập một Viện nghiên cứu xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời nhưng do điều kiện tài chính hạn hẹp và Hội chỉ tham gia một phần không lớn vào quá trình xây dựng xã hội học tập nên không phát huy được tác dụng mong muốn. Nay nếu lập được một Viện tương đối quy mô tập hợp được nhiều cán bộ giáo dục có trình độ và có kinh nghiệm đặt dưới sự chỉ đạo của Uỷ Ban quốc gia thì có thể qua nghiên cứu làm tư vấn cho Thủ tướng và Ủy Ban quốc gia và sẽ góp phần tích cực thúc đẩy quá trình xây dựng xã hội học tập.

Để hợp lý hóa Viện có thể đảm nhiệm một số chức năng của Trung tâm SEAMEO CELL mà Hội nghị Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á đã quyết định giao cho Việt Nam thành lập xem là Trung tâm của khu vực. 

6, Trong xã hội học tập mỗi người dân đều được học và học suốt đời, vậy học theo hệ nào? Nền giáo dục quốc dân của mỗi nước đều gồm 2 bộ phận, 2 hệ: chính quy và không chính quy; một số nước gồm 3 bộ phận: chính quy, không chính quy và phi chính quy; phi chính quy thực chất là không chính quy. Hiện nay tổng số người học ở tất cả các loại trường thuộc hệ chính quy chỉ chiếm khoảng 23% dân số, chủ yếu là giới trẻ (thanh thiếu niên) số còn lại chủ yếu là người lớn và một bộ phận là người cao tuổi. Như vậy số không học trong hệ thống chính quy đông gấp hơn 3 lần số người học trong nhà trường, trong hệ thống chính quy. Số người học trong hệ chính quy và số trường nếu có tăng qua thời gian thì cũng tăng rất ít. Số còn lại phải tham gia học tập và học suốt đời chiếm khoảng ¾ dân số chủ yếu là người lớn và một bộ phận người cao tuổi còn có khả năng học tập. Số ¾ dân số này sẽ học theo hệ không chính quy  mà không chính quy thì rất đa dạng vì yêu cầu của người học rất khác nhau, từ chương trình học, phương thức dạy và học đều khác với hệ thống chính quy, người dạy phải đào tạo riêng không thể lấy giáo viên của các trường chính quy dạy thay.

Như vậy cùng với việc xây dựng xã hội học tập phải tính đến việc thành lập một bộ máy phụ trách việc học không chính quy cho người dân.
 

 *                       *

 

 *

 

 Tuy xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời là một vấn đề mới nhưng theo xu thế của thời đại nhiều nước đang nỗ lực thực hiện; đến nay vẫn chưa thấy nước nào tuyên bố đã xây dựng được xã hội học tập. Tuy vậy điều có thể khẳng định là xây dựng một quốc gia trở thành xã hội học tập không thể tách rời tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ phát triển của quốc gia đó, trình độ dân trí, các đặc điểm, đặc thù của nước đó. Do đó có thể nói không có một mô hình thống nhất cho quá trình tiến tới xã hội học tập; mỗi nước tùy điều kiện cụ thể của mình mà định cách thực hiện. 

Phương án trình bày trên đây chỉ là những suy nghĩ ban đầu, xin mạnh dạn đề xuất để tiếp tục nghiên cứu.

Nước ta là nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn, trên lĩnh vực giáo dục so với các nước, ta còn nhiều bất cập, nhưng dân tộc ta là một dân tộc hiếu học từ ngàn đời nay, lại có quyết tâm cao được hun đúc qua những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cực kỳ gian khổ nhưng vô cùng anh dũng nên tin chắc rằng chúng ta sẽ thành công trong việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có việc xây dựng nước ta trở thành một xã hội học tập – cơ sở vững chắc để đưa nước ta phát triển thành một nước văn minh, thịnh vượng, đuổi kịp các nước đi trước, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn lúc sinh thời.


TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1.      

Đảng Cộng sản Việt Nam. Các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX,X,XI, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001, 2006, 2011.

2.      

Luật Giáo dục 2005

3.      

Phạm Tất Dong (Chủ biên): Xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam. Nhà Xuất bản Dân trí, Hà nội, 2012.

4.      

Vũ Ngọc Hải-Nguyễn Khánh Đức: Hệ thống giáo dục hiện đại trong  những năm đầu của thế kỉ XXI

5.      

Tô Bá Trượng-Thái Xuân Đào-Vũ Đình Ruyệt-Nghiêm Xuân Lượng “Giáo dục thường xuyên-Thực trạng và định hướng phát triển ở Việt Nam. NXB Đại học quốc gia Hà nội, 2000

6.      

Thái Xuân Đào. Xã hội học tập: Quan niệm-Thực trạng và giải pháp. Tạp chí phát triển giáo dục số 4 (64) 2004

7.      

Thái Xuân Đào. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xã hội học tập. Tạp chí giáo dục số 87 (5/2004)

8.      

Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề án thành lập Trung tâm khu vực về Học tập suốt đời của SEAMEO. Hà Nội 2012

9.      

Jorn Love “Giáo dục người lớn-Viễn cảnh thế giới” (Tài liệu dịch của Viện KHGDVN. Hà Nội 1994)

10.                         

Phạm Tất Dong – Xã hội học tập (từ tầm nhìn đến hành động).

 

11.                         

Faure, E. et. al., 1972. Learning to be: The world of education today and tomorrow. Paris: UNESCO.

12.                         

Delors, J. et al. 1996. Learning: the treasure within. Report to UNESCO of the International Commission on Education for the Twenty-First Century. Paris: UNESCO

13.                         

Yang, J. 2011. An Overview of Building Learning Cities as a Strategy for Promoting Lifelong Learning. Hamburg: UNESCO Institute for Lifelong Learning

14.                         

Jin Yang: Xây dựng Xã hội học tập: Sự hình thành khái niệm và khung chính sách

15.                         

UNESCO: The Framework of the UNESCO Global Learning Cities Index and Indicators (UIL draft as of 16 November 2012)

16.                         

UNESCO: Tuyên bố Hamburg về Giáo dục người lớn 1997

Nguyễn Mạnh Cầm



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh
Sơn La tìm giải pháp nâng cao chất lượng trung tâm học tập cộng đồng
Nâng cao hiệu quả công tác khuyến học - khuyến tài tại các tỉnh vùng Tây Bắc
Giao ban công tác khuyến học - khuyến tài khu vực Đông Bắc năm 2023
Hội khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tìm cách tháo gỡ khó khăn trong công tác khuyến học
Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Công an phối hợp đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong lực lượng công an nhân dân


Thời gian mở trang: 0.626 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.