TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Thông tin nổi bật | GS, TS Nguyễn Thị Doan: 'Cần cải thiện sự đọc trong xã hội'
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Ba 2024
T2T3T4T5T6T7CN
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Thông tin nổi bật 03.2024
GS, TS Nguyễn Thị Doan: 'Cần cải thiện sự đọc trong xã hội'
04.2017

Xem hình
V.I.Lê-nin từng nói: “Không có sách thì không có tri thức”. Việc duy trì, phát triển văn hóa đọc sách là nền móng quan trọng để xây dựng một xã hội học tập và bảo tồn văn hóa của một quốc gia.

Nhân Ngày Sách Việt Nam (21-4), phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với GS, TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam về vấn đề văn hóa đọc ở nước ta.

Phóng viên (PV):
Theo Giáo sư thì đọc sách có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống con người?

GS, TS Nguyễn Thị Doan: Như chúng ta đã biết, sách chứa đựng hàm lượng chất xám rất lớn. Mỗi cuốn sách hội tụ những gì tinh túy nhất về một vấn đề hay nhóm vấn đề mang tầm trí tuệ của một tác giả hoặc một nhóm tác giả đã được đúc kết từ lý luận và thực tiễn. Sách là người thầy, người bạn tốt đối với những ai muốn đọc, muốn học tập từ nó. Con người ta có ba cách để hoc tập đó là: Học từ sách vở, học từ thầy và học từ thực tế. Đọc sách và học từ sách giúp chúng ta hoàn thiện mình hơn cả về nhân cách và trí tuệ, đồng thời cũng góp phần nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, lãnh đạo quản lý… Sách có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi chúng ta, vì thế muốn hoàn thiện bản thân, muốn phát triển, hội nhập thì cần phải trân trọng sách và chịu khó đọc sách.

PV: Dù biết vai trò quan trọng của đọc sách như vậy nhưng không phải quốc gia nào cũng có một nền văn hóa đọc phát triển. Ở nước ta, văn hóa đọc hiện còn nhiều hạn chế, thậm chí thói quen và thời gian đọc sách của người dân đang dần bị lấn lướt bởi các phương tiện nghe nhìn và các trò giải trí. Nguyên nhân của những hạn chế đó là gì, thưa Giáo sư?

GS, TS Nguyễn Thị Doan: Tôi đánh giá rất cao vai trò của văn hóa đọc của một quốc gia. Ở nước ta, phải thừa nhận là văn hóa đọc còn rất hạn chế so với nhiều nước trên thế giới. Tại sao văn hóa đọc ở Việt Nam chưa được phát triển? Việc đọc sách chưa trở thành thói quen của người dân, nhất là giới trẻ. Đó là điều đáng lo ngại cho một đất nước. Con người Việt Nam vốn rất thông minh nhưng tại sao đất nước ta vẫn bị tụt hậu và người dân vẫn cam chịu cảnh làm thuê?

Nguyên nhân thứ nhất là do chúng ta chưa quan tâm đến việc bồi đắp tri thức trong quá trình lao động. Nhà nước thì chưa quan tâm đầy đủ về sự phát triển của sự đọc, chưa có hành lang pháp lý về văn hóa đọc. Các nhà trường thì chưa có môn học nào dạy cho học sinh cách đọc, kỹ năng đọc sách và bắt buộc phải đọc sách tham khảo khi học chương trình chính khóa để hình thành thói quen đọc sách cho học sinh, sinh viên. Chưa nói đến thầy cô cũng có thể chưa có thói quen đọc sách để bồi bổ tri thức thường xuyên.

Thứ hai, môi trường đọc cho người đọc chưa được quan tâm đầu tư nhiều, chưa tạo được sự hứng thú đối với người đọc. Nhiều thư viện ở các thành phố lớn được xây dựng khang trang, rộng đẹp nhưng số người đến đọc chưa được nhiều. Tôi rất trăn trở điều này. Có phải do môi trường đọc ở các thư viện và phòng đọc chưa thu hút người dân không? Hay do dân ta, đặc biệt là cán bộ nghiên cứu chưa có thói quen đến thư viện đọc sách mà chủ yếu đọc trên mạng hoặc mua sách về đọc? Chúng ta còn thiếu những không gian đọc sách kết hợp với thư giãn như vườn hoa, công viên.

Thứ ba, chúng ta còn có sự chênh lệch khá lớn giữa nông thôn và thành thị trong việc đầu tư cơ sở vật chất cũng như đầu sách. Ở vùng nông thôn mặc dù đã có thư viện, nhà văn hóa, điểm bưu điện văn hóa xã… nhưng số lượng đầu sách báo còn ít,  việc thông tin tuyên truyền, cơ chế thu hút mọi người đến đọc nhìn chung chưa được chú trọng.

Thứ tư, hiện nay các thiết bị nghe nhìn và các hoạt động giải trí khác phát triển quá nhanh như: Báo điện tử, facebook, Zalo,… khiến cho nhiều người nhầm tưởng đọc thông tin như thế là đủ rồi. Thực tế chúng ta mới chỉ lướt thông tin mà thôi, kể cả xem phim, dù có xúc động nhưng điều đọng lại để chúng ta học tập qua đó không được nhiều như đọc một cuốn sách, vì đọc là phải tư duy, phải suy nghĩ.

Thứ năm, bản thân nhiều người còn lười đọc. Một số người có tư tưởng bằng lòng với bản thân, chưa chú trọng việc đọc sách nâng cao trình độ để hoàn thiện mình, để hội nhập. Đáng lo ngại là rất nhiều bạn trẻ chỉ dành thời gian chơi điện tử, cà phê giải trí mà không thích đọc sách. Ở các gia đình thì nhiều bố mẹ quá bận rộn cũng không dành thời gian đọc sách và rèn cho con cái sự ham mê đọc sách ngay từ nhỏ…

PV: Hằng ngày, cá nhân Giáo sư dành thời gian cho việc đọc sách như thế nào? Bà có thể chia sẻ một kỷ niệm về thời học sinh, sinh viên liên quan đến việc đọc sách khiến bà nhớ mãi?

GS, TS Nguyễn Thị Doan: Tôi thì ngày nào cũng đọc sách. Sau khi làm việc xong theo kế hoạch, cứ có thời gian rỗi là tôi lại đọc sách. Nếu không đọc gì đó là tôi cảm thấy khó chịu. Tôi không nhớ thói quen đọc sách này đã đến với mình từ khi nào. Chỉ nhớ hồi học cấp 1, cấp 2, tôi ở trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi Văn nên được thầy giáo hướng dẫn, giới thiệu đọc những tác phẩm này tác phẩm kia dần dần thành ham đọc sách. Đọc nhiều sách thì càng thấy việc đọc sách đã giúp ích cho mình nhiều thứ, đặc biệt là bồi đắp rất nhiều kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng sống. Thời phổ thông thì tôi thường đọc các tác phẩm văn học, thời sinh viên thì tập trung đọc sách chuyên ngành, đến khi đi làm thì đọc sách về kỹ năng lãnh đạo, quản lý và cả những truyện ngắn, sách về kinh tế-xã hội đất nước và thế giới. Có những tác phẩm như “Chí Phèo” của Nam Cao, “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố… tôi đã đọc từ thời phổ thông nay cũng đọc lại để hiểu hơn về một thời kỳ đất nước ta trải qua khó khăn, thiếu thốn ra sao. Tuy nhiên, tôi cũng lựa chọn khá kỹ các loại sách thật sự có ích với mình. Khi cầm sách lên thì đọc mục lục, lời giới thiệu sách để xem nội dung nào mình đang cần nhất thì đọc trước. Tôi có thói quen vừa đọc vừa ghi chép vào một quyển sổ tay mà thầy dạy Văn tôi gọi là bút ký những nội dung cần thiết để tích lũy thành vốn tư liệu riêng cho mình.

Ngoài thời gian đọc sách chuyên môn, hằng ngày tôi còn đọc sách cho các cháu nghe. Ba cháu của tôi đều rất thích nghe đọc truyện cổ tích. Tôi muốn truyền đạt niềm say mê đọc sách tới các cháu để các cháu hình thành sở thích đọc sách, ham tìm hiểu, khám phá từ nhỏ.
Trong số rất nhiều cuốn sách mà tôi từng đọc, tôi thấy tâm đắc và nhớ nhất là quyển “Đắc Nhân Tâm”. Đây được coi như một cuốn cẩm nang giáo dục chúng ta về những kỹ năng sống, cách ứng xử của con người với nhau.

PV: G.W.Grát (Gunter Wilhelm Grass), một nhà văn Đức từng đoạt giải Nô-ben Văn học đã nói: "Không có gì có thể thay thế văn hóa đọc”. Vậy theo Giáo sư, chúng ta cần đổi mới giáo dục như thế nào trong các nhà trường để hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên?

GS, TS Nguyễn Thị Doan: Tôi nghĩ chúng ta cần phải đổi mới giáo dục để hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho các học sinh ngay từ trường phổ thông đến sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Để làm được điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có nội dung chương trình về giáo dục, hướng dẫn cho học sinh, sinh viên vai trò của đọc sách và cách đọc như thế nào. Lồng ghép vào các chương trình đó là những nội dung giáo dục về văn hóa đọc sách, những tấm gương tiêu biểu về tinh thần ham đọc sách. Khi đã có nội dung chương trình rồi thì thầy cô cũng phải có biện pháp kiểm tra việc đọc sách của học sinh, sinh viên. Tôi biết, các trường đại học nước ngoài, khi học một môn học mới, giảng viên chỉ giới thiệu nội dung cơ bản của môn học rồi giới thiệu tên sách cho sinh viên tự nghiên cứu, sau đó kiểm tra các nội dung trong các sách đó. Như thế sẽ bắt buộc cả thầy và trò đều phải đọc thì mới trao đổi với nhau được. Việt Nam cần học tập cách này như một phương pháp bắt buộc trong giảng dạy bậc đại học trở lên.

PV: Để khuyến khích tinh thần ham đọc sách thì phải có sách hay và phổ biến sách đến người dân. Theo Giáo sư, nước ta cần đầu tư như thế nào cho đội ngũ viết sách cũng như hệ thống thư viện hiện nay?

GS, TS Nguyễn Thị Doan: Theo tôi, chúng ta phải quan tâm xây dựng và tập hợp được đội ngũ người viết hay, viết giỏi. Ở từng ngành, từng lĩnh vực phải có đội ngũ viết chuyên sâu và có thù lao xứng đáng cho họ. Khi sách được viết xong thì phải có chuyên gia đánh giá, thẩm định chuẩn xác rồi mới cho xuất bản, phát hành. Phải quan tâm đầu tư, quản lý thật tốt việc xuất bản sách để những đầu sách tới tay bạn đọc đạt chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Mỗi cuốn sách được đầu tư chất xám và thời gian viết phải được quản lý bản quyền tác giả chặt chẽ, tránh tình trạng xào xáo, phô-tô-cóp-pi, in ấn tràn lan hoặc có những cuốn có nội dung trùng lặp, na ná như nhau được xuất bản mà không ai quản lý, đánh giá.

Để sách đến được với nhiều người dân thì cần quan tâm đầu tư, mở rộng số lượng và nâng cao chất lượng hệ thống thư viện: Thư viện tại các tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, thư viện trường học, thư viện công cộng, thư viện điện tử, thậm chí là các trung tâm, phòng đọc sách miễn phí… Việc phổ biến sách ở các thư viện, nhà sách phải có dịch vụ tốt từ chỉ dẫn, giới thiệu, mục lục rõ ràng, dễ hiểu, dễ tìm. Tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên thư viện cũng phải thân thiện, tận tình, giữ trật tự cho không gian đọc yên tĩnh, để người đọc luôn cảm thấy thoải mái và thích đến thư viện. Ngoài ra, cũng cần cải thiện không gian, cảnh quan ở các thư viện và tạo không gian đọc ở các công viên.

PV: Việc tự đọc-tự học của mỗi người dân chính là nền móng quan trọng để xây dựng một xã hội học tập. Thời gian tới, Hội Khuyến học Việt Nam cũng như các cấp, các ngành cần phải làm gì để phát triển văn hóa đọc ở nước ta, thưa Giáo sư?

GS, TS Nguyễn Thị Doan: Để xây dựng một xã hội học tập phải có sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, trong đó Hội Khuyến học Việt Nam (KHVN) có vai trò khuyến khích, thúc đẩy tinh thần tự đọc-tự học của người dân. Thời gian qua, Hội KHVN đã rất tích cực trong việc phối hợp xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng ở địa phương, trong đó có Tủ sách giáo dục, người già, trẻ em ai thích đọc thì đến. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà văn hóa đọc ở các trung tâm này chưa được tốt. Trung ương Hội KHVN cũng đã xây dựng xong bộ tiêu chí về xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” và “Cộng đồng học tập”, đã được Chính phủ công nhận. Hiện nay, hội đang tiếp tục đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo hình thành đề án xây dựng “Thành phố học tập”, “Công dân học tập”, trong đó yêu cầu phải có tiêu chí phát triển văn hóa đọc của người dân.

Tăng cường hoạt động tuyên truyền, tôn vinh văn hóa đọc cũng rất quan trọng. Chính phủ đã có chiến lược phát triển văn hóa đọc sách và các ngành đã có các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (21-4), Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23-4), nhưng để đi vào nền nếp thì theo tôi cần phải có nghị quyết của Đảng hoặc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về văn hóa đọc. Từ đó các cấp, các ngành, địa phương mới có các giải pháp cụ thể để tuyên truyền lợi ích của sự đọc đến toàn dân, đầu tư cho văn hóa đọc phù hợp... Ngày Sách Việt Nam và thế giới phải được toàn dân hưởng ứng tích cực như hưởng ứng chiến dịch xóa mù chữ trước đây... Định kỳ từ 3-5 năm phải có đánh giá văn hóa đọc trên diện rộng cả miền núi và thành thị.

Nói tóm lại, có sách hay, thư viện tốt mà dân không có thói quen đọc sách thì cũng không đạt yêu cầu. Người dân phải có thái độ rất trân trọng đối với sách, người viết sách và văn hóa đọc sách thì mới hy vọng cải thiện sự đọc trong xã hội. Do đó, cần có biện pháp tổng thể để cả xã hội trở thành một xã hội ham đọc sách. Khi đó đất nước mới phát triển được.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!


(Theo Quân đội nhân dân)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh
Sơn La tìm giải pháp nâng cao chất lượng trung tâm học tập cộng đồng
Nâng cao hiệu quả công tác khuyến học - khuyến tài tại các tỉnh vùng Tây Bắc
Giao ban công tác khuyến học - khuyến tài khu vực Đông Bắc năm 2023
Hội khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tìm cách tháo gỡ khó khăn trong công tác khuyến học
Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Công an phối hợp đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong lực lượng công an nhân dân


Thời gian mở trang: 0.290 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.