TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Xây dựng xã hội học tập | Xây dựng mô hình 'Công dân học tập'
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Xây dựng xã hội học tập 04.2024
Xây dựng mô hình 'Công dân học tập'
11.2016

Xem hình
Website Trung ương Hội Hội Khuyến học Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết Xây dựng mô hình "Công dân học tập" của GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đến toàn thể hội viên và bạn đọc:

“Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa, muốn có con người xã hội chủ nghĩa phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa” 

Hồ Chí Minh – Bài nói ở Nông trường quân đội An Khánh (10/1/1959), Báo Nhân Dân số 1767, ngày 14/1/1959 

I. Công dân và xã hội. 

1. Công dân không phải là khái niệm nhất thành bất biến, mà nó thay đổi trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Chuyên đề này không điểm ra những cách hiểu về công dân trong từng giai đoạn lịch sử, mà chỉ đề cập tới cách hiểu về thuật ngữ “Công dân” trong mối quan hệ với xã hội hiện đại. 

Công dân là thành viên của một cộng đồng, nhiều cộng đồng liên kết với nhau thành một xã hội. Có thể hiểu công dân là một khái niệm để chỉ về một con người thuộc về một quốc gia cụ thể mà người đó mang quốc tịch. Ví dụ, công dân Việt Nam là người mang quốc tịch Việt Nam. Như vậy, công dân là một phần của xã hội, là người dân của một nước, có quyền lợi công dân trước Nhà nước, có bổn phận xây dựng và bảo vệ quốc gia. 

Với quan niệm về công dân nói trên, mỗi công dân là một con người cụ thể, một cá nhân (con người) trong cộng đồng người. Nói như vậy không có nghĩa là đồng nhất khái niệm công dân với khái niệm cá nhân, bởi 2 khái niệm đó không đồng nhất cả về nội hàm lẫn ngoại diện với nhau.Cá nhân là một đơn vị của loài người (nhân loại), nó mang những đặc trưng của loài như những dấu hiệu cơ bản của riêng loài. Cá nhân khác với mọi cá thể thuộc các loài vật khác ở những thuộc tính mà các loài vật khác không có như ý thức, lao động và ngôn ngữ. 

Mỗi cá nhân có những phẩm chất tâm lý riêng, thể hiện ở trình độ đạo đức và năng lực. Những phẩm chất ấy làm cho cá nhân này không giống cá nhân khác. Người ta gọi những cá nhân riêng biệt ấy, với những đặc trưng tâm lý để họ thể hiện được tư cách, đạo đức, năng lực hoạt động v.v… là nhân cách. Nói tóm lại, nhân cách là con người cụ thể, có những cái riêng về tâm lý để họ trở thành chính họ. 

Sự phân biệt ngay từ đầu những khái niệm công dân, cá nhân và nhân cách là cần thiết cho việc xây dựng cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn cho các công trình nghiên cứu về con người với tư cách là công dân, cho việc xác định chính xác và đúng đắn những chỉ số đo đạc và đánh giá đối với từng khái niệm trên đây, mà nói cụ thể hơn chúng ta sẽ phải xây dựng những chỉ số đánh giá công dân chứ không đánh giá cá nhân hay đánh giá nhân cách. 

Trở lại chuyên đề mô hình công dân học tập, chúng ta cần tiếp cận tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ con người với xã hội. Phương pháp tư tưởng của Người là: muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, trước hết phải có được (tức là phải giáo dục, phải đào tạo) con người xã hội chủ nghĩa. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa sẽ không có tình trạng người bóc lột người, con người được sống bình đẳng về quyền được sống với tư cách là con người. Nếu xã hội còn tồn tại kẻ giàu có sống trên mồ hôi nước mắt của người lao động nghèo khổ, còn có cảnh mất dân chủ, vùi dập con người, tham ô để làm giàu, nhũng nhiễu dân chúng… thì chưa thể nói xã hội đó đã đạt chuẩn mực xã hội chủ nghĩa. 

Theo phương pháp tư tưởng này, khi muốn có một xã hội công nghiệp thì trước hết phải đào tạo con người có năng lực sản xuất công nghiệp, có tác phong công nghiệp, có lối sống công nghiệp. Trong xã hội mà đại đa số người dân sống bằng kinh tế nông nghiệp, trình độ canh tác lạc hậu, đời sống với thu nhập thấp, tỷ lệ nghèo đói cao, tỷ trọng nông nghiệp chiếm đại đa phần so với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ thì không thể coi cái xã hội ấy đã bước sang kinh tế công nghiệp. 

Cũng như vậy, muốn có xã hội tri thức thì mỗi con người trong xã hội đó phải là những lao động tri thức. Chưa phổ cập giáo dục bậc trung học, chưa có một hệ thống trường chuyên nghiệp hiện đại và chưa có hệ thống đại học đào tạo chất lượng cao, chưa có những thiết chế giáo dục để học vấn đại học tới đông đảo người lao động thì chưa có xã hội tri thức. Bây giờ chúng ta đang muốn xây dựng thành phố thông minh, nhưng nếu không xây dựng được những công dân thông minh thì Đề án xây dựng thành phố thông minh chỉ có trên các văn bản, do vậy, thành phố ấy chỉ nằm trong ý tưởng mà thôi. 

2. Công dân là thành viên của xã hội. Vậy, với cách hiểu công dân như trên thì nên hiểu xã hội là gì? 

Xã hội là một nhóm người (một tập thể hay một cộng đồng người)được phân biệt với các nhóm người khác bằng các lợi ích, những mối quan hệ đặc trưng, chia sẻ cùng một thể chế và có cùng văn hoá. Có thể coi xã hội như một hệ thống, trong đó con người sống với nhau thành những cộng đồng, những tổ chức cùng chung luật pháp, phong tục, tập quán, cùng chung những mối quan hệ giữa người với người. 

Karl Marx đưa ra một quan niệm có tính khái quát cao: Xã hội là một tổng hoà những mối quan hệ xã hội giữa những thành viên trong cộng đồng. Nói đến xã hội, người ta trước hết phải nói đến một nhóm, một tập thể hay một cộng đồng người, tiếp sau đó là phải khẳng định nhóm đó sống với nhau trong một không gian, ấn định bằng ranh giới tự nhiên. 

Để chung sống trong một xã hội, người ta phải đưa ra chuẩn mực xã hội, Chuẩn mực xã hội là những quy tắc tường minh hoặc hàm ẩn nhằm xác định kiểu hành vi mà con người trong xã hội đó cùng nhau công nhận và cùng nhau thực thi. Đó là những quy tắc mà con người sử dụng trước những giá trị, niềm tin và thái độ phù hợp hay không phù hợp với sự tồn tại và phát triển của xã hội. 

Xã hội đòi hỏi những công dân của mình phải tôn trọng các chuẩn mực xã hội, đồng thuận với nhau trong việc thực hiện những hành vi hợp chuẩn và không chấp nhận những hành vi nghịch chuẩn. Thực hiện tốt việc tôn trọng và làm đúng chuẩn mực xã hội, con người sẽ góp phần vào việc làm cho xã hội hài hoà, sinh hoạt xã hội lành mạnh, sự đồng thuận xã hội phát triển tốt. Những người phớt lờ chuẩn mực xã hội, làm ngược lại với những chuẩn mực mà mọi người tuân thủ thì sẽ bị cô lập, bị lên án, không hoà đồng với tập thể, với cộng đồng. 

Chuẩn mực xã hội không phải là cái bất di bất dịch, cũng không có tính phổ quát. Chuẩn mực xã hội thay đổi theo thời gian và biến chuyển theo văn hoá, nó được duy trì theo sự đồng thuận của cộng đồng người. Chuẩn mực xã hội được thực thi một cách chính thức thông qua những quy định mà con người trong cùng nhóm nhất trí. Chẳng hạn, khi vi phạm các chuẩn mực xã hội sẽ phải chịu hình phạt. Nhưng cũng có nhiều trường hợp, chuẩn mực xã hội được thực thi thông qua các tín hiệu như ngôn ngữ, cử chỉ… 

II. Xã hội học tập và công dân học tập 

1. Xây dựng một xã hội học tập là xây dựng một hệ thống giáo dục bảo đảm cho mọi công dân đều được học tập suốt đời, đồng thời, trong hệ thống đó có những chính sách và cơ chế tương ứng để bảo đảm cho mọi công dân góp sức phát triển các hình thức học tập thường xuyên trên mọi địa bàn dân cư. 

Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu xã hội học tập, về cơ bản, là thống nhất dựng mô hình tổng thể về xã hội học tập theo hình dưới đây 


Trong hình ảnh trên đây (UNESCO logo), biểu tượng về ngôi nhà có 3 phần: 

Phần mái: Mục đích của việc học tập suốt đời: 

- Phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng kinh tế; 

- Phát triển văn hoá, làm cho đời sống văn hoá vật chất và tinh thần được nâng cao; 

- Giữ gìn và bảo vệ môi trường sống an toàn. 

Phần nhà: Kết quả của việc học tập suốt đời 

- Kết quả học tập chính quy của thế hệ trẻ. 

- Kết quả học tập của thế hệ trẻ và người lớn trong những cơ sở giáo dục không chính quy (bổ túc văn hoá, dạy nghề tư nhân…) 

- Kết quả học tập theo phương thức “cần gì học nấy” của nhân dân, chủ yếu là người lao động, người cao tuổi, những người thuộc nhóm yếu thế trong các cơ sở giáo dục phi chính quy. 

Phần nền: 

-Sự cam kết của chính quyền về tạo cơ chế chính sách cho việc học tập suốt đời. 

- Sự hợp tác giữa các lực lượng xã hội bao gồm các tổ chức chính phủ, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và các doanh nghiệp. 

- Sự đầu tư của nhà nước và xã hội vào cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ  việc học tập suốt đời của nhân dân. 

Tất nhiên, hình vẽ trên chưa phản ánh đầy đủ những vấn đề cần thiết cho việc xây dựng xã hội học tập, nhưng dựa vào đó, ta có thể thiết kế những mô hình học tập ở nhiều cấp độ khác nhau như gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng thôn bản, tổ dân phố, xứ đạo… học tập, đơn vị học tập (cơ quan, trường học, tổ sản xuất, trạm y tế) thuộc cấp xã quản lý, mô hình học tập cấp xã. 

Công dân học tập là thành tố hạt nhân của xã hội học tập. Để có được các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập và cộng đồng cấp xã học tập thì trước hết phải có những công dân học tập. Trong một gia đình, những thành viên nào không là công dân học tập thì gia đình đó không đạt được tiêu chí gia đình học tập. Cũng như vậy, một cơ quan, doanh nghiệp, trường học… mà người lao động làm việc trong đó không tham gia học tập thì ta không thể có đơn vị học tập. Vì vậy, công dân học tập là yếu tố cơ bản để xây dựng xã hội học tập. 

Hệ thống các mô hình học tập có trên địa bàn tỉnh, thành phố được phác hoạ theo sơ đồ dưới đây: 

Xây dựng xã hội học tập từ cơ sở là một chủ trương được triển khai trong một thời gian dài bằng việc xây dựng những mô hình hiếu học và khuyến học (gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học). Sau 15 năm phát triển, các mô hình hiếu học và khuyến học đã được khẳng định như những yếu tố động lực cho việc đẩy mạnh việc học tập suốt đời trong các cộng đồng dân cư. Các mô hình đó là tiền đề cho việc xây dựng các mô hình học tập giai đoạn 2016 - 2021. 

III. Việc học tập của công dân 

1. Cho đến thời điểm này, hướng tổ chức học tập cho người dân theo 4 trụ cột giáo dục do UNESCO vẫn là hợp lý nhất. Người dân có thể chọn một hoặc nhiều nội dung thuộc 4 trụ cột này: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người. 

Để việc học triển khai theo tinh thần học tập suốt đời, phải tổ chức gắn kết học tập chính quy, học tập không chính quy và học tập phi chính quy. 

Trong giai đoạn hiện nay, việc tổ chức nội dung học tập và các hình thức học chưa thể mở rộng khỏi khuôn khổ của 7 Đề án học tập suốt đời do Quyết định 89/QĐ-TTg quy định và sử dụng, chưa khai thác triệt để năng lực phục vụ việc học tập suốt đời của các thiết chế văn hoá - giáo dục sẵn có như Thư viện, Nhà văn hoá, Câu lạc bộ, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện văn hoá xã và những cơ sở giáo dục từ xa mà ngành giáo dục đã xây dựng được. 

2. Mô hình triển khai việc học tập của công dân được thiết kế theo một sơ đồ tương đối đơn giản, xuất phát từ việc tổ chức học cho cá nhân và kết thúc ở những mục đích cần thiết cho sự phát triển xã hội bền vững. 

Ghi chú: 

1. Mạng lưới học tập:

Hệ thống các thiết chế giáo dục chính quy, không chính quy và phi chính quy

2. Quá trình học tập:

Quá trình này được tiến hành khi cá nhân có nhu cầu. Khi nhu cầu được thoả mãn sẽ nảy sinh nhu cầu học mới và do đó, một quá trình học tập mới được lặp lại

3. Sản phẩm học tập:

Ở đây có 3 sản phẩm rất cơ bản:

 

a. Phát triển cá nhân: Cá nhân có thêm tri thức mới, nâng cao học vấn, có thêm những kỹ năng lao động, kỹ năng hoạt động khác và những kỹ năng mềm cần cho cuộc sống. Đồng thời việc học tập sẽ giúp cho người học trau dồi đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức công dân được củng cố và phát triển.

b. Vốn kinh tế: Tiềm lực tài chính của cá nhân nhờ học tập mà tăng thêm thu nhập.

c. Vốn xã hội: Những mối quan hệ xã hội tốt đẹp nhờ học tập mà tạo nên. Vốn xã hội của cá nhân giúp họ sống đồng thuận với cộng đồng

4. Kết quả học tập:

 

 

a. Chất lượng cuộc sống: Những phúc lợi vật chất và giá trị tinh thần nhờ học tập mà đạt được, nhờ đó người học có sự hài lòng, sảng khoái về thể chất, tâm thần và xã hội.

b. Tăng trưởng kinh tế: Ở đây là sự gia tăng nguồn thu nhập tính trên đầu người trong gia đình người học. Việc học giúp con người có thêm tri thức, kinh nghiệm để họ làm tốt công việc sản xuất và hoạt động, nhờ đó họ có được sự gia tăng về vốn kinh tế của họ.

c. Hoà nhập xã hội: Sự tham gia của con người vào cuộc sống xã hội, được hưởng lợi ích và những cơ hội cần thiết trong xã hội




IV. Những điều kiện cần thiết để công dân học tập suốt đời: 

Tạo điều kiện cho mỗi người dân được học tập suốt đời là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Muốn người dân học tập suốt đời, chúng ta không chỉ động viên tinh thần để phát huy truyền thống hiếu học trong từng gia đình, từng cộng đồng… là đủ, mà cần sự đầu tư cùng những chính sách hỗ trợ sự học hỏi của người dân từ phía Nhà nước, từ các cấp quản lý, lãnh đạo các địa phương. 

Theo cách làm truyền thống, các tổ chức Đảng, các cơ quan chính quyền, các tổ chức đoàn thể thường có chương trình nâng cao nhận thức cho người dân về sự cần thiết và tầm quan trọng của việc học tập suốt đời. Song, nếu người dân giác ngộ về việc học tập suốt đời thì họ sẽ đặt ra câu hỏi: Học ở đâu, học theo phương thức nào? Có những chính sách nào của Nhà nước đảm bảo cho họ được học tập thực sự, mang lại cho họ những lợi ích thiết thực từ việc học? 

1. Những hành động xúc tiến việc học tập suốt đời cho người dân của cấp quản lý địa phương: 


Sơ đồ trên nói lên rằng, để xây dựng Công dân học tập, chính quyền mỗi địa phương phải bảo đảm những điều kiện quan trọng, không thể thiếu. Trong quá trình xúc tiến việc học tập suốt đời cho người dân, những điều kiện học tập suốt đời cần từ phía chính quyền những việc làm sau đây: 

a. Có sự chỉ đạo trực tiếp (mà thế giới thường gọi là sự cam kết chính trị gồm: 

- Có chính sách phát triển hệ thống mạng lưới giáo dục, chí ít là các trường chính quy, các cấp phổ thông, trường cao đẳng và đại học và những cơ sở giáo dục như những cơ quan mang lại phúc lợi cho học tập. 

- Có chính sách cung ứng chương trình học tập qua các cơ quan dịch vụ các điều kiện vật chất, điều kiện học tập không chính quy. 

- Có chính sách cung cấp các dịch vụ thông tin, tư vấn học tập và các dịch vụ học tập khác. 

- Có chính sách tổ chức việc học tập có hiệu quả. 

2. Các cơ sở giáo dục người lớn cần thiết phải có ở từng địa phương 

Vấn đề học tập suốt đời của công dân về thực chất là tổ chức học tập cho người lớn, bởi thế hệ trẻ đã có hệ thống giáo dục chính quy phục vụ. Thông thường, các cơ sở giáo dục giành cho người lớn mà các nước thường thành lập là: 

a. Những cơ sở giáo dục gắn với cộng đồng dân cư cấp xã như trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm dạy nghề ngắn hạn theo chương trình không chính quy. 

b. Những cơ sở thông tin - văn hoá có chức năng cung cấp tri thứ mới cho người học như Thư viện, Nhà văn hoá, câu lạc bộ… 

c. Những cơ sở phục vụ cho học tập từ xa  như hệ thống bưu điện, phát thanh, truyền hình hoặc các khoa giáo dục từ xa của các trường cao đẳng, đại học. 

d. Tại một số nước, người ta mở các trường đại học dành cho lứa tuổi thứ 3 (những người từ 60 tuổi trở lên) hoặc một số khoa đào tạo của trường cao đẳng, đại học dành riêng cho người cao tuổi. 

e. Tổ chức lớp học tại các doanh nghiệp, các cơ quan hành chính và sự nghiệp, thực hiện phương thức học tại nơi làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động vừa học vừa làm. 

Các cơ sở giáo dục phục vụ việc học tập của công dân hiện nay quản lý nhiều chương trình đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng trong nhân dân. Những chương trình chủ yếu là: Chương trình xoá mù chữ cơ bản và xoá mù chữ chức năng; chương trình tăng thu nhập; chương trình đáp ứng sở thích cá nhân; chương trình học nghề ngắn hạn. 

Mọi hoạt động của các cơ sở giáo dục người lớn đều theo hướng thúc đẩy việc học tập tại cộng đồng vì sự phát triển bền vững. 

V. Tham khảo một số mô hình công dân học tập trên thế giới 

Mỗi quốc gia đều có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội riêng do những đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hoá, địa lý khác biệt của họ. Vì thế, chúng ta cần tham khảo cách xây dựng mô hình công dân của họ, tìm ra kết luận cần thiết chứ không thể mang mô hình công dân của họ áp đặt vào hoàn cảnh Việt Nam được. 

1. Mô hình công dân học tập khối OECD 

OECD là tên viết tắt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, thành lập năm 1961 trên cơ sở Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Âu (OEEC) với 20 thành viên sáng lập gồm các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu. Đến nay OECD đã có 30 thành viên, chủ yếu là các quốc gia châu Âu, ngoài ra có một số nước châu Mỹ (Hoa Kỳ, Canada) và châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc). 

Mô hình Công dân học tập OECD có cấu trúc sau: 


(Nguồn: Definition and Selection of Key Competencies, OCED, 2005) 

2. Mô hình công dân học tập Hàn Quốc 

Hàn Quốc xây dựng các chính sách học tập suốt đời trên 3 trụ cột: 

Trụ cột 1: Phát triển đầy đủ tiềm năng con người và cải thiện đời sống 

Trụ cột 2:Tăng khả năng tìm kiếm việc làm và năng lực tự tạo việc làm. 

Trụ cột 3:  Thúc đẩy năng lực hoà nhập xã hội, hình thành một xã hội hoà nhập, phát triển công dân trưởng thành qua giáo dục công dân.

Cấu trúc mô hình công dân học tập Hàn Quốc: 

(Nguồn: Soo-ok Jo, Nghiên cứu điển hình: Xây dựng xã hội học tập ở Hàn Quốc) 

3. Mô hình công dân học tập Singapore 

Singapore đang triển khai chủ trương xây dựng“Một quốc gia học tập, nhiều trường học tư duy” . Họ quyết tâm đi hàng đầu trong phát triển kinh tế tri thức, một đất nước không có tham nhũng và mỗi người dân Singapore trở thành công dân toàn cầu, có trình độ tư duy toàn cầu, có năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Mô hình công dân học tập Singapore như sau: 

(Nguồn: 21st Century Competencies, MOE Singapore, 2014)

4. Mô hình công dân học tập Canada 

Canada xây dựng mô hình công dân học tập trên cơ sở nghiên cứu chiến lược phát triển đất nước trong thế kỷ XXI. Họ rất chú ý đến những năng lực và phẩm chất của con người trong một xã hội dân chủ và hội nhập.

Mô hình Công dân học tập Canada như sau: 

 

(Nguồn: 21st Century vision of publlic education for Canada, 2012) 

VI. Đề xuất mô hình công dân học tập ở Việt Nam 

Cần xuất phát từ tình hình thực tế trong xã hội mà định hướng đến những giá trị cần thiết trong nhân cách công dân học tập trong những năm sắp tới. Qua nghiên cứu, chúng tôi đề xuất những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của công dân học tập ở Việt Nam như sau: 

1. Về những phẩm chất mong muốn 


2. Về những năng lực mong muốn 

 

3. Phác thảo mô hình công dân học tập giai đoạn 2016 - 2021 

Từ những phẩm chất và năng lực mong muốn của công dân học tập ở nước ta trong những năm tới, chúng tôi dự kiến một mô hình công dân học tập ở nước ta theo những nguyên tắc sau: 

Nguyên tắc thứ nhất: Công dân học tập là thành viên của gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập, vì thế những tiêu chí đánh gía công dân học tập phải nằm trong khuôn khổ những tiêu chí đánh giá các mô hình học tập nói trên.


Nguyên tắc thứ hai:Công dân học tập sống trên địa bàn dân cư khác nhau thì ngoài những phẩm chất và năng lực cốt lõi chung cho mọi công dân học tập của quốc gia sẽ có những phẩm chất, năng lực riêng, tuỳ thuộc yêu cầu của từng địa phương đặt ra cho người dân của mình. 

Nguyên tắc thứ ba:Không nên đề ra quá nhiều tiêu chí đối với một công dân học tập, và các tiêu chí không quá cao khiến người dân cố gắng vẫn không đạt được. 

Nguyên tắc thứ tư:Tiêu chí đánh giá công nhận học tập không phải là bất biến, mà sẽ được bổ sung hoặc thay đổi theo từng bước phát triển của gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập. 

Nguyên tắc thứ năm:Chính quyền địa phương cấp tỉnh là cơ quan quyết định các tiêu chí đối với công dân học tập và đánh giá xác nhận những công dân đạt tiêu chí học tập trong từng năm.

4. Đề xuất mô hình công dân học tập của Việt Nam 

Trên cơ sở đề xuất những phẩm chất, năng lực mong muốn của công dân học tập cùng các nguyên tắc xây dựng các tiêu chí đánh giá mô hình này, chúng tôi nêu lên một mô hình tổng quát sau đây:


5. Đề xuất Bộ tiêu chí khung đánh giá xác nhận danh hiệu công dân học tập 

Tiêu chí

Nội dung cụ thể

Kết quả học tập

- Nếu là học sinh: không lưu ban, không bỏ học, thực hiện đúng nghĩa vụ học để phổ cập giáo dục theo yêu cầu nhà nước đặt ra.

- Nếu là cán bộ, công chức, người lao động: Học tốt chương trình do Nhà nước quy định

- Nếu là người lao động ngoài khu vực chính thức, người nội trợ, người khuyết tật…: tham gia học ở các cơ sở giáo dục không chính quy

Lợi ích học tập

- Có nghề trong tay hoặc có việc làm ổn định

- Có thu nhập cao hơn mức nghèo do Nhà nước quy định

- Có một số kỹ năng sử dụng máy tính

- Có trình độ ngoại ngữ theo quy định (nếu là cán bộ, công chức)

Tác dụng học tập

- Có ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện kỷ cương phép nước

- Có quan hệ tốt với người xung quanh, với đồng nghiệp

- Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tích cực đóng góp xây dựng xã hội

-Tích cực tham gia các cuộc vận động xã hội và phong trào khuyến học

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Phạm Tất Dong

- Xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam. Nhà XB Dân trí, Hà Nội, 2012.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam

- Các văn kiện Đại hội Đảng XI, XII. Nhà XB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, 2016.

3. Fukuzawa Yukichi

- Khuyến học. Nhà XB Trẻ, TP.Hồ Chí Minh 2014.

4. Jacques Delors

- Học tập: Một kho báo tiềm ẩn - Bản dịch tiếng Việt - Nhà XB Giáo dục, Hà Nội, 2002.

5.Pak Tee Ng.

Xã hội học tập ở Singapore - Các chiến lược phát triển nguồn vốn trí tuệ và việc đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, 2008/09-Rew, 12 July 2012, B.T.X VINES.

6. Sumok Jo:

Xây dựng thành phố học tập suốt đời ở Hàn Quốc. Hội nghị xây dựng Hải Dương thành một thành phố học tập - Hải Dương, 2012

7. Văn kiện của Chính phủ:

Quyết định 89/QĐ-TTg, Quyết định 281/QĐ-TTg, Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT

8. Nguyễn Thị Hoàng Yến

- Từ công dân học tập đến xã hội học tập - Hội thảo Quốc gia “Xã hội học tập - Từ tầm nhìn đến hành động”, 2014



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'


Thời gian mở trang: 0.335 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.