Bàn về xây dựng xã hội học tập
12.2007
Xây dựng một xã hội học tập là một chủ trương lớn nhằm động viên mọi đối tượng tham gia học tập để nâng cao trình độ, góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực của đất nước
Thế kỷ 21, là thế kỷ mà khoa học và công nghệ sẽ có bước phát triển nhẩy vọt chưa từng thấy, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu cao và năng lượng mới. Kinh tế tri thức sẽ chiếm vị trí ngày càng lớn trong quá trình phát triển. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đang diễn ra trong bối cảnh đất nước đã hội nhập kinh tế quốc tế, quá trình đó đan xen cả những thuận lợi và những thách thức khó khăn.
Trong điều kiện đó, đất nước muốn phát triển chỉ có thể dựa trên nền tảng một xã hội có nguồn nhân lực được đào tạo với chất lượng cao. Vì vậy xây dựng một xã hội học tập là một nhu cầu tất yếu cuả sự phát triển. Nền tảng của xã hội học tập là từng cơ sở, mỗi cá nhân phải nỗ lực học tập. Học tập, để tự hoàn thiện và không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt, để có trí tuệ, có bản lĩnh vững vàng, có trình độ chuyên môn, tinh thông nghề nghiệp, đặc biệt giỏi về ngoại ngữ, tin học mới có thể đáp ứng được quá trình phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ và quá trình hội nhập. Học tập sẽ tạo ra nguồn lực lao động có chất lượng cao, giúp cho đất nước ta thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế thành công. Đồng thời học tập cũng là hình thức tự bảo vệ đối với người lao động để khỏi mất việc làm trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập, trong những năm qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiên trì vận động, tổ chức động viên phong trào học tập nâng cao trình độ văn hoá, kỹ năng nghề nghiệp trong CNVCLĐ, nhằm tạo chuyển biến mạnh trong nhận thức của các cấp công đoàn, của từng người lao động, để tạo nên phong trào học tập sâu rộng trong CNVCLĐ. Để chỉ đạo xây dựng phong trào học tập trong CNVCLĐ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng Nghị quyết 07 của Đoàn Chủ tịch về việc “Nâng cao trình độ học vấn nghề nghiệp cuả CNVCLĐ” và Nghị quyết 4b của BCH Tổng Liên đoàn: “Công đoàn với nhiệm vụ nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp của công nhân, viên chức, lao động đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Đây là 2 Nghị quyết rất quan trọng chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai tổ chức thực hiện việc xây dựng xã hội học tập trong CNVCLĐ. Tổng Liên đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục đào tạo, Bộ Lao động thương binh và xã hội chỉ đạo các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương tổ chức nhiều phong trào thi đua, thu hút đông đảo CNLĐ tham gia như: phong trào xoá mù chữ, chống tái mù chữ, học tập văn hoá với hàng chục vạn CNLĐ và con em CNLĐ tham gia; phong trào ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi được tổ chức từ cơ sở thu hút hàng triệu lượt CNLĐ tham gia. Nhiều CNLĐ, nhất là lực lượng trẻ đã có 1 đến 2 bằng đại học vẫn tích cực học ngoại ngữ, tin học và chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế trong khu vực và quốc tế.
Hệ thống cơ sở dạy nghề của Công đoàn đang từng bước phát triển mạnh cả về mạng lưới và quy mô đào tạo, cả nước thành lập được 38 Trung tâm giới thiệu việc làm, 11 trường đào tạo công nhân kỹ thuật, 2 trường đại học, mỗi năm đào tạo và giới thiệu việc làm cho hàng vạn người. Hình thức đào tạo cũng ngày càng đa dạng như: đào tạo dài hạn, ngắn hạn, đào tạo tại chỗ, kèm cặp truyền nghề, đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo liên thông... và đã xuất hiện nhiều hình thức liên doanh, liên kết trong đào tạo nghề. Phương thức đào tạo nghề cũng từng bước được xã hội hoá. Hình thức học BTVH ngày càng phong phú, phù hợp với điều kiện của người lao động: học tập trung, vừa làm vừa học, tự học có hướng dẫn... Thời gian học cũng linh hoạt: học ban ngày, học ban đêm, học theo ca kíp, học vào chủ nhật, học theo mùa vụ... đã tạo nhiều cơ hội, hỗ trợ và tạo nhiều điều kiện về thời gian và kinh phí cho nhiều CNLĐ tham gia học tập. Tham gia cùng chuyên môn xây dựng cơ chế về thưởng lương, về chỉ tiêu xét thi đua để cổ vũ động viên CNVCLĐ có thành tích suất sắc trong học tập.
Trong những năm qua, các cấp công đoàn đã có nhiều hình thức sáng tạo nhằm khuyến khích, động viên CNVCLĐ học tập như: thành lập quĩ hỗ trợ xây dựng trường lớp, cung cấp cơ sở vật chất cho việc học tập, khuyến khích và động viên kịp thời để CNVCLĐ cũng như con em của họ khắc phục mọi khó khăn vươn lên trong quá trình học tập. Đến nay nhiều Liên đoàn Lao động địa phương và cơ sở sản xuất đã xây dựng quĩ khuyến học, để hỗ trợ giúp đỡ CNLĐ nghèo và con em họ gặp khó khăn nhưng có cố gắng vươn lên trong học tập.
Thực tế việc triển khai xây dựng xã hội học tập trong CNVCLĐ cho thấy, việc học tập của mỗi người đã trở thành một đòi hỏi chính đáng trong quá trình phát triển. Xã hội học tập sẽ tạo nên nguồn lực lao động có trình độ, có năng lực chuyên môn, có kỹ năng nghề nghiệp và bản lĩnh vững vàng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Với kết quả đạt được trong thời gian qua, những năm tới phong trào khuyến học, khuyến tài và cuộc vận động xây dựng một xã hội học tập trong xã hội nói chung và CNVCLĐ nói riêng sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Bài viết của ThS. Nguyễn Mạnh Hiền - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng liên đoàn lao động Việt nam, đăng trên báo điện tử Công đoàn Việt Nam |
admin |