TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Gương sáng khuyến học & GD | Lớp học tí hon của thầy Quang
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Ba 2024
T2T3T4T5T6T7CN
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Gương sáng khuyến học & GD 03.2024
Lớp học tí hon của thầy Quang
08.2014

Xem hình
Thầy Quang và các em học sinh ở lớp học tiếng Anh tí hon
Đó là một lớp học nằm lọt thỏm giữa những rừng bạch đàn và ruộng lúa mênh mông của ấp Bình Hạ Đông, xã Thái Mỹ, một trong những xã xa trung tâm của huyện Củ Chi (TPHCM) nhất nhưng lúc nào cũng nhộn nhịp học trò.

Lớp học không có bảng, cũng chẳng có bục giảng, tất cả học trò đều ngồi quây quần bên chiếc giường 3m 2 của thầy, ê a học tiếng Anh, đơn giản vì suốt 24 năm nay, thầy Nguyễn Minh Quang (69 tuổi) gần như liệt hẳn từ phần cổ trở xuống.

Trước giờ vào lớp, Vương Hoàng Long (lớp 6 Trường THCS Nguyễn Văn Xơ) ngồi trò chuyện vui vẻ với các bạn cùng học bằng tiếng Anh.

Tuy còn nhiều ngập ngừng nhưng phát âm của các em đều rất chuẩn xác và tự nhiên. Hỏi có thích học tiếng Anh không, tất cả đều tíu tít đồng thanh: “Dạ có!”.

Để vun đắp được niềm yêu thích môn tiếng Anh ở vùng quê xa xôi này, nơi mà hầu hết cha mẹ các em đều làm nông với vốn tiếng Việt còn chưa rành, là một việc làm không dễ dàng, đặc biệt khi thầy Quang đã bước vào tuổi thất thập và mang nhiều bệnh tật.

Tuy nhiên từ sáng tới chiều, buổi học nào của thầy Quang cũng kín học trò ngồi quây quần bên chiếc bàn nhỏ được đặt sát giường thầy ngồi.

Có hôm đông học trò quá, thế là các em nhỏ nhất được ưu tiên ngồi luôn trên giường của thầy. Đôi mắt tròn xoe nhìn thầy giảng bài, khuôn miệng nhỏ nhắn tập phát âm theo từng chữ tiếng Anh thầy nói, rồi lại cười khi nghe thầy pha trò, tất cả các em, dù chỉ mới 7 - 8 tuổi, đều thể hiện sự yêu thích môn học một cách rất hồn nhiên, vô tư. “Ổ trứng gà quý của tôi đó!” - Thầy Quang vừa cho các em tập viết vừa nói vui.

Từng có thời gian học tiếng Anh tại Mỹ, rồi trở thành giáo viên dạy tiếng Anh tại Trường THCS Nguyễn Văn Xơ, đến năm 1990, khi 45 tuổi, một cơn tai biến ập đến làm thầy tê liệt gần như toàn thân, chỉ có phần cổ trở lên là cử động được.

Đầu óc tỉnh táo, mong muốn đứng trên bục giảng còn hăng say, nhưng cơ thể lại không thể cử động, thầy rơi vào tình trạng khủng hoảng, suy sụp.

Vậy mà chỉ một năm sau, thầy đã quyết tâm bắt đầu lại. Bài học “vỡ lòng” của chặng đường đời mới này, thầy học cùng con trai út. Khi con tập viết chữ, thầy cũng ngồi kế bên tập viết theo, gò từng con chữ vuông vức bằng bàn tay trái yếu ớt.

Học bài thuộc lòng, con đọc một dòng, thầy cũng đọc một dòng tiếp theo để luyện trí nhớ. Đến năm 1992, sợ quên vốn ngoại ngữ tích lũy, thầy ngỏ ý dạy tiếng Anh không lấy tiền cho con nít trong xóm. Vậy là hành trình của lớp học trên giường bệnh suốt hơn 20 năm qua bắt đầu...

Trong không gian nhỏ hẹp của giường bệnh, ngay cả ly uống nước cũng phải có ống hút vì thầy không đủ sức cầm ly, vậy mà tiếng giảng bài không bao giờ dứt, hết lớp cho học trò nhỏ buổi sáng đến lớp của người lớn buổi tối, lúc cao điểm có thể đến 7 lớp/ngày.

Không bảng, không phấn, thầy cũng không dùng quá nhiều sách vở, tất cả bài học đều giống như buổi trò chuyện giữa bạn bè với nhau để tạo niềm yêu thích tiếng Anh cho các em.

Bắt đầu từ cách dạy phát âm và đánh vần, thầy so sánh giữa âm, vần tiếng Việt và tiếng Anh để các em dễ hình dung, ví dụ đánh vần tên mình theo tiếng Việt khác với đánh vần tiếng Anh ra sao, cách sắp xếp tính từ - danh từ tiếng Việt khác tiếng Anh thế nào...

Thầy chậm rãi nói với các em: “Mình chỉ là người Việt biết thêm một ngoại ngữ, tiếng Việt mà không rành thì học tiếng Anh cũng khó giỏi, nên hai thứ tiếng này mình phải học đàng hoàng!”.

Nâng lên một bước, lấy khung sườn là chương trình học lấy chứng chỉ ngoại ngữ (bằng A, bằng B), thầy tự soạn, viết tay giáo án rồi nhờ học trò đánh máy, phát miễn phí tài liệu cho các em dễ học thi.

Tất cả đều “cây nhà lá vườn” như thế nhưng suốt thời gian qua, học trò của thầy nếu đã được “ra ràng” cho đi thi thì đều đậu, nhiều em chỉ mới lớp 5 nhưng đã đạt điểm 9, 10 trong mỗi phần thi.

Rất nhiều học trò từ lớp học tí hon này đã nuôi tình yêu ngoại ngữ để trở thành giáo viên dạy tiếng Anh, bước tiếp con đường của thầy.

Ông Võ Văn Hùng, phụ huynh của hai em Võ Tuấn Kiệt (đã vào đại học) và em Võ Nhật Vy (lớp 5), cho biết: “Nhà tui có hai con đều học thầy hết, từ nhỏ tới lớn rồi.

Hồi xưa ở đây xa xôi, nghèo khó, kiếm chỗ học tiếng Anh hiếm lắm, có thầy ai nấy cũng mừng. Con mình học được chữ nào hay chữ đó vì mình làm nông suốt ngày, biết gì đâu dạy nó để đi thi với người ta. Thầy khó nhưng tụi nhỏ khoái lắm!”.

Cái khó nhất của thầy đó là luôn đòi hỏi học trò phải học nghiêm túc. Hôm nay trong lớp có một em học sinh không làm bài tập, sau khi la một hồi, dường như đã nguôi giận, thầy dịu dàng hỏi lại:

“Thầy la là thầy thương em hay ghét em? Ba má em phải đi làm vất vả, chẻ nan làm từng cái rổ, cái rá nuôi em ăn học, mình không học vậy thì tình thương của ba mẹ em quăng đâu mất rồi?”.

Cậu học trò chừng như cũng biết lỗi, sau giờ học còn nán lại làm cho xong bài mới dám về...

Ngày nào cũng vậy, hết giờ học nhiều em còn ở lại chơi với thầy, hỏi han thân thiết, có em nhìn răng thầy xong nhăn nhăn trán: “Thầy rụng hết răng rồi làm sao ăn cơm được, tội nghiệp thầy quá!”, có em còn đem qua trái mít, mấy cái trứng gà của nhà rụt rè tặng thầy.

Ngay cả mức học phí 200.000 - 300.000 đồng/tháng hiện nay cũng là do phụ huynh tự đặt ra và đóng, còn thầy từ đầu đã chủ trương dạy không lấy tiền.

Ví dụ lớp hôm nay có 14 học sinh nhưng chỉ một em đóng tiền, thầy vẫn dạy như thường. Cứ thế, dù đã lâu không đứng trên bục giảng, không đặt chân đến trường lớp, mỗi năm đến ngày 20/11 nhà thầy luôn đông chật học trò về thăm và thầy cũng không quên tên, quên mặt học trò nào, kể cả những lứa đầu tiên.

Hỏi thầy sao đã lớn tuổi mà vẫn dạy nhiều như vậy, thầy nhẹ nhàng: “Tại vì vui mà, dạy học làm tôi thấy mình là người có ích, không phải là gánh nặng của vợ con, xã hội. Mỗi ngày mình đều cố gắng thêm một chút, làm thêm được một điều gì đó mới, nhất là dạy cho mấy đứa nhỏ, thấy tụi nó giỏi lên mình cũng rất mừng!”.

Theo Tuổi trẻ




 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh
Sơn La tìm giải pháp nâng cao chất lượng trung tâm học tập cộng đồng
Nâng cao hiệu quả công tác khuyến học - khuyến tài tại các tỉnh vùng Tây Bắc
Giao ban công tác khuyến học - khuyến tài khu vực Đông Bắc năm 2023
Hội khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tìm cách tháo gỡ khó khăn trong công tác khuyến học
Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Công an phối hợp đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong lực lượng công an nhân dân


Thời gian mở trang: 0.173 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.