TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Diễn đàn Khuyến học & Giáo dục | Truyền thống hiếu học – Nét đẹp văn hóa Việt Nam
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Ba 2024
T2T3T4T5T6T7CN
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Diễn đàn Khuyến học & Giáo dục 03.2024
Truyền thống hiếu học – Nét đẹp văn hóa Việt Nam
10.2013

Xem hình
Việt Nam đất nước ngàn năm văn hiến. Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học lâu đời. Trong lịch sử phát triển giáo dục của nước nhà, ta thấy xuất hiện nhiều những gia đình khoa bảng, gia đình có con cái thành đạt, gia đình nổi tiếng về lòng hiếu học.

Tới địa phương nào,  chúng ta luôn bắt gặp những dòng họ, những gia đình làm rạng rỡ cho xóm làng, cho cộng đồng dân cư, bởi sự thành đạt nhờ biết vun đắp truyền thống hiếu học...Tại Văn Miếu (Thành Thăng Long xưa, nay là Thủ đô Hà Nội)  ghi tên 82 Tiến sĩ đã minh chứng sự học và hiếu học của dân tộc Việt Nam luôn luôn được đề cao và vun đắp.

Từ ngày có Đảng, nhất là từ khi cách mạng tháng 8 thành công, phát triển giáo dục và đào tạo luôn là một quan điểm nhất quán và  là một ưu tiên trong đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.

 Trong suốt cuộc đời cống hiến cho đất nước, cho dân tộc, Bác Hồ chỉ có một ham muốn “ Ham muốn tột bậc là nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân tộc được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.  Người mong muốn “Dân tộc ta phải là một dân tộc thông thái”. Bác Hồ khuyên cán bộ và đồng bào: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời...”.Người coi sự nghiệp giáo dục không phải chỉ là của Nhà nước mà “giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”...Cách mạng tháng Tám thành công, Nguời đã cho thành lập Nha Bình dân học vụ. Phong trào bình dân học vụ ra đời, vừa kháng chiến, vừa xoá mù chữ, đâu đâu người già, người trẻ đều đi học chữ để thực hiện mong muốn của Người là “ai cũng được học hành”...

Nối tiếp truyền thống hiếu học và thực hiện lời dạy của Bác Hồ, được Đảng và Nhà nước cho phép và cổ vũ, Ngày 02 tháng 10 năm 1996, Hội Khuyến học Việt Nam được thành lập. Đây là một tổ chức xã hội hoạt động trong phong trào quần chúng, hỗ trợ sự nghiệp chấn hưng và phát triển giáo dục với ba mục tiêu ban đầu là: “góp sức phấn đấu cho sự công bằng xã hội về quyền lợi học tập của mọi người và mọi vùng của đất nước; cổ vũ xã hội quan tâm đối với người thày, kiến nghị với Nhà nước về chính sách và chế dộ đãi ngộ tương xứng  với vị thế của người thày; làm tư vấn về chủ trương và biện pháp chấn hưng và phát triển giáo dục.”

Sau 3 năm thành lập, Hội đã đạt được một số thành tựu rất đáng khích lệ: Phong trào khuyến học đã xuất hiện một số mô hình, điển hình tiên tiến. Những nơi có phong trào phát triển tốt là Nam Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh...với phong trào xây dựng quĩ khuyến học để giúp học sinh nghèo được đi học, động viên, giúp đỡ và hỗ trợ các em học sinh giỏi, các thày cô giáo dạy giỏi. Từ đây, đã xuất hiện phong trào xây dựng “gia đình hiếu học”- lần đầu tiên được phát động ở Phường Bến Nghé, Quận I, TP. Hồ Chí Minh. Cuộc họp mặt các gia đình hiếu học năm 2000 của Thành phố HCM đã là kinh nghiệm và là một gợi ý quan trọng cho Hội Khuyến học Việt Nam quyết định mở ra cuộc thi đua xây dựng gia đình hiếu học trong toàn quốc.

Xây dựng gia đình hiếu học, về thực chất, là phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, làm cho mỗi người dân thấy được tầm quan trọng của việc học hành đối với chủ trương vận động nhân dân xóa đói giảm nghèo, phát triển ngành nghề, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dân tộc Việt Nam phải “trở thành một dân tộc thông thái”

Phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học do Hội Khuyến học Việt Nam phát động đã được nhân dân tích cực hưởng ứng. Để đạt được danh hiệu gia đình hiếu học, từng gia đình phải đăng ký với Hội Khuyến học ở cơ sở với ba tiêu chí sau:

1. Tất cả con em trong gia đình đều phải được đến trường, lớp học tập đúng độ tuổi, kết quả học tập đạt từ trung bình trở lên, không lưu ban bỏ học;

2. Người lớn tuổi trong gia đình (trừ người già ốm yếu) đều phải có nội dung học tập thích hợp để không ngừng nâng cao học vấn, hoàn thiện tay nghề, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng cuộc sống;

3. Các thành viên trong gia đình tích cực tham gia công tác khuyến học, xây dựng gia đình hòa hợp, hạnh phúc, giáo dục cho con em về đạo đức, có quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh, không vi phạm pháp luật.

Tính đến cuối năm 2003, cả nước đã có gần 1.500.000 gia đình đăng ký thi đua đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học”. Phong trào thi đua thật sự sôi động trong các cộng đồng dân cư.

Tại các tỉnh, các thành phố phía Bắc, Hải Dương là đơn vị tổ chức sớm nhất Đại hội liên hoan các gia đình hiếu học (2003). Trong toàn tỉnh có trên 20.000 gia đình tham gia phong trào thi đua, số gia đình được bình chọn danh hiệu gia đình hiếu học đạt con số gần 7.000. Phong trào thi đua được đẩy mạnh khá đều ở Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu. 

Tại miền Trung và Tây Nguyên, cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học được đẩy mạnh ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đà Nẵng và Lâm Đồng, Đaklak. Nổi bật hơn cả là Thanh Hóa, có tới gần 100.000 gia đình đăng ký thi đua và 45.000 gia đình được cộng nhận đạt danh hiệu gia đình hiếu học.

Ở phía Nam, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng là những địa phương có nhiều sáng kiến trong cuộc vận động.

Trong 2 ngày 10 và 11 tháng 12 năm 2004, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Đại hội biểu dương các gia đình hiếu học toàn quốc lần thứ nhất. Về dự Đại hội có 313 gia đình đại diện cho trên 1.500.000 gia đình đăng ký thi đua đạt danh hiệu gia đình hiếu học. Trong số các gia đình về dự Đại hội ta thấy có gia đình nông dân, công nhân, viên chức, bộ đội, công an, nhà giáo, nhà khoa học, v.v…với nhiều dân tộc như Thái, Dao, Mường, H’mông, Ê-đê, Khmer, Chăm, Vân Kiều v.v…

Rất nhiều gia đình đã từng bước trở thành gia đình của những lao động trí thức – một mô hình gia đình rất cần thiết trong xã hội tương lai.

Phấn đấu trở thành gia đình hiếu học là quá trình xây dựng gia đình thành một tổ ấm, hạnh phúc và tiến bộ. Những gia đình về dự Đại hội là những gương sáng về lòng hiếu học trong xã hội ta.

Gia đình hiếu học là nhân tố mới trong cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư, là hạt nhân của cuộc vận động toàn dân học tập.

Tháng 12/2005,  tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần III của Hội Khuyến học Việt Nam, Trung ương Đảng đã trao tặng Hội một bức trướng lớn với ba dòng chữ vàng:

Hội Khuyến học Việt Nam

Khuyến học Khuyến tài

Xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập

Từ đây, phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học đã gắn liền với mục tiêu xây dựng xã hội học tập, coi gia đình hiếu học như những tế bào của xã hội học tập. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Hội Khuyến học Việt Nam và Đại hội biểu dương gia đình hiếu học toàn quốc lần thứ I đã có một sức mạnh động viên to lớn đối với cuộc vận động xây dựng xã hội học tập ở cơ sở. Tại Đại hội lần thứ III này, tất cả 63 tỉnh, thành trong toàn quốc đã hình thành một hướng thi đua mới: đó là đổi mới phương thức hoạt động khuyến học, khuyến tài ; mọi hoạt động khuyến học, khuyến tài đều hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập, song song với việc xây dựng gia đình hiếu học còn xây dựng các dòng họ khuyến học (nay đổi thành dòng họ hiếu học)  với 5 tiêu chí cụ thể: Trong dòng họ có trên 50% gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học; tất cả con em trong dòng họ đều đến trường; Dòng họ có quỹ khuyến học,  Quỹ của dòng họ phải hoạt động có hiệu quả; Trong dòng họ có Chi hội khuyến học (hoặc Ban khuyến học); Mọi gia đình trong dòng họ đều thực hiện tốt nghĩa vụ công dân.

 Dòng họ hiếu học là những cộng đồng có quan hệ huyết thống, là chỗ dựa về tình cảm, về truyền thống dòng họ, đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ  các gia đình trong dòng họ xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, mỗi gia đình đều phấn đấu trở thành gia đình hiếu học để mang vinh danh cho họ tộc mình.

Sau Đại hội đại biểu khuyến học toàn quốc lần thứ III (tháng  12/2005), phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học đã được mở rộng với những hình thức phong phú, chất lượng phong trào ngày càng được nâng cao. Số gia đình đăng ký trở thành gia đình hiếu học đã lên tới con số trên 4.000.000, số gia đình đạt tiêu chuẩn là 1.700.000 gia đình; và số dòng họ hưởng ứng cuộc vận động này đã trên dưới 30.000, trong đó có 16.000 dòng họ đạt tiêu chuẩn dòng họ hiếu học.

Đại hội gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học tiêu biểu toàn quốc lần thứ II (ngày 9 và 10/10/2007), đánh dấu một giai đoạn mới của phong trào khuyến học, khuyến tài. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã đánh giá rất cao phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học và nhấn mạnh:

Xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học để xây dựng xã hội học tập là một cách làm độc đáo ở Việt Nam, có ý nghĩa lớn trong việc động viên mọi người học tập, góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà.

Gia đình Việt Nam luôn gắn liền với dòng họ. Dòng họ có tác dụng gắn kết mọi gia đình trong việc duy trì và phát huy những truyền thống tốt đẹp của họ tộc, động viện các gia đình giữ gìn gia phong, thực hiện gia giáo. Trong lịch sử dân tộc ta đã có biết bao gia đình vinh hiển, dòng họ khoa bảng lưu danh mãi mãi. Hiện nay, hàng vạn dòng họ đang thúc đẩy các gia đình trong họ thi đua với nhau và thi đua với các dòng họ khác, ra sức học tập trau dồi kiến thức, đóng góp nhiều cho xã hội, dành vinh quang về cho họ tộc mình.

Hội Khuyến học Việt Nam và các cấp Hội đã hiểu sâu sắc vai trò, tác dụng của gia đình và dòng họ trong việc khơi dạy truyền thống hiếu học của dân tộc, sáng tạo vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí học tập vào giai đoạn mà dân tộc cần phải đột phá, đi tắt, đón đầu, rút ngắn khoảng cách tụt hậu, quyết tâm sớm đưa các nghị quyết của Đảng về xây dựng xã hội học tập vào cuộc sống…”.

Sau khi có Chỉ thị 11CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị và sau Đại hội Gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học lần thứ II, phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học phát triển rầm rộ hơn, lôi cuốn đông đảo nhiều người tham gia hơn. Nội dung thi đua, xây dựng phong trào ở nhiều địa phương được cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp nên hoạt động có bài bản hơn, và cũng mang nhiều nét mới hơn.  Về gia đình hiếu học, nhân dân tại nhiều địa phương đã chia gia đình hiếu học thành nhiều loại như gia đình thành đạt, gia đình cử nhân, gia đình tiến sĩ. Về dòng họ, ở những nơi không có những gia đình trong họ tộc quần tụ, nhân dân đã tôn vinh những tổ dân phố, những thôn bản, xóm, làng khuyến học, tổ dân phố khuyến học, v.v…Nhiều tổ chức tôn giáo tích cực tham gia phong trào này, nhiều xứ đạo, nhà thờ, nhà chùa đã đạt danh hiệu Xứ Đạo, nhà thờ, nhà chùa khuyến học.

Hàng nghìn cộng đồng khuyến học trên từng địa bàn dân cư đã tạo ra nhiều điều kiện tinh thần và vật chất để động viên các gia đình, các dòng họ tham gia  học tập theo yêu cầu xây dựng xã hội học tập...và xây dựng khu dân cư văn hóa, làng văn hóa...

Phong trào xây dựng và phát triển Quĩ khuyến học với nhiều  hình thức phong phú: Nếu như cách đây 10 năm, phong trào này mới phát triển ở cấp tỉnh, thì nay Quĩ khuyến học đã có ở tất cả các cấp Hội, các cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp, dòng họ, nhà chùa, nhà thờ... ngoài sự đóng góp của cộng đồng,  các nhà hảo tâm còn có hình thức tài trợ học bổng 1+1, 1+ N... như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long; phong trào 3 đỡ đầu như ở Quảng Ninh; Phong trào “heo đất khuyến học” khởi đầu từ TP Hồ Chí Minh đã lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành, rồi “đàn ong khuyến học”, “hàng cây khuyến học”..., nhiều tỉnh, thành xây dựng quĩ khuyến học mang tên Danh nhân, tên của những vị cách mạng tiền bối, những chiến sĩ cách mạng tên tuổi, hoặc vùng đất địa linh nhân kiệt...các Chương trình giao lưu văn nghệ, Chương trình gặp gỡ đầu xuân, Chương trình, “Ước mơ Việt Nam”, “Vòng tay đồng đội”, “Vượt sông hồ tìm chữ”, “Chắp cánh ước mơ”, “Gương sáng học đường”, “Tiếp sức em đến trường”...đã thu hút được sự tài trợ của nhiều nhà hảo tâm, doanh nhân, doanh nghiệp tâm huyết với sự nghiệp giáo dục như cựu chiến binh Lê Văn Kiểm (Chủ tịch HĐQT Golf Long Thành), mười năm qua Ông đã tài trợ hàng chục tỷ đồng học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo nhiều tỉnh trong cả nước; Ông Doãn Tới, một doanh nhân đang hoạt động kinh doanh ở miền Tây Nam bộ, vì nặng lòng với quê hương Ông đã tặng tỉnh Thanh Hóa – quê hương Ông 1 triệu đô la Mỹ để lập quĩ học bổng; Tổng Công ty Bi-TiS’; Tổng công ty Phú Mỹ Hưng ; Nhiều đơn vị kinh tế, Doanh nghiệp như Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Sacombank, Ngân hàng liên Việt Posbank, Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông (VNPT), Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam... liên tục mỗi năm tài trợ hàng tỷ đồng cho Quĩ khuyến học, khuyến tài; Công ty Bảo hiểm Bưu điện Việt Nam, mỗi năm cấp thẻ bảo hiểm “Phúc học đường” cho hàng vạn học sinh, sinh viên vượt khó, học giỏi các cấp (mỗi thẻ có mệnh giá 10 triệu đồng) ...một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ như Tổ chức Đông Tây hội ngộ, Quĩ hỗ trợ giáo dục Châu Á – Thái Bình Dương, Trường Nhật ngữ Đông Du, Bệnh viên đa khoa Việt Mỹ ... cùng nhiều Việt kiều cũng tham gia đóng góp cho quĩ học bổng hoặc tổ chức trao trực tiếp cho học sinh, sinh viên nghèo...Vài ba năm trở lại đây,  năm nào Quĩ khuyến học, khuyến tài cũng có số thu đến trên một ngàn tỷ đồng để mỗi năm cấp học bổng cho trên 3 triệu học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, con em thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng cho hàng ngàn học sinh, sinh viên học giỏi, hàng ngàn thày, cô giáo dạy giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài việc hỗ trợ bằng tiền, nhiều nhà hảo tâm còn ủng hộ  hiện vật, hiến đất xây trường mầm non, trường nội trú, trường bán trú dân nuôi, trường phổ thông, tổng giá trị mỗi năm lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Cùng với việc tôn vinh, khen thưởng các thủ khoa hàng năm của Nhà nước và các địa phương, Cuộc thi “Nhân tài đất Việt” đã tiếp tục được Hội Khuyến học tổ chức hàng năm, phát hiện nhiều nhà khoa học có triển vọng, chủ yếu là lực lượng trẻ với nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc về công nghệ thông tin và khoa học tự nhiên, trong số đó hàng chục công trình đã được ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất và đời sống, một số còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Các cuộc thi “Nhân tài đất Việt” đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, dư luận và các nhà khoa học đánh giá cao.

Cuộc vận động toàn dân tham gia học tập, học tập suốt đời, bước đầu đang trở thành một phong trào, tuy chưa được như mong muốn và hoạt động không đồng đều nhưng đang dần dần có sức lan tỏa và trở thành nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn dân, nhất là từ khi có Chỉ thị 11CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) và Nghị Quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.. Hiện trong cả nước có hơn 11.600 Trung tâm học tập cộng đồng (xã, phường) - một thiết chế giáo dục đang phát huy vai trò là đòn bẩy chủ yếu và lâu dài của xã hội học tập. Trung tâm học tập cộng đồng không chỉ dành cho thế hệ trẻ mà là đối với tất cả mọi người dân không phân biệt già, trẻ, nam, nữ, giàu nghèo, dân tộc, cương vị xã hội và bất cứ ở đâu: thành thị, nông thôn, vùng núi, hải đảo... ai cũng được tham gia học tập, cần gì học nấy, học chuyển giao kỹ thật canh tác, nuôi trồng, học nghề, học văn hóa, ngoại ngữ, tin học....  Trung tâm học tập cộng đồng đã mang lại sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người đặc biệt là những người nghèo, người chịu thiệt thòi, con em đồng bào thiểu số vùng sâu, vùng xa, trẻ em tàn tật, con em thuộc diện chính sách, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa có điều kiện và cơ hội nâng cao kiến thức, tự hoàn thiện mình và trên cơ sở đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính mình, cho gia đình, cho họ tộc, cho thôn xóm, phường xã, góp phần xoá đói giảm nghèo , phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đào tạo một nguồn nhân lực dồi dào, đa dạng với nhiều trình độ, nhiều năng lực khác nhau đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, và hội nhập kinh tế quốc tế.

Các phong trào trên đã và đang là những mô hình cho một xã hội học tập từ cơ sở.                                                       

Đến nay, đã gần 5 năm sau Đại hội gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học tiêu biểu lần thứ II, trong cả nước đã có hơn 5 triệu gia đình hiếu học và hơn 50 nghìn dòng họ khuyến học được cấp giấy chứng nhận gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, hàng nghìn cụm dân cư khuyến học.

Những địa phương có số lượng gia đình hiếu học cao tỷ lệ với dân số trong tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thái Bình, sau đó là các tỉnh Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Tây Ninh,  TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Trà Vinh, Thái Nguyên, Sơn La,  Phú Thọ, Hải Dương, Quảng  Bình, Quảng Trị....

Về dòng họ, số tỉnh, thành có trên 1.000 dòng họ khuyến học là Quảng Bình, Nghệ An, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình...

Kế tục truyền thống hiếu học của dân tộc, Hội Khuyến học Việt Nam đã đưa phong trào khuyến học, khuyến tài với cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học lên một tầm cao mới.  Xây dựng GĐHH-DHHH-CĐKH đã trở thành phong trào quần chúng rộng khắp trong cả nước, thể hiện  truyền thống hiếu học vốn có từ ngàn xưa của dân tộc và đã trở thành nét đẹp Văn hóa Việt Nam.

Hội Khuyến học Việt Nam tự hào là người kế tục và phát triển truyền thống hiếu học của dân tộc. Hội đã cố gắng không ngừng trong cuộc vận động toàn dân học tập, toàn dân tham gia xây dựng và phát triển giáo dục, phát huy mạnh mẽ truyền thống hiếu học của dân tộc. Những đóng góp tích cực của Hội trong 17 năm qua đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao bằng những phần thưởng cao quí: Nhà nước đã quyết định lấy ngày 2/10 hàng năm làm “Ngày khuyến học Việt Nam”. Hội Khuyến học Việt Nam được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì; 88 Huân chương Lao động các loại, 3 cờ thi đua xuất sắc và hàng trăm bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Mặt trận TQVN cho các cá nhân, tập thể và các cấp Hội trong toàn quốc./. 

Lương Thanh Sở





 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh
Sơn La tìm giải pháp nâng cao chất lượng trung tâm học tập cộng đồng
Nâng cao hiệu quả công tác khuyến học - khuyến tài tại các tỉnh vùng Tây Bắc
Giao ban công tác khuyến học - khuyến tài khu vực Đông Bắc năm 2023
Hội khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tìm cách tháo gỡ khó khăn trong công tác khuyến học
Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Công an phối hợp đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong lực lượng công an nhân dân


Thời gian mở trang: 0.240 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.