Phong trào Khuyến học xã Triệu Giang, Triệu Phong, Quảng Trị nhìn lại một chặng đường!
11.2007
|
|
Hội khuyến học xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong được thành lập từ tháng 10 năm 2003, sau một thời gian tuyên truyền vận động hầu hết các thôn trên địa bàn đã thành lập được các chi hội khuyến học. Năm 2003 có 5/6 thôn, 1 trường và 1 dòng họ thành lập được chi hội và ban khuyến học. Hiện nay toàn xã có 7 chi hội ở 5 thôn và 2 trường, có 3 dòng họ tổ chức được công tác khuyến học.
BCH đã tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ khuyến học trên địa bàn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác khuyến học và vận động các nguồn lực của địa phương tham gia tốt công tác này. Sau khi huyện tổng kết 7 năm thực hiện Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị (7/2006) Hội cũng đã có bổ sung thêm đồng chí Hiệu trưởng trường THCS làm phó chủ tịch thường trực. Nhìn chung bộ máy BCH và các chi hội bước đầu thành lập, củng cố đã có những hoạt động thiết thực đối với phong trào khuyến học của xã nhà.
Qua 4 năm tổ chức, tuyên truyền, vận động Hội khuyến học xã Triệu Giang đã phát triển được 237 hội viên đạt tỉ lệ 5% dân số. Tỉ lệ này so với mặt bằng chung của huyện quá thấp, nhưng đó cũng là một nỗ lực vươn lên.
Bám sát Nghị quyết đại hội lần thứ nhất về công tác khuyến học, BCH hội đã tổ chức được nhiều hình thức khuyến học cả về vật chất lẫn tinh thần, làm tốt công tác tư tưởng trong nhân dân, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác xã hội hoá giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, từ đó huy động sự tham gia tích cực, tự nguyện của cộng đồng phục vụ cho sự nghiệp giáo dục của xã nhà, hướng tới xây dựng xã hội học tập.
Hội đã phối hợp với nhà trường và các ban ngành, đoàn thể vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương PCGD của Đảng và Nhà nước, vận động học sinh đến trường, cam kết không lưu ban, bỏ học để xã đạt PCGDTH đúng độ tuổi và PCGD THCS.
Về mặt hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học và khen thưởng các học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc: 4 năm qua bằng kinh phí của Hội cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, cộng với sự đóng góp của nhân dân, các tổ chức từ thiện xã hội, các nhà hảo tâm trên địa bàn, Hội khuyến học đã trao 10 suất quà của ban từ thiện Phật giáo tỉnh Quảng Trị cho 10 gia đình học sinh nghèo hiếu học bằng con giống và cây giống trị giá 6.000.000 đồng, đề nghị Tỉnh hội “Tiếp sức đến trường” cho 3 sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đề nghị cấp trên tặng 2 suất học bổng dài hạn cho 1 sinh viên nghèo đang theo học đại học, 9 suất học bổng trị giá 4.500.000đ cho 9 học sinh trường THCS nhà nghèo học giỏi, 1 xe đạp cho con mồ côi và một học sinh bị sập nhà do lũ lụt năm 2006, 2 suất học bổng cho con thương bệnh binh và hàng chục suất quà bằng sách vỡ, gạo cho các em học sinh bị ảnh hưởng bão lụt.
Hằng năm các chi hội khuyến học ở các trường học, các thôn và các dòng họ đã trích từ quỹ khuyến học hàng chục triệu đồng để động viên khen thưởng cho học sinh, sinh viên và hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Riêng ở xã hàng năm được sự nhất trí của Đảng uỷ, uỷ ban Hội khuyến học xã đã tổ chức phát thưởng cho 112 học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi văn hoá và các em học sinh thi đỗ vào các trường đại học. Kinh phí phát thưởng trong 4 năm qua: 5.560.000đ. Các chi hội thôn đã phát thưởng cho 304 em với kinh phí là 4.900.000đ.
Thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, cộng đồng khuyến học... trong những năm qua địa phương đã có những gia đình đạt tiêu chí gia đình hiếu học tiêu biểu như gia đình ông: Nguyễn Bằng ở Tiền Kiên, ông Thái Trung Thành ở Trà Liên Tây, ông Lê Đình Thảo ở Phước Mỹ, ông Nguyễn Quốc Toản và ông Phạm Xuân Hiếu ở Phú Áng,...Đã có 3 dòng họ lớn thành lập Ban Khuyến học dòng họ và đăng ký xây dựng đạt các tiêu chí “Dòng họ khuyến học”.
Xây dựng quỹ khuyến học là một yếu tố then chốt của hoạt động hội, vì vậy trong nhiệm kỳ qua Hội đã vận động các tầng lớp nhân dân, các nhà hảo tâm ủng hộ quỹ phục vụ cho các hoạt động khuyến học của hội. Kết quả quỹ hội xã đã thu được 5,6 triệu đồng phục vụ cho công tác động viên, khen thưởng của hội.
Song song với việc xây dựng quỹ hội cấp xã, các chi hội, các dòng họ đã xây dựng được quỹ khuyến học để tổ chức khen thưởng cho học sinh. Các chi hội thực hiện tốt và duy trì thường xuyên như chi hội Tiền Kiên, Phước Mỹ, Phú Áng và họ Cao thôn Trà Liên.
Có được những kết quả trên trước hết là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng uỷ, của các Chi bộ, sự chỉ đạo sâu sát của chính quyền và sự phối hợp thường xuyên của các ban ngành, đoàn thể giúp hội hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. BCH hội phải chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể cho từng tháng, từng quý, đồng thời tam mưu cho UBND xã giao chỉ tiêu kế hoạch co từng tổ chức, đơn vị. Cán bộ khuyến học phải có tâm huyết và phải được bồi dưỡng nghiệp vụ.
Nhiệm kỳ II của Hội khuyến học xã Triệu Giang (2007 - 2012) diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hoá về kinh tế, xu thế hội nhập và hợp tác để phát triển là xu thế của thời đại, vừa tạo ra cơ hội để phát triển đồng thời đặt ra nhiều thách thức. Đất nước ta đang từng bước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Tình hình kinh tế xã hội của địa phương năm tới sẽ có nhiều phát triển nhảy vọt, sự nghiệp CNH-HĐH sẽ có những bước tiến quan trọng. Chính vì vậy mà nhiệm vụ giáo dục đào tạo trong giai đoạn này có ý nghĩa vô cùng quan trọng như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã chỉ rõ: “Chúng ta phải phấn đấu để lĩnh vực này cùng với khoa học công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, thông qua việc đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chấn hưng nền giáo dục Việt Nam. Những biện pháp cụ thể là: Đổi mới cơ cấu tổ chức nội dung, phương pháp dạy và học theo hướng “chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá”. Phát huy trí sáng tạo, khả năng vận dụng, thực hành của người học. Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học”.
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VII và chủ trương của Hội khuyến học cấp trên, Hội khuyến học xã Triệu Giang đề ra mục tiêu nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện công tác khuyến học nhiệm kỳ 2007 -2012 như sau: I-Mục tiêu:
Động viên cao độ tâm huyết và năng lực, tư duy sáng taọ của cán bộ hội viên đưa hoạt động khuyến học khuyến tài trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, tích cực tham gia và đẩy nhanh quá trình xây dựng xã hội học tập từ cơ sở theo tinh thần xã hội hoá, hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ có hiệu quả cho ngành giáo dục, liên kết các lực lượng xã hội tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo, tạo ra nhiều cơ hội để mỗi người dân thực hiện học tập suốt đời, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu CNH-HĐH đất nước, quê hương.
II-Nhiệm vụ và giải pháp:
1/ Phát huy kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, tập trung đẩy mạnh phát triển phong trào khuyến học làm tiền đề cho việc xây dựng xã hội học tập. Động viên các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức kinh tế cùng chính quyền tham gia các hoạt động khuyến học khuyến tài. Mở rộng mặt trận khuyến học trên cơ sở phát triển sâu rộng đến tận các khu vực dân cư, các dòng họ, đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục.
Củng cố và phát triển các chi hội ở các khu vực dân cư, làng xóm, trường học, cơ quan, các dòng họ (100% thôn, khu vực dân cư, trường học có chi hội khuyến học, phát triển hội viên đạt tỉ lệ 15% dân số).
Xây dựng mối quan hệ với các tổ chức chính trị, xã hội, các đơn vị kinh tế về trách nhiệm của tổ chức đối với phong trào khuyến học của xã nhà.
Phối hợp với nhà trường trong việc vận động nhân dân và các nguồn lực xã hội đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, kỷ thuật phục vụ việc nâng cao chất lượng dạy và học. Duy trì phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS bền vững, hướng đến mục tiêu PCGD bậc trung học. Tăng cường giáo dục đạo đức, pháp luật, dân số, bảo vệ môi trường, giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo, thực hiện tốt cuộc vận động: ”Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc cho học sinh không đạt chuẩn lên lớp”. Xây dựng môi trường giáo dục thống nhất giữa “gia đình - nhà trường - xã hội”.
2/ Đẩy mạnh các phong trào thi đua khuyến học, gương sáng hiếu học, gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, cộng đồng khuyến học.
Đưa cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học thành một nội dung hoạt động trong các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội. Gắn phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, cộng đồng khuyến học với phong trào xây dựng Làng văn hoá, đơn vị văn hoá, gia đình văn hoá và cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.
Tổ chức đăng ký xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, cộng đồng khuyến học.
Phấn đấu 50% thôm xóm, khu dân cư đạt danh hiệu “cộng đồng khuyến học” và 50% dòng họ đạt “dòng họ khuyến học”. Xã đạt danh hiệu cộng đồng khuyến học.
3/ Xây dựng và phát triển trung tâm học tập cộng đồng từ xã cho đến các thôn:
- Tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền xây dựng TT HT CĐ cấp xã. - 100% số thôn TT HT CĐ để phục vụ nhu cầu học tập của nhân dân. - Tổ chức quản lý sử dụng các TT HT CĐ hoạt động có hiệu quả.
4/ Phát triển các hình thức xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài để hỗ trợ có hiệu quả các phong trào khuyến học, khuyến tài
Khuyến khích phát triển quỹ khuyến học trong từng gia đình dòng họ, từng cộng đồng để hỗ trợ kịp thời cho những học sinh, sinh viên nghèo học giỏi, những học sinh, sinh viên thuộc gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn có nguy cơ bỏ học, khen thưởng những học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và giáo viên có thành tích xuất sắc trong giảng dạy công tác.
5/ Xây dựng và củng cố tổ chức hội vững mạnh về mọi mặt đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ khuyến học trong giai đoạn mới.
Củng cố BCH các chi hội, chọn các chi hội trưởng và chi hội phó có tinh thần trách nhiệm cao, có tâm huyết, năng lực và kinh nghiệm.
Trịnh Minh Lô |