TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Diễn đàn Khuyến học & Giáo dục | Đổi mới tư duy giáo dục
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Diễn đàn Khuyến học & Giáo dục 04.2024
Đổi mới tư duy giáo dục
11.2012

Xem hình
Tháng 8/2006, trên trang Web Amazon.com người ta ngạc nhiên trước số sách đã phát hành có 56.170 cuốn mang từ change (thay đổi) trong tên bìa của chúng, và nội dung của các cuốn sách đó xuất hiện 11.195 cụm từ business change(thay đổi trong kinh doanh) và 2.404 cụm từ global change (thay đổi toàn cầu). Nhiều người bị choáng trước số liệu trên đây bởi cảm thấy hình như mình bị lạc hậu trước sự thay đổi ghê gớm của thế giới hiện đại. Nhưng rồi ai cũng thấy những thay đổi trong thế giới chúng ta đang sống cũng không phải quá lớn để mà không nhận thức được.

Tôi không có phương tiện xử lý thông tin hiện đại để biết trong nước, và ngay trong ngành giáo dục Việt Nam, có bao nhiêu sách báo, tài liệu nói đến đổi mới tư duy giáo dục. Nhưng tôi đoán chắc rằng, cụm từ này được viết trên giấy hoặc được nói ra miệng phải cả triệu lượt. Ấy thế mà, giáo dục vẫn trượt trên đường mòn cũ, những thay đổi quá ít, có khi thay đổi lại làm cho cái cần thay đổi tăng tính cấp thiết hơn: học phí vẫn tiếp tục tăng; kế hoạch kiên cố hóa trường học sau nhiều năm triển khai vẫn ì ạch. Trên ti vi gần đây có một bài nói về số lượng trường rách nát vẫn quá lớn; ba, bốn năm liền thiên hạ kêu học sinh bị điểm quá kém về môn Lịch sử, nhưng rồi đâu lại hoàn đó; dư luận xã hội phản đối rầm rầm về việc bắt trẻ con học thêm quá nhiều, bị nhồi nhét quá nhiều, nhưng học sinh vẫn ùn ùn đến các lớp học thêm, từ những đứa cao lộc ngộc đang học lớp cuối của trường Trung học phổ thông cho đến mấy đứa con nít ở tuổi “thò lò mũi”, vừa từ lớp mẫu giáo 5 tuổi chuyển sang lớp Một…

Tư tưởng về đổi mới tư duy giáo dục để có được những thay đổi cần thiết trong giáo dục xem ra vẫn đang bốc lên hừng hực, nhưng thực tế giáo dục thì lạnh lùng, có vẻ thách thức dư luận. Vì vậy, ở đây có gì không ổn chăng?

Một lần, cách đây cả chục năm, tôi tình cờ tìm được tác phẩm Megatrends 2000 (những xu thế vĩ mô năm 2000) của 2 vợ chồng John Naisbitt và Patricia Aburdene – 2 nhà tương lai học. Tôi bị hấp dẫn vào lối tư duy của họ, và vì thế, khi tôi thấy trên giá sách của một Nhà sách cuốn “Lối tư duy của tương lai” do Naisbitt viết, tôi phải mua ngay lập tức. Đọc Mind sets, tôi ngộ ra một điều rằng, thế giới không bao giờ biến đổi như một tổng thể, cũng không phải mọi thứ đang thay đổi “vì vậy, khi tốc độ, khả năng và sự thích ứng với thay đổi dường như trở thành những yếu tố chi phối đời sống, thì sự tập trung, hiệu quả, tư duy logic và tầm nhìn càng trở nên cần thiết giúp chúng ta không bị cuốn vào cuộc chạy đua theo những xu thế nhất thời vốn không có điểm dừng. Muốn nhận ra đâu là những đại lộ dẫn thẳng về phía trước và đâu là những ánh đèn hao hao giống tín hiệu về tương lai lập lòe ngẫu nhiên bên đường, chúng ta có thể tự thám hiểm dòng tư duy của chính mình, vượt qua rừng thông tin, qua những dấu hiệu thay đổi bề mặt, vốn chỉ là biểu hiện của những hằng số trong cuộc đời: cuộc sống gia đình, công việc, môi trường sống (xã hội, chính trị, kinh tế, sinh thái…), bằng những lối tư duy khách quan độc lập. Đó là con đường tất yếu để nắm bắt hiện tại và nắm bắt hiện tại chính là cách chắc chắn nhất để thấu hiểu tương lai” (John Naisbitt).

Trong truyện Hoàng tử Bé (Le petit prince), một tác phẩm kinh điển của Antoine de Saint – Exupéry, tác giả kể về một chú bé 6 tuổi rất mê một cuốn truyện nhỏ viết về những khu rừng rậm, cái thế giới huyền bí của những loài dã thú, những con vật khổng lồ và những giống chim lạ. Thế là chú bé vẽ một bức tranh với một chủ đề rõ ràng: một con trăn khổng lồ đã nuốt một con voi. Vẽ xong, chú khoe với mọi người, nhưng chú ngạc nhiên quá chừng khi ai cũng khen chú vẽ cái mũ khéo quá, đẹp quá.

Chú bé rất mừng khi gặp Hoàng tử Bé, bởi Hoàng tử Bé hiểu ngay ý tưởng bức tranh, không phải giải thích gì mà Hoàng từ nhận ra ngay con voi đang bị con trăn tiêu hóa.

Saint – Exupéry cho ta một điều đáng phải suy nghĩ: cái mà ta nhìn thấy nhiều khi lại hạn chế trí não của chính ta. Nếu loại bỏ cái giới hạn (thân con trăn đang phồng lên như hình cái mũ dạ (mũ phớt), ta sẽ thấy con voi đã bị con trăn nuốt chửng.

Câu chuyện của Saint – Exupery có thể là một ẩn dụ thú vị. Cái giới hạn giáo dục hiển thị trước chúng ta là mô hình giáo dục đang được vận hành. Đổi mới giáo dục mà tầm tư duy chỉ trong khuôn khổ mô hình giáo dục cũ kỹ này thì mọi thay đổi bên trong cái giới hạn đó giỏi lắm cũng chỉ là sự chắp vá đối phó mà thôi. Nghị quyết Đại hội Đảng lần X đã cho phép chúng ta phá cái giới hạn cũ, thay vào đó là mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập. Thế mà nhiều người vẫn bảo vệ cái mô hình giáo dục cũ kỹ hiện hữu để bàn về đổi mới tư duy giáo dục. Tôi khẳng định rằng, họ chẳng thể mở ra một lối đi nào thông thoáng vào tương lai cho nền giáo dục của chúng ta, cho dù họ đưa ra hàng trăm thông tin về sự đổi mới tư duy giáo dục ở nơi này hay ở nơi khác.

Sức ỳ của tư duy là một một nguyên nhân làm cho người ta không dám vượt qua những điều mà họ đã ngộ nhận đó là nguyên lí bất di bất dịch. Trước đây, trong hàng chục năm, nền y học thế giới có một lý thuyết về nguyên nhân gây ra các vết loét trong dạ dày: hút thuốc lá và uống rượu làm cho cơ thể sản xuất dư thừa axít dạ dày, và số lượng axít dư thừa sẽ ăn mòn lớp niêm mạc. Người ta hiểu đinh ninh như vậy,và từ đó, điều trị vết loét dạ dày chủ yếu là dùng phẫu thuật hoặc thuốc kháng axít.

Có 2 bác sĩ người Úc là Robin Warren và Barry Marshall khẳng định có một loại vi khuẩn (lúc đó chưa xác định vi khuẩn nào) gây ra bệnh lở loét. Giới y học cho rằng, 2 bác sĩ này đã có những ý kiến “xấc xược” về vi khuẩn làm loét dạ dày. Cả 2 vị bác sĩ khả kính ấy đã bị ngành y tống ra khỏi ngành nghiên cứu và chữa trị bệnh viêm loét dạ dày, khiến họ phải tìm về một vùng hẻo lánh để hành nghề.

Tháng 10/ 2005, Warren và Marshall được trao giải Nobel y học vì đã phát hiện ra loại “vi trùng gây lở loét”. Thế mà cũng phải mất cả thập kỷ sau đó giới y học mới không kê thuốc kháng axít và thay vào đó là cho đơn thuốc kháng sinh khi bệnh nhân loét dạ dày đến khám bệnh.

Thế mới biết, tư duy có sức ỳ không nhỏ. Sức ỳ đó đã và đang gây ra những thiệt hại, những đau khổ cho không ít người chẳng phải chỉ ở lĩnh vực y tế, mà các lĩnh vực khác cũng có vấn đề tương tự. Trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta cũng có thể liệt kê cả chục vấn đề về tính bảo thủ như bắt trẻ con học thuộc lòng, luyện học thi như kiểu luyện gà chọi đi đá nhau để lĩnh giải.

Trong đời sống xã hội, những thay đổi hay những đổi mới có diễn ra và diễn ra có hiệu quả hay không phụ thuộc vào con người hiểu được những sự khác biệt giữa cái chúng ta phải làm với cách chúng ta làm như thế nào. Cái chúng ta làm hàng ngày như ăn uống, học tập, trồng trọt, chăn nuôi, đấu bóng…là cái bất biến, nó lặp đi lặp lại, ngày này qua ngày khác. Còn cách làm cái đó như thế nào là cái khả biến, là cái thay đổi, là cái mang lại một chất lượng mới. Vào những năm 30 của thế kỷ XX, các cầu thủ bóng rổ được huấn luyện ném bóng vào rổ bằng 2 tay. Rất nhiều cầu thủ nổi tiếng do họ ném cực kỳ chính xác bằng lối dùng 2 tay đưa bóng vào rổ. Đó là phong cách bóng rổ truyền thống.

Ngày 30/12/1936, tại sân bóng rổ Madison Square Garden ở New York, đội Đại học Long Island đấu với đội Standford. Hank Luisetti, một cầu thủ có chiều cao 1,88m, nặng 92kg đã được người xem chú ý nhất bởi anh ném bóng bằng một tay khi nhảy cao lên như treo mình trong không trung. Mục tiêu của bóng rổ là phải ném bóng vào rổ, và Lusetti luôn tuân thủ mục tiêu này, nhưng lối ném bóng một tay của anh đã làm đối phương Long Island bại trận vì hiệu quả của cách ném bóng đó rất cao. Một huấn luyện viên hồi đó – ông Nat Holman – thì không chịu, cho rằng ném bóng rổ một tay không thể gọi là chơi bóng rổ. Dù huấn luyện viên huyền thoại này không tán thành cách chơi của Luisetti thì trên thực tế, cách ném bóng rổ truyền thống bắt đầu phải thay đổi: Ném bóng 2 tay sẽ không địch lại lối ném bóng 1 tay.

Muốn gì chăng nữa thì khán giả Mỹ đã bầu chọn Luisetti là cầu thủ bóng rổ xuất sắc nhất năm 1937, và sau này, ông là cầu thủ xuất sắc thứ hai sau George Mikan cho nửa đầu thế kỷ XX.

Cách đây mấy năm, đội tuyển bóng đá Việt Nam gặp đội tuyển Malaysia trong trận đấu bán kết giải Đông Nam Á tại sân vận động Mỹ Đình. Sau khi có bàn thắng, đội tuyển Malaysia “đổ bê tông” trước khung thành của mình (mà khán giả gọi cách chơi đó là chắn khung thành bằng một cái xe buýt). Chiến thuật này đó đã vô hiệu hóa mọi cú sút của đội Việt Nam. Đội nhà thất trận, cổ động viên Việt Nam  ngao ngán. Có một vị trong làng bóng đá Việt Nam cho rằng  Malaysia làm như thế không gọi  là chơi bóng đá. Nếu xét về mục tiêu, không để đội Việt Nam làm bàn, bảo vệ được thắng lợi của trận đấu thì cách chơi của đội Malaysia là thành công -  họ biết cách để đội tuyển Malaysia đi vào giải. Tôi nghĩ, đội Việt Nam hãy tự trách mình bởi không biết làm bằng cách nào để phá vỡ cái “xe buýt” đó để chọc thủng lưới - Làm gì? Câu trả lời là đá vào lưới đối phương. Đá vào lưới đối phương bằng cách nào? Câu trả lời là “xin chịu”. Vậy thì thua là chính xác.

Bây giờ trở về với giáo dục.

Câu hỏi: Cần phải làm gì đối với nền giáo dục đang có nhiều khuyết tật hiện nay?

Trả lời: Phải đổi mới căn bản và toàn diện nên giáo dục.

   Trả lời như thế là chính xác.

          Câu hỏi tiếp: Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục bằng cách nào?

Trả lời: Phải đổi mới tư duy giáo dục.

Cách trả lời này không đạt, bởi vẫn chỉ là câu trả lời làm gì chứ chưa phải làm như thế nào. Do đó, không thể đi đến một quyết định cần thiết của cơ quan lãnh đạo tối cao về cách làm. Chết một nỗi, không ít nhà nghiên cứu khoa học lại coi “đổi mới tư duy giáo dục” là biện pháp, mà không hiểu đây chỉ là điều kiện để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo mà thôi.

Vấn đề cốt lõi của đổi mới tư duy là phải dùng trí tuệ để đề ra được cách làm, tức là trả lời được câu hỏi: Làm như thế nào. Chúng ta biết rằng, trong sản xuất, biết là điều kiện cần thiết, nhưng biết làm cách nào mới là yếu tố tạo ra lợi thế cạnh tranh; dừng lại ở biết thì chưa thể tạo ra sự thay đổi.

Có những tầng bậc biết sau đây:

-         Biết cái gì (Know - What);

-         Biết tại sao lại làm cái ấy (Know – Why);

-         Biết ai làm cái ấy (Know – Who);

-         Biết làm cái ấy ở đâu (Know – Where);

-         Biết làm cái ấy khi nào (Know – When).

Sau đó, Ngô Qúy Tùng đưa thêm vào một cái biết nữa: Biết làm ra bao nhiêu cái ấy (Know – Quantity). Song, dù sao thì những loại biết này cũng chỉ có khả năng trả lời  “đây là cái gì” chứ chưa đủ để trả lời “làm cái ấy như thế nào”.

Vấn đề là biết làm như thế nào (Know – How). Trong tiếng Anh, Know – How có nghĩa là biết cách làm, và quan trọng hơn khi ta hiều nghĩa thứ hai của từ này: Bí quyết. Bí quyết là phần mềm quan trọng nhất của một công nghệ. Hai doanh nghiệp cùng áp dụng một loại công nghệ, nghĩa là họ có nhà xưởng, trang bị kỹ thuật tổ chức, nhân sự … như nhau, nhưng bí quyết khác nhau thì sản phẩm hàng hóa sẽ khác nhau. Vì thế, ở Chợ Công nghệ (thị trường buôn bán công nghệ), bí quyết là cái người ta quan tâm hơn cả.

Bí quyết là kết quả chuyển từ biết đến biết làm, hay nói cách khác, là chuyển kiến thức (Know) thành tri thức (Knowledge). Khi dừng lại ở sự biết (nắm kiến thức) thì con người mới ở mức tích lũy thông tin (Information), Thông tin là tri thức của người khác chuyển đến ta. Về thực chất, thông tin chỉ là tổng thể những dữ liệu được kết nối thành những sự kiện chưa được xử lý. Ta phải học cách xử lý thông tin, và chỉ xử lý thông tin đúng thì thông tin mới thành tri thức của ta. Xử lý thông tin đúng có nghĩa là quá trình tư duy của chúng ta đúng. Nghiên cứu quá trình nhận thức, V.I Lénine cho rằng, tư duy nếu đúng thì nó sẽ phản ánh đúng thực tiễn khách quan, nghĩa là nó giúp nhận thức của ta gần chân lý hơn. Theo Lénine, tư duy có thể sai, cho nên phải có phương pháp thực hiện đúng các thao tác tư duy như phân tích, tổng hợp, khái quát, trừu tượng hóa…về các hiện tượng, sự vật…thì mới đạt được kết quả tư duy đúng đắn.

John Naisbitt có một lối tư duy độc đáo, được diễn đạt bằng mệnh đề “Tương lai được gói gọn trong hiện tại”. Muốn đi tới tương lai, phải hiểu thấu hiện tại để thấy được cái gì trong hiện tại sẽ nằm trong tương lai. Bỏ qua hiện tại, chỉ tưởng tượng về tương lai, suy nghĩ ấy sẽ mang lại một kết quả ảo, chẳng bao giờ trở thành hiện thực (Lưu ý rằng, quá trình suy nghĩ bao gồm cả tư duy lẫn tưởng tượng. Nói rằng, tôi đang suy nghĩ thì có thể tôi đang xử lý, vận dụng những khái niệm, tức là tôi đang tư duy, song cũng có thể tôi suy nghĩ khi tôi đang sắp xếp, cấu trúc lại những biểu tượng trong trí óc, và trường hợp này tôi đang tưởng tượng).

John Naisbitt nói rằng , ông nhìn ra thế giới đang đi về đâu khi ông thu thập thông tin, đọc các tờ báo, trao đổi với nhiều người ở một số quốc gia khác nhau. Nghe ông nói, Toni Ofner, một bạn thân của Naisbitt, hỏi:

“Vậy thì, nếu như anh nói, tương lai được gói trong hiện tại, và nếu tôi quan sát kỹ lưỡng những gì đang diễn ra trên thế giới, tôi cũng sẽ có được kết quả giống anh. Nhưng tôi không làm như vậy, vậy điều gì tạo ra sự khác biệt?”.

Trả lời câu này, Naisbitt cho rằng, những khác biệt không nằm trong những điều học được, mà nằm trong việc tư suy về điều đã học được như thế nào. Toni liền nói: “ Những gì anh nói giống như nước mưa rơi xuống một nền đất khác”. Toni đã nói đúng về quan niệm của Naisbitt, tư duy đúng là mảnh đất, còn nước mưa (thông tin) sẽ rơi xuống để rồi cây cối mọc lên, đâm chồi nảy lộc. Cây cối sẽ lớn lên khác nhau bởi mảnh đất chứ không phải từ nước mưa. Tóm lai, tiếp thu thông tin như thế nào là điều quan trọng. Đó chính là chìa khóa mở ra sự đổi mới.

Nhưng, theo tôi, chúng ta đổi mới tư duy để làm gì là vấn đề cần đặt ra. Đổi mới tư duy không phải là để “đổi mới tư duy”, tức là, đổi mới tư duy không có mục đích tự thân. Đổi mới tư duy có mục đích của nó. Với chúng ta, đổi mới tư duy giáo dục lần này là để thay đổi cả một mô hình giáo dục, thay đổi cả một nền giáo dục để nhằm vào mục đích cuối cùng là làm cho nền giáo dục” của dân hơn nữa, do dân hơn nữa và vì dân hơn nữa”. Nếu không đạt mục đích này, ngay lập tức, vấn đề đổi mới tư duy giáo dục lại phải đặt lại ngay, bức thiết hơn, gay gắt hơn.

Sau nhiều tháng xây dựng đề án đổi mới giáo dục một cách “căn bản” và “toàn diện” để trình Hội nghị trung ương lần thứ Sáu (khóa XI) vào tháng 10/2012 vừa qua, chúng ta thấy việc chuẩn bị đã không thành công. Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông báo rằng, phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa. Ta hiểu vấn đề này thế nào? Tôi nghĩ rằng, nguyên nhân chính là tư duy giáo dục của chúng ta chưa đúng tầm. Dòng tư duy của chúng ta vẫn luẩn quẩn trong giới hạn một hệ thống giáo dục đã lỗi thời, không đủ năng lực để tạo ra một mô hình nhân cách Việt Nam giai đoạn đất nước đi vào nền kinh tế công nghiệp, từng bước phát triển kinh tế tri thức, mở rộng thị trường ra khỏi biên giới quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và năng lực hội nhập quốc tế sâu hơn nữa của con người Việt Nam trong phần nửa đầu của thế kỷ XXI.

Sự luẩn quẩn của tư duy giáo dục theo kiểu ta đã gặp nhiều lần trên diễn đàn của Hội nghị tư vấn này hay Hội thảo khoa học nọ rút cục vẫn bị vướng vào đường viền của “cái mũ phớt” mà chú bé ngộ nghĩnh trong “Le petit prince” đã vẽ, không nhận ra được “một con voi đang bị tiêu hóa bởi con trăn”, tức là, chưa nhìn ra một hệ thống giáo dục đã hết tính thích ứng với thời đại (con trăn) đang làm con voi (mục tiêu giáo dục) biến dạng dần. Đó là bi kịch.

Vậy kết luận đầu tiên ở đây là: Cần nhận thức đầy đủ rằng, đã đến lúc phải đổi mới mục tiêu giáo dục và đổi mới mục tiêu giáo dục là đổi mới căn bản nền giáo dục này. Một cuộc cách mạng hay một cuộc cải cách giáo dục (hay một cuộc đổi mới giáo dục) nào cũng phải bắt đầu từ xác định mục tiêu kỳ vọng. Đấy là nguyên tắc – một nguyên tắc cứng rắn như một nguyên lí vậy.

Năm 1950, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tiến hành cải cách giáo dục để hoàn toàn đoạn tuyệt với những gì của nền giáo dục trước Cách mạng tháng Tám còn vướng lại trong hệ thống  giáo dục kháng chiến của ta. Mục tiêu giáo dục ngày ấy là đào tạo những lớp người yêu nước nồng nàn, căm thù bọn cướp nước sâu sắc, có đủ năng lực đưa cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp đến thành công và sẽ kiến thiết hòa bình, xây dựng Nhà nước cách mạng mang đầy đủ tính chất “của dân, do dân, vì dân”. Tất nhiên, nền giáo dục của Nhà nước ấy cũng của dân, do dân, vì dân.

Chúng ta đã đạt mục tiêu này mỹ mãn. Sau khi triển khai cuộc Cải cách giáo dục 1950 được 15 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá kết quả mà cuộc Cải cách giáo dục này gặt hái được như sau:

“Cách mạng tháng Tám thành công đã giải phóng 25 triệu đồng bào ta. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập là Nhà nước đầu tiên của nhân dân ta. Từ đó, nhân dân ta làm chủ đất nước của mình, cùng nhau ra sức xây dựng cuộc đời độc lập, tự do, hạnh phúc.

Nhưng thực dân Pháp lại xâm lược nước ta một lần nữa. Đồng bào cả nước ta, từ Nam đến Bắc, đã kháng chiến cực kì anh dũng trong suốt 9 năm. Cuối cùng chúng ta đã đánh thắng thực dân Pháp và bè lũ bù nhìn. Hòa bình được lặp lại. Miền Bắc nước ta hoàn toàn được giải phóng đã chuyển sang một giai đoạn mới: giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa…

…Trong sự nghiệp vĩ đại ấy, thanh niên ta ở miền Bắc được sự giáo dục của Đảng và sự dìu dắt của Đoàn đã tỏ ra rất xứng đáng là thế hệ của Cách mạng tháng Tám vẻ vang…”.

(Xem: Hồ Chí Minh, thư gửi thanh niên, 2/9/1965. Trích “Hồ Chí Minh – Bàn về công tác giáo dục. Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, tr 91- 94).

Năm 1956, nước ta tiến hành Cải cách giáo dục lần thứ 2: Mục tiêu giáo dục lần này là xây dựng mô hình nhân cách con người Việt nam xã hội chủ nghĩa, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đưa đất nước từng bước lên Chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất đất nước, giải phóng miền Nam. Đợt Cải cách giáo dục này xóa hệ thống giáo dục trong vùng bị giặc Pháp chiếm đóng, xây dựng hệ thống giáo dục phổ thông 10 năm, phát triển mạnh hệ thống giáo dục chuyên nghiệp và đại học.

Cuộc Cải cách 1956 đã thành công lớn trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục. Những lớp người do nhà trường xã hội chủ nghĩa đào tạo đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đập tan âm mưu thâm độc của cuộc chiến tranh leo thang do không lực Hoa kỳ tiến hành và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuộc Cải cách giáo dục lần thứ 3 được tiến hành vào năm 1979, sau khi nước nhà đã thống nhất được 3 năm rưỡi, theo Nghị quyết số 14 – NQ/TW ngày 11/1/1979 của Bộ Chính trị. Cuộc Cải cách lần này đã tạo nên một hệ thống giáo dục với nhiều thành quả đào tạo rất đáng tự hào. Đến nay, chỉ xem số lượng phát triển giáo dục trong năm học 2010 – 2011 (Chưa có số liệu giáo dục 2012 vì chúng tôi chưa có số liệu năm học 2011 – 2012), chúng ta cũng đã có một ấn tượng tốt đẹp về hệ thống trường lớp đã có.

Tình hình phát triển về số lượng các ngành học ở Việt Nam năm học 2010 – 2011.

I.Ngành học mầm non.

1. Nhà trẻ.

- Số cơ sở giáo dục nhà trẻ      :  9.992.

- Số nhóm nuôi trẻ     :  32.000.

- Số cháu tới nhà trẻ    :528.000.

- Số cô nuôi dạy trẻ     :   52.244.

2. Mẫu giáo.

- Số trường mẫu giáo               :     2.877.

- Sơ lớp mẫu giáo                    :  107.000.

- Số học sinh mẫu giáo            :3.070.794.

-Số cô giáo mẫu giáo               :  158.981

3. Tiểu học.

- Số trường                              :    15.242.

- Số học sinh                           :7.048.493.

- Số giáo viên                          :  359.039

4. Trung học cơ sở.

- Số trường                              :    10.143..

- Số học sinh                           :4.968.302.

- Số giáo viên                          :  312.710.

5.Trung học phổ thông.

- Số trường                              :    2.288

- Số học sinh                           :2.835.025.

- Số giáo viên                          :  146.789.

6. Dạy nghề.

- Số trường                              :    1.176 (2010).

- Số học sinh                           : 1.861.371 (2009).

- Số giáo viên                          :  20.165 (2008).

7.Trung cấp chuyên nghiệp.

- Số trường                              :         290.

- Số học sinh                           : 686.184.

- Số giáo viên                          :   18.085.

8. Cao đẳng.

- Số trường                              :    223

- Số sinh viên                          :576.878 (2010).

- Số giáo viên                          :  23.622.

9.Đại học.

- Số trường                              :    163

- Số sinh viên                          :1.435.887

- Số giáo viên                          :  50.951.

10. Cao học.

- Số học viên                           :4.500

11.Sau đại học

- Số nghiên cứu sinh                : 4.500.

12. Giáo dục người lớn.

- Số Trung tâm học tập cộng đồng                       :      10.696.

- Số Trung tâm giáo dục thường xuyên                :        670.

- Số người học ở Trung tâm học tập cộng đồng   : 14.000.000 lượt người.

- Số người học theo chuyên đề dưới mọi hình thức        :   9.215.116.

- Số người học tạo chức Trung cấp chuyên nghiệp        :      207.240.

- Số người học tại chức Cao đẳng                         :     665.988.

- Số người học tại chức Đại học                                     :     410.703

(Nguồn : Phạm Tất Dong – Phát triển giáo dục hướng tới một xã hội học tập, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2012).

Ghi chú: Số người lớn đi học chưa thật chính xác, bởi các báo cáo từ các địa phương chưa thật đầy đủ, chưa đủ độ tin cậy.

Vì sao, với một hệ thống giáo dục phát triển như thế, Đảng  và Nhà nước lại yêu cầu phải “đổi mới căn bản và toàn diện”?

Tại diễn đàn này, tôi xin được trình bày mấy ý kiến sau đây:

1.Từ khi có Nghị quyết 14.NQ/TW (ngày 11/1/1979) đến nay, tình hình xã hội ta và trên thế giới đã có những thay đổi lớn. Cải cách giáo dục 1979 chỉ hướng vào mục tiêu đào tạo con người cho một đất nước dựa vào nền kinh tế nông nghiệp, trước năm 1986 chỉ phát triển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung  theo cơ chế bao cấp, không chấp nhận kinh tế thị trường. Về ngoại giao lúc đó, chúng ta đóng cửa đối với nhiều nước tư bản chủ nghĩa vv…

Đến nay, ít nhất cũng phải tính đến các yếu tố sau đây khi đào tạo thế hệ trẻ:

-Những thế hệ sinh ra từ năm 2000, về cơ bản, sẽ sống và lao động trong một xã hội Việt Nam công nghiệp, toàn bộ lối sống, tác phong lao động, ý thức nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp phải do nền kinh tế công nghiệp qui định.

- Phải phát triển mạnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng thị trường Việt Nam ra ngoài biên giới, từng bước phát triển kinh tế tri thức.

- Hội nhập quốc tế trong điều kiện xu thế toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, tạo nên sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, không phân biệt các thể chế chính trị của các quốc gia.

Việc đầu tiên khi bàn về Đổi mới giáo dục, và kéo theo là Đổi mới tư duy giáo dục là phải khẳng định dứt khoát rằng, mẫu người (mô hình nhân cách) do nền giáo dục đang đào tạo không thể chấp nhận được nữa. Phải nghiên cứu và xác định những yêu cầu cơ bản với con người cần đào tạo, từ đó, xây dựng mục tiêu đào tạo cho giai đoạn mới, trước mắt là giai đoạn 2015 – 2020.

Khi xác định được mục tiêu đào tạo mới thì toàn bộ hệ thống giáo dục phải đổi mới theo.

Vì thế, đổi mới căn bản nền giáo dục là đổi mới mục tiêu giáo dục. Mọi cuộc cách mạng giáo dục, cải cách giáo dục hay đổi mới giáo dục đều bắt đầu từ câu hỏi: Chúng ta cần con người với những phẩm chất nhân cách nào? Lý tưởng xã hội của họ là gì? Họ kế thừa và phát triển sự nghiệp nào của các thế hệ đi trước trao cho?vv…

Trong sản xuất, khi thay đổi mặt hàng, thay đổi mẫu mã sản phẩm, người ta buộc phải thay đổi công nghệ sản xuất (cả phần cứng và phần mềm của công nghệ). Trong giáo dục cũng vậy thôi, đổi mới mục tiêu giáo dục thì nhất thiết phải thay đổi hệ thống trường lớp, cấu trúc lại hệ thống, thay đổi chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục và giảng dạy, thay đổi công tác quản lý, thay đổi cả hệ thống sư phạm.

Nếu không thay đổi mục tiêu giáo dục, vị tất đã phải đổi mới hệ thống giáo dục, đổi mới chính sách giáo dục, đổi mới lý luận giáo dục…Đổi mới tư duy giáo dục trước hết là phải nhìn lại mục tiêu giáo dục, tiến hành nghiên cứu để xây dựng những khái niệm mới, những quan điểm mới, những lý luận mới về mục tiêu giáo dục. Trong hệ thống nghiên cứu khoa học giáo dục, mà hướng đi của các công trình nghiên cứu lệch lạc, bất cập với thực tiễn giáo dục, mơ màng trước đường lối, chủ trương giáo dục của Đảng thì không có cách nào thực hiện được sự đổi mới tư duy giáo dục.

2.Sau khi xác định được mục tiêu giáo dục thì phảiđổi mới toàn bộ hệ thống giáo dục. Đó là đổi mới toàn diện công việc giáo dục và đào tạo.

Vấn đề đặt ra là, đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng nào?

Đại hội Đảng lần thứ X đã chỉ rõ: “Chuyển mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học; xây dựng và phát triển hệ thống học tập, thực hành linh hoạt,đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên; tạo nhiều khả năng, cơ hội khác nhau cho người học, bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục”.

a.Trước hết phải cấu trúc lại hệ thống giáo dục, bảo đảm sự hài hòa, cân đối hợp lý giữa giáo dục ban đầu với giáo dục tiếp tục, giữa giáo dục thế hệ trẻ với giáo dục người lớn, giữa giáo dục chính quy với giáo dục không chính quy và phi chính quy.

b. Sau khi đã xác định được hệ thống giáo dục (a), cần xác định rõ mục tiêu giáo dục cho từng hệ thống giáo dục thành phần A,B,C như trong mô hình cấu trúc xã hội trên đây.

c. Khi đã xác định rõ mục tiêu giáo dục, lúc đó mới tổ chức xây dựng chương trình; biên soạn sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu tham khảo; trang bị các phương tiện kỹ thuật cho công tác giáo dục – giảng dạy và yêu cầu về phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục.

d. Quy định cơ chế vận hành hệ thống giáo dục, phương thức quản lý vi mô và vĩ mô đối với hệ thống.

e. Quy định về công tác kiểm tra, đánh giá, thi cử, cấp văn bằng chứng chỉ.

g. Tổ chức đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên phục vụ trong hệ thống giáo dục.

3. Đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống sư phạm. Hệ thống sư phạm phải đổi mới không chỉ căn bản và toàn diện, mà còn phải theo tinh thần triệt để. Giáo viên được hiểu là người lao động làm ra sản phẩm theo đúng yêu cầu của mục tiêu giáo dục. Sản phẩm của giáo dục do giáo viên làm ra là những nhân cách mà tổng thể những nhân cách đó sẽ là nguồn nhân lực và nhân tài cho đất nước.

Đổi mới sư phạm cần đi trước đổi mới toàn bộ giáo dục và đào tạo.

4. Đổi mới hệ thống chính sách đầu tư cho giáo dục. Trong kinh tế công nghiệp hiện đại và kinh tế tri thức, người ta coi tri thức là nguồn vốn quan trọng hàng đầu; sức lao động và tài nguyên là nguồn vốn xếp ở hàng thứ hai. Để có vốn tri thức phải có giáo dục, cho nên giáo dục phải xếp vào yếu tố kinh tế, đầu tư cho giáo dục là đầu tư vào phát triển kinh tế. Chính sách đầu tư cho giáo dục phải gồm giáo dục chính quy, giáo dục không chính quy, giáo dục phi chính quy; cả giáo dục thế hệ trẻ lẫn giáo dục người lớn; cả giáo dục mầm non, phổ thông, chuyên nghiệp, đại học và sau đại học lẫn đào tạo sư phạm.

Chính sách giáo dục phải được ưu tiên hàng đầu trong mọi chính sách xã hội.

Kết luận.

Đổi mới tư duy giáo dục phải hướng tới một nền giáo dục của dân, do dân, vì dân – một nền giáo dục vì con người chứ không phải cho con người: Ai cũng được học hành, ai cũng có được cơ hội và điều kiện học suốt đời, nghĩa là ở bất kỳ lứa tuổi nào, con người cũng được hưởng quyền thỏa mãn nhu cầu học tập (nếu có).

Một nền giáo dục của dân, do dân, vì dân là nền giáo dục dân chủ nhất. nền giáo dục ấy sẽ đào tạo ra những con người xây đắp và bảo vệ một Nhà nước của dân, do, vì dân, một nhà nước thật sự cách mạng, thật sự dân chủ, thật sự công bằng, bình đẳng, bác ái.

Tôi mượn lời cựu Tổng thống Abraham  Lincoln để kết lại bài viết này : “Chính quyền của dân, do dân, vì dân sẽ không bao giờ diệt vong trên trái đất”.

                                                                                Tháng 11/2012

GS.TS Phạm Tất Dong





 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'


Thời gian mở trang: 0.513 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.