Năm 2008 tăng học phí
10.2007
|
|
Trao đổi với VnExpress bên lề Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tháng 12 tới đề án học phí và lương giáo viên sẽ được trình Bộ Chính trị. Với khối ĐH, CĐ mức học phí chắc chắn sẽ tăng, theo hướng tính đủ chi phí đào tạo.
- Bộ GD&ĐT dự kiến lấy ý kiến nhân dân về đề án học phí trong tháng 10. Ông giải thích thế nào khi đến nay động thái này vẫn chưa thực hiện?
Lúc đầu, chúng tôi định đưa vấn đề học phí ra ngay trong tháng 10 nhưng lại liên quan đến vấn đề lương của nhà giáo. Lương của nhà giáo, gắn với lương của y tế nên chúng tôi đã báo cáo Bộ Chính trị thống nhất là sẽ trình lên Bộ Chính trị vấn đề lương và vấn đề học phí một lúc. Thu nhập giáo viên phần nào là nhà nước tài trợ, phần nào là từ nguồn thu các nguồn góp vào.
Tháng 12, đề án học phí sẽ được trình. Khung học phí mới sẽ có hiệu lực từ tháng 9/2008, do đó còn một quá trình dài để chuẩn bị. Chúng tôi sẽ cố gắng công bố khung học phí trước tháng 6/2008 để các gia đình, học sinh biết lựa chọn trường phù hợp
- Những dự thảo học phí trước đây đã vấp phải phản ứng của người dân. Đề án lần này đã có thay đổi gì để thuyết phục các phụ huynh, học sinh?
Khi xây dựng đề án đưa ra lấy kiến nhân dân, chúng tôi phải thiết kế để vừa đảm bảo nguyên tắc phù hợp với quá trình phát triển chung. Hệ thống giáo dục phổ thông đang vận hành được là nhờ 94% kinh phí nhà nước đảm bảo chi trả, học phí chỉ có 6%. Học phí đó không nằm ở Bộ, không nằm ở tỉnh mà ở trường.
Về nguyên tắc học phí thể hiện sự đóng góp của người dân với xã hội, ai có khả năng thì đóng góp, ai nghèo thì miễn. Nhà nước không để những người nghèo, đã được vào học mà lại không thể tiếp tục đi học.
- Khi xây dựng khung học phí ĐH, CĐ, vấn đề GDP được tính đến như thế nào để làm cơ sở chứng minh khả năng chi trả của người dân ?
Ở khối đại học, khung học phí sẽ căn cứ vào thực tiễn đào tạo. Có những trường thu bao nhiêu mà dạy tốt thì chúng ta đã biết rồi. Ví dụ trường CĐ Vinh, đào tạo sinh viên nào ra lò là người đó có việc làm đầy đủ. Khoản chi phí đào tạo của trường này cho mỗi sinh viên hằng tháng là 500.000 đồng nhưng học phí chỉ có 100.000 đồng, còn lại do UBND tỉnh bù lỗ để duy trì chất lượng đó. Nhưng nếu bù lỗ lâu dài thì cũng khó.
- Người dân lo ngại khi có khung giá mới, các trường sẽ đồng loạt tăng học phí, thậm chí tăng kịch trần trong khi chất lượng đào tạo chưa được kiểm định. Băn khoăn này của người dân sẽ được giải đáp thế nào?
Nhà nước sẽ tăng cường công tác quản lý thì người học cũng phải đi tìm hiểu kỹ các trường. Trước khi vào trường học phải nghiên cứu xem trường dạy như thế nào. Người học phải có trách nhiệm với cuộc đời của mình.
Về phía nhà nước phải có trách nhiệm quản lý chất lượng đào tạo. Chúng ta mới có Cục khảo thí kiểm định chất lượng giáo dục 2 năm nay trong khi ở nước Anh, họ có cơ quan này gần 150 năm. Bộ ĐH của Anh và một số trường của họ sẽ giúp VN hình thành một số cơ quan kiểm định chất lượng lớp học ở các vùng, dự kiến 3 vùng: Bắc - Trung - Nam để đánh giá chất lượng các trường. Sau khi cơ quan quốc tế đánh giá, công bố, cơ quan của Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra lại.
Hiện nay chúng tôi chuẩn bị thí điểm, cả nước chuẩn bị 30 trường. Tháng 11 chuẩn bị hội nghị toàn quốc về chất lượng giáo dục sẽ công bố kết quả đó.
- Ngân sách dành cho giáo dục quá lớn nhưng một số khoản đầu tư được đánh giá là chưa hiệu quả. Ông nghĩ gì trước ý kiến cho rằng, cần giải trình về tính hiệu quả trong sử dụng ngân sách giáo dục trước khi tăng học phí?
Hiện nay, ngân sách chi thường xuyên là chủ yếu, còn chi cho đầu tư rất ít. Trong chi thường xuyên chủ yếu là lương giáo viên. Các chương trình mục tiêu, kiên cố hóa trường lớp, vấn đề thiết bị trường học tôi đã có báo cáo chính thức trong kỳ họp Quốc hội này. Bộ sẽ gửi cho các đại biểu tài liệu về toàn bộ đặc điểm chi phí của giáo dục. Tôi sẽ trả lời về vấn đề này trong phiên chất vấn.
Việt Anh
Admin (Theo vnExpress) |