Hội nghị Cụm 12 Đồng bằng Sông Cửu Long - sơ kết 6 tháng đầu năm 2007
09.2007
 |
|
Cụm 12 Đồng bằng Sông Cửu Long gồm: TP.Cần Thơ, tỉnh Bạc Liêu, Đồng Tháp, Cà Mau, Vĩnh Long, Tiền Giang và Trà Vinh đã tổ chức Hội nghị Cụm 6 tháng đầu năm 2007. Hội nghị do đồng chí Lương Ngọc Toản, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì.
Hội nghị đã tập trung trao đổi về những khó khăn, thuận lợi, những việc làm được, chưa làm được của Cụm nói chung và từng tỉnh nói riêng.
1- Về tổ chức, củng cố Hội:
- Tổ chức khuyến học đã đủ 3 cấp (tỉnh; huyện; xã,phường), ngoài ra còn hình thành các chi, tổ hội ấp, khóm. Tuy nhiên chưa có tỉnh nào dứt điểm 100% hội cơ sở.
- Biên chế cán bộ khuyến học chuyên trách ở cấp huyện, xã, phường có nơi chưa có nên rất khó tham mưu cho cấp uỷ. Những nơi có lực lượng chuyên trách thì phong trào phát triển và thực hiện xây dựng xã hội học tập có thuận lợi hơn.
- Các Tỉnh Hội có từ một-hai nhân viên Văn phòng, Thường trực và cán bộ chuyên trách hoạt động có nơi còn bị hạn chế do thiếu phương tiện, kinh phí khó khăn.
- Những tỉnh được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm, có Chỉ thị, Nghị quyết về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thì nơi đó phong trào phát triển mạnh.
- Các tỉnh đều đánh giá: Chỉ thị 11CT/TW của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” đã và đang là thời cơ mới cho các tỉnh Hội chỉ đạo công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng các Trung tâm học tập cộng đồng.
- Các tỉnh Hội đều thống nhất hoạt động và xây dựng phong trào cần phải thiết thực, kiên quyết xoá sạch những thành tích ảo.
2- Về xây dựng gia đình hiếu học:
- Các tỉnh Hội đã tập trung chỉ đạo phong trào đăng ký xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, lấy gia đình hiếu học làm nền tảng xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Tỉnh uỷ Trà Vinh đã chỉ đạo cụ thể về công tác khuyến học, khuyến tài bằng chỉ thị 04, đã tạo thuận lợi cho tỉnh Hội chỉ đạo khá tốt phong trào khuyến học, gia đình hiếu học.
3- Xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng:
- Về xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng tuy còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế quản lý. Kinh nghiệm của một số Hội như Trà Vinh đã xây dựng phương án cấu trúc Ban quản lý TTHTCĐ:
+ Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch UBND xã, phường là Giám đốc TTHTCĐ.
+ Chủ tịch Hội Khuyến học xã, phường làm Giám đốc. Ngành giáo dục phân công một giáo viên làm phó Giám đốc.
- Bộ Giáo dục & Đào tạo chưa có qui chế hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng, điều này đang làm trì trệ việc thực hiện xã hội học tập. Kinh phí không đủ cho hoạt động của các TTHTCĐ cũng là một vấn đề bức xúc.
4- Về xây dựng quĩ khuyến học, khuyến tài:
- Tỉnh Hội Khuyến học Trà Vinh chỉ đạo các cấp Hội phát động cuộc vận động đỡ đầu gọi là “1 + 1”, một cá nhân hoặc nhiều người, một tổ chức nhận đỡ đầu cho một hay nhiều HS, SV, tổ chức cho các nhà hảo tâm trực tiếp trao học bổng đến HS, SV tuỳ khả năng của mỗi người. đang mang lại kết quả tốt.
- Vĩnh Long hiện có hai quĩ học bổng: Quĩ học bổng Trần Đại Nghĩa do Đài PTTH tài trợ, mỗi năm cấp 100 học bổng cho HS,SV hàng trăm triệu đồng. Quĩ học bổng Phạm Hùng do Hội Khuyến học vận động, mỗi năm cấp 100 học bổng 100 triệu đồng, đang vận động “1 + 1” càng nhiều càng tốt.
- Kinh nghiệm của Bến Tre vận động các “mạnh thường quân”, nhà tài trợ giúp cho HS, SV như Hương Mỹ (Mỏ Cày) là một mô hình tốt, rất phong phú, đang được nhân rộng đến các vùng lân cận. Qua mạng Internet hoạt động khuyến học đã lan ra quốc tế, một số Việt kiều là cựu sinh viên Đà Lạt, TP HCM đã gửi tiền hoặc ký hợp đồng góp quĩ.
+ Gia đình Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát trước đây tặng 20 cây vàng làm quĩ học bổng.
+ Gia đình tướng Đồng Văn Cống mang 180 triệu đồng tiền phúng điếu Ông Cống góp vào kinh phí xây 3 phòng học mẫu giáo cho huyện Giồng Trôm. Hiện huyện Giồng Trôm đang có quĩ học bổng Đồng Văn Cống.
+ Hội đồng hương Bến Tre tài trợ tỉnh Hội phát giải thưởng Trương Vĩnh Ký mỗi năm 40-50 triệu.
+ Ban Liên lạc đồng hương Trà Vinh thành lập “Quĩ tài năng trẻ” mang tên Vũ Đình Liệu để cấp học bổng cho sinh viên Trà Vinh đang theo học ở TP HCM đến nay đã được 15 năm, mỗi năm vẫn giữ mức 100 – 110 xuất học bổng.
- Thành uỷ, UBND thành phố Cần Thơ quyết định cho Hội Khuyến học TP lấy 2 ngày: 19/5 làm ngày toàn dân TP Cần thơ vận động quĩ khuyến học; ngày 19/8 ngày các ngân hàng hoạt động vì sự nghiệp khuyến học.
- Ngoài việc lập quĩ học bổng, các tổ chức khuyến học các tỉnh ĐBSCL đều có phong trào đóng góp sách, vở, quần áo đồng phục... cho học sinh nghèo đến trường. Có nhiều gia đình đã hiến đất để cất trường, lớp.
Quán triệt và triển khai Chỉ thị 11 CT/TW của Bộ chính trị, trước mắt các tỉnh Hội sẽ tập trung tổ chức tốt Đại hội biểu dương gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học của địa phương mình. Quyết tâm xây dựng mô hình xã hội học tập trên cơ sở xây dựng, củng cố và phát triển tốt các Trung tâm học tập cộng đồng./.
admin |