Suy nghĩ về triết lý Giáo dục của Đông Kinh Nghĩa Thục
08.2007
|
Lương Văn Can - Thành viên sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội 1907 |
(Phát biểu của Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi tại Hội thảo về "Tư tưởng giáo dục của Đông Kinh nghĩa thục" (do Hội khuyến học Việt Nam tổ chức ngày 26 - 7 - 2007)
Tôi may mắn vừa được đi dự Hội thảo quốc tế ở Aix-en-Provence (Pháp) nhân 100 năm Đông Kinh nghĩa thục, 3 - 5 / 5 / 2007. Đây là cuộc hội thảo đầu tiên trong năm kỷ niệm này, trước cả ta, về ĐKNT, khiến chúng ta phải suy nghĩ tại sao "họ" lại quan tâm Duy tân - ĐKNT như vậy. Thật đáng mừng là giờ đây các tổ chức xã hội của ta như Hội Sử học, Hội khuyến học đã chủ động khơi lại nguồn sáng ĐKNT mà do nhiều lý do khác nhau dường như bị lãng quên một thời gian dài.
Chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn tư tưởng giáo dục cơ bản - cái gọi là "triết lý giáo dục"của ĐKNT - để giúp ích cho công cuộc cải cách giáo dục ngày nay. Tôi may mắn được tham gia cuộc cải cách giáo dục đại học 1989 - 1992, được là một trong những người chấp bút chương trình giáo dục đại cương cho khối ngành ngoại ngữ. Đó đã thực sự là một cuộc cải cách chưa? Sau này một bậc lão thành trong ngành, Cựu Thứ trưởng Đại học Lê Văn Giạng đã viết bài cho rằng chưa thể gọi những thay đổi ngày ấy là một cuộc cải cách giáo dục. Suy nghĩ về ý kiến của ông, tôi thấy rất đúng vì không thấy những thay đổi căn bản trong tư tưởng giáo dục như các Cụ trong ĐKNT đã làm. Theo tôi, trong việc đổi mới hoàn toàn triết lý giáo dục thì kinh nghiệm thành công của ĐKNT là bài học rất quý giá.
Khi nói đến tư tưởng giáo dục của ĐKNT người ta thường nêu các phương châm "học vệ sinh", "học trị sinh (tức học để mưu sinh)" và "học để làm người, làm quốc dân". Đều đúng cả! Nhưng nếu chỉ dừng ở đó thôi thì xin nói rằng "học để làm người" - Khổng Tử đã nói và các nhà Nho trong Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn ngay từ hồi nửa đầu thế kỷ XIX đã nêu lại và cụ thể hoá rất mới: "làm người quân tử trong làng, làm thầy đồ trong xã". "Học vệ sinh" - thì chính các nhà Nho trong Hội Hướng Thiện ấy cũng đã cho khắc in ở đền Ngọc Sơn sách dạy vệ sinh thường thức, kể cả chuyện mang thai, sinh nở, nuôi con. "Học trị sinh", thì ông hoàng giáp Nguyễn Tư Giản, Trưởng môn trường Hồ Đình của Hội trưởng Hướng Thiện Vũ Tông Phan, từng soạn cả một bài ứng chế nhan đề "Học giả, dĩ trị sinh vi tiên luận" (Bàn về việc học trước hết là để trị sinh). Còn như bảo cái mới của ĐKNT là đòi bỏ lối học khoa cử, xây dựng nền giáo dục thực nghiệp thì từ trước các Cụ trong ĐKNT một số ông quan có đầu óc canh tân trong chính quyền thuộc địa và triều đình nhà Nguyễn như Trần Tán Bình (xuất thân Tây học), Đoàn Triển (xuất thân Hán học) ... đều đã nêu trong các tấu sớ của mình. Có thể thấy canh tân như một xu thế cải cách là nhu cầu xã hội khách quan nảy sinh từ khi người Pháp sang đây, rất giống với một số phương châm duy tân của ĐKNT nên một số học giả, đặc biệt ở nước ngoài đang đồng nhất xu hướng cải cách mang tính cải lương (mà chính quyền thực dân và triều đình Huế cũng ủng hộ!) với phong trào Duy tân - ĐKNT mang tính cách mạng của sĩ phu yêu nước. Cần, rất cần vạch ranh giới, mặc dù trong thực tế hai trào lưu tư tưởng này xâm nhập lẫn nhau, không đối đầu mà hỗ trợ nhau.
Theo sự suy nghĩ còn chưa chín của tôi, thì ranh giới đó nằm trong luận điểm của các Cụ về "tĩnh" và "động" mà GS Nguyễn Đình Chú vừa mới nói ở đây, lướt qua thôi. Nhưng các Cụ đã diễn giải rất rõ ở mục đầu tiên, quan trọng nhất, trong bản tuyên ngôn "Quốc dân độc bản" của ĐKNT, tức là mục "Biên tập đại ý", thể hiện một tinh thần cách mạng thực sự. Tôi xin mạnh dạn nêu cách hiểu chưa thật chín của mình, mong được các vị chỉ giáo. Đọc đi đọc lại "Biên tập đại ý", tôi cho rằng các Cụ đề xuất một triết lý giáo dục mới. Trước hết, các Cụ yêu cầu dứt khoát từ bỏ cái triết lý giáo dục "tĩnh", chỉ dạy người ta biết vâng theo, phục tùng: "Trên có vua hiền, chính phủ có tướng giỏi, nhưng trăm họ thì như bù nhìn, chỉ nghe theo lệnh của chính phủ, bước từng bước một. Cho nên dân chỉ có thể tĩnh mà không có thể động ". Có thể thông cảm trong hoàn cảnh đất nước lúc đó các Cụ không thể nói rõ hơn, nhưng có thể hiểu được tư tưởng cơ bản trong canh tân giáo dục của các Cụ là dạy cho quốc dân "có thể động", hay như ta nói ngày nay là biết độc lập suy nghĩ và tự lựa chọn, chứ không chỉ suy nghĩ và làm theo lệnh chính phủ (hay như bây giờ nói, theo mệnh lệnh của Đảng). Từ triết lý này mới ra các phương châm, nội dung, phương pháp và biện pháp giáo dục của ĐKNT, khác biệt về chất so với trào lưu canh tân cải lương trong chính quyền thuộc địa và Nam triều. Từ triết lý này mà những Thiên kinh Địa nghĩa, những tín điều hàng nghìn năm, các Cụ vẫn kiên quyết từ bỏ.
Tôi mạo muội xin hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo: làm cải cách giáo dục bây giờ thì ta có dám giảm chương trình lý thuyết Mác - Lênin, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh từ 480 giờ xuống 45 học phần triết học (phương pháp luận nói chung) như trong chương trình đào tạo đại học các nước không? Cần thì gấp đôi, gấp ba đi, sao phải gấp 10 lần? Nhà nước ta đang khuyến khích thanh niên du học nước ngoài, thế nay mai các em mang về tấm bằng Đại học Harvart chỉ có 45 giờ triết học thì ta có công nhận không? Hay bắt "bổ túc" 480 giờ các môn trên rồi mới công nhận là cử nhân? 480 giờ, theo hệ thống đào tạo lấy tín chỉ là hơn 1 năm học của người ta đấy! 480 giờ ấy đã nổi tiếng là "thầy đọc, trò chép". Nhồi sọ như vậy thì triết lý giáo dục của chúng ta là đào tạo thanh niên có trí năng, có óc độc lập suy nghĩ, có khả năng tự lựa chọn và sáng tạo phục vụ xã hội đắc lực hay đào tạo tất cả họ thành những con vẹt, chỉ biết gọi dạ bảo vâng?
Học tập tinh thần cách mạng thực sự của ĐKNT, nhờ đã dũng cảm từ bỏ Thiên kinh Địa nghĩa hàng nghìn năm mà canh tân giáo dục thành công, không lẽ chúng ta không đủ dũng khí thay đổi Thiên kinh Địa nghĩa mới có sáu chục năm? Triết học Mác - Lê Nin là một đỉnh cao của tư duy nhân loại, đương nhiên phải dạy và học. Nhưng không thể dạy như thế này mãi. Cần xác định lại mục tiêu và một dung lượng phù hợp một triết lý giáo dục mới của công cuộc cải cách giáo dục lần này.
Vũ Thế Khôi |