TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Khuyến hoc và Giáo dục | Nguyễn Hữu Cầu - Một nhà giáo của Đông Kinh Nghĩa Thục
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Mười hai 2024
T2T3T4T5T6T7CN
            1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31          
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Khuyến hoc và Giáo dục 12.2024
Nguyễn Hữu Cầu - Một nhà giáo của Đông Kinh Nghĩa Thục
07.2007

Xem hình
Trong số các yếu nhân Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT), có một người ít được sách báo nhắc tới - đó là Nguyễn Hữu Cầu ( 1879-1946) một trong mấy người ký tên trên lá đơn xin chính quyền Pháp cho phép mở trường ĐKNT 1, một trong vài biên tập viên của Ban Tu Thư ĐKNT, đồng tác giả của một số tài liệu giảng dạy tuyên truyền. Từ điển Bách khoa Mạng Wikipedia mục ĐKNT từng nhầm lẫn cụ với Quận He Nguyên Hữu Cầu. Nay chúng tôi xin phác thảo vài nét về yếu nhân ĐKNT này.

Nguyễn Hữu Cầu sinh năm Kỷ Mão (l879), tên cha mẹ đặt là Khải (“mở”), khi đi thi lấy tên Hữu Cầu; hồi trẻ lấy hiệu Giản Thạch (hòn đá dưới suối), lúc già là Đông Trì (cái ao phía Đông), quen gọi là Cử Cầu vì đỗ cử nhân khoa Bính Ngọ ( 1906).

Nguyễn Hữu Cầu thuộc dòng họ Nguyễn Đông Tác; Đông Tác là tên 1 trong số 36 phường của kinh đô Thăng Long cho đến cuối đời Lê, bao gồm 2 phường Kim Liên, Trung Tự và một phần của 2.phường Phương Mai, Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội hiện nay. Nguyễn Hữu Cầu ra đời tại xóm Cam Đường, làng Trung Tự, nay là địa bàn tổ dân phố 81 - 82 phường Kim Liên.

Nguyễn Đông Tác là một trong số ít dòng họ nhiều đời có người đỗ đạt. Tính đến đời cụ Cầu (đời 13 ), về Nho học đã có 3 người đỗ đại khoa,. 13 cử nhân, 18 tú tài, 2 tiến sĩ văn, 1 tiến sĩ võ, 5 tú tài võ và mỗi thời đại đều có những nhân vật tiêu biểu : - Đời 7 có giải nguyên Nguyễn Hy Quang, do dạy học con chúa Trịnh Tạc mà năm 1745 được gia phong Trung đẳng Phúc thần, tước Đại vương quốc sư, là Thành hoàng làng Trung Tự; - Đời 8 có hoàng giáp Nguyễn Trù; - Đời 11 có tiến sĩ Nguyễn Văn Lý ( 1795- 1868) là bạn thân của Vũ Tông Phan, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Phạm Sĩ Ái - các danh nhân văn hoá từng sáng lập Văn Hội Thọ Xương và Hội Hướng Thiện nhằm chấn hưng văn hoá Hà Thành. Sử gia Nguyễn Vinh Phúc đánh giá Nguyễn Văn Lý là một nhà văn hoá lớn của Hà Thành đầu thế kỷ XIX.

Nguyễn Hữu Cầu là con trai út của ứng Lân Nguyễn Thụy ( 1843 - 1903). Thân mẫu người Trung Lập, Phú Xuyên, Hà Đông, biết chữ Nho, chỉ làm ruộng mà nuôi 3 con trai thì trong khoa thi Hương năm 1906 tại Nam Đinh hai con lớn đỗ tú tài, con út đỗ cử nhân Nguyễn Hữu Cầu lấy vợ họ Phạm, người Đông Phù, Hà Đông, con một ông tú tài nghèo. Hai cụ sinh được 8 con, có 4 trai (một mất sớm).

Do chịu ảnh hưởng của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, lại được đọc các tân thư Trung Quốc cha mượn về nên Nguyễn Hữu Cầu thường xuyên suy nghĩ về nguyên nhân tại sao nước ta mất vào tay thực dân Pháp. Dần đần, cụ hiểu ra đó là do nước ta về mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hỏa, khoa học kỹ thuật đều tụt hậu sau nước Pháp hàng trăm năm, dân thì ngu nước thì yếu, không đủ sức chống lại Pháp; muốn dân giàu nước mạnh thì phải nâng cao dân trí, tiếp thu văn minh phương Tây, mà bước đầu tiên phải tổ chức cho dân học chữ quốc ngữ và các thường thức khoa học kỹ thuật, kinh tế, chính trị ... Nguyễn Hữu Cầu thường xuyên gặp những bạn cùng chí hướng như Lương Văn Can, Lê Đại v.v. . .bàn bạc, đi tới nhất trí chủ trương mở một trường dạy dân học các kiến thức tối thiểu về mọi mặt, để dân ta được giác ngộ, tự đứng lên
làm nhiệm vụ cứu nước.

Hồi ấy, phong trào canh tân đất nước do hai chí sĩ họ Phan khởi xướng đang sôi sục khắp ba kỳ. Đầu năm 1906 Phan Châu Trinh từ Nam ra Bắc cỗ động chủ nghĩa duy tân rồi sang Nhật gặp Phan Bội Châu, hai cụ tới thăm trường Khánh Ứng Nghiã thục của Phúc Trạch Dụ Cát ở Tokyo và rất thích mô hình giáo dục này. Sau khi về nước, hai cụ đã gặp nhóm sĩ phu Bắc Hà đang bàn việc lập trường dạy tân học, và tán thành chủ trương lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) của họ. Nhóm sĩ phu đó gồm Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Nguyễn Hữu Cầu, Lê Đại, Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Võ Hoành, Dương Bá Trạc, v.v. . . Lương Văn Can được cử làm hiệu trưởng trường ĐKNT. Nguyễn Quyền làm Giám học. Nguyễn Hữu Cầu 28 tuốt làm ở Ban Tu thư, cũng có giảng dạy.

Sáng lập ĐKNT là một việc lớn, đòi hỏi thời gian chuẩn bị lâu dài nhưng cụ Cầu chưa hề cho vợ con biết. Điều đó cho thấy tính kín đáo và khiêm tốn của cụ. Thời gian làm việc ở ĐKNT là quãng đời tươi đẹp nhất của Nguyễn Hữu Cầu. Ngày ngày cụ lên trường làm việc, tối khuya về nhà; nhà ở giữa cánh đông bùn lầy, đường bờ ruộng đi lại rất khó; khi về đều không gọi cổng, xé rào thà vào. Sáng sớm cụ tập đánh giáo, đâm thủng cả mấy tấm phên cửa nhà. Đôi khi đêm khuya dần các bạn về, các cụ ngồi ngoài sân bàn công việc cứu nước đến sáng mới tan.

Cụ thường mang tài liệu về nhà để soạn sách và dạy con, đo đó tư tưởng yêu nước duy tân của ĐKNT đã ảnh hưởng nhiều đến các con lớn.

Cuối năm 1907 , do hoảng sợ trước tác động to lớn của ĐKNT trong việc khơi dậy tinh thần yêu nước và cửu nước của đông đảo dân chúng, thực dân Pháp đã ra lệnh đóng cửa trường ĐKNT. Hữu Cầu về quê dạy học. Năm sau, cụ lên Hà Nội giúp cụ Nghiêm Xuân Quảng dạy chữ Hán khoảng một năm ở trường Quảng Hợp ích; đồng
thời cùng một số đồng chí bí mật tìm kiếm các thanh niên ưu tú và yêu nước, giúp họ kinh phí sang Trung Quốc du học để trở thành các chiến sĩ chống Pháp sau này.

Trong số các thanh niên du học TQ, có một người bị Pháp bắt đã khai ra đường dây đưa hắn đi. Ngày 3 tháng 8 năm ất Mão (1915), thực dân Pháp bắt giam Nguyễn Hữu Cầu đưa ra xử ở Toà án binh, kết tội "âm mưu lật đổ Chính phủ bảo hộ", kết án 5 năm tù, 5 năm quản thúc. Tại phiên tòa, cụ Cầu đã phát biểu tố cáo các tội ác của thực dân Pháp, nhất là tội chiếm đoạt ruộng đất của nông dân ta, coi đó là lý do khiến cụ phải hoạt động chống lại Pháp. Cụ nói: "Người Pháp cứ tưởng rằng có sức mạnh thì họ có thế làm được mọi điều mà không cần tranh luận. Đó là một sai lầm . . . "

Năm 1916 cụ bị phát vãng lên Bắc Giang. Năm 1917, Đội Cấn khởi nghĩa chống Pháp ở Thái Nguyên. Do sợ các chính trị phạm tù ở Bắc Giang hưởng ứng khởi nghĩa, cuối năm ấy Pháp đưa số tù này ra Côn Đảo. Trong bài thơ tặng viên hiến binh giải tù đi Côn Đảo, cụ Cầu có viết: "Cuồng đồ tựu tử sinh mưu nghiệt, hồ lỗ đa nghi phí vãng hoàn", nói lên sự căm thù Từ Đạm Tuần phủ Bắc Giang đã ton hót với thực dân Pháp đầy cụ xa tận Côn Đảo, làm mất cơ hội hưởng ứng cuộc khởi nghiã Thái Nguyên. Câu này nếu lộ ra ngoài thì có thể nguy hiểm đến tính mạng cụ Cầu, may sao viên hiến binh là người có học và khâm phục nhân cách cụ Cầu nên giấu bài thơ đi, khi tù. Côn Đảo về mới tìm đến nhà anh cụ Cầu đưa xem rồi đốt đi.

Tại Côn Đảo, cụ Cầu gặp các chí sĩ Trung bộ như Đặng Nguyên Cẩn, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế .. và một số bạn ĐKNT cũ. Các cụ ý hợp tâm đầu, gặp nhau chỉ bàn về việc chống Pháp và chuyện văn thơ. Trong Thi tù Tùng thoại, Huỳnh Thúc Kháng có ghi lại một số thơ họa của Nguyễn Hữu Cầu. Từ Côn Đảo về, cụ bảo các con: "Chuyến đi Côn Đảo này được cái may là học thêm chữ ở cụ Đốc Đặng.

Chế độ giam cầm ngày làm khổ sai, đêm cùm chân ở Côn Đảo đã làm sức khoẻ cụ Cầu bị tổn hại, để lại đi chứng sau này liệt một chân. Tháng 9/1920, mãn hạn tù, Nguyễn Hữu Cầu trở về quê nhưng bị chính quyền làng và huyện quản thúc, không được lên Hà Nội. Do gia cảnh túng bấn và khó chịu vì sự quản thúc của chính quyền làng, cụ Cầu ra Ngã Tư Sở thuê nhà mở hiệu thuốc Bắc lấy tên là Lợi Nhân Đường (làm lợi cho người) và dạy Đông y. Suốt 20 năm cụ Cầu ngày đi làm, tối về ngủ nhà; hiệu Lợi Nhân ngày càng có tiếng, nhiều người đón đi xem mạch bốc thuốc. Lúc rảnh rỗi, cụ dự các cuộc thi thơ, bình thơ hoặc gặp bạn tù cũ. Cuối năm 1940, do chân liệt, cụ Cầu về quê tự chữa bệnh và tập luyện, cuối cùng cũng tạm đi lại trong nhà được.

Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Hữu Cầu vô cùng phấn khởi thấy vợ con đi mít tinh, con cháu vào dân quân. Cụ mời đội nữ dân quân vào tập quân sự trong sân nhà mình và rơm rớm nước mắt khi đứng xem. Sau đó cụ bảo con làm cỗ cúng và khấn báo với tổ tiên rằng giặc Pháp đã cút khỏi Đông Dương, nước ta độc lập rồi. Khấn xong, cụ giơ nắm tay chào theo kiểu Việt Minh, hai mắt ứa lệ sung sướng.

Cuối năm 1945, Nguyễn Hải Thần dẫn "Việt Nam cách mạng đồng minh hội" trở về Việt Nam theo chân quân Tàu Tưởng. Hải Thần tức Nguyễn Đại Châu, người Đại Từ, Thanh Trì, đỗ tú tài, thường gọi Tú Đại Từ, trước kia từng quen biết Cử Cầu. Có người khuyên cụ Cầu liên hệ với Hải Thần. Cụ không nghe và bảo: Từ xưa dân nay không bao giờ trong lịch sử có chuyện theo chân quân nước ngoài mà giành lại được độc lập cho nước nhà. Cụ chỉ tin vào cụ Hồ và Chính phủ ta. Cụ hăng hái chống gậy đi ra đồng tập thể dục với hy vọng sẽ có ngày tham gia hoạt động xã hội. Nhưng ít lâu sau, bệnh cũ tái phát ngày càng nặng.

Ngày 13/7/1946, Nguyễn Hữu Cầu qua đời, thọ 68 tuổi. Rất đông bạn bè bà con xa gần về dự tang lễ cụ, trong đó có Chủ tịch Uỷ ban hành chính Bắc Bộ Nguyễn Xiển. Theo ý kiến của cụ Cầu hồi sinh thời, gia đình đem số tiền đinh làm ma chay là 1000 đồng Đông Dương (một khoản tiền rất lớn hồi ấy) quyên vào Quỹ Quốc phòng. Báo Sao Vàng của Vệ Quốc Quân số tháng 8 có bài ca ngợi nghiã cử này.

Báo tiếng Pháp Le Peuple2 Số ra ngày 4/8/1946 có đăng bài U ne grande Figure de Lettré (Một gương mặt đại sĩ phu) dài hai trang của học giả - Chủ tịch Quốc hội khóa I nước Việt Nam DCCH Nguyễn Văn Tố. Xin trích vài đoạn: Một gương mặt sĩ phu cao cả và trong sáng đã ra đi, gương mặt của một nhà yêu nước vĩ đại, một trí tuệ kiên cường, uyên bác và sáng tạo đã chiến đấu suốt đời vì nền độc lập của Việt Nam. ... Thông qua thơ ca của mình, Nguyễn Hữu Cầu đánh thức các vị thần linh xa xưa của đất nước. Và trên phế tích của những thành đô đã lụi tàn như
Cổ Loa, Đại La hay Hoa Lư, thơ ông làm sống lại nguồn gốc con Rồng cháu Tiên cũng như phẩm giá và dũng khí của tổ tiên, khơi dậy những truyền thuyết bi chôn vùi từ bao thế kỷ trong các mộ táng, miếu đền và tái dựng lịch sử lâu đời của dân mình.

...ông thường nói với môn sinh : “Tự do này, độc lập này mà đồng bào ta vừa giành lại, chúng ta phải gìn giữ trong lĩnh vực tinh thần. Chính bằng nghệ thuật và khoa học mà các dân tộc trở nên bất diệt. Chúng ta cần dõng dạc và hào hùng tự khẳng đinh mình như một dân tộc. Phải làm sao thông qua nghiên cứu ngôn ngữ mà nghiên cứu dân tộc và làm sao in sâu như khắc trong lòng mình tính cách Việt thuần khiết. Hiện nay chúng ta quá Tây, quá Tàu, chúng ta la người giáo điều chiết trung, chúng ta là người: xã hội chủ nghĩa chuyên quyền : chúng ta phải là người Việt ...”

Nghe tin cụ Cầu qua đời, quyền chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng gọi con trai cả cụ Câu đến Phủ Chủ tịch, hỏi thăm chia buồn rất ân cân và gửi câu đối nhưng như sau:

Quân diệc quy tự Côn Lôn thiên nhiên học hiểu đường bễ nhục sinh bi lão bệnh bất vong thân hậu quốc / Ngã bất liệu vi Trịnh. Ngũ yết hậu thi tế tướng tiều khả kỷ lạn. dịch kỳ phiên tác cục trung nhân. Dịch ý: ông cũng từ trường học thiên nhiên Côn Đảo vê đau.lòng vì không hoạt động gì, giả ốm không quên nước nhả sau khi mình đã thác/ Tôi chẳng ngờ làm Tể tướng như ông Trịn Ngũ đời Đường hay làm thơ yết hậu, cán rìu chú tiều phu sắp nát, đánh cờ lại làm người trong cuộc.
***
Nguyễn Hữu Cẩu bản tính trầm mặc, điềm đạm, giản dị, khiêm tốn, thích cái mới, ghét phù phiếm phô trương. Cụ thường nói: "Người ta ở đời nếu có chút lòng vụ lợi, vụ danh, thì thế nào cũng bi kẻ khác lấy danh và lợi mà lung lạc. Cái lợi đã đành không nên tham, mà đến các danh cung không nên hám". Ra tù về nhà, được bạn cũ là Dương Bá Trạc khuyên cộng tác với tạp chí Nam Phong (Phạm Quỳnh chủ bút) sẽ có thù lao cao, nhưng vì ghét Nam Phong theo Pháp nên cụ Cầu đã từ chối, sống tự lập bằng nghề y cứu nhân độ thế. Cụ chỉ đi lại với vài bạn tù Côn Đảo như Lê Đại, Nguyễn Cảnh Lâm . . :, và lo dạy con cháu học, đặc biệt chú trọng. dạy đạo lắm người. Phẩm chất nối bật nhất ở Nguyễn Hữu Cầu là lòng yêu nước nồng nàn. Mỗi khi nhắc đến tên các chí sĩ chống Pháp, cụ đều xúc động tỏ ý kính phục. Cụ thích đọc sử và địa lý Việt Nam, hai môn cụ dạy con cháu nhiều nhất; và thường ngâm vinh các văn thơ của Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, hay hát nhất bài Chiêu hồn nước.

Văn thơ Nguyễn Hữu Cầu bài nào cũng thể hiện lòng yêu đất nước. Bài thơ làm hồi trẻ khi tiễn bạn đi thi Hội có câu Cố quốc sơn hà khao mục củng, nói lên ý đăm đăm lo nghĩ về đất nước. Khi rời tù Côn Đảo, cụ làm bài thơ Côn Lôn Lưu biệt: Hồi thủ giang sơn bán tịch huy /Hậu lung phẩm điểu khước tiên phi / Thâm tâm quốc sĩ danh nan phó / Tu hạn cừu nhân tội dĩ vi / Đồng chí khả liên đa bạch phát / Phân ly tòng thử tạ thanh y / Thiên tâm hối hoạ như kham tín / Chỉ nhật quần anh tiếp chủng quy . Dịch ý: Ngoảnh đầu nhìn lại nước non buổi xế chiều / Thoát khỏi lồng, loài chim tầm thường sẽ lo bay cao / Thâm tâm xấu hổ vì mang danh Quốc sĩ đâu xứng / Cũng xấu hổ vì cái án nhẹ kè thù xử minh / Thương cảm lắm, các đồng chí hầu hết đã bạc đầu / Chia tay từ nay giã từ tấm áo tù màu xanh / ăn năn tai hoạ như chịu một niềm tin / Hẹn ngày các anh hùng nối tiếp nhau trở lại.

Mùa xuân năm Tân Dậu ( 1921 ), xuân đầu tiên đi tù về nhà, cụ làm bài thơ ngũ ngôn khai bút, trong có câu Vãng sự hỗn như mộng. Si tình vị tận khôi (Việc trước dường như mộng, tình si chưa hẳn tan), ý nói vẫn chưa quên việc chống giặc Pháp.

Trong bài thơ vịnh mùa hạ, cụ viết: Tiểu toạ nam phong khán quốc sử. Nhất thanh đỗ vũ đáo trì đường (Ngồi hóng gió Nam xem sử Việt, bỗng dưng tiếng "quốc" đến ao nhà); có ý mượn riêng cuốc kêu để nói lên nỗi lòng yêu đất nước. Trên bức tường hoa trước sân, cụ cho đắp câu đối chữ Nôm. Yêu hoa phải mượn tường che gió. Thích nước nên xây bể cạnh nhà , nhằm nhắc nhủ mình chớ quên yêu nước, hai chữ này cụ phải khéo léo ẩn để mật thám Pháp không thể làm khó dễ cho cụ.

Nhà thờ cụ Cầu hiện còn một đôi câu đối của các học trò tặng thầy: Học tự thành gia, tư dĩ thục thân kiêm thục thế / Tâm tồn cứu quốc, bất năng vi tướng tất vi y (Học từ chỗ gia đình thành đạt, nghĩ tới chuyện tốt cho mình kiêm tốt cho đời / Hằng để tâm cứu nước, không làm khanh tướng tất làm nghề y).

Năm 1926 , ban trù bị lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh (Phan Tây Hồ) uỷ cho Nguyễn Hữu Cầu soạn câu đối treo trước bàn thờ. Cụ Cầu soạn hai câu, một chữ Hán và một chữ Nôm. Ban trù bị dùng câu chữ Nôm của cụ :

" Ấy ai gánh nước Tây hồ, tưới vun cõi lạc trời Hồng, nảy mầm ái quốc
Ngán lũ gọi hồn Nam Việt, nhìn nhận sông Lô núi Tản, vắng bạn đồng thanh".

Năm 1908 cụ có làm bài thơ thể châm ngôn để tự răn mình: Cường kiện trang kính âu Tây chi thánh / Lỗ mãng diệt liệt Á đông chi bệnh / Ta đồng bào sinh tồn tranh cạnh / Thuỳ nhục thuỳ vinh thuỳ suy thuỳ thịnh / Trạc túc trạc anh trọc thanh quyết đinh / Thư thử toạ ngẫu triều tịch tự cảnh. Dịch ý: Mạnh cứng trang kính, người Tây âu giỏi về chỗ ấy / Nóng vội bừa bãi, người Á đông khổ về bệnh ấy / Hỡi đồng bào ta, muốn sống thì phải cạnh tranh / Ai nhục, ai vinh, ai suy, ai thịnh ? / Nước đục thì rửa chân, trong thì giặt mũ, tại mình cả thôi / Viết những câu này ở chỗ ngồi, sớm hôm tự nhắc nhở mình.

Văn thơ của cụ Cầu phần lớn tản mạn trong bạn bè, không lưu lại, hiện còn rất ít. Cụ sở trường về câu đối, nhiều bà con. xa gần đến xin và đều khen hay. Thơ Nôm cụ có làm nhưng ít. Hiện còn giữ được một đôi câu đối chữ viết rất phóng khoáng của cụ: Việt nhân tằng ấm thượng trì thuỷ / Nguyễn lang phi thái Thai sơn hoa. (Người Việt từng uống nước Thượng trì / Chàng Nguyễn không hái hoa Thiên thai), câu đầu ca ngợi người Việt Nam biết cách giữ gìn sức khoẻ và nghề y là nghề gia truyền của tác giả, câu sau ý nói tác giả không muốn lạc vào cõi tiên vui thú như hai chàng Lưu, Nguyễn trong truyện Thiên Thai mà chỉ muốn vui sống ở cõi trần.

Cụ Cầu không ưa lối văn chương phù phiếm, chỉ thích thực học. Khi nhận được tập thơ Nét mực tình cụ Dương Bá Trạc gửi tặng (1938), cụ Cầu có đề một bài, viết mấy cân ngụ ý châm biếm : Ngâm thành năm chữ tim hầu nứt,/ Đọc đến nghìn bài giặc chẳng lui / Chừa men tưởng bác chừa thơ nốt,/ Nghề cũ theo hoài mãi chẳng thôi.

Trong cuộc thi thơ năm 1934, bài Tân Nữ Huấn 226 câu thơ của Nguyễn Hữu Cầu được tặng giải ba, sau đó được in thành sách. Ngoài ra cụ Cầu còn viết cuốn Y Tục Luận (Bàn về sửa chữa các hủ tục) và dịch cuốn Hoàng Hán Y học, song đều thất lạc.

Nguyễn Hữu Cầu trị gia rất nghiêm, tự tay chép sách Chu Tử Gia chính và Trị gia yếu ngôn để dạy con cháu. Cụ luôn nêu gương hiếu đễ, cần kiệm, chăm lao động, chăm học. Năm 1908, Hữu Cầu xin phép mẹ đi du học Yokogama (Nhật) trong phong trào Đông du. Mẹ nói: "Bao giờ tôi chết, anh muốn đi đâu thì đi." Hữu Cầu không đi nữa, ở lại tiếp tục hoạt động cách mạng.

Ngày tiễn con trai cả đi Nam Định dạy học (1924), cụ Cầu tặng con câu đối : Trực lượng đa văn ích gỉa tam hữu / Lễ nghĩa liêm sỉ, quốc chi tứ duy. (Thẳng thắn, rộng rãi, biết nhiều - ba điều ấy là bạn tốt / Lễ, nghĩa, liêm, sỉ là bốn rường cột của đất nước) và bài thơ Đường luật : Xuân phong dẫn lộ mã đề phổ / Nhất khiếp đồ thư Vị thuỷ nam / Ca lộc ngã tằng lai thử địa / Đắc chiêm kim dĩ miễn ngô dũng / Tử tôn thế mỹ hiền vi quý / Học vấn danh cao thực mạc tàm / Viễn đại tiền trình đa vọng vọng / Tầm thường khỉ tại chỉ hoà cam. (Dịch ý: Gió quân đưa đường ngựa đi quen / Một hòm sách đi về Nam sông Vị / Thi hương đỗ cử nhân ta từng đến chốn này / Được chỗ dạy học, nay ta khuyên con trai ta tiến bước / Con cháu đời sau không hổ với đời trước, hiền là đáng quý / Cái tên học vấn là cao cả, nhưng phải là thực học thì mới không hổ thẹn với nó / Tiền đồ rộng lớn ta mong ở con rất nhiều / Đâu chỉ mong ở con miếng ngọt bùi, cho cha một thứ tầm thường như vậy.

Được sự dạy dỗ của cụ Nguyễn Hữu Cầu, các con cụ đều không hỗ với cha ông mình . Con trai cả Nguyên Hữu Tảo ( 1900-1966) nổi tiếng là một nhà sư phạm mẫu mực, từng dạy hai Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh, là Chủ nhiệm đầu tiên của Tổ (sau là khoa) Tâm lý giáo dục trường Đại học sư phạm Hà Nội. "Cảm tạ thày đã dạy tôi biết yêu nước. "-ông Trường Chinh viết như vậy trên cuốn "Kháng chiến nhất định thắng lợi" để tặng thày Tảo.

Con trai thứ hai Nguyễn Hữu Kha (1902- 1954), hiệu Tịnh Liễu, Lạc Khổ, Thiều Chửu, là cư sĩ-học giả Phật giáo nổi tiếng về nhân cách và sự uyên thâm Hán học, Phật học. Ông là người đồng sáng lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ, Quản lý nhà in Đuốc Tuệ (1936-1945), một trong những người sáng lập Hội Truyền bá Quốc ngữ và Trưởng ban Biên tập báo Đuốc Tuệ (1943-1945), đồng phụ trách xây dựng chùa Quán Sứ (1938- 1942), viết vả dịch hơn 90 tác phẩm Phật học; chủ yếu có . Hán việt tự điển (in lại 20 lần), Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX, Giải thích truyện Quan âm Thị Kính (thơ).

Con trai thứ ba Nguyễn Xuân Nghiêm là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp năm 1950 ./.

Ghi chú: Bài viết theo yêu cầu của Ông Nguyễn Khắc Mai Hội Khuyến học Việt Nam.

Bài phát biểu của Ông Nguyễn Hải Hoành tại Hội thảo tư tưởng giáo dục của Đông Kinh Nghĩa Thục do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức.

Nguyễn Khải Hoành



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Đại hội đại biểu Hội Khuyến học tỉnh Cao Bằng lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029
Toạ đàm "Một số giải pháp khuyến khích nữ sinh viên - học sinh vượt khó học giỏi"
Kỷ niệm 16 năm Ngày Khuyến học Việt Nam: Không ngừng nỗ lực vì sự nghiệp trồng người
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát động Giải thưởng "Nhân tài Đất Việt năm 2025"
Hội Khuyến học Việt Nam sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 49-KL/TW
Toàn văn phát biểu của Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhân kỷ niệm 16 năm Ngày Khuyến học Việt Nam
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: "Thiên tai và nghịch cảnh khiến con người càng coi trọng việc học"
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan: Vận dụng tư tưởng của Bác về phát triển con người vừa Hồng vừa Chuyên
Hội Khuyến học Việt Nam góp phần đào tạo bồi dưỡng người công dân tốt trong thời kỳ mới
Tạp chí Công dân và Khuyến học phát động cuộc thi viết “Gia đình học tập”
Trao giải cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước"
Hội Khuyến học tỉnh Nam Định trao học bổng không bao giờ cùng 2024
Hội Khuyến học Việt Nam ký kết phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Hội Khuyến học Việt Nam ủng hộ đồng bào các địa phương bị ảnh hưởng bão số 3
Hỏi - Đáp về công tác Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Giáo sư Nguyễn Thị Doan: Học sinh "đắm mình" trong công nghệ, giáo viên phải đổi mới không ngừng để thích ứng
Chủ trương xây dựng và phát triển xã hội học tập ở Việt Nam
Nhà báo, Nhà văn Huỳnh Dũng Nhân: 70 tuổi tôi vẫn tự học, kể cả học từ học trò của mình
Đẩy mạnh các mô hình, không gian phục vụ học tập suốt đời
Long An: Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt nhiều kết quả nổi bật


Thời gian mở trang: 0.237 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.