TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Xây dựng xã hội học tập | Xu hướng đổi mới giáo dục nghề nghiệp trên thế giới
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Xây dựng xã hội học tập 04.2024
Xu hướng đổi mới giáo dục nghề nghiệp trên thế giới
02.2009

Thường xuyên cập nhật tri thức, chương trình đào tạo cần có những nội dung mới, cách dạy và đánh giá mới…là yêu cầu được đặt ra trong xu hướng đổi mới giáo dục nghề nghiệp để lao động đào tạo ra có thể thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế hiện nay.

Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập đã tác động rất lớn đến sự phân công lại lao động trên phạm vi toàn thế giới. Những quốc gia phát triển có xu hướng chuyển vốn và công nghệ sang các nước kém phát triển hơn, vì ở đó chi phí lao động, nguyên liệu và các chi phí khác thường thấp hơn. Sự đổi mới công nghệ nhanh chóng khiến cho tri thức và kỹ năng vừa học được dễ trở thành lạc hậu, vì vậy đòi hỏi nhà trường phải tạo cơ hội cho người học biết học suốt đời và có khả năng học tập suốt đời. Người lao động hiện nay và trong tương lai ngày càng ít khả năng phát triển nghề nghiệp theo một con đường đơn điệu và ổn định, bởi vì nhu cầu kỹ năng trong thị trường lao động và những đòi hỏi về trình độ chuyên môn nào đó rất khó dự báo trước trong điều kiện có nhiều biến động.

Những thay đổi trên bình diện kinh tế và công nghệ đã tác động không nhỏ đến thị trường lao động và việc làm. Chẳng hạn, việc dự báo càng trở lên khó khăn. Việc xác định chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo đòi hỏi phải linh hoạt hơn nhằm thích ứng với nhu cầu biến động ngoài thị trường lao động. Nếu đào tạo chuyên sâu về một nghề sẽ tốn nhiều thời gian và nguồn lực khác, cơ hội việc làm có thể cao hơn, song lại đứng trước nguy cơ thất nghiệp khi điều kiện làm việc thay đổi và khó cập nhật tri thức mới.

Trong khi đó, thị trường lao động trong tương lai lại mang tính khu vực và toàn cầu đòi hỏi chất lượng và tính tiêu chuẩn cao về năng lực nghề nghiệp. Vì thế, trong những năm tới, lực lượng lao động có thể mang những đặc điểm như: Nhu cầu về lao động có kỹ năng thấp sẽ ít hơn. Nhu cầu về lao động lành nghề sẽ tăng dần, đặc biệt là kỹ thuật viên. Người lao động có khả năng thích nghi nhanh chóng với đòi hỏi về kỹ năng mới và những hình thức tổ chức công việc mới. Giảm nhu cầu kỹ năng lao động truyền thống nhưng hàm lượng tri thức cần thiết để quản lý hệ thống tự động hóa gia tăng. Các ngành công nghiệp đang phụ thuộc vào lao động có trình độ trung bình và lao động giản đơn sẽ được đưa sang các nước phát triển với chi phí lao động thấp. Khi hệ thống trở nên phức tạp, việc phối hợp trong các khâu của hoạt động sản xuất đòi hỏi người lao động phải có thái độ hợp tác với người khác trong một tập thể.

Chính những thay đổi trong nhu cầu về lao động đã dẫn đến những xu hướng đổi mới trong giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp trên thế giới:

Một là, đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy và đào tạo

Mục tiêu chung trong giáo dục nghề nghiệp là nhằm tạo cho người học có năng lực làm việc trong môi trường luôn biến đổi. Đó là đào tạo dựa theo năng lực nhằm tạo ra cho người học những kỹ năng thiết yếu trên các lĩnh vực: thông tin (tìm thông tin, truy xuất thông tin, cất giữ, biến đổi, phân tích, tổng hợp, đánh giá thông tin); giao tiếp; làm việc hợp tác trong nhóm; kỹ năng tư duy lôgic; toán học; giải quyết vấn đề; quản lý kế hoạch thời gian, quản lý tài chính và quản lý bản thân; ngoại ngữ. Như vậy, bên cạnh mục tiêu đào tạo những tri thức, kỹ năng kỹ thuật thì tri thức và kỹ năng phi kỹ thuật khác cũng không kém phần quan trọng giúp cho người học có thể nhanh chóng tiếp cận với thị trường lao động, làm việc hiệu quả trong thị trường đó và có một năng lực học tập suốt đời.

Việc đổi mới mục tiêu đào tạo còn do đòi hỏi của thị trường lao động và việc tăng cường trao đổi lao động trên cơ sở công nhận trình độ đào tạo của nhau giữa các quốc gia. Vì vậy, để chuẩn hóa trình độ đào tạo, việc làm trước hết phải thiết kế khung trình độ quốc gia, trên cơ sở đó xây dựng khung chuẩn trình độ cho mỗi ngành và chương trình đào tạo.

Nội dung chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng tích hợp giữa kiến thức các môn văn hóa chuyên môn và các môn thực hành. Kết cấu chương trình đào tạo gồm: các môn chung, các môn cơ sở, các môn chuyên môn và phần các môn học tự chọn. Mục đích của việc này nhằm làm giảm thời gian đào tạo do nội dung chương trình đào tạo phải đưa vào nhiều để đáp ứng nhu cầu của xã hội, các doanh nghiệp và của người học, đồng thời tùy theo điều kiện, khả năng đào tạo của các cơ sở và có thể cập nhật được những thay đổi. Điều này có ý nghĩa làm giảm nguy cơ thất nghiệp cho người tốt nghiệp và thay đổi mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp để tạo ra những lớp người có khả năng lập thân và lập nghiệp không trông chờ vào những cơ hội việc làm có trả lương truyền thống xưa kia.

Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy và đào tạo cũng cần có những thay đổi và vận dụng thích hợp của từng phương pháp đối với mỗi bài giảng, mỗi đối tượng học sinh và điều kiện giảng dạy khác nhau. Xu hướng dạy học tích cực lấy người học làm trung tâm của các quá trình dạy và học đang trở thành xu hướng phổ biến. Phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá cũng có những cải tiến phù hợp với sự thay đổi mục tiêu, nội dung và phương pháp giảng dạy trong nhà trường giáo dục nghề nghiệp. Bởi, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá có ảnh hưởng rất quan trọng đến thay đổi cách dạy và học trong nhà trường. Đánh giá kết quả học tập không chỉ xác định học lực, phần loại trình độ học sinh, khẳng định giá trị của người học trước xã hội mà còn giúp giáo viên của tiến nội dung bài giảng, phương pháp giảng dạy; đồng thời, giúp người học thay đổi cách học; các cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường điều chính lại chương trình đào tạo, quy chế thi, kiểm tra không còn thích hợp. Đánh giá khách quan năng lực người lao động để công nhận trình độ người học và cấp chứng chỉ hành nghề hoặc được miễn trừ khi theo học lên cao cho người học.

Hai là, thay đổi cơ cấu ngành nghề đào tạo

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khuynh hướng nhóm lại thành những nhóm nghề rộng hơn để đào tạo ban đầu và hạn chế đào tạo những nghề mang tính chuyên môn hẹp, như ở Đức, số nghề giảm từ hơn 350 xuống còn dưới 300 nghề, Nga hiện tại có 270 nghề, U-crai-na 260 nghề, Thổ Nhĩ Kỳ 250 nghề. Nội dung chương trình đào tạo thường nhấn mạnh đến những kỹ năng nghề ổn định tương đối và có thể biến đổi thích nghi với nội dung, cơ cấu nghề và việc làm thay đổi. Trong điều kiện thay đổi công nghệ, mô hình quản lý lao động và cơ cấu kinh tế, việc đào tạo theo chuyên môn hẹp truyền thống không còn thích hợp nữa. Vì vậy, đào tạo rộng và linh hoạt trở thành xu hướng phổ biến trong giáo dục nghề nghiệp.

Ba là, kết hợp với các doanh nghiệp để cải thiện chất lượng đào tạo, làm cho đào tạo gắn với sản xuất và dịch vụ.

Việc liên kết với các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế xã hội khác là một nhu cầu bức bách nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất kinh doanh còn là nguồn cung cấp một phần tài sản chính cho các hoạt động đào tạo.

Nhà trường và doanh nghiệp là bạn đồng hành và đồng minh chiến lược trong phát triển nguồn nhân lực, nếu không có sự hợp tác của doanh nghiệp thì đào tạo sẽ xa rời thực tế và hiệu quả thấp. Đại diện của doanh nghiệp thông qua các hội nghề nghiệp hoặc ngành công nghiệp có vai trò ảnh hưởng quan trọng đến việc hình thành chương trình đào tạo, phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Bốn là, người học chia sẻ đóng góp tài chính

Trong những năm gần đây, hầu hết các quốc gia đều phải huy động nguồn tài chính từ xã hội, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ từ tiền học phí của người học. Việc đóng góp tài chính của người học có tác dụng vừa làm giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước, vừa để chính phủ bổ sung nguồn ngân sách cho vùng khó khăn hoặc những nhóm chịu thiệt thòi trong xã hội; đồng thời, chính sách này có tác dụng quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở tái đầu tư, mua sắm mới trang thiết bị, tài liệu phục vụ cho đào tạo cũng như nâng cao vai trò tự chịu trách nhiệm của người học và của nhà trường.

Năm là, phát triển giáo dục nghề nghiệp lên trình độ cao hơn, đi sâu hơn vào lĩnh vực giáo dục đại học

Xu hướng này nhằm tăng thêm cơ hội cho những người tốt nghiệp bậc trung học để vào học chương trình đại học nghề hoặc cho những người không muốn học hay không phù hợp với các đại học mang tính truyền thống.

Xu thế giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp ngày càng đi sâu vào lĩnh vực giáo dục đại học, đó là một thực tế xuất phát từ nhu cầu của thị trường lao động và nhu cầu học tập của người dân.

Sáu là, học suốt đời và xây dựng trường học cộng đồng

Chính sách học tập suốt đời càng được nhấn mạnh đối với giáo dục kỹ thuật và nghề nghiệp, bởi vì trước đây người ta thường chú ý đến đào tạo kỹ năng chuyên môn hẹp và không quan tâm nhiều đến các kỹ năng thuộc về trí tuệ và tình cảm. Ngày nay, việc học không thể chấm hết sau khi tốt nghiệp và kiếm được việc làm. Vì vậy, yêu cầu phát triển của xã hội đòi hỏi người học còn phải có năng lực tự học, tự phát triển để bổ sung kiến thức và kỹ năng mới; còn những kiến thức của các môn văn hóa phổ thông đã trở thành tiền đề quan trọng đối với người học để có thể học suốt đời.

Bảy là, phân luồng và liên thông trong đào tạo

Phần luồng học sinh sau khi tôt nghiệp trung học cơ sở là xu hướng mà nhiều quốc gia khác đang thực hiện. Vì nhu cầu nhân lực có trình độ trung cấp ngày càng lớn; quy mô các trường đại học không thể tăng do ràng buộc về tài chính quốc gia và cơ cấu trình độ nhân lực.

Tỉ lệ học sinh trung học phổ thông ở các nước châu Âu tham gia học nghề rất cao là do nhu cầu việc làm, hệ thống giáo dục liên thông và truyền thống văn hóa.

Ở một số nước, số học sinh ở tuổi 17 hoặc 18 không vào được đại học hoặc cao đẳng lại không được chuẩn bị nghề đã làm gia tăng thất nghiệp và gây khó khăn cho xã hội. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu các học sinh này được đào tạo trong các trường trung học nghề hoặc trung học chuyên nghiệp sẽ tiết kiệm rất lớn cho ngân sách.

Chính sách liên thông cho phép người học được học lên những bậc học cao hơn và miễn trừ việc học lại những kiến thức và kỹ năng thu nhận được ở các bậc học dưới; cho phép cơ sở giáo dục nghề nghiệp được sử dụng nguồn lực một cách thông minh, hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân. Đó là một xu hướng mà nhiều quốc gia khác đã và đang thực hiện.

Tám là, đổi mới quản lý trên cơ sở phân cấp

Trong điều kiện kinh tế thị trường, cần phải xử lý mối quan hệ giữa ba trục quyền lực: thị trường, nhà nước và cơ sở đào tạo. Trước đây, giáo dục đào tạo luôn được coi là phúc lợi xã hội, nhà nước có vai trò phân phối một phần phúc lợi xã hội thông qua việc cung cấp giáo dục. Ngày nay, do nhu cầu về giáo dục tăng, nhà nước đã không còn đủ khả năng để cung cấp đủ nguồn lực cho giáo dục, nên các cơ sở giáo dục ngòai việc nhận một phần kinh phí từ nhà nước, còn nhận một phần đáng kể khác do thị trường cung cấp. Vì thế, ảnh hưởng của nhà nước đến cơ sở giáo dục giảm và quyền lực của thị trường tăng dần. Như vậy, các cơ sở đào tạo vừa phải dựa vào thị trường vừa phải dựa vào nhà nước để hoạt động chức không lệ thuộc hoàn toàn vào nhà nước như trước kia. Tuy nhiên, nhà nước không thể từ bỏ vai trò của mình đối với loại dịch vụ công đặc biệt này, mà phải điều chỉnh mô hình và cách thức thực thi quyền lực. Phân cấp quản lý là một trong các giải pháp quản lý được nhiều quốc gia áp dụng.

Thực tế cho thấy nhiều quốc gia đã áp dụng mô hình phân cấp triệt để đến tận nhà trường. Mô hình này có ưu điểm đáp ứng tức thời nhu cầu của người học, chủ động nguồn, gắn nguồn lực với hoạt động, giảm bớt tổn thất; nhà trường có thẩm quyền và chịu trách nhiệm ra các quyết định; thực hiện trong khung mục tiêu, chính sách, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn và trách nhiệm xã hội được xác lập bởi nhà nước.

(Nguồn: Vụ Giáo dục chuyên nghiệp- BGD&ĐT)

(Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'


Thời gian mở trang: 0.243 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.