TW Hội Khuyến học Việt Nam - Hôi thảo khoa học: Hệ thống giáo dục mở - hướng xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam
TW Hội Khuyến học Việt Nam http://www.hoikhuyenhoc.vn

Hôi thảo khoa học: Hệ thống giáo dục mở - hướng xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam
09.07.2007

- GS.TS Phạm Tất Dong -
Phó chủ nhiệm đề tài

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng cộng sản Việt nam đã khẳng định: Chuyển hệ thông giáo dục hiện nay sang hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập ở nước ta.

Trong văn kiện Đại hội X không có chỗ nào giải thích thêm về hệ thống giáo dục mở, nhưng những người nghiên cứu văn kiện đều hiểu rằng, trên cơ sở hệ thống giáo dục hiện nay, chúng ta không thể xây dựng được xã hội học tập đúng với cái nghĩa đích thực của nó.

Hệ thống giáo dục mở trước hết là một hệ thống giáo dục tạo ra những cơ hội học tập cho mọi đối tượng có nhu cầu, không phân biệt lứa tuổi, trình độ học vấn và nghề nghiệp, địa vị xã hội, giới tính và tín ngưỡng tôn giáo. Khái niệm “mở” ở đây được biểu hiện là một ưu thế của hệ thống giáo dục mới gồm những thuộc tính mềm dẻo và đa dạng, khả thi trong mọi thời gian khác nhau và không gian khác nhau. Nhờ đó, sự học hành của từng con người không bị hạn chế ở một lứa tuổi nào đó trong cuộc sống, mà được kéo dài suốt đời.

Trong báo cáo “Học đề làm người: Thế giới giáo dục ngày nay và ngày mai” (1972), Edgar Faure viết rằng, nền giáo dục phải bảo đảm không được để một tài năng nào, như một kho báu tiềm ẩn trong lòng của từng con người, là không được khai thác. Trước Edgar Faure gần 30 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói đến khả năng “mở” của một nền giáo dục dân chủ mới: một nền giáo dục làm nảy nở hoàn toàn những năng lực sẵn có trong mỗi con người (Hồ chí Minh – Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà).

Hệ thống giáo dục mở sẽ tạo ra những cơ hội và điều kiện để mỗi con người luôn luôn được hưởng những thành tựu khoa học và công nghệ do tri thức mới mang lại, được cập nhật những tri thức mới và được ứng dụng những tri thức mới vào công việc mình đang làm.

Sự mở rộng tri thức trên đây là điều kiện quyết định để tăng năng lực con người trong nền kinh tế mới: Nền kinh tế tri thức. Paul Romer, một trong những nhà kinh tế học Stanford, đã đưa ra lý thuyết kinh tế mới, khác với những lý thuyết tân cổ điển ở những vấn đề sau:

- Sự phát triển công nghệ mới có thể tạo ra một sân ga kỹ thuật cho các đổi mới tiếp theo. Đó là nhân tố then chốt của tăng trưởng kinh tế.
- Đầu tư có thể khiến công nghệ có giá trị hơn và ngược lại cũng vậy. Vòng xoáy này làm cho tốc độ tăng trưởng của một quốc gia được liên tục và dài hạn.
- Vốn con người không thể thiếu trong đầu tư công nghệ. Vốn con người gồm giáo dục, đào tạo chính quy và sự học hỏi liên tục trong công việc của lực lượng lao động.

Có thể bình luận rằng vốn con người là hệ giáo dục mở mà ta nói đến.

Hệ thống giáo dục mở sẽ khắc phục sự phân biệt truyền thống giữa giáo dục ban đầu với giáo dục thường xuyên, khắc phục quan niệm cổ ttruyền về tuổi đi học và tuổi lao động trong đời người, khắc phục cách hiểu cứng nhắc và cách tạo ra một hàng rào phân cách giữa giáo dục hàn lâm và giáo dục nghề nghiệp. Tính liên thông, tính mềm dẻo, tính linh hoạt trở thành những thuộc tính cơ bản trong hệ thống giáo dục mở – nhờ đó, hệ thống giáo dục này đã đáp ứng những thách thức của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, trong những báo cáo về giáo dục của UNESCO, người ta luôn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đưa con người trở lại nhà trường để ứng xử có hiểu quả với những tình huống mới mẻ nổi lên trong đời sống cá nhân và trong đời sống nghề nghiệp của họ.

Hệ thống giáo dục mở, xét ở khía cạnh nào đó, là sự mở rộng của nhà trường cho người lao động trở về với hệ giáo dục ban đầu nếu điều đó là cần thiết.

Hệ thống giáo dục mở bao gồm những hình thức học tập chính quy và không chính quy nối tiếp nhau, đan xen nhau, bám sát cuộc sống của từng con người, giúp con người học hỏi liên tục suốt đời mình. Chính vì thế mà đại chúng hoá đại học trở thành một vấn đề không thể không bàn đến. Việc học tập suốt đời sẽ đỏi hỏi sự đa dạng của các cơ sở đào tạo đại học ngoài các trường đại học chính quy để đáp ứng như cầu đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội và của nền kinh tế đang phát triển.

Hệ thống giáo dục mở được xây dựng trên cơ sở phát triển công nghệ thông tin. Bàn đến vấn đề này, Jacques Delors viết rằng, hệ thống giáo dục có trách nhiệm cung cấp cho mọi người phương tiện để nắm được sự sinh sôi nảy nở của thông tin, lựa chọn và sắp xếp thông tin, giúp cho con người không bị rơi vào một xã hội của những phương tiện truyền thông và thông tin mang tính “ăn sổi, ở thì”, chóng suy tàn. Công nghệ thông tin sẽ cung cấp cho mọi người những phương tiện thực sự tiếp cận loại hình giáo dục không chính quy, sẽ trở thành một trong những hệ thống quan trọng nhất của xã hội học tập, có các giai đoạn khác nhau của quá trình học. Sự sử dụng thành thạo công nghệ thông tin có thể mở rộng tri thức không ngừng, trở thành nhân tố phát huy, hoàn thiện nhân cách trong hình thức mới của đời sống xã hội.

Những quan niệm về hệ thống giáo dục mở trên đây có ý nghĩa nhất định với việc định hướng xây dựng mô hình xã hội học tập ở nước ta. Mô hình đó phải được cấu trúc sao cho, những người nghèo nhất cũng được học, những người cần học phải được học, những người đang đứng ngoài học tập sẽ tham gia vào một trong những hình thức học nào đó. Xã hội học tập sẽ lôi cuốn con người vào dòng chảy học hành suốt đời. Xã hội đó sẽ đưa dân tộc ta hội nhập vào thế gới hiện đại, sánh vai với các cường quốc năm châu như ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chỉ có xã hội học tập như thế thì học tập, như Jacques Delors nhận định, sẽ là một kho báu tiềm ẩn mà nhờ nó, xã hội trở nên văn hoá, văn minh./

URL của bản tin này::http://www.hoikhuyenhoc.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=95

© TW Hội Khuyến học Việt Nam contact: khuyenhocvn@gmail.com