TW Hội Khuyến học Việt Nam - Hội thảo khoa học: Xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt nam
TW Hội Khuyến học Việt Nam http://www.hoikhuyenhoc.vn

Hội thảo khoa học: Xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt nam
09.07.2007

XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP
BIỆN PHÁP QUAN TRỌNG ĐỂ ĐÀO TẠO
NGUỒN NHÂN LỰC PHỤC VỤ CNH-HĐH
-GS.TS PHẠM TẤT DONG –
Phó chủ nhiệm đề tài

I. XÃ HỘI HỌC TẬP - MỘT VẤN ĐỀ CHUNG XÉT TỪ GÓC ĐỘ TOÀN CẦU VÀ TỪ VIỆT NAM.

1. Quan niệm chung về xã hội học tập trên thế giới.

Vấn đề đặt ra khi nền kinh tế công nghiệp được thay thế dần bằng nền kinh tế tri thức, khi xã hội công nghiệp tiến sang xã hội hậu công nghiệp hay còn gọi là xã hội công nghệ.

Trong vòng mấy chục năm gần đây, tri thức của nhân loại tích luỹ được đã ngang bằng với tổng số tri thức có trong 2 thiên niên kỷ trước. Người ta dự báo rằng, đến năm 2020, tri thức sẽ tăng 4 lần so với tri thức đã có vào năm 2000. Những tri thức được đưa vào sách giáo khoa dùng cho các cấp học, nhất là trong sách giáo khoa trung học và đại học, đã nhanh chóng trở nên lạc hậu cứ sau mỗi khoá đào tạo. Sự phát triển và thay thế nhau một cách nhanh chóng của các tri thức đã dẫn đến tình hình công nghệ mới ra đời rất mau lẹ và vòng đời của chúng ngày càng được rút ngắn nhờ các công nghệ mới mà mọi hoạt động trong xã hội trở nên năng động, sự phát triển xã hội luôn trong trạng thái sôi động. Trong điều kiện ấy, sự tụt hậu về tri thức trở thành nguyên nhân chủ yếu tạo ra khoảng cách phát triển giữa người này với người kia, giữa cộng đồng này với cộng đồng nọ, giữa quốc gia này với quốc gia khác.

Để giáo dục có thể cống hiến cho sự phát triển kinh tế-xã hội khi tri thức đã trở thành yếu tố quyết định hàng đầu trong cạnh tranh, các quốc gia đều cần đến một hệ thống giáo dục mềm dẻo, đáp ứng được mọi yêu cầu học tập của từng con người, của từng cộng đồng, tạo ra được ngày càng nhiều cơ hội học tập cho con người trong mọi thời gian và không gian khác nhau. Người ta đã mở rộng nhiều khái niệm, trên cơ sở đó, định ra những chiến lược giáo dục và đào tạo.

Có mấy khái niệm sau đây có thể giúp chúng ta xây dựng hệ thống giáo dục trong giai đoạn mới.
Trước hết là khái niệm “phát triển” (Development). Xét từ bình diện giáo dục, con người cần phải được coi là mục tiêu đích thực của sự phát triển xã hội, là yếu tố có tính quyết định sự phát triển bền vừng. Do vậy, phát triển là sự mở rộng phạm vi lựa chọn của con người để đạt tới một cuộc sống có ý nghĩa xứng đáng với con người. Giáo dục phục vụ cho một xã hội phát triển là nền giáo dục mở ra nhiều cơ hội học tập để con người tìm được hình thức và nội dung học tập phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện sống của mình, nhờ đó họ có thể thuận lợi trong việc hoàn thiện tri thức, hoàn thiện tay nghề, hoàn thiện nhân cách.

Hai là, khái niệm “giáo dục cho mọi người” (Education for all). Ở đây cần hiểu rằng, giáo dục đứng ở trung tâm của sự phát triển vừa của con người, vừa của cộng đồng. Giáo dục có sứ mạng giúp cho mọi người, không trừ một ai, được phát huy mọi tài năng, mọi tiềm lực sáng tạo, nâng cao ở họ trách nhiệm đối với đời sống của bản thân và đối với cộng đồng. Giáo dục cho mọi người là đích thực nếu xây dựng được nền giáo dục của dân, do dân, vì dân.

Ba là, khái niệm “xã hội học tập” (Learning Society). Trên thực tế, khái niệm này gắn liền với khái niệm “Kinh tế tri thức” (Knowledge Economy); nó xuất hiện trong các tác phẩm khoa học cũng như trên báo chí khi kinh tế tri thức bắt đầu hình thành và phát triển.

Một nền kinh tế mà trong đó nổi trội hơn cả là việc sản xuất ra các tri thức như một hàng hóa có giá trị gia tăng cao tất sẽ đòi hỏi phải có một xã hội phát triển sự học hành của từng cá nhân theo phương thức liên tục trong suốt cuộc sống trên mọi cương vị hoạt động, không phân biệt tuổi tác, trình độ học vấn, nghề nghiệp, địa vị xã hội... Có thể nói, nội dung cơ bản của khái niệm xã hội học tập là “Giáo dục thường xuyên,đào tạo liên tục, học tập suốt đời”. Trong xã hội học tập như vậy giáo dục sẽ gắn liền với suốt cuộc đời con người, thay vì trước đây giáo dục chỉ cần tiến hành một lần trong đời người. Nền giáo dục đó lấy việc phát triển con người (Human Development) làm cứu cánh và coi con người là động lực của sự phát triển xã hội. Do đó, nhất thiết phải khẳng định, sự học trong xã hội học tập luôn nhằm mục tiêu phát triển mọi năng lực của con người, mọi tiềm năng trong họ nhằm giúp cho con người trở thành chủ thể hoạt động sáng tạo trong cuộc sống. Chính vì vậy, tổ chức UNESCO đã nêu lên 4 “trụ cột” của học tập trong xã hội hiện đại: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người.

Để giáo dục được tiến hành thường xuyên, liên tục trong suốt cuộc đời, cấu trúc của tổ chức giáo dục thể hiện sự gắn bó hữu cơ giữa giáo dục học đường với giáo dục xã hội và giáo dục gia đình. Học tập là hoạt động xuyên suốt trong thời gian sống, trong các môi trường và điều kiện sống, trong tất cả các vai trò (Role) mà một con người cụ thể phải đóng để hoàn thành mọi trách nhiệm và nghĩa vụ của họ trước gia đình, cộng đồng, dân tộc và đất nước.
Có rất nhiều ý kiến bàn về xã hội học tập. Song, có thể tóm tắt những đặc trưng của xã hội đó như sau:

- Trong xã hội học tập, mọi cá nhân với tư cách là thành viên xã hội đều phải học và học suốt đời. Trước kia, V.I.Lênin đã đưa ra một khẩu hiệu rất nổi tiéng: “Học, học nữa, học mãi”. Ngày nay, khẩu hiệu đó vẫn giữ nguyên giá trị, hơn nữa, học hỏi không ngừng không chỉ còn là nét tính cách cần thiết của một con người, mà đã trở thành một yêu cầu đạo đức của xã hội hiện đại;

- Trong xã hội học tập, giáo dục học đường và giáo dục ngoài học đường là những khâu liên hoàn, không bao giờ đứt đoạn. Người ta vừa học vừa làm và người ta vừa làm vừa học. Sau một khoá đào tạo trong trường học, con người tham gia lao động sản xuất và sẽ tìm những hình thức học phù hợp với hoàn cảnh lao động của mình. Song, sau từng giai đoạn tham gia lao động, con người còn được xã hội tạo ra những cơ hội để trở lại học tập trong nhà trường, ngoài việc học tập không chính quy hoặc phi chính quy ngay trong thời gian lao động. Trong xã hội học tập, các hình thức giáo dục chính quy (Education formal), giáo dục không chính quy (Education non-formal) và giáo dục phi chính quy (Education Informal) cũng làm thành một chuỗi mắt xích của hoạt động học tập đối với từng con người. Cả 3 hình thức giáo dục diễn ra kế tiếp nhau, lúc này con người tham gia hình thái giáo dục chính quy, lúc khác lại sử dụng hệ thống giáo dục không chính quy hoặc phi chính quy. Hệ thống truyền thông càng đa dạng thì các kênh học tập theo chương trình chính quy, không chính quy và phi chính quy càng phong phú. Trong xã hội học tập, ngừời ta có thể học trong trường hoặc ngoài trường, học qua người giảng trực tiếp hoặc học qua máy, học bằng phương tiện truyền hình hoặc trên mạng Internet v.v...

- Trong xã hội học tập, trường học được tổ chức theo nhiều hệ thống quản lý khác nhau. Có trường do Bộ Giáo dục tổ chức, có trường lại được doanh nghiệp thành lập, có trường được các đoàn thể, các lực lượng xã hội xây dựng. Hệ thống trường công lập và trường ngoài công lập đều cùng phát triển. Bên cạnh trường học còn có nhiều thiết chế có chức năng giáo dục, bồi dưỡng con người về nhiều mặt như các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trung tâm học tập cộng đồng, các nhà văn hoá, câu lạc bộ v.v...

Nói tóm lại, trong xã hội học tập, nền giáo dục mang tính mềm dẻo, đa dạng và khả thi trong thời gian khác nhau và địa điểm khác nhau. Giáo dục trở thành một quá trình liên tục về sự hình thành con người toàn diện, cả về tri thức lẫn những năng lực mà quan trọng nhất là năng lực phán đoán, năng lực hành động trong đời sống hàng ngày. Đó là một nền giáo dục giúp con người hiểu về mình, hiểu người khác, hiểu môi trường xung quanh để thực hiện tốt vai trò và nghĩa vụ trong lao động sản xuất và trong đời sống xã hội.

Những cơ hội đi học mà xã hội học tập mang đến cho mỗi người thể hiện sự kết hợp 2 phương thức học: Học có hệ thống để làm giàu tri thức một cách toàn diện và học theo yêu cầu cần gì học nấy. Học có hệ thống có tính nâng cao, tính hoàn thiện, thể hiện được tính chiến lược phát triển của con người. Còn cần gì học nấy sẽ góp phần tăng khả năng thích ứng với hoàn cảnh biến đổi; phương pháp này thể hiện tính chiến thuật là chủ yếu.

Nền giáo dục của xã hội học tập coi trọng giáo dục cơ sở, tận lực phát triển trung học và đại chúng hóa giáo dục đại học: Giáo dục cơ sở bảo đảm cho tài năng của mọi trẻ em được phát huy, hạn chế những thất bại học đường và cho chúng thấy được cuộc sống tốt đẹp phía trước. Giáo dục trung học khắc phục những trở ngại trong việc trẻ đi kiếm việc làm sau tốt nghiệp và giúp chúng không rơi vào cảnh lo âu bởi nguy cơ không được sử dụng. Hệ thống giáo dục trung học bảo đảm cho thiếu niên và đầu tuổi thanh niên được tiếp tục học, không bị định đoạt số phận ở lứa tuổi này. Giáo dục đại học một mặt đưa dắt sinh viên đi vào hệ thống học hỏi liên tục sau khi ra trường, mặt khác lại mở lối cho người lao động có dịp trở lại giảng đường.

Nội dung cốt lõi của khái niệm xã hội học tập là học tập suốt đời (Lifelong learning throughout life). Học suốt đời là cách làm cân đối giữa thời gian học tập với thời gian lao động để con người tăng năng lực thích nghi với công việc và thực hiện tốt quyền công dân.

2. Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.

Nhiều cuộc hội thảo khoa học về xã hội học tập đã được tổ chức ở Việt Nam. Qua các cuộch hội thảo, các nhà khoa học thống nhất cách hiểu về xã hội học tập mấy điểm cơ bản sau đây:

- Học tập suốt đời là một quá trình học từ lúc tuổi thơ, qua giáo dục ban đầu rồi tiếp tục cho đến hết cuộc đời. Học suốt đời là yêu cầu cao hơn so với “giáo dục cho mọi người” (Education for all), bởi khái niệm sau chỉ nói rõ quan điểm ai cũng được học, còn khái niệm trước khẳng định ai cũng phải học và học liên tục. Trong xã hội học tập, sự học không có sự gián đoạn về thời gian và không gian.

- Để con người học liên tục, trong xã hội có 2 hệ thống giáo dục có quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ lẫn nhau; hệ thống giáo dục trong nhà trường (School Education) và hệ thống giáo dục ngoài nhà trường (Beyond School Education). Sự gắn kết 2 hệ thống này sẽ làm cho các cơ hội học tập không bị hạn chế với người có nhu cầu học;

- Giáo dục người lớn có vị trí rất quan trọng trong xã hội học tập. Hình thức và nội dung giáo dục người lớn rất đa dạng và mềm dẻo hơn nhiều so với giáo dục thế hệ trẻ. Giáo dục cơ sở không chính quy, đại học tại chức, đại học cộng đồng, đào tạo và đào tạo lại tay nghề, giáo dục mở, giáo dục từ xa... là những hình thức tổ chức học tập phù hợp với người lớn.

- Để xây dựng chiến lược xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, ở Việt Nam cần phát triển mạnh các tổ chức hoạt động sau:

+ Mở ra các dịch vụ thông tin.

+ Mở ra các trung tâm hướng dẫn và tư vấn học tập.

- Xây dựng thật nhiều các thiết chế giáo dục tại cộng đồng (trung tâm giáo dục thường xuyên cấp Quận, Huyện; Trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường; các cơ sở dạy nghề ngắn hạn; các phòng tư vấn hướng nghiệp, cao đẳng hoặc đại học cộng đồng; các trung tâm học tập qua các phương tiện thông tin hiện đại...).
- Khuyến khích con người đầu tư thời gian và tài chính cho học tập.
Ở Việt Nam, xây dựng xã hội học tập lúc này là bức thiết. Để làm rõ điều này, cần phải phân tích những đặc điểm của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.

Xét về nhiệm vụ cách mạng thì công nghiệp hóa có một vị trí trung tâm trong vòng vài ba thập kỷ tới. Khoảng năm 2020, về cơ bản, Việt Nam phải trở thành một nước công nghiệp. Khi tiến hành công nghiệp hóa, các nước đi trước Việt Nam có nhiệm vụ chuyển nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp, còn ở Việt Nam, nhiệm vụ của công nghiệp hóa là vừa chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp, vừa phải đưa một số lĩnh vực sản xuất đi vào kinh tế tri thức. Đây là đặc điểm thời đại của công nghiệp hóa ở Việt Nam.

Xét về tư tưởng chỉ đạo chiến lược thì công nghiệp hóa ở Việt Nam là công nghiệp hóa rút ngắn. Tính chất rút ngắn được thể hiện ở việc tiến hành công nghiệp hóa bằng 2 tốc độ khác nhau của nền kinh tế. Đó là sự kết hợp những bước đi tuần tự với những bước nhảy vọt.

Để có được những bước nhảy vọt phải tiến hành hiện đại hóa song song với công nghiệp hóa, tức là phải đưa một số lĩnh vực sản xuất tiếp cận ngay với công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ cao. Cơ hội ở đây là tận dụng được những thành tựu của kinh tế tri thức. Chỉ có chớp được cơ hội này thì mới có thể thực hiện được ý đồ “đi tắt, đón đầu”. Để có lợi thế so sánh, phải xây dựng được kho tàng tri thức cho đất nước, nâng cao được năng lực trí tuệ trong nhân dân, bồi dưỡng năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ cho đội ngũ lao động.

Về mô hình, công nghiệp hóa ở Việt Nam không lặp lại bất cứ mô hình công nghiệp hóa cổ điển nào, cả công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu lẫn công nghiệp hóa hướng vào xuất khẩu. Xây dựng xã hội học tập ngay trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa cũng là một đặc điểm của Việt Nam.

Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII trình trước Đại hội IX của Đảng đã khẳng định “giáo dục và đào tạo là khâu đột phá” trong quá trình công nghiệp hóa. Đây là khâu đột phá quan trọng, được tiến hành đồng thời với 2 mũi đột phá khác là đổi mới cơ chế kinh tế và cải cách hành chính. Việc học tập phải góp phần vào việc trang bị lại hoặc trang bị mới những công nghệ cho sản xuất, nhất là trong các lĩnh vực trọng điểm. Thông qua học tập, người lao động, trước hết là nông dân, phải được chuyển giao các công nghệ mới. Mặt khác, trong hệ thống sản xuất công nghiệp, công nhân phải được học để làm chủ được những công nghệ đưa vào áp dụng. Giới khoa học phải được nâng cao trình độ để sáng tạo được những công nghệ mang lại giá trị gia tăng cao.

Toàn bộ việc học tập đều phải nhằm mục tiêu hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào năm 2020.

II. ĐÀO TẠO NHÂN LỰC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CNH - HĐH ĐẤT NƯỚC.

Việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực được tập trung vào các lĩnh vực đào tạo lực lượng công nhân và nhân viên kỹ thuật, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ cũng như cán bộ trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho nông dân v.v...

Sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, do những khó khăn quá lớn về kinh tế-xã hội, do những lúng túng về chỉ đạo giáo dục phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường, chất lượng và số lượng của các lĩnh vực đào tạo công nhân kỹ thuật (trong hệ thống dạy nghề), nhân viên kỹ thuật (trong hệ thống Trung học chuyên nghiệp) và cán bộ trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, sản xuất-kinh doanh, văn học-nghệ thuật (trong hệ thống cao đẳng và đại học) đều sút kém.

Nếu so sánh số lượng trường học và số học sinh, sinh viên qua 3 mốc thời gian 1986 (Năm tổ chức Đại hội VI - Đại hội đề xuất Đổi mới), 1996 (10 năm sau đổi mới) và 2005 (Năm tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm Đổi mới), ta có bảng thống kê sau:

Bảng 1: Số lượng trường học và học sinh, sinh viên qua một số năm

NGÀNH ĐÀO TẠO SỐ TRƯỜNG SỐ HỌC SINH, SINH VIÊN

11986 11996 22005 1986 1996 2005
Dạy nghề 2298 1176 2226 113.016 79.794 1.145.100
Trung học chuyên nghiệp 2281 2253 2286 135.409 149.378 360.392
Cao đẳng, Đại học 9 95 1101 1127 121.195 437.506 1.032.440

(Nguồn: Giáo dục Việt Nam 1945 - 2005, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005 và Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội 09/2004).

Ở đây cần chú ý rằng, hiện nay số trường dạy nghề trong bảng 1 là số trường đào tạo dài hạn, chính quy. Bên cạnh số trường này còn có 165 trường Cao đẳng, Đại học hoặc Trung học chuyên nghiệp cũng đào tạo công nhân kỹ thuật hệ dài hạn. Do vậy, hiện có tới 391 cơ sở đào tạo nghề dài hạn. Cùng với hệ đào tạo dài hạn còn có 320 Trung tâm dạy nghề, 150 Trung tâm dịch vụ việc làm và trên 300 Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp dạy nghề ngắn hạn. Cũng như vậy, bên cạnh trường trung học chuyên nghiệp chính quy và đứng độc lập, còn có 119 cơ sở giáo dục khác như trường Cao đẳng, trưòng Đại học cũng đào tạo Trung học chuyên nghiệp. Chính vì thế, số học sinh, sinh viên đã tăng nhanh vào mấy năm gần đây.

Trong hệ thống trường dạy nghề, những trường được hưởng thụ các dự án đều được đổi mới về cơ sở vật chất-kỹ thuật nên quá trình đào tạo được hiện đại hóa. Số tiền đầu tư cho mỗi loại trường này lên đến hàng triệu đô la. Nhờ vậy, chất lượng đào tạo được nâng lên. Đã có trường đào tạo công nhân cho một số nước trong khu vực. Điển hình là trường dầu khí đã đào tạo được thợ lặn đạt tiêu chuẩn do nước ngoài quy định.

Giáo dục Trung học chuyên nghiệp cũng đã nâng cao chất lượng đào tạo. Trong điều kiện sản xuất lao động thủ công và nửa cơ khí như hiện nay thì đội ngũ kỹ thuật được đào tạo ra đáp ứng đựoc nhu cầu nhân lực. Tuy nhiên, khi chuyển sang sản xuất hiện đại hơn thì trình độ như hiện nay sẽ là bất cập.

Giáo dục Trung cấp chuyên nghiệp đang tuyển sinh trình độ tốt nghiệp Trung học phổ thông. Trong số học sinh được tuyển vào hiện nay, đã có đến 97% có bằng tốt nghiệp lớp 12. Cho nên, trên thực tế Trung cấp chuyên nghiệp đang trở thành giáo dục sau Trung học. Mặt khác, hệ giáo dục này đang có xu thế hợp nhất với hệ dạy nghề và sẽ trở thành hệ giáo dục nghề nghiệp. Trong tình hình như thế, việc thành lập các trường Cao đẳng nghề sẽ xuất hiện nhanh.

Về giáo dục Cao đẳng và Đại học, việc tăng nhanh số lượng là một thành tích, song cho đến nay, việc tuyển sinh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học Đại học trong cả nước. Mặt khác, về chất lượng, một số trường Đại học và Cao đẳng đã cho ra trường những cán bộ trẻ thể hiện được tiềm lực phát triển. Nhiều người trong số họ đã tiếp cận nhanh với những hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo ở hệ này có sự phân hoá rõ rệt giữa hệ chính quy với hệ không chính quy, giữa trường công lập ở trung ương với trường công lập ở địa phương và trường ngoài công lập.

Nhìn chung, sinh viên tốt nghiệp thường thể hiện sự non yếu về khả năng thực hành, năng lực tự học, năng lực nghiên cứu và giao tiếp. Trình độ ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin còn thấp so với yêu cầu của khu vực.

Về đào tạo sau Đại học, từ năm 1957 đến giữa năm 1980, việc đào tạo Phó Tiến sĩ và Tiến sĩ (nay gọi là Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học) chủ yếu nhờ Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Trong khoảng 25 năm ấy, số cán bộ có trình độ sau Đại học do các nước nói trên đào tạo khoảng trên dưới 36.000 người.

Việc đào tạo sau Đại học ở ngoài nước là cần thiết nên sau khi hệ thống Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Việt Nam tiếp tục tìm kiếm con đường hợp tác. Từ năm 2000 đến nay đã có hàng trăm dự án quốc tế giúp nước ta đào tạo sau Đại học. Có dự án lên đến 100 triệu đô la Mỹ. Riêng năm 1998, nhờ các dự án, Việt Nam đã có 1250 nghiên cứu sinh được cử đi nước ngoài học tập. Tính đến năm 2004 đã có 69 nước, 19 tổ chức quốc tế, 70 tổ chức phi Chính phủ hợp tác chính thức trong lĩnh vực đào tạo.

Ở trong nước, việc đào tạo sau Đại học trong nước đã dần đi vào kế hoạch. Công việc đào tạo sau Đại học được đẩy mạnh từ sau năm 1990. Giai đoạn 1996 - 2000, tốc độ đào tạo Thạc sĩ tăng 10,5%/năm và Tiến sĩ tăng 6,2%/năm thì 2 năm gần đây, số lượng đào tạo Thạc sĩ đã tăng 51,9%/năm và Tiến sĩ tăng 61,1%/năm. Sự tăng quá nhanh này là biểu hiện không bình thường vì từ những năm nói trên, số lượng cán bộ có trình độ hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên cao học không tăng với tỷ lệ tương đương.

Tính đến cuối năm 2004, trong cả nước có 147 cơ sở được phép đào tạo sau Đại học, trong đó 95 cơ sở được công nhận đào tạo Tiến sĩ.

Sau đây là một vài số liệu về đào tạo sau Đại học.

Bảng 2: Số học viên cao học, nghiên cứu sinh giai đoạn 1998 - 2004.

NĂM

TRÌNH ĐỘ
ĐÀO TẠO 1999 2000 2001 2002 2003 2004
Thạc sĩ
4534 5747 14817 18616 23841 28970
Tiến sĩ
6685 713 2480 2798 3313 4061

(Nguồn: Báo cáo về tình hình giáo dục của Chính phủ trình Quốc hội, 9/2004).

Về chất lượng đào tạo, chương trình và nội dung đào tạo Cao học thường chưa vượt qua nội dung đào tạo các chuyên ngành tương ứng ở Đại học. Chỉ một số ít ngành có nội dung đào tạo thực sự là sau Đại học. Có thể đánh giá rằng, chất lượng công tác của không ít thạc sĩ còn thấp, nhất là về trình độ tham gia nghiên cứu khoa học.

Về đào tạo tiến sĩ, nhiều luận án tiến sĩ chưa cập nhật được trình độ phát triển của khoa học và công nghệ. Một số luận án viết ra, bảo vệ xong nhưng không ứng dụng được bởi không gắn nhiệm vụ nghiên cứu với những vấn đề bức thiết của cuộc sống trong nước.

Điều đáng lo ngại hơn cả là quá trình đánh giá các luận văn, luận án thường thiếu chặt chẽ, có sự châm chước quá nhiều của các Hội đồng. Do vậy, trình độ thạc sĩ và tiến sĩ trong nhiều trường hợp là không bảo đảm.

Đối với lực lượng đang lao động xản xuất, trước hết là công nhân và nông dân, chúng ta luôn cố gắng duy trì hệ thống bổ túc văn hoá, và hiện giờ là hệ giáo dục thường xuyên. Đây là một hình thức bồi dưỡng trình độ học vấn rất quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Do nhu cầu về tri thức khoa học và công nghệ ngày càng tăng trong công nhân và nông dân nên ngoài hệ bổ túc văn hoá, những năm gần đây còn thấy phát triển nhiều ở các địa phương những tổ chức học tập văn hoá và dạy nghề tại xã, phường dưới nhiều hình thức như Trung tâm dạy nghề, Trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm ngoại ngữ và tin học v.v...

Đầu năm 2000, số học viên bổ túc văn hóa là 322.142 người. Con số tương ứng năm 2004 là 585.422.

Đối với công nhân, nhờ sự phát triển khá đa dạng các tổ chức học tập mà trình độ văn hoá của công nhân tăng nhanh. Nếu như năm 1985 chỉ có 29,2% công nhân có trình độ học vấn trung học phổ thông thì đến năm 1999, tỷ lệ đó đã được nâng lên 55%.

Hiện nay, mô hình trường dạy nghề thuộc doanh nghiệp rất đáng được khích lệ. Tổng Công ty Bưu chính viễn thông, Công ty Điện lực I, Tổng Công ty Thuỷ tinh và Gốm xây dựng, Tổng Công ty Dầu khí, Tổng Công ty Giấy, Công ty May 10,... đều có trường dạy nghề cho công nhân. Tính ra, 21 Tổng Công ty Nhà nước đã thành lập 38 trường Công nhân kỹ thuật. Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt đã thành lập Trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực dầu khí Vũng Tàu có tới 3000 học viên...

Nhiều doanh nghiệp liên doanh cũng tổ chức dạy nghề. Trong các khu công nghiệp và khu chế xuất có một số trung tâm đào tạo công nhân. Chẳng hạn, tại khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (Bình Dương), Chính phủ Singapore đầu tư 5 triệu USD để xây dựng Trung tâm Dạy nghề Việt Nam - Singapore. Công ty Choong Nam ở khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai) tuyển hàng trăm lao động để đưa đi đào tạo ở Thủ Đức. Công ty Tac Kwang-Vina tuyển người đi đào tạo tại Hàn Quốc 2 năm để làm lực lượng kèm cặp công nhân mới tuyển và thay thế dần cán bộ kỹ thuật Hàn Quốc ở Việt Nam.

Ngoài các hình thức học tập của công nhân cần nói đến những mô hình dạy nghề cho nông dân, trong đó có mô hình tập huấn kiến thức cho nông dân của Hội Khuyến nông, mô hình dạy nghề VAC của Trung ương Hội làm vườn, mô hình câu lạc bộ phụ nữ (thành phố Hồ Chí Minh), mô hình dạy nghề trong các làng nghề, xã nghề,... Tính đến tháng 5/2005 đã có khoảng 6000 trung tâm học tập cộng đồng xã, phường được thành lập. Hâù hết các trung tâm này có dạy nghề hoặc chuyển giao kinh nghiệm sản xuất và công nghệ mới cho nông dân.

Việc dạy nghề cho nông dân hiện nay thường dưới hình thức lớp ngắn hạn, cách thức học rất linh hoạt. Có những trung tâm học tập cộng đồng trong một năm đã huấn luyện cho hàng ngàn nông dân trong xã về các kỹ thuật chăn nuôi gà, nuôi ba ba, nuôi tôm, trồng rau... Hội làm vườn đã đào tạo trong 3 năm 1999 - 2002 được gần 3000 hướng dẫn viên, từ đó huấn luyện kỹ thuật VAC cho trên 100.000 hội viên.

Để đào tạo trí thức nhằm cung ứng cán bộ có trình độ đại học cho các khu vực khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật, hành chính, sự nghiệp..., số trường đại học cũng như số sinh viên tăng lên rất nhanh. Tuy nhiên, cho đến nay, sự phân bố có thể chưa hợp lý, số trường cao đẳng và đại học tập trung nhiều nhất là vùng đồng bằng sông Hồng, sau đến là vùng Đông Nam Bộ. Sự tăng thêm các cơ sở đào tạo ở bậc học này chắc chắn phải tính đến các vùng đông dân cư mà còn ít trường lớp cao đẳng, đại học và cũng cần ưu tiên cho các vùng khó khăn.

Bảng 3: Sự phân bố các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ theo vùng.

VÙNG PHÂN BỐ
DÂN SỐ, % PHÂN BỐ CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO, %
Đồng bằng sông Cửu Long 21,1 7,4
Đông Nam Bộ 15,5 24,7
Tây Nguyên 5,5 2,1
Duyên hải Nam Trung Bộ 8,5 7,9
Bắc Trung Bộ 13,0 6,8
Đồng bằng sông Hồng 21,9 40,5
Miền núi và Trung du phía Bắc 14,5 10,5

(Nguồn: Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Sự phát triền hệ thống giáo dục đại học đang cho ra trường ngày càng nhiều những doanh nhân trẻ, bổ sung vào lực lượng quản lý và vận hành các doanh nghiệp.

Vào năm 2000, số doanh nghiệp Nhà nước chỉ còn 5280, (giảm đi 7020 doanh nghiệp so với năm 1989) thì trong lĩnh vực ngoài quốc doanh, số doanh nghiệp tăng lên rất nhanh. Nếu trong năm 1995 cả nước có 17.655 doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì đến cuối năm 2000, con số đó đã lên tới 47.000, đăng ký hoạt động dưới các dạng Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty tư vấn, Công ty cổ phần.

Trong số những nhà quản lý các doanh nghiệp, số người được đào tạo đại học và sau đại học tăng dần, cộng với hơn 250.000 cán bộ khoa học và công nghệ làm việc trong lĩnh vực này thì sẽ là một nguồn nhân lực có những đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế.

Về bồi dưỡng nhân tài, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lấn thứ 7 của Đảng, mục tiêu bồi dưỡng nhân tài của giáo dục được gắn liền với đào tạo nguồn nhân lực. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, khái niệm nhân tài được gắn liền với vấn đề phát triển đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ, quản lý, kinh doanh. Trong Cương lĩnh có đoạn viết: “Đào tạo, bồi dưỡng và phát huy mọi tiềm năng của đội ngũ tri thức để tạo nguồn lực trí tuệ và nhân tài cho đất nước. Đặc biệt coi trọng việc xây dựng một đội ngũ công nhân lành nghề, những nhà kinh doanh có tài, những nhà quản lý giỏi và những nhà khoa học, kỹ thuật có trình độ cao”.

Trước Đại hội VI, ở nước ta có phong trào xây dựng các trường chuyên, dành cho những học sinh phổ thông có năng khiếu về một môn học như Toán, Văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hoá học... Hàng năm, ngành giáo dục tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi. Hệ thống trường chuyên đã bồi dưỡng cho nhiều học sinh tham dự nhiều kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Số huy chương trong các kỳ thi Olympic do học sinh Việt Nam đoạt được ngày càng nhiều. Trong mấy năm qua, đã có trên dưới 1.000 học sinh năng khiếu được đào tạo, bồi dưỡng thành thạc sĩ, tiến sĩ.

Gần đây, Đại học Quốc gia Hà Nội đã mở “lớp đào tạo cử nhân khoa học tài năng” với những ưu tiên về tuyển chọn sinh viên giỏi, về chế độ học bổng, về trang thiết bị, về cán bộ giảng dạy để đào tạo nhân tài khoa học.

III. NHỮNG VẤN ĐỀ NHÂN LỰC PHẢI TÍNH ĐẾN TRONG NHỮNG NĂM TỚI.

1. Hệ thống giáo dục Việt Nam có nhiệm vụ hết sức to lớn là chuẩn bị nguồn nhân lực đủ sức chuyển nhanh nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp, đồng thời chuyển một số lĩnh vực sản xuất sang kinh tế tri thức.

Vấn đề bức xúc đặt ra là phải tiếp tục đổi mới tư duy giáo dục theo chiều sâu. Trước hết là phải xuất phát từ những tiền đề chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước, đồng thời nhận thức đầy đủ những yếu tố phi vật chất trong sản xuất và dịch vụ để xây dựng một hệ thống giáo dục mềm dẻo hơn, đa dạng hơn, tính khả thi cao hơn, để giúp cho mỗi con người luôn bám sát được những tiến bộ của công nghệ, không rơi vào thất nghiệp, được công bằng trong học tập và Nhà nước không bị lãng phí về nguồn lực. Nhân dân đòi hỏi nền giáo dục cho ra đời những sản phẩm có tầm trí tuệ cao hơn, có những phẩm chất đạo đức trong sáng hơn để sáng tạo ra một nước Việt Nam công nghiệp xã hội chủ nghĩa.

2. Nhu cầu học tập của người lớn tăng lên do sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động đang diễn ra theo nhịp độ công nghiệp hóa và sự mở rộng thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế. Người lớn bắt đầu đòi hỏi những hình thức học tập rất đa dạng để đáp ứng sự phát triển của các ngành nghề. Yêu cầu phát triển giáo dục cho người lớn buộc hệ thống giáo dục phải định hướng vào cách tổ chức học tập suốt đời.

3. Yêu cầu về nhân tài ở nước ta là rất cấp bách. Đào tạo, bồi dưỡng nhân tài luôn đi kèm với sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh... và bảo vệ đội ngũ nhân tài và thu hút nhân tài từ các nơi khác, trong điều kiện thế giới đang diễn ra cuộc chiến giành giật nhân tài. Đây là bộ phận hết sức quan trọng của nguồn nhân lực.

4. Khoảng cách trong phát triển thực chất là khoảng cách về tri thức. Với lý do đó, xây dựng xã hội học tập, tạo cho mỗi con người tìm được những cơ hội học tập, học một cách liên tục, để nâng cao và hoàn thiện tri thức là việc cần làm ngay trong hiện tại chứ không phải là trong tương lai. Chính vì vậy mà việc phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam cần được thực hiện theo tinh thần xã hội hóa, huy động đông đảo các lực lượng xã hội tham gia, để hình thành nguồn nhân lực đa dạng, với nhiều trình độ, nhiêù năng lực khác nhau, đáp ứng được những yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, của phát triển thị trường, của hội nhập kinh tế quốc tế...

5. Việc gia nhập AFTA và WTO với những thể chế chặt chẽ của các tổ chức này buộc phải nghiêm túc trong việc chuẩn bị con người, chuẩn bị nguồn nhân lực bằng các thiết chế giáo dục đủ năng lực cần thiết. Một nền giáo dục chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa là đủ điều kiện hàng đầu để chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Xu thế toàn cầu hóa đang lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia, vừa tạo ra những cơ hội và điều kiện phát triển, vừa đặt ra trước các quốc gia những thách thức lớn. Một nền giáo dục tạo ra được những năng lực nội sinh về KHCN, lại bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc sẽ làm cho quốc gia vững vàng, không bị tụt hậu trong trào lưu này./.

URL của bản tin này::http://www.hoikhuyenhoc.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=93

© TW Hội Khuyến học Việt Nam contact: khuyenhocvn@gmail.com